Quyền tiếp cận thông tin là gì?
Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự, chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền năm 1948.
Điều 19 của Tuyên ngôn này quy định: “Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia” và tại Khoản 2 Điều 19 Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966 quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận”. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ.
Hai văn kiện này là nền tảng cho việc ghi nhận các quyền cơ bản của con người về dân sự, chính trị, mà quyền tiếp cận thông tin được coi là quyền cơ bản nhất trong nhóm các quyền dân sự, chính trị đó, và rất nhiều công ước quốc tế sau này tiếp tục ghi nhận.
Quyền tiếp cận thông tin là quyền của cá nhân, công dân tiếp cận các thông tin do cơ quan nhà nước nắm giữ hoặc thông tin do cơ quan hành chính nắm giữ.