10 vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng và các vụ án điển hình trong năm 2018

Xét xử

Năm 2018, hệ thống TAND cả nước đã đưa ra xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng, xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh. Xin điểm lại Nhóm 10 vụ án điển hình nhất.

 

Các nội dung liên quan:

 

1. Vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm
Vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm

Đây là vụ án kinh tế lớn, được TAND tp Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm tháng 01/2018 với bị cáo Đinh La Thăng và 21 bị cáo đồng phạm. Quá trình điều tra cho thấy, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐ Thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), đã chỉ định Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng hơn 6,6 triệu USD, trên 1.312 tỷ đồng cho PVC để bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng sai mục đích không đưa vào dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng. Với hành vi này, TAND Thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Đinh La Thăng 13 năm tù. Các bị cáo đồng phạm khác trong vụ án bị tuyên phạt từ 03 năm đến 22 năm tù, buộc bồi thường số tiền Nhà nước bị thất thoát.

Ngoài ra, bị cáo Đinh La Thăng còn chỉ đạo cấp dưới góp vốn trái pháp luật vào Ngân hàng thương mại cổ phần Đại dương (Oceanbank) gây thất thoát cho Nhà nước 800 tỷ đồng. Tháng 3/2018, TAND thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm  tuyên phạt Đinh La Thăng 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp hình phạt của cả hai vụ án, bị cáo Đinh La Thăng phải chấp hành mức án là 30 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc bị cáo Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm liên đới bồi thường 800 tỉ cho cho PVN. Trong đó, bị cáo Đinh La Thăng, chịu trách nhiệm bồi thường 600 tỉ đồng vì là người phải chịu trách nhiệm chính.

Tháng 6/2018, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm, đã bác toàn bộ kháng cáo và y án sơ thẩm đối với Đinh La Thăng cùng 6 bị cáo đồng phạm khác.

2. Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC và Công tyCổ phần Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam – PVP Land.

Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm
Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm

 Cùng liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Đinh La Thăng, bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xây lắp dầu khí (PVC) và đồng phạm đã có hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản”, xảy ra tại PVC và Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam (PVP land). Cụ thế, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng trái phép, để nhận tạm ứng tiền từ PVN và sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng này vào mục đích khác, không đưa vào Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng. Ngoài ra, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, rút 13 tỷ đồng từ Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân.

Ở một diễn biến khác, với trách nhiệm quản lý tài sản là cổ phần của PVP land tại Công ty cổ phần Xuyên Thái Bình Dương, nhưng Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm đã thông đồng với các đối tượng liên quan, ký và thanh toán hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương thấp hơn mức gía đã thỏa thuận đặt cọc, tạo chênh lệch cổ phần trị giá 87 tỷ đồng (trong đó có tài sản Nhà nước). Giá trị tài sản các đối tượng chiếm đoạt là 49 tỷ đồng, trong đó Trịnh Xuân Thanh đã chiếm đoạt 14 tỷ đồng.

Tháng 01/2018, TAND Thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tù chung thân về tội “Tham ô tài sản”, tổng hợp hình phạt cho cả hai tội, bị cáo Trịnh Xuân Thanh phải chấp hành hình phạt là tù chung thân.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX TAND Thành phố Hà Nội tuyên buộc các bị cáo phải liên dới bồi thường số tiền thất thoát; riêng Trịnh Xuân Thanh phải bồi thường số tiền gần 35 tỷ đồng; kiến nghị cơ quan chức năng tiếp tục duy trì lệnh kê biên tài sản, bao gồm: Biệt thự, căn hộ, và phong tỏa tài khoản, sổ tiết kiệm của vợ chồng Trịnh Xuân Thanh để đảm bảo thi hành bản án.

3. Vụ án Phan Văn Vĩnh (nguyên Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao), Nguyễn Văn Dương và đồng phạm phạm tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bạc”,“Đánh bạc”, “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Rửa tiền”, “Đưa hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và một số địa phương.

 Vụ án Phan Văn Vĩnh (nguyên Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao), Nguyễn Văn Dương và đồng phạm

Đây là vụ án lợi dụng công nghệ cao, tổ chức đánh bạc qua mạng internet có quy mô và giá trị có thể xem là lớn nhất từ trước đến nay với 92 bị cáo phạm tội, trong đó có 02 cựu tướng Công an. Tổng số tiền thu lời bất chính từ game bài đánh bạc là gần 10 nghìn tỷ đồng, các bị cáo hưởng lợi trên 4.700 tỷ đồng. Qua game đánh bạc này, các bị cáo đã lôi kéo hàng nghìn người chơi, khiến nhiều ngưới táng gia bại sản, lâm vào cảnh nợ nần, bế tắc, không có khả năng thanh toán. Các cơ quan chức năng đã tạm giữ, kê biên tài sản của các bị cáo và người có liên quan trên 1.300 tỷ đồng. Tháng 11/2018, TAND tỉnh Phú Thọ đã mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt Phan Văn Vĩnh, nguyên Trung tướng, cựu Tổng Cục trưởng Tổng Cục cảnh sát 09 năm tù; Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an 10 năm tù…cùng về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Về hình phạt bổ sung, mỗi bị cáo bị phạt tiền 100 triệu đồng.

Bị cáo Phan Sào Nam, cựu chủ tịch VTC online bị tuyên phạt 05 năm tù về hai tội “Tổ chức đánh bạc” và tội “Rửa tiền” và phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính là 1.500 tỷ đồng. Cựu chủ tich CNC Nguyễn Văn Dương bị tuyên phạt 10 năm tù cùng về hai tội Tổ chức đánh bạc và rửa tiền, phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính là 1.700 tỷ đồng. 88 bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ cải tạo không giam giữ, án treo đến 03 năm tù; phạt tiền từ 40 triệu đồng về các tội tổ chức đánh bạc, đánh bạc, rửa tiền, mua bán trái phép hóa đơn, sử dụng mạng internet chiếm đoạt tài sản.

4. Vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Ngân hàngThương mại cổ phần Đại Dương – Ocean Bank.

Vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm
Vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm

Trong thời gian làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại dương (Oceanbank), Hà Văn Thắm chỉ đạo các đồng phạm chi lãi ngoài trên 1.500 tỷ đồng phục vụ cho nhóm lợi ích của lãnh đạo Oceanbank, vi phạm quy định pháp luật, vi phạm quy định về trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ, dẫn đến Oceanbank thất thoát vốn và bị phá sản. Vụ án này, còn liên quan đến các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Hứa Thị Phấn, Phạm Công Danh và các đồng phạm khác.

Tháng 08/2017 Hà Văn Thăm cùng 50 bị cáo bị đưa ra xét xử sơ thẩm tại TAND Tp Hà Nội với các tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay của các tổ chức tín dụng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Tham ô tài sản”…Hội đồng xét xử TAND Thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Hà Văn Thắm tù chung thân; Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng giám đốc Oceanbank, tử hình; Nguyễn Minh Thu, cựu Tổng giám đốc Oceanbank, 22 năm tù; Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh 14 năm tù; Hứa Thị Phấn, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Phú Mỹ 17 năm tù… Các bị cáo khác trong vụ án bị tuyên phạt từ 36 tháng đến 22 năm tù. ĐHXX còn tuyên buộc các bị cáo Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu phải liên đới trách nhiệm bồi thường số tiền mà Oceanbank thất thoát, trong đó Hà Văn Thắm phải bồi thường 847 tỷ đồng, Nguyễn Xuân Sơn hơn 200 tỷ đồng, Nguyễn Minh Thu 50 tỷ đồng.

Tháng 05/2018, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã xét xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm đối với Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Minh Thu, Hứa Thị Phấn, Phạm Công Danh, xét giảm án đối với một số bị cáo trong vụ án.

5. Vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á – DAB.

Vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm
Vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm

Trần Phương Bình, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á đã chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc 1.160 tỷ đồng để mua 74,2 triệu cổ phần Ngân hàng Đông Á, xuất quỹ 497,8 tỷ đồng để mua 13,4 triệu USD chuyển cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ nhôm) và mua cổ phần Đông Á. Ngoài ra, bị cáo Trần Phương Bình chỉ đạo thuộc cấp thực hiện 9 hành vi trái pháp luật, như: Xuất quỹ chi lãi ngoài sai nguyên tắc 467,8 tỷ đồng; chi trên 55 tỷ đồng để tất toán các khoản vay cá nhân; thu khống trên 31 tỷ đồng thanh toán tiền hợp đồng mua trước quyền nhận tiền bán chứng khoán; xuất khẩu vàng trái phép gây thiệt hại trên 600 tỷ đồng; kinh doanh ngoại hối trái phép làm Ngân hàng thiệt hại gần 400 tỷ đồng…

Hành vi của Trần Phương Bình đã phạm hai tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” gây thất thoát trên 2000 tỷ đồng, và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” gây thiệt hại trên 1.500 tỷ đồng. Tháng 12/2018, TAND Tp Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử Trần Phương Bình cùng đồng phạm, đã tuyên phạt Trần phương Bình tù chung thân; Tuyên phạt Nguyễn Thị Kim Xuyến (nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á) 30 năm tù về hai tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) bị tuyên phạt từ 17 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp với bản án cũ mà bị cáo Vũ đã bị tuyên trước đó (8 năm tù) nên tổng mức hình phạt là 25 năm tù, tuyên bị cáo nộp 100 triệu đồng xung quỹ nhà nước. Các bị cáo khác trong vụ án bị tuyên phạt từ 6 năm đến 16 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo Trần Phương Bình bình bồi thường cho ngân hàng Đông Á hơn 27.000 lượng vàng SJC, gần 1.500 tỉ đồng; bị cáo Phan Văn Anh Vũ phải bồi thường hơn 203 tỉ đồng. Bị cáo Bình và Vũ liên đới bồi thường cho DongA Bank hơn 52 tỉ đồng. Bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến bồi thường 34 tỉ đồng cho ngân hàng Đông Á. HĐXX kiến nghị tiếp tục kê biên toàn bộ số cổ phần đứng tên tập thể và cá nhân có liên quan để đảm bảo thi hành án.

6. Vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Bắc Nam 79 và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á – DAB.

Vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm
Vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm

Tháng 07/2018, TAND Tp Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Tức Vũ “nhôm”) về tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” theo Điều 263 BLHS. Vụ án còn có các bị cáo Phan Hữu Tuấn, cựu Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục 5 và Nguyễn Hữu Bách, nguyên cán bộ Bộ Công an. Để đảm bảo an ninh theo quy định, phiên tòa được xét xử kín và công khai phần tuyên án. Trước đó, ngày 21/12/2017, Cơ quan điều tra khám xét nhà riêng của Vũ ở Đà Nẵng thì Vũ đã bỏ trốn sang Singapore. Chiều 4/1/2018, Bộ Công an đã tiếp nhận, bắt bị can Vũ để điều tra, ngay khi đối tượng này bị phía Singapore trục xuất về nước.

Căn cứ hành vi của các bị cáo và quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử đã  tuyên phạt bị cáo Phan Văn Anh Vũ 8 năm tù, Phan Hữu Tuấn 7 năm tù và Nguyễn Hữu Bách 6 năm tù về tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”. Liên quan đến hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản làm thất thoát 2000 tỷ đồng trong vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Đông Á, Vũ nhôm còn bị TAND Thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt 17 năm tù vào tháng 12/2018; Tổng hợp hình phạt Phan Văn Anh Vũ phải chấp hành là 25 năm tù, phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường dân sự về số tiền thất thoát do bị cáo gây ra.

Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục khởi tố đối với Vũ “nhôm” về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để điều tra làm rõ vi phạm pháp luật của Vũ “nhôm” và các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc mua, bán các nhà, đất công sản tại địa bàn TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác.

7. Vụ án Châu Thị Thu Nga và đồng phạm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công tyCổ phần Tập đoàn Ðầu tư xây dựng nhà đất – Housing Group.

Vụ án Châu Thị Thu Nga và đồng phạm
Vụ án Châu Thị Thu Nga và đồng phạm

Tháng 10/2017, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Châu Thị Thu Nga  – nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất Housing Group cùng 9 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bản án sơ thẩm kết luận bị cáo Nga đã lừa đảo chiếm đoạt 348 tỉ đồng của khoảng 700 khách hàng và tuyên phạt bị cáo Châu Thị Thu Nga tù chung thân, buộc bị cáo Nga phải bồi thường 54 tỷ đồng cho hàng trăm người bị hại.

Từ năm 2009 đến tháng 11-2010, dự án B5 Cầu Diễn chưa được giao cho Liên danh Công ty Housing Group và Công ty HAIC làm chủ đầu tư, dự án này chưa được phê duyệt quy hoạch điều chỉnh, chưa có giấy phép xây dựng và chưa được phép huy động vốn…nhưng Châu Thị Thu Nga vẫn chỉ đạo thuộc cấp đưa thông tin sai sự thật về tình trạng pháp lý lên cổng thông tin điện tử của liên danh, lừa  ký 752 hợp đồng góp vốn để thu hơn 377 tỉ đồng và không thực hiện cam kết với khách hàng. Trong quá trình điều tra, bị cáo Nga cùng đồng phạm mới trả lại gần 29 tỉ đồng cho 43 người đăng ký mua nhà. Hơn 348 tỉ đồng còn lại, Nga đã chiếm đoạt và sử dụng.

Tháng 04/2018, TANDCC tại Hà Nội xét xử phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm (tuyên án chung thân) đối với bị cáo Châu Thị Thu Nga về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, đồng thời Tòa cấp cao cũng quyết định sửa một phần bản án sơ thẩm, giảm một phần hình phạt hoặc cho hưởng án treo đối với 8 bị cáo còn lại.

8. Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng – VNCB.

Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm
Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm

TAND TP Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Công Danh, cựu Chủ tich HĐQT, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây dựng (VNCB) và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Danh đã chỉ đạo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) và các bị cáo dưới quyền dùng tiền của VNCB đảm bảo cho 29 lượt công ty (do Danh thành lập, hoặc đi mượn) vay hơn 6.100 tỷ đồng tại ngân hàng Sacombank, BIDV và TPBank. Do các công ty của ông Danh không thể trả được nợ, đã khiến VNCB thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng. Vụ án này còn liên quan đến các bị cáo, bị can Trầm Bê, Hứa Thị Phấn và một số bị cáo khác. Đây là một vụ án kinh tế phức tạp, được HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung và tiến hành xét xử thành hai giai đoạn.

TAND TP HCM xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Phạm Công Danh 20 năm tù, tổng hợp với hình phạt của bản án giai đoạn một là 30 năm tù; tuyên phạt bị cáo Trầm Bê  4 năm tù; 44 đồng phạm còn lại lĩnh 2 năm tù (nhưng cho hưởng án treo) đến 10 năm tù cùng về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tại phiên xử phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã bác kháng cáo của các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, giữ nguyên toàn bộ bản án sơ thẩm ngày 09/09/2016 của TAND TP HCM. Đồng thời, HĐXX còn tuyên các bị cáo phải chịu trách nhiệm bồi thường hàng nghìn tỷ đồng cho các tổ chức, nhà nước; tiếp tục kê biên nhà đất, phong tỏa tài khoản của Phạm Công Danh và đồng phạm để bảo đảm thi hành án.

9. Vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín – TrustBank.

Vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm
Vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm

Giữ chức vụ cố vấn cao cấp, có nhiệm vụ tư vấn cho thường trực HĐQT về công tác quản trị và hoạch định chiến lược phát triển kinh doanh của Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), Hứa Thị Phấn cùng Công ty CP đầu tư phát triển Phú Mỹ và 14 cá nhân có quan hệ gia đình và họ hàng, đứng tên giúp bà Phấn (gọi tắt là nhóm Phú Mỹ), đã mua hơn 254,7 triệu cổ phần, tương đương 2.547 tỉ đồng, chiếm 84,92 % vốn điều lệ Ngân hàng Đại Tín.

Lợi dụng việc là cổ đông lớn, nắm quyền chi phối, thu tóm toàn bộ hoạt động của HĐQT, ban điều hành và cán bộ nhân viên Ngân hàng Đại Tín và hai chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang, bị cáo Phấn đã chỉ đạo nhân viên ngân hàng thực hiện các hành vi trái pháp luật để rút tiền, chiếm đoạt, sử dụng trái phép luật gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín hàng ngàn tỉ đồng.Thông qua các bị cáo khác, Phấn chỉ đạo Công ty TrustAsset (thuộc Ngân hàng Đại Tín, không có chức năng thẩm định giá) thẩm định giá, nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch sở hữu của bà Phấn lên 1.268 tỉ đồng, cao gấp 8 lần giá thị trường, rồi chỉ đạo việc mua bán lòng vòng căn nhà, sau đó bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 1.105 tỉ đồng. Ngoài ra, bà Phấn còn bị truy tố về hành vi hạch toán thu chi khống vi phạm các quy định của pháp luật.

Tổng số tiền bị cáo Hứa Thị Phấn chỉ đạo thu khống để sử dụng bất hợp pháp hơn 5.256 tỉ đồng. Số tiền này liên quan đến hồ sơ cho Công ty cổ phần đầu tư Phương Trang vay nhưng bà Phấn đã không giải ngân đủ cho Công ty Phương Trang, đến nay thất thoát, không thu hồi được.

Ngày 31/5/2018, TAND TP.HCM đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Hứa Thị Phấn 30 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại trên 16.000 tỉ đồng.Các bị cáo khác bị phạt từ 2 năm đến 28 năm tù, liên đới bồi thường số tiền thất thoát trong vụ án. Tháng 11/2018, TANDCC tại TP HCM xét xử phúc thẩm, đã bác toàn bộ kháng cáo của Hứa Thị Phấn và một số bị cáo khác, giữ nguyên mức án sơ thẩm đối với bị cáo Hứa Thị Phấn, tuyên phạt mức án 20 năm tù đối với hành vi Lạm dụng tín nhiệm, 20 năm tù cho hành vi cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù (đã tổng hợp thêm hình phạt 17 năm tù ở vụ án ở Oceanbank). Bị cáo Phấn phải bồi hoàn số tiền trên 16.000 tỷ đồng.

10. Vụ án Huỳnh Công Thiện và đồng phạm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Tây Sài Gòn.

Vụ án Huỳnh Công Thiện và đồng phạm
Vụ án Huỳnh Công Thiện và đồng phạm

Huỳnh Công Thiện (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại Giao dịch xuất nhập khẩu Thiện Linh), Phan Mộng Hoàng (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phi Long) và 5 chủ doanh nghiệp khác đã có hành vi phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Với thủ đoạn sử dụng pháp nhân nhiều công ty, “vẽ” dự án kinh doanh, lập khống hồ sơ vay vốn, Thiện đã ký 7 hợp đồng với BIDV Tây Sài Gòn, vay gần 218 tỉ đồng và 1,162 triệu USD. Những dự án kinh doanh Thiện mang đến ngân hàng thế chấp đều là dự án ảo (dự án trên giấy). Nhóm Thiện dùng tiền vay từ hợp đồng sau thanh toán cho hợp đồng trước. Tính đến cuối năm 2015, Thiện còn nợ BIDV Tây Sài Gòn 157,8 tỉ đồng cùng 421.322 USD (tiền gốc). Trong khi tài sản thế chấp các khoản vay này chỉ được định giá là 84,5 tỉ đồng. 6 bị cáo khác là chủ doanh nghiệp đồng phạm với Thiện khi ký nhiều giấy tờ, chứng từ hợp thức hóa hồ sơ vay tiền ngân hàng.

Về phía nhân viên ngân hàng, bị cáo Hoàng Thái Hà tư vấn, hướng dẫn Thiện sử dụng doanh nghiệp do người khác đứng tên làm thủ tục vay vốn. Khi thẩm định, Hà vẫn đánh giá những công ty trên độc lập và đồng ý ký hợp đồng tín dụng; ký xác nhận vào biên bản kiểm tra sử dụng vốn… Hoàng Thị Bích Hồng và Tạ Minh Nguyệt sai phạm trong quá trình thụ lý, đánh giá, thẩm định hồ sơ vay vốn, hồ sơ giải ngân và kiểm tra sau giải ngân. Hành vi trên khiến ngân hàng giải ngân cho Thiện gần 218 tỉ đồng và 1,162 triệu USD.

Tháng 10/2018, TAND TP HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án, HĐXX đã tuyên phạt Huỳnh Công Thiện tù chung thân; Phan Thị Thu Huệ (nguyên giám đốc Công ty Huệ Phát) 12 năm tù cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Năm đồng phạm khác của Thiện lãnh từ 3 đến 4 năm tù về tội danh này.

Bị cáo Hoàng Thái Hà (nguyên trưởng Phòng Quan hệ khách hàng BIDV Tây Sài Gòn) bị phạt 8 năm tù; Hoàng Thị Bích Hồng và Tạ Minh Nguyệt (nguyên nhân viên BIDV Tây Sài Gòn) cùng bị tuyên phạt 5 năm tù về tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Ngoài ra, hai bị cáo Huỳnh Công Thiện và Phan Thị Thu Huệ còn buộc phải bồi thường cho BIDV Tây Sài Gòn hơn 350 tỉ đồng.

Hà Cầm Phong (tổng hợp)

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn)

2/5 - (2 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.