Tranh chấp về thừa kế là tình trạng xung đột về quyền lợi và nghĩa vụ giữa những người có liên quan đến di sản thừa kế do người chết để lại.
Các tranh chấp về thừa kế chủ yếu là tranh chấp thừa kế theo pháp luật. Ngay cả trong trường hợp tranh chấp thừa kế theo di chúc thì hầu hết các đương sự trong vụ án tranh chấp đều có quan hệ gia đình, huyết thống, hôn nhân.
1. Đặc điểm huyết thống
Huyết thống là đặc điểm cơ bản của quan hệ thừa kế, tranh chấp thừa kế. Cụ thể, trên cơ sở huyết thống:
– Điều 651 BLDS 2015 quy định những người thừa kế và 03 hàng thừa kế theo pháp luật (vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, dì ruột, cháu ruột).
– Điều 652 BLDS 2015 quy định thừa kế thế vị trên cơ sở quan hệ trực hệ giữa ông bà, cha mẹ, cháu, chắt.
– Điều 644 BLDS 2015 quy định những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc có: cha, mẹ, vợ, chồng, con chưa thành niên, con đã thành niên mà không có khả năng lao động.
Thực tế, các tranh chấp thừa kế được xét xử tại các cấp tòa án hầu hết căn cứ vào các quy định này.
2. Đặc điểm hôn nhân
Hôn nhân là đặc điểm cơ bản thứ hai của quan hệ tranh chấp thừa kế. Vì vậy, trên cơ sở hôn nhân:
– Điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS 2015 quy định người có quan hệ hôn nhân là vợ, chồng thuộc hàng thừa kế thứ nhất.
– Điều 655 BLDS 2015 quy định việc thừa kế trong trường hợp vợ, chồng đã chia tài sản chung, vợ chồng đang xin ly hôn hoặc đã kết hôn với người khác. Theo đó, nếu hôn nhân còn tồn tại thì người còn sống vẫn được thừa kế di sản trong trường hợp đã chia tài sản chung, đã xin ly hôn mà chưa được ly hôn hoặc đã được Tòa án cho ly hôn bằng bản án hoặc quyết định chưa có hiệu lực pháp luật. Người đang là vợ, là chồng của một người tại thời điểm người đó chết thì dù sau đó đã kết hôn với người khác vẫn được thừa kế di sản.
– Điều 644 BLDS 2015 quy định vợ, chồng thuộc những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc.
3. Đặc điểm nuôi dưỡng
Nuôi dưỡng cũng là một đặc điểm của thừa kế được pháp luật quy định cụ thể:
– Theo điểm a khoản 1 Điều 651 BLDS 2015, con nuôi, cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau; được thừa kế theo pháp luật; được thừa kế thế vị (Điều 652).
– Điều 654 BLDS 2015 quy định quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế: Những người này được thừa kế di sản của nhau và được thừa kế di sản theo quy định về thừa kế thế vị (Điều 652), thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ (Điều 653).
Trước đây, một số tranh chấp về thừa kế có vấn đề con nuôi thực tế rất phức tạp do có sự tranh luận trong chứng minh về quan hệ con nuôi, nhưng từ ngày 17-6-2010, Luật nuôi con nuôi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01-01-2011. Điều 50 luật này đã quy định rất cụ thể về vấn đề con nuôi thực tế (không có đăng ký con nuôi) như sau:
“1. Việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật này có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật nuôi con nuôi năm 2010 có hiệu lực, nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi;
b) Đến thời điểm Luật nuôi con nuôi năm 2010 có hiệu lực, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên còn sống;
c) Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.
2. Sau khi được đăng ký, quan hệ nuôi con nuôi quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật nuôi con nuôi năm 2010 có giá trị pháp lý kể từ thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi.
3. Chính phủ quy định chi tiết thủ tục đăng ký nuôi con nuôi quy định tại Điều này, bảo đảm thuận lợi và phù hợp với điều kiện thực tế của nhân dân ở các vùng, miền.”
Vì vậy, từ ngày 01-01-2016, việc đăng ký việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày 01-01-2011 đã chấm dứt.
4. Thời hiệu thừa kế
Thời hiệu thừa kế được quy định tại Điều 623 BLDS 2015. Cần chú ý các loại thời hiệu sau đây:
– Theo khoản 1 Điều 623 BLDS 2015, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
+ Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 BLDS 2015.
+ Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản 1 Điều 623 BLDS 2015.
– Theo khoản 2 Điều 623 BLDS 2015, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
– Khoản 3 Điều 623 BLDS 2015, thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Luật sư cần phải quan tâm đến các quy định của BLDS 2015 về thời hiệu, bao gồm:
– Điều 151. Cách tính thời hiệu
– Điều 154. Bắt đầu thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự
– Điều 155. Không áp dụng thời hiệu khởi kiện
– Điều 156. Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự
– Điều 157. Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự.
5. Di sản (tài sản thừa kế)
Luật sư cần quan tâm các quy định của BLDS 2015 về tài sản, bao gồm:
6. Hàng thừa kế
Luật sư cần quan tâm các hàng thừa kế, thứ tự của hàng thừa kế, được quy định tại Điều 651 BLDS 2015:
– Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
– Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
– Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
7. Phân chia di sản
Luật sư cần quan tâm các quy định về phân chia di sản quy định tại BLDS 2015, bao gồm:
– Điều 659. Phân chia di sản theo di chúc
– Điều 660. Phân chia di sản theo pháp luật
– Điều 661. Hạn chế phân chia di sản
– Điều 662. Phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế mới hoặc có người thừa kế bị bác bỏ quyền thừa kế
– Điều 658. Thứ tự ưu tiên thanh toán.
Bộ luật dân sự là văn bản đưa ra những quy định chung, làm nền tảng cho các luật chuyên ngành. Vì vậy, để thực hiện tốt vai trò của Luật sư trong các tranh chấp về thừa kế, ngoài sự am tường các quy định của Bộ luật dân sự, Luật sư cần quan tâm tìm hiểu và áp dụng quy định của các luật chuyên ngành có liên quan đến thừa kế như:
– Luật đất đai năm 2013:
Điều 179. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất
Điều 180. Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất không thu tiền sử dụng đất sang loại đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất.
– Luật nhà ở năm 2014:
Điều 8. Điều kiện được công nhận quyền sở hữu nhà ở. Điều 9. Công nhận quyền sở hữu nhà ở.
– Luật doanh nghiệp năm 2014:
Điều 54. Xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt. Điều 126. Chuyển nhượng cổ phần.
– Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
Điều 66. Giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết.
– Luật công chứng năm 2014:
Điều 42. Phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản. Điều 48. Ký, điểm chỉ trong văn bản công chứng.
Điều 56. Công chứng di chúc.
Điều 59. Công chứng văn bản từ chối nhận di sản. Điều 64. Chế độ lưu trữ hồ sơ công chứng.
Điều 68. Chi phí khác.
– Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007:
Điều 12. Nguyên tắc hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình.
– Luật bình đẳng giới năm 2006:
Điều 10. Các hành vi bị nghiêm cấm. Điều 18. Bình đẳng giới trong gia đình.
– Luật bảo hiểm xã hội năm 2014:
Điều 69. Các trường hợp hưởng trợ cấp tuất một lần. Điều 70. Mức trợ cấp tuất một lần.
Điều 71. Chế độ hưu trí và chế độ tử tuất đối với người vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Điều 72. Đối tượng áp dụng chế độ hưu trí. Điều 73. Điều kiện hưởng lương hưu.
– Luật tố tụng hành chính năm 2015:
Điều 59. Kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính.
– Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:
Điều 74. Kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng.
Để lại một phản hồi