Bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thể hiện tính chất đặc biệt, cấp bách của việc ngăn chặn tội phạm, đồng thời góp phần ngăn ngừa không cho các đối tượng bị nghi thực hiện tội phạm gây khó khăn cho các hoạt động điều tra. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình áp dụng quy định này trong BLTTHS năm 2015 đã nảy sinh một số bất cập cần được hướng dẫn kịp thời.
Qua thực tiễn giải quyết những vụ án giết người nói chung và vụ án hình sự nói riêng tại VKSND tỉnh Bình Phước, chúng tôi thấy có những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng các quy định của BLTTHS năm 2015 về giữ người trong trường hợp khẩn cấp như sau:
Về thẩm quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp
Theo quy định tại khoản 2 Điều 110 BLTTHS năm 2015, những người sau đây có quyền ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp:
a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp;
b) Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương, Đồn trưởng Đồn biên phòng, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực truộc trung ương, Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng Bộ đội biên phòng, Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng; Tư lệnh vùng lực lượng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật lực lượng Cảnh sát biển, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy lực lượng Cảnh sát biển; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng;
c) Người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 110 BLTTHS năm 2015, thì những người có thẩm quyền quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này có quyền ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó.
Riêng đối với những người quy định tại điểm c khoản 2 Điều này, sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, phải giải ngay người bị giữ kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp đến Cơ quan điều tra nơi có sân bay hoặc bến cảng đầu tiên tàu trở về. Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi tiếp nhận người bị giữ, Cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp hoặc trả tự do ngay cho người đó. Điều này cho thấy những người quy định tại điểm c khoản 2 Điều 110 BLTTHS năm 2015 không được quyền ra quyết định tạm giữ.
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 117 BLTTHS năm 2015 quy định: “Những người có thẩm quyền ra lệnh giữ người quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra quyết định tạm giữ” là trái với quy định tại khoản 4 Điều 110.
Về trình tự thực hiện việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp
Theo quy định tại khoản 4 Điều 110 BLTTHS năm 2015 thì: “Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó…”.
Theo quy định trên, có thể hiểu về trình tự giữ người trong trường hợp khẩn cấp như sau:
Việc thi hành lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải thực hiện sau lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, lệnh bắt giữ người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải thực hiện trước khi có quyết định tạm giữ (khi có quyết định tạm giữ thì người bị tạm giữ mới được đưa vào nhà tạm giữ) và luật không quy định sau khi ra quyết định tạm giữ bao lâu thì ra lệnh bắt giữ người, hay ra song song hai quyết định một lúc.
Theo trình tự tố tụng thì lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp được thực hiện tại nhà tạm giữ, quyết định tạm giữ của Cơ quan điều tra gửi đến Giám thị nhà tạm giữ/trại tạm giam để thi hành (khi có quyết định tạm giữ thì người bị tạm giữ được đưa vào nhà tạm giữ). Nhưng thực tế, theo trình tự tố tụng trên thì việc thi hành lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp không phải được thực hiện tại nhà tạm giữ mà thực hiện tại trụ sở Cơ quan điều tra hoặc tại một địa điểm khác.
Thực tiễn xảy ra mâu thuẫn khi lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, biên bản giữ người và việc áp giải người trong trường hợp khẩn cấp đến Cơ quan điều tra nhưng khi thi hành lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thực hiện tại Công an phường, xã, thị trấn nơi tội phạm xảy ra.
Một vấn đề nữa cũng đặt ra là khi Cơ quan điều tra trực tiếp ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, đã tiến hành lập biên bản giữ người thì có cần thiết vừa phải ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp nữa hay không? Vì hai lệnh này chỉ khác nhau ở thẩm quyền của những người quy định tại điểm c khoản 2 Điều 110 BLTTHS năm 2015. Theo chúng tôi, trong trường hợp Cơ quan điều tra là người ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Cơ quan điều tra tiến hành lấy lời khai ngay, khi có đủ căn cứ thì ra quyết định áp giải người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đến nhà tạm giữ/trại tạm giam và quyết định tạm giữ.
Về thời hạn được tính đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp hiện nay cũng còn nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau
Đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, thời gian bắt, giữ được ghi trong biên bản giữ người, lệnh giữ người, lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và quyết định tạm giữ có cùng thời gian hay không?
Ví dụ, qua thực tiễn kiểm sát điều tra vụ án giết người xảy ra ngày 11/3/2018 tại ấp 2, xã T, thị xã Đ, tỉnh B cho thấy, biên bản giữ người trong trường hợp khẩn cấp được Cơ quan điều tra lập vào lúc 22 giờ 20 phút ngày 14/3/2018, đến 01 giờ 00 ngày 15/3/2018 ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ và biên bản bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp lúc 11 giờ ngày 15/3/2018.
Như vậy, tính từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp đến khi ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là không quá 12 giờ, đảm bảo theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp đến khi ra quyết định tạm giữ là gần 3 giờ và từ khi ra quyết định tạm giữ đến khi ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp là 09 giờ thì có đảm bảo theo quy định pháp luật không? Thời gian tạm giữ được trừ vào thời gian tạm giam, nhưng thời gian bị giữ khi chưa có quyết định tạm giữ thì như thế nào? Nếu không được tính vào thời hạn tạm giữ để được trừ vào thời hạn tạm giam thì ảnh hưởng đến quyền của người bị tạm giữ. Đây là vấn đề vướng mắc trong thực tiễn áp dụng luật; bởi lẽ, thời điểm giữ người trong trường hợp khẩn cấp phát sinh trước khi có quyết định tạm giữ.
Từ những điểm bất cập nêu ở trên, chúng tôi kiến nghị liên ngành tố tụng trung ương cần có hướng dẫn để áp dụng thống nhất thực hiện, đó là:
– Về thẩm quyền quyết định tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp theo khoản 2 Điều 117 BLTTHS năm 2015 cần quy định loại trừ những người được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 110 BLTTHS năm 2015.
– Về thời hạn quyết định tạm giữ đối với người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải được tính từ khi lập biên bản giữ người trong trường hợp khẩn cấp, có như thế mới đảm bảo quyền của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp. Bởi vì, từ khi bị giữ họ đã bị hạn chế một số quyền công dân như: Tự do đi lại, phát ngôn…; đồng thời, nếu trường hợp Viện kiểm sát không phê chuẩn quyết định bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp của Cơ quan điều tra và sau này không có căn cứ xử lý hình sự người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, trường người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp yêu cầu bồi thường, mới có cơ sở xác định trách nhiệm cũng như căn cứ để bồi thường./.
(Trích bài viết:“Những vướng mắc khi áp dụng quy định về giữ người trong trường hợp khẩn cấp và thủ tục bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp ” của Thạc sĩ Nguyễn Quốc Hân, Trưởng phòng 1, VKSND tỉnh Bình Phước. Tạp chí Kiểm sát số 15/2018).
Để lại một phản hồi