Để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 quy định VKSND có thẩm quyền tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự và phát biểu ý kiến; thẩm quyền kháng nghị bán án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm và xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ.
Trong lĩnh vực tố tụng dân sự, vai trò bảo vệ quyền con người, quyền công dân của VKSND theo BLTTDS năm 2015 được thể hiện trong những quy định cụ thể như sau:
Viện kiểm sát tham gia phiên toà, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự
Theo quy định của BLTTDS năm 2015, Viện kiểm sát (VKS) tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự với vai trò là cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Điều 21 BLTTDS năm 2015 đã quy định cụ thể các trường hợp VKSND tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự; ngoài việc tiếp tục quy định các trường hợp VKS tham gia phiên tòa, phiên họp, điều luật còn bổ sung quy định VKS tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với trường hợp Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Cụ thể như sau:
– Viện kiểm sát tham gia các phiên họp sơ thẩm đối với các việc dân sự; phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc trường hợp Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 4 BLTTDS năm 2015.
– Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.
Lần đầu tiên Bộ luật đã quy định đối với trường hợp Kiểm sát viên được Viện trưởng phân công tham gia phiên tòa, phiên họp sơ thẩm hoặc phiên tòa, phiên họp phúc thẩm mà vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành việc xét xử, không hoãn phiên tòa, trừ trường hợp VKS kháng nghị phúc thẩm. Quy định này nhằm bảo đảm cho việc xét xử, giải quyết vụ án dân sự được nhanh chóng, kịp thời, đề cao trách nhiệm của Kiểm sát viên và của Viện kiểm sát.
Như vậy, việc VKS tham gia phiên toà, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự thể hiện vị trí, vai trò của VKS trong tố tụng dân sự; qua đó củng cố niềm tin vào pháp luật của đương sự và người tham gia tố tụng khác, góp phần quan trọng trong bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tố tụng dân sự khi có sự tham gia của VKS.
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ việc dân sự tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm
Về việc phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm: Để bảo đảm sự thống nhất với quy định của Hiến pháp năm 2013 và quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập của quy định tại Điều 234 của BLTTDS năm 2004, Điều 262 BLTTDS năm 2015 đã bổ sung nội dung quy định về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm như sau: “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và của người tham gia tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án”.
Về việc phát biểu ý kiến của VKS tại phiên họp sơ thẩm giải quyết việc dân sự: Điểm g khoản 1 Điều 369 BLTTDS năm 2015 quy định rõ: “Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết việc dân sự”.
Về việc gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự: Tại các điều 262, 306, khoản 3 Điều 341, điểm g khoản 1 Điều 369, điểm c khoản 1 Điều 375 quy định nội dung: “Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, phiên họp, Kiểm sát viên phải gửi bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ vụ việc”. Đây là điểm cần chú ý trong thực hiện công tác kiểm sát, theo quy trình tố tụng trong hồ sơ của Tòa án phải có bản phát biểu ý kiến của Kiểm sát viên VKS.
Dưới góc độ khoa học pháp lý và thực tiễn xét xử các vụ việc dân sự ở nước ta hiện nay, chúng tôi cho rằng việc quy định cho VKSND được tham gia sâu hơn vào việc giải quyết vụ việc dân sự, tức là quy định cho Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của VKS về việc giải quyết vụ việc dân sự tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm là hoàn toàn hợp lý và mang tính cấp thiết thể hiện trên các phương diện sau đây:
– Kiểm sát viên tham gia phát biểu quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án không có nghĩa là Hội đồng xét xử phải theo ý kiến hay phải phụ thuộc vào ý kiến của Kiểm sát viên, mà càng làm phong phú hơn về quan điểm, đường lối giải quyết vụ án, đưa ra thêm lập luận, tình tiết trên cơ sở nghiên cứu vụ án để Hội đồng xét xử có thêm căn cứ giúp cho việc đánh giá khách quan, đưa ra phán quyết cuối cùng đối với vụ việc dân sự. Do vậy, việc Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về đường lối giải quyết vụ án không làm mất đi tính độc lập xét xử của Tòa án theo nguyên tắc Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, mà đó cũng chỉ là một ý kiến để Hội đồng xét xử tham khảo cũng như ý kiến của các đương sự hoặc Luật sư.
– Việc Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về đường lối giải quyết vụ án sẽ góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và người tham gia tố tụng khác. Sự tham gia của VKS tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm vụ việc dân sự sẽ đảm bảo cho mọi hoạt động trước, trong và sau phiên tòa, phiên họp được tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt đương sự và những người tham gia tố tụng khác được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Đây cũng là thực tế của phiên tòa, phiên họp xét xử sơ thẩm vụ việc dân sự ở Việt Nam hiện nay, do vậy, vai trò của VKS rất quan trọng, sẽ bảo đảm tính khách quan, công bằng, dân chủ của các bên tham gia trước pháp luật.
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 bổ sung quy định Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về đường lối giải quyết tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm vụ việc dân sự sẽ đảm bảo tính đồng bộ trong pháp luật tố tụng dân sự. Thực tế xét xử cho thấy, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của VKS về đường lối giải quyết vụ việc tại phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đã mang lại hiệu quả cao trong việc giải quyết vụ việc dân sự; bên cạnh đó, còn nâng cao vai trò của VKSND khi tham gia phiên tòa, phiên họp sơ thẩm giải quyết vụ việc dân sự. Bởi lẽ, bản thân mỗi Kiểm sát viên khi phát biểu ý kiến về đường lối giải quyết vụ việc dân sự tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm cũng đặt ra “trách nhiệm” của mình trước pháp luật và trước cơ quan, đơn vị giao phó.
Viện kiểm sát có thẩm quyền xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về thẩm quyền xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ của VKS, bổ sung so với BLTTDS năm 2004 như sau:
Kiểm sát viên khi được Viện trưởng VKS phân công thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự có nhiệm vụ, quyền hạn “Yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này; thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 6 Điều 97 của Bộ luật này” (khoản 3 Điều 58).
Viện kiểm sát thu thập tài liệu, chứng cứ để bảo đảm cho việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm (khoản 6 Điều 97).
Trong quá trình giải quyết đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (trong đó có Viện trưởng VKSND tối cao và Viện trưởng VKSND cấp cao) có quyền yêu cầu người có đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc tự mình kiểm tra, xác minh tài liệu, chứng cứ cần thiết (khoản 2 Điều 330).
Xuất phát từ chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKS, trong tố tụng dân sự, VKS thực hiện kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự; theo đó, VKS có quyền: Thu thập tài liệu, chứng cứ trong trường hợp pháp luật quy định (Điều 27 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014). Với những quy định trong BLTTDS năm 2015, VKS có thẩm quyền xác minh, thu thập chứng cứ sẽ đặt ra một số yêu cầu sau:
– Viện kiểm sát phải đảm bảo tính hợp pháp của các quyết định, hành vi của Tòa án, cá nhân, tổ chức tham gia trong tố tụng dân sự thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật. Do vậy, BLTTDS năm 2015 đã quy định VKS có quyền yêu cầu Tòa án xác minh, thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này. Quy định này hướng đến mục đích và ý nghĩa trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng dân sự.
– Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc trong quá trình giải quyết đơn đề nghị xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì VKS có quyền thu thập, xác minh chứng cứ hoặc yêu cầu người có đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ. Với những quy định trên sẽ góp phần quan trọng thể hiện vai trò của VKS trong việc tiến hành thủ tục kháng nghị sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và người tham gia tố tụng.
Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị bán án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm
Theo điểm g khoản 1 Điều 27 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định về thẩm quyền kháng nghị của VKSND như sau: “Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật”. Điều 278 BLTTDS năm 2015 quy định về kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm của VKS: “Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm”.
Tại các Điều 331 và Điều 354 của BLTTDS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện trưởng VKSND như sau:
– Viện trưởng VKSND tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
– Viện trưởng VKSND cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Thực tiễn hoạt động xét xử vụ việc dân sự cho thấy, thiết chế VKSND thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự là hết sức cần thiết, góp phần to lớn trong bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Có thể khẳng định VKSND chính là “Tấm lá chắn bằng thép vững chắc” bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong hoạt động tư pháp nói chung và trong tố tụng dân sự nói riêng.
(Trích bài viết: Vai trò bảo vệ quyền con người, quyền công dân của VKSND theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 của nghiên cứu sinh, Thạc sĩ Lê Ngọc Duy, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Tạp chí Kiểm sát số 13/2017).
Để lại một phản hồi