Dấu hiệu pháp lý của tội trộm cắp tài sản tại Bộ luật hình sự 2015

Trộm cắp tài sản

Tội trộm cắp tài sản được quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tương ứng với Điều 138. Tội trộm cắp tài sản BLHS 1999.

 

Những tội phạm liên quan:

>>> Xem thêm: Các tội xâm phạm sở hữu tại Bộ luật hình sự 2015

 

Bình luận tội trộm cắp tài sản

Mục lục:

  1. Khái niệm
  2. Dấu hiệu pháp lý của tội trộm cắp tài sản
  3. Hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản

Trộm cắp tài sản

Điều 173. Tội trộm cắp tài sản

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Tài sản là bảo vật quốc gia;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Li dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Dấu hiệu pháp lý của tội trộm cắp tài sản theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015

1. Trộm cắp tài sản là gì?

Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút, bí mật chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình.

2. Các yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản

2.1. Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội tội trộm cắp tài sản có các dấu hiệu sau:

a) Về hành vi. Có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác. Được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình. Trên thực tế, hành vi này làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản không thể thực hiện được các quyền năng (gồm quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt hay quản lý) đối với tài sản của họ hoặc được giao quản lý, đồng thời những quyền này lại thuộc về người phạm tội và người này có thể thực hiện được các quyền này một cách trái pháp luật.

Ví dụ: Tên trộm đã lấy trộm một chiếc tivi mang về nhà sử dụng, sau đó bán đi.

Đặc trưng của hành vi chiếm đoạt được thực hiện (hành động) một cách lén lút, bí mật. Việc lén lút, bí mật là nhằm để che giấu hành vi phạm tội để chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không biết việc chiếm đoạt đó.

Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt giữa tội trộm cắp tài sản với các tội có tính chiếm đoạt khác (như tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội cướp tài sản…)

Việc che giấu hành vi phạm tội có thể được thực hiện bằng những hình thức khác nhau, cụ thể là:

  • Che giấu toàn bộ hành vi: Trường hợp này, chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản không biết được bất cứ thông tin nào về người phạm tội cũng như hành vi phạm tội (ví dụ: Lợi dụng đêm tối, lẻn vào nhà người khác lấy trộm tài sản).
  • Che giấu một phần hành vi: Tức chỉ che giấu riêng hành vi phạm tội (ví dụ: Kẻ phạm tội giả vờ vào hỏi chủ nhà xin nước uống, giả vờ hỏi thăm đường đi… và nhanh tay trộm tài sản giấu vào người). Trong trường hợp này chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản biết rõ người phạm tội nhưng không biết hành vi phạm tội.
  • Che giấu tính chất của hành vi phạm tội: Được hiểu là hành vi phạm tội được diễn ra công khai nhưng không ai biết việc phạm tội (ví dụ: Lợi dụng đám cưới đông người, người giữ xe tưởng là bạn bè của cô dâu, chú rể nên để cho kẻ phạm tội tự do dắt xe khỏi nơi giữ do mình quản lý).

b) Dấu hiệu khác.

Về giá trị tài sản chiếm đoạt:

  • Giá trị tài sản chiếm đoạt phải từ hai triệu đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
  • Nếu giá trị tài sản dưới hai triệu đồng thì phải thuộc một trong các trường hợp:
    • Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm.
    • Đã bị kết án về tội này hoặc một trong số các tội quy định tại Điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175, 290 nhưng chưa được xoá án tích mà còn vi phạm thì ngưòi thực hiện hành vi nêu trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
    • Gây ảnh hưởng xấu tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội
    • Tài sản là phương tiện kiếm của chính của người bị hại và gia đình họ (Ví dụ: Gia đình chỉ có một chiếc xe gắn máy duy nhất dùng để hành nghề xe ôm tạo thu nhập cho cả gia đình).
    • Tài sản là di vật, cổ vật.
    • Di vật: Là vật được giữ lại của một thời xưa hoặc của người đã mất (Từ điển Tiếng Việt – Trung tâm từ điển học – Nhà xuất bản Đà Nẵng 2009 – trang 341).
    • Cổ vật: Là vật được chế tạo từ thời cỏ, có giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử nhất đinh (Từ điển Tiếng Việt – Trung tâm từ điển học – Nhà xuất bản Đà Nẵng 2009 – trang 276).

Lưu ý:

Về đối tượng của tội trộm cắp tài sản gồm: Vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản được Bộ luật dân sự quy định

Tuy nhiên thực tế theo chúng tôi thì quyền tài sản khó (hoặc không thể) là đốì tượng của tội trộm cắp tài sản (chẳng hạn như quyền sử dụng đất) vì quyền tài sản tuy được coi là tài sản nhưng có tính đặc thù, chỉ là một quyền năng mang tính pháp lý được Nhà nước bảo hộ, để chuyển dịch được phải thông qua các thủ tục pháp lý (thường là phức tạp) do Nhà nước quy định nên không thể lén lút mà chiếm đoạt được. Trong  trường hợp nhất định mà chuyển dịch được quyền này thì lại cấu thành các tội phạm tương ứng khác.

Ví dụ 1: Để chuyển dịch quyền sử dụng một người đã phải giả giấy tờ mua bán có công chứng để chuyển dịch quyền sử dụng đất của người khác thành của mình tức sang tên của mình. Trong trường hợp này hành vi nêu trên cấu thành tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Ví dụ 2: Một người không đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất (bằng giấy tay) cho một ngưòi khác bằng thủ đoạn là nói với người mua rằng đất này là do mình là chủ sử dụng để người mua giao tiền. Tuy nhiên thực chất thì chủ sử dụng đất là người đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong trường hợp này hành vi nêu trên cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong thực tiễn (qua thông tin từ báo, đài, Tạp chí Toà án được biết) các cơ quan pháp luật còn truy tốxét xử hành vi “Trộm cước viễn thông” với tội danh là trộm cắp tài sản.

Theo quan điểm của chúng tôi việc truy tố, xét xử “hành vi trộm cước viễn thông” như nêu trên là không có căn cứ nếu xét trên hai phương diện sau:

  • Thứ nhất: Cước viễn thông – (tức tiền cước) được xem là tài sản vì đây là lợi tức (nếu đã thu được tiền cước) của tài sản là các máy móc, thiết bị về viễn thông mà đơn vị khai thác kinh doanh thu được. Vì vậy nếu hành vi trộm cắp mà đối tượng bị chiếm đoạt là số tiền đã thu được của các đơn vị cung cấp dịch vụ thì chủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản, còn việc sử dụng lén lút của đường truyền (gồm vô tuyến, hữu tuyến) mà không trả tiền cho đơn vị khai thác (tức nhà cung cấp là các công ty viễn thông), kinh doanh chỉ có thể là hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng nếu là nợ tiền cước hoặc là hành vi sử dụng trái phép tài sản nếu là lén lút sử dụng không trả tiền chứ không phải là hành vi trộm cắp tài sản.
  • Thứ hai: Trường hợp sử dụng lén lút đường truyền là sóng (tần số) vô tuyến để khai thác kinh doanh thu lợi bất chính thì cũng không phải là hành vi trộm cắp tài sản. Theo chúng tôi hành vi trên cấu thành một trong hai tội là tội sử dụng trái phép tài sản của người khác hoặc tội kinh doanh trái phép là hợp lý hơn cả.
  • Thứ ba: Sóng vô tuyến (tần số vô tuyến) không phải là tài sản, cũng không được xem là quyền tài sản nếu xét theo khái niệm được quy định trong Bộ luật Dân sự.

2.2. Khách thể

Hành vi nêu trên xâm phạm đến quyển sở hữu tài sản của người khác.

2.3. Chủ thể

Chủ thể của tội trộm cắp tài sản là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

2.4. Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

3. Hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản

3.1. Hình phạt chính đối với tội trộm cắp tài sản

Mức hình phạt của tội trộm cắp tài sản được chia thành bốn khung, cụ thể như sau:

a) Khung một (khoản 1).

Có mức hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Được áp dụng đối với trường hợp phạm tội có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản nêu ở mặt khách quan.

b) Khung hai (khoản 2).

Có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Được áp dụng đối vối một trong các trường hợp phạm tội sau đây:

  • Có tổ chức (xem giải thích tương tự ở tội cướp tài sản).
  • Có tính chất chuyên nghiệp (xem giải thích tương tự ở tội cướp tài sản).
  • Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
  • Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm. Được hiểu là các thủ đoạn tinh vi rất khó phát hiện (như bố trí trộm cắp xe gắn máy tại bãi giữ xe) và các thủ đoạn mang tính nguy hiểm gây thiệt hại thêm cho chủ sở hữu (như dỡ mái nhà để trèo vào trộm cắp…)
  • Hành hung để tẩu thoát (xem giải thích tương tự ở tội cướp giật tài sản).
  • Tài sản là bảo vật quốc gia;
  • Tái phạm nguy hiểm (xem giải thích tương tự ở tội cướp tài sản).

c) Khung ba (khoản 3).

Có mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Được áp dụng đối vói một trong các trường hợp phạm tội sau đây:

  • Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
  • Li dụng thiên tai, dịch bệnh.

d) Khung bốn (khoản 4).

Có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.  Được áp dụng đối với một trong các trường hợp phạm tội sau:

  • Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
  • Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

3.2. Hình phạt bổ sung đối với tội trộm cắp tài sản

Ngoài việc phải chịu một trong các hình phạt chính nêu trên, tuỳ từng trường hợp cụ thể, người phạm tội trộm cắp tài sản còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng.

* Một số vấn đề cần chú ý:

Phân biệt dấu hiệu đặc trưng của tội trộm cắp tài sản với một số tội có dấu hiệu gần tương đồng.

Thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trường hợp người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối tiếp cận tài sản để đến khi có điều kiện mới lén lút chiếm đoạt tài sản của bị hại thì đó là dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản chứ không phải là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ví dụ: A giả làm người bị bệnh để B thương tình đưa vào nhà của B nghỉ. Trong lúc cả gia đình B lo làm việc, A lén lút lấy trộm tiền và xe mô tô của B bỏ trốn. Hành vi của A cấu thành tội trộm cắp tài sản chứ không phải là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn đặc trưng của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là không cần che giấu hành vi và thực hiện công khai hành vi chiếm đoạt. Nhiều người nhìn thấy và không nghi ngờ gì về hành vi chiếm đoạt tài sản. Trường hợp người phạm tội lợi dụng không có ai trực tiếp quản lý tài sản, giả làm ngưòi có trách nhiệm đến và chiếm đoạt tài sản đó. Trường hợp này người phạm tội đã thực hiện hành vi lén lút ở việc che giấu thân phận thật của mình (giả làm người có trách nhiệm) để lén lút với mọi người xung quanh và người quản lý tài sản, tiếp cận và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Do vậy, họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản chứ không phải tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Ví dụ: A giả làm nhân viên khách sạn M, dọn dẹp một số cây kiểng trong khuôn viên của khách sạn. A đã dùng xe chở một số cây kiểng quý đi để chiếm đoạt số cây kiểng đó. Trường hợp này A lén lút với mọi người xung quanh nên phạm tội trộm cắp tài sản chứ không phải tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn đặc trưng của tội cướp giật tài sản là hành vi công khai và nhanh chóng giằng lấy, giật lấy tài sản thường là gọn nhẹ của người khác rồi nhanh chóng tẩu thoát. Trường hợp người phạm tội lợi dụng chỗ đông người lén giật tài sản của người khác để không bị phát hiện rồi sau đó chiếm đoạt tài sản ấy. Trường hợp này thực chất người phạm tội đã lén lút (không có ý thức công khai) chiếm đoạt tài sản bằng cách giật lấy tài sản thật nhanh chóng để không ai thấy. Người phạm tội đã lén lút cả đối với người bị hại và đối với người xung quanh. Do vậy, trường hợp này là tội trộm cắp tài sản chứ không phải là tội cướp giật tài sản.

Ví dụ: A lợi dụng xếp hàng chen lấn, giả làm khách hàng chen lấn xô đẩy mạnh làm phân tán sự chú ý của mọi người và cùng lúc đó giật dây chuyền của B rơi xuống đất để đồng bọn lấy. Trường hợp này, A không có ý thức công khai thực hiện hành vi này mà lén lút giật lấy tài sản (giật cho dây chuyền rơi xuống) rồi sau đó cùng đồng bọn chiếm đoạt. Do vậy, hành vi này phải cấu thành tội trộm cắp tài sản chứ không phải tội cướp giật tài sản.

Những câu hỏi liên quan đến tội giết trộm cắp tài sản thường gặp:

  • Ăn trộm bao nhiêu tiền thì bị khởi tố?

  • Tội ăn trộm bị phạt như thế nào?

  • Mất bao nhiêu tiền thì báo công an?

  • Trộm chó có phải đi tù không?

  • Trộm mèo có đi tù không?


Các tìm kiếm liên quan đến Tội trộm cắp tài sản, tội trộm cấp tài sản luật hình sự 2020, tội trộm cấp tài sản luật hình sự 2019, tội ăn trộm bị phạt như thế nào, điều 173 bộ luật hình sự 2015, điều 173 bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017, ăn trộm bao nhiêu tiền thì bị khởi tố, ăn trộm dưới 2 triệu, ăn trộm trên 2 triệu, tội ăn trộm bị phạt như thế nào, hình phạt cho bọn trộm chó, trộm nhiều lần có lần trên 2 triệu có lần dưới 2 triệu, biết người ăn trộm nhưng không có bằng chứng, xử lý hành vi trộm chó, xử lý hình sự trộm chó,

5/5 - (18919 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền