Dự thảo của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân về HP mới đây đã bổ sung phương án chuyển thẩm quyền giải thích luật từ Ủy ban Thường vụ QH sang TAND Tối cao, đồng thời giao TAND Tối cao nhiệm vụ phát triển án lệ. Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu bài phân tích của LS Nguyễn Hưng Quang về vấn đề này.
Các nội dung liên quan:
- Quyền và nghĩa vụ giải thích luật của Tòa án – từ góc nhìn luật so sánh và trong bối cảnh áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Án lệ – Một số vấn đề về giải thích pháp luật ở Việt Nam
- Giải thích pháp luật ở Việt Nam – Một số vấn đề lý luận, thực trạng và giải pháp
- Thực hiện pháp luật, áp dụng pháp luật và giải thích pháp luật
Phương án chuyển thẩm quyền giải thích luật từ Ủy ban Thường vụ QH sang TAND Tối cao trong bản dự thảo tiếp thu ý kiến góp ý HP đang làm nóng trở lại cuộc tranh luận về vấn đề giải thích luật, vốn vẫn âm ỉ lâu nay trong giới lý luận.
Hơn 20 năm mới chỉ giải thích hai lần
Tranh luận bắt đầu ngay từ khi HP 1959 ra đời, tiếp đó là HP 1980 và HP 1992 hiện hành giao Ủy ban Thường vụ QH quyền giải thích luật do QH ban hành. Có lẽ những bản HP này đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của HP Liên Xô cũ, thể hiện rõ ở thiết kế tổ chức quyền lực nhà nước. Không chấp nhận nguyên tắc phân quyền, cả ba bản HP xác định QH – giống như Xô-viết Tối cao, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; Ủy ban Thường vụ QH – cũng giống như Đoàn chủ tịch Xô-viết Tối cao, là cơ quan thường trực của QH. Quyền giải thích luật được coi là phái sinh từ quyền lập pháp, thuộc trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ QH.
Hơn 20 năm qua, Ủy ban Thường vụ QH mới chỉ hai lần giải thích luật. Vào năm 2005, giải thích một điều khoản của Luật Thương mại về thời hiệu khởi kiện và vào năm 2006, giải thích giá trị pháp lý của “quyết định, chỉ thị” của Tổng kiểm toán, được quy định tại Luật Kiểm toán nhà nước.
Việc ít giải thích luật như vậy rõ ràng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của cuộc sống. Bởi luật pháp dù được xây dựng công phu, ban hành liên tục cũng không thể tránh khỏi tình trạng chồng chéo và khoảng trống giữa các quy định. Điều đó càng đúng với hoạt động lập pháp nước ta hiện nay, khi nhiều văn bản quy phạm còn mang tính “khung”, “định hướng” để cơ quan quản lý dễ dàng sửa đổi, bổ sung bằng các văn bản dưới luật, dễ dẫn đến cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng luật.
Dân cứ chờ, quan chẳng vội
Bất cập đó biểu hiện khá rõ ngay trong sinh hoạt QH. Năm 2009, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, tỉnh Lâm Đồng từng chê trách Ủy ban Thường vụ QH có quyền giải thích luật nhưng trong nhiều trường hợp lại “dân cứ chờ, quan chẳng vội”. Dẫn chứng là sự vênh nhau giữa Luật Đất đai và Luật Khiếu nại, tố cáo (trước đây) liên quan đến quy định giải quyết khiếu nại về đất đai khiến cho cả người dân, chính quyền và tòa án các cấp lúng túng, quyền lợi liên quan đến đất đai của người dân nhiều nơi bị treo lửng lơ.
Khiếm khuyết ấy không hẳn là lỗi của các đại biểu tại Ủy ban Thường vụ QH, mà từ chính mô hình tổ chức, phân công quyền lực nhà nước. Cơ quan này, về bản chất, chỉ phù hợp chức năng là thường trực của QH, với công việc chính là điều hòa, phối hợp hoạt động các ủy ban của QH. Ủy ban Thường vụ QH không thể nắm bắt, cập nhật các chi tiết của cuộc sống, không thể sát cuộc sống như các cơ quan hành pháp – hằng ngày va chạm với vấn đề áp dụng pháp luật, và tòa án – hằng ngày giải quyết các vướng mắc khiếu kiện của dân liên quan đến áp dụng pháp luật.
Nên giao cho tòa án
Nhận thức rất mới trong lần sửa đổi HP này là phải phân công rạch ròi và có kiểm soát quyền lực giữa các nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp – rất khác so với mô hình nhà nước Xô-viết mà Việt Nam chịu ảnh hưởng lâu nay. Từ đó đòi hỏi phải phân định rõ giải thích pháp luật thuộc nhánh quyền nào.
Giải thích luật, như phân tích trên, nhất định không thể thuộc nhánh quyền hành pháp. Bởi nhiệm vụ của hành pháp là thực thi pháp luật. Việc Chính phủ, các bộ ban hành nghị định, thông tư chỉ là hướng dẫn về việc áp dụng. Hơn nữa, để cơ quan hành pháp vừa thi hành, vừa giải thích pháp luật sẽ tạo nên sự áp đặt, duy ý chí từ nhánh quyền lực này, không đáp ứng được yêu cầu về phân công, kiểm soát quyền lực. Trong bản kiến nghị HP vừa qua, Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cũng đã không đòi quyền này mà đề nghị giao cho tòa án.
Thích hợp nhất, giống như ở nhiều nước trên thế giới, giải thích pháp luật cần được giao cho tòa án.
Là hệ thống các cơ quan chuyên môn thường xuyên giải quyết những tranh chấp pháp lý ảnh hưởng tới đời sống nhân dân, tòa án nhân “nhân danh Nhà nước” giải thích cho các bên liên quan về căn nguyên, ý nghĩa, mục đích, giá trị áp dụng của từng quy phạm pháp luật. Mỗi bản án của tòa án sẽ dung hòa và thực tế hóa quy phạm pháp luật cụ thể, lý giải thế nào là áp dụng pháp luật đúng đắn. Tất cả đều hướng tới xây dựng niềm tin vào công lý và công bằng cho không chỉ mỗi đương sự trong một vụ án mà tới cả xã hội.
Phù hợp với thực tiễn
Thừa nhận giải thích luật thuộc nhánh quyền tư pháp còn phù hợp với thực tiễn hoạt động của tòa án. Bản thân Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hàng chục năm nay đã quen với việc “hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật” thông qua các nghị quyết và kể cả qua báo cáo tổng kết công tác hằng năm của toàn ngành tòa án. Bản thân các thẩm phán, mặc dù không có quy phạm bắt buộc nhưng nhiều năm nay vẫn thường xuyên tham khảo các bản án đã được xét xử, nhất là quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao để phục vụ cho công tác xét xử của mình. Giao tòa án thẩm quyền giải thích luật cũng là cụ thể hóa quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp. Giải thích luật thông qua thực tiễn xét xử là cách hiệu quả nhất để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, là động lực để phát triển án lệ và giúp cho mỗi án lệ có ý nghĩa thực tiễn hơn.
LS NGUYỄN HƯNG QUANG
Nguồn: Pháp Luật TP.HCM (plo.vn)
Để lại một phản hồi