Thuở sinh viên, chúng ta bị áp lực bởi rất nhiều thứ như học hành, thi cử. Đôi khi những việc đó có thể dẫn đến “quá tải” cho đầu óc. Nhưng chỉ bằng cách thay đổi lối sống, cách tư duy, bạn có thể tái tạo lại sức sống cho não bộ và nâng cao tinh thần hiệu quả đến không ngờ.
Các nội dung liên quan:
- Là một sinh viên luật, bạn đã biết cách làm bài thi?
- 06 điều sinh viên luật nên làm ngay khi còn trên ghế giảng đường
- 07 lời khuyên giúp bạn trụ vững tại trường luật
- 08 thói quen hàng ngày cực kỳ bổ ích cho dân luật
Chúng ta đang sống trong thế giới có quá nhiều thông tin so với những gì não bộ có thể tiếp cận được. Thực tế, não của chúng ta là một “bộ máy” với tiềm năng to lớn đến mức chưa ai có thể đo lường được hết, nhưng nó lại thường xuyên bị “quá tải” do chúng ta không biết “vận hành” đúng cách.
Harold Kushener đã từng nói: “Hãy suy nghĩ về cuộc sống như một cuốn sách hay. Bạn càng tiếp cận sâu vào nó, bạn càng cảm thấy no có ý nghĩa”. Vì thế, đừng giới hạn khả năng của bộ não chỉ vì bạn cảm thấy mệt mỏi. Thay đổi lối sống, thay đổi cách suy nghĩ là thay đổi sức khỏe cho não bộ.
Nếu không tin, bạn có thể áp dụng những điều dưới đây để đối phó với những lúc bộ não chợt “đình công”:
Bí kíp đầu tiên: Xây dựng khung giờ làm việc đạt hiệu quả cao nhất
Nếu bạn không biết thì nhà văn Balzac thường chỉ làm việc vào ban đêm và phải uống hết 30 tách cà phê trong khi Hemingway dậy từ 5:30 mỗi ngày và miệt mài làm việc cho đến giữa trưa. Mỗi người có một khung giờ mà ở đó họ đạt được sự tập trung cao độ nhất. Tại sao bạn không thử đặt cho mình một “giờ vàng” như thế?
Để đạt được điều đó, ngoài việc xác định được khả năng tập trung của não bộ thì bạn cũng phải cho nó nghỉ ngơi khi không cần thiết. Đừng suy nghĩ quá nhiều ngoài giờ làm việc, hãy chỉ tập trung vào những việc thực sự quan trọng. Nếu bạn không có thời gian linh hoạt được như những nghệ sĩ trên thì hãy tìm việc nào quan trọng nhất, đặt nó vào khung giờ mà bạn cảm thấy mình tỉnh táo và tập trung nhất. Việc tìm ra thói quen và đặt thời hạn cho não bộ sẽ giúp bạn nâng cao năng suất và chất lượng làm việc hơn rất nhiều.
Bí kíp thứ hai: Xác định một mục tiêu để theo đuổi
Tom Path, tác giả của cuốn sách “Are You Fully Charged” cho biết: “Khả năng hoàn thành công việc của bạn sẽ tăng lên 250% nếu bạn được làm những việc có mục tiêu rõ ràng”. Dù bạn thích viết lách, vẽ tranh, nhiếp ảnh, hay bất kỳ loại hình công việc nào thì mục tiêu, sự đam mê chính là động lực để não bộ sẵn sàng mỗi ngày.
Điều quan trọng hơn cả, là việc bạn làm nên có một mục tiêu ý nghĩa, tập trung vào những điều khiến cuộc sống tốt đẹp hơn, đáng giá hơn. Khi bạn yêu thích việc mình làm thì thời gian, giới hạn, quy tắc hay bất kỳ áp lực nào cũng không thể cản trở bạn tìm đến cái đích cuối cùng. Tâm trí bạn sẽ chỉ tập trung cho một mục tiêu duy nhất, không phải chờ đợi, chán nản, mất phương hướng… Đó là khi nó phát huy được năng lực của mình một cách tốt nhất.
Nếu bạn chưa tìm được mục tiêu ý nghĩa mà mình đam mê theo đuổi thì có thể bắt đầu bằng những việc nhỏ trong ngày, những mục tiêu của tuần, của tháng. Bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt ngay thôi.
Bí kíp thứ ba: Hãy để đầu óc được tự do sáng tạo
Đừng nghĩ là chỉ những ngành nghề liên quan đến nghệ thuật mới có khái niệm sáng tạo. Sáng tạo là một phạm trù mà ở đó, chúng ta được thể hiện mình và được tìm thấy chính mình. Chúng ta có thể biết nhiều nhưng để nói về sáng tạo, thì chúng ta – những người trưởng thành thua kém những đứa trẻ rất nhiều.
Trẻ em vui vẻ thử nghiệm những ý tưởng của mình mà không hề e ngại, không sợ nó xấu xí hay kém hoàn hảo. Chúng không lo lắng sẽ thất bại, sẽ bị chê bai hay dè bỉu. Còn chúng ta thì ngược lại. Lo sợ được mất chính là điều ngăn chúng ta tiến tới cái đích thành công. Vì vậy hãy luôn để đầu óc chúng ta được tự do sáng tạo.
Picasso đã thực hiện 50.000 tác phẩm nghệ thuật trong cuộc đời mình. Mozart đã sáng tác hơn 600 bài trong suốt cuộc đời của ông còn Charles Schulzmade đã vẽ hơn 17.897 câu chuyện về cậu bé Charlie Brown trước khi chết. Họ là nghệ sĩ ư? Đúng. Nhưng điều quan trọng hơn là họ không ngừng sáng tạo, luôn luôn phấn đấu để hoàn thiện mình. Điều này thì không cần là nghệ sĩ chúng ta cũng có thể thực hiện, đúng không?
Bí kíp thứ tư: Có những hình mẫu để học tập
Hãy tìm kiếm càng nhiều càng tốt cho sự nghiệp của bạn. Đọc sách, xem phim, tìm cảm hứng trên internet, tham khảo chuyên môn những người nổi tiếng trong ngành… không điều gì là phí phạm cả.
Tất nhiên, sẽ có trường hợp bạn bị ảnh hưởng bởi thành quả của họ, sự ngưỡng mộ khiến bạn trở thành một sản phẩm phái sinh của họ nhưng rõ ràng, cảm hứng thường được tìm thấy từ chính thế giới xung quanh còn gì. Ở đây, chúng tôi không khuyến khích hành vi đạo nhái mà đề nghị bạn nên có những hình mẫu để theo đuổi và học tập. Điều này ắt sẽ khiến bộ não trở nên “phấn khích” hơn rất nhiều.
Bí kíp thứ năm: Hãy thử đi lại nhiều hơn
Giáo sư Jonathan Schooler từ Đại học California đã nghiên cứu hoạt động của sóng não trong quá trình sáng tạo và thấy rằng, đi đi lại lại sẽ kích hoạt sóng não này mạnh hơn là ngồi im một chỗ. Ngay cả Beethoven và Tchaikovsky cũng đều tin rằng, đi bộ 2h/ngày giúp họ sáng tạo hơn, làm ra những tác phẩm âm nhạc độc đáo hơn.
Bạn có thể đi bộ trong không gian xanh hoặc chợp mắt khoảng 10 – 20 phút để khôi phục lại hoạt động của não bộ và nâng cao khả năng ghi nhớ cũng như tập trung.
Bí kíp thứ sáu: Đưa ra các thử thách cho não bộ
Hoạt động thể chất và tinh thần là những cách đáng tin cậy nhất để thúc đẩy sự phát triển thần kinh (sự ra đời của các nơ-ron mới trong não). Luyện tập trí óc bằng các trò chơi trí tuệ làm tăng tỷ lệ neurogenesis của não, giúp tăng tốc độ hình thành các tế bào não mới và hình thành các kết nối thần kinh.
Hãy nhớ rằng, các nơ-ron được cơ thể sản xuất trong thời kỳ trưởng thành sẽ đặc biệt tốt cho học tập và trí nhớ, nhưng bạn phải sử dụng chúng liên tục nếu không chúng sẽ chết trong vòng vài tháng. Các hoạt động trí não nên được áp dụng thường xuyên và đa dạng, với độ phức tạp hợp lý để não luôn được vận động. Và đặc biệt, chúng phải là những thử thách mới, và gây được hứng thú!
Bài viết được chia sẻ bởi Nguyễn Văn Thắng (sinh viên năm 3, khoa Luật, trường Đại học Vinh) trong Diễn đàn Sinh viên Việt Nam tháng 3 năm 2017).
Để lại một phản hồi