Tìm hiểu về mô hình tố tụng tranh tụng và tố tụng xét hỏi

to-tung
Ảnh minh họa (Nguồn: NewsOK)

Trên thế giới hiện nay, hoạt động xét xử của Tòa án thường áp dụng một trong hai thủ tục là tố tụng tranh tụng và tố tụng thẩm vấn (xét hỏi). Mỗi loại hình tố tụng này có những đặc điểm, nguyên tắc, trình tự riêng.

 

Những nội dung liên quan:

 

Tìm hiểu về mô hình tố tụng tranh tụng và tố tụng xét hỏi

Mục lục: (Nhấn vào từng mục để di chuyển nhanh tới phần nội dung)

I. TỐ TỤNG TRANH TỤNG

1. Những đặc điểm căn bản trong tố tụng tranh tụng

2. Thủ tục tố tụng hình sự trong mô hình tố tụng tranh tụng

3. Thủ tục tố tụng dân sự trong mô hình tố tụng tranh tụng

II. TỐ TỤNG XÉT HỎI

1. Những đặc điểm căn bản trong tố tụng xét hỏi

2. Thủ tục tố tụng hình sự trong mô hình tố tụng xét hỏi

3. Thủ tục tố tụng dân sự trong mô hình tố tụng xét hỏi

TIỂU KẾT

Tải về máy file word: Tìm hiểu về mô hình tố tụng tranh tụng và tố tụng xét hỏi

I. TỐ TỤNG TRANH TỤNG

1. Những đặc điểm căn bản trong tố tụng tranh tụng

Tố tụng tranh tụng là mô hình tố tụng ở những quốc gia theo truyền thống thông luật, như: Anh, Mỹ, Úc…Mô hình này dựa trên nguyên tắc “các bên trình bày”. Điều đó có nghĩa là, hai bên trong vụ án hình sự và dân sự sẽ quyết định phạm vi những vấn đề đưa ra cho Thẩm phán xem xét, quyết định. Thẩm phán chỉ thực hiện việc xét xử, đóng vai trò là người trọng tài trung lập xem xét các vấn đề các bên trình bày. Theo đó, hai bên trong vụ án có trách nhiệm đưa ra các nhân chứng, chứng cứ để bảo vệ cho quan điểm của họ. Thẩm phán phải bảo đảm cho hai bên thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình trong việc làm sáng tỏ vụ án.

Tố tụng tranh tụng

Ở những quốc gia theo truyền thống thông luật, không có các Bộ luật tố tụng do Quốc hội thông qua, mà chỉ có bộ quy tắc về tố tụng do Tòa án tối cao ban hành. Trên cơ sở quy định của bộ quy tắc này, các Tòa án cấp dưới có thể có những quy định bổ sung phù hợp với điều kiện hoạt động của Tòa án mình. Điều đó cho thấy, tố tụng tranh tụng là một mô hình tố tụng rất linh hoạt. Thông qua việc xét xử các vụ án, nếu nhận thấy Tòa án cấp dưới đi “chệch hướng” với quy định tại bộ quy tắc, Tòa án tối cao sẽ “uốn nắn” thông qua án lệ của mình.

2. Thủ tục tố tụng hình sự trong mô hình tố tụng tranh tụng

2.1. Những nguyên tắc chung

Bên công tố và bên luật sư của bị cáo đóng vai trò tích cực trong việc chứng minh vụ án. Theo nguyên tắc này, mỗi bên có quyền triệu tập nhân chứng riêng của mình đến các phiên điều trần và đến phiên tòa, được quyền thẩm vấn nhân chứng của bên kia. Điều này cũng có nghĩa là, Thẩm phán không triệu tập nhân chứng mà chỉ bảo đảm cân bằng về quyền giữa các bên.

Nguyên tắc suy đoán vô tội rất được coi trọng, do đó, quy tắc về thu thập chứng cứ được quy định rất chặt chẽ; nếu việc thu thập chứng cứ có sự vi phạm thì chứng cứ sẽ bị loại bỏ. Công tố viên có trách nhiệm phải chứng minh bị cáo là có tội khi không có cơ sở nào để nghi ngờ, nếu không, Thẩm phán sẽ tuyên bị cáo là vô tội chứ không có quyền yêu cầu điều tra tiếp hoặc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Nếu bị cáo bị tuyên bố là có tội, thì sẽ có một phiên tòa kết án. Tại phiên tòa này, Thẩm phán sẽ công bố bản án trong đó nêu rõ hình phạt đối với bị cáo.

Nguyên tắc “mặc cả nhận tội” (hay còn gọi là thỏa thuận nhận tội). Theo nguyên tắc này, công tố viên có quyền thỏa thuận với luật sư bào chữa của bị cáo về nội dung buộc tội bị cáo. Nếu như bị cáo nhận tội thì công tố viên phải đồng ý không truy tố những tội khác (trong trường hợp bị cáo phạm nhiều tội) hoặc bỏ qua một số tình tiết của việc phạm tội nhằm giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Thẩm phán có thể  bác bỏ thỏa thuận nhận tội nếu thấy rằng, bị cáo chưa hiểu hậu quả của việc nhận tội hoặc không thực sự tự nguyện đưa ra lời nhận tội.

Thẩm phán cũng có thể không chấp nhận thỏa thuận nhận tội nếu thấy rằng, hành vi phạm tội của bị cáo quá nghiêm trọng không thể cho phép giảm xuống tội nhẹ hơn hoặc hình phạt đưa ra là quá cao hoặc quá thấp (thực tế rất ít khi xảy ra trường hợp này).

Đa số các vụ án hình sự được giải quyết thông qua quá trình “mặc cả nhận tội”.

2.2. Trình tự giải quyết một vụ án hình sự ở mô hình tố tụng tranh tụng, về cơ bản gồm các bước như sau:

– Bắt giữ nghi phạm: Khi một người phạm tội quả tang, hay bị tố cáo là có hành vi phạm tội, cảnh sát sẽ bắt giữ nghi phạm.

– Ngay sau khi bị bắt giữ, nghi phạm sẽ được đưa ra Tòa một cách nhanh chóng, tại đây, họ sẽ được thông báo về lời buộc tội đối với họ, về quyền có Luật sư (được quyền thuê Luật sư hoặc có Luật sư chỉ định), có quyền im lặng. Nếu sau khi nghe lời buộc tội (nghe đọc bản cáo trạng), nếu nghi phạm nhận tội, thì Thẩm phán sẽ để Công tố viên và Luật sư bào chữa thỏa thuận với nhau. Thẩm phán sẽ mở phiên tòa tiếp theo để kết tội bị cáo trên cơ sở thỏa thuận đó.

– Nếu nghi phạm không nhận tội, Tòa án sẽ mở phiên tòa tiếp theo với sự tham gia của Đại bồi thẩm đoàn (Đại bồi thẩm đoàn chỉ làm nhiệm vụ điều tra ). Tại phiên tòa này, Công tố viên và Luật sư sẽ đưa ra và tranh luận về các chứng cứ của vụ án. Thẩm phán và Đại bồi thẩm đoàn sẽ quyết định chấp nhận hay loại bỏ những chứng cứ nào. Đại bồi thẩm đoàn có thể triệu tập nhân chứng riêng của mình hoặc yêu cầu tiếp tục điều tra. Sau đó, Đại bồi thẩm đoàn quyết định xem đã đủ chứng cứ để buộc tội bị cáo hay chưa.

(Lưu ý rằng, trong quá trình này, Công tố viên có nghĩa vụ phải chuyển giao tất cả những chứng cứ có lợi cho Luật sư bào chữa).

– Nêu kiến nghị trước phiên tòa: Công tố viên và Luật sư có thể kiến nghị đình chỉ vụ án do không có đủ cơ sở nêu trong cáo trạng hoặc do có hành vi sai trái của cơ quan truy tố, yêu cầu được biết chứng cứ của phía bên kia.

– Phiên tòa xét xử: Sau khi kết thúc quá trình nêu trên, Tòa án sẽ tiến hành xét xử. Tại phiên tòa này, Thẩm phán và đoàn bồi thẩm sẽ nghe trình bày của Công tố viên và Luật sư (lưu ý, đây là những thành viên bồi thẩm khác chứ không phải Đại bồi thẩm đoàn). Công tố viên phải chứng minh ở mức độ “không còn sự nghi ngờ hợp lý” gì nữa về việc phạm tội của bị cáo. Bồi thẩm đoàn sẽ quyết định bị cáo có tội hay không có tội. Nếu bồi thẩm đoàn không thống nhất được để ra quyết định, Thẩm phán sẽ tuyên bố phiên tòa bất thành, đoàn bồi thẩm được giải tán. Công tố viên sẽ quyết định vụ án được xét xử lại hay bị đình chỉ. (Nếu vụ án được xét xử lại thì sẽ thành lập đoàn bồi thẩm khác).

Nếu đoàn bồi thẩm thống nhất là bị cáo có tội, phiên tòa xét xử sẽ kết thúc, Thẩm phán ấn định ngày mở phiên tòa tuyên án.

– Phiên tòa tuyên án: Phiên tòa này không còn bồi thẩm đoàn nữa, chỉ có Thẩm phán, Công tố viên, Luật sư và bị cáo. Thẩm phán sẽ quyết định hình phạt thích hợp cho bị cáo trên cơ sở xem xét các yếu tố như mức độ nghiêm trọng của tội phạm,nhân thân kẻ phạm tội, mức độ hối lỗi của bị cáo.

– Kháng cáo: Bị cáo có thể kháng cáo đề nghị Tòa án cấp trên xét xử lại. Nếu Tòa án cấp trên thấy có sự vi phạm luật trong việc kết án thì có thể huỷ bản án tuyên bị cáo vô tội hoặc yêu cầu phải xét xử lại.

2.3. Trình tự phiên tòa hình sự

2.3.1. Chuẩn bị phiên tòa

Công tố viên và luật sư phải gửi cho Thẩm phán danh sách nhân chứng mà mình mời đến phiên tòa, danh sách các tài liệu (biên bản khám xét, bản ảnh…).

Mỗi bên cũng phải gửi cho Thẩm phán danh sách các án lệ mà họ sẽ sử dụng để buộc tội, bào chữa…

Lựa chọn bồi thẩm đoàn: Những vụ án mà hình phạt tù sẽ được quyết định đối với bị cáo phải do bồi thẩm đoàn xét xử, đoàn bồi thẩm thường là 12 người; cũng có thể ít hơn nhưng không dưới 6 người đối với trường hợp xử phạt tù từ 06 tháng trở xuống.

– Bị cáo có thể từ chối việc xét xử bởi bồi thẩm đoàn, nếu được công tố viên đồng ý. Thẩm phán có thể không chấp nhận việc khước từ đó nếu xét thấy bị cáo chưa hiểu rõ hậu quả của việc từ chối xét xử bởi bồi thẩm đoàn.

– Từ chối thực hiện nguyên tắc kết tội dựa trên nhất trí tuyệt đối: Theo nguyên tắc, đoàn bồi thẩm sẽ kết tội dựa trên sự nhất trí 100% của các thành viên đoàn bồi thẩm. Tuy nhiên, tại bất kỳ thời điểm nào trước khi kết tội, các bên với sự đồng ý của Thẩm phán có thể đề xuất việc kết tội không cần sự nhất trí tuyệt đối, phải nêu rõ chỉ cần bao nhiêu thành viên bồi thẩm đoàn tán thành. Thẩm phán phải thông báo trước cho bị cáo về vấn đề này để sau đó trong quá trình diễn biến phiên tòa, bị cáo có thể quyết định.

Tuyển chọn đoàn bồi thẩm: một số người theo danh sách cử tri sẽ được mời đến tòa để tuyển chọn theo hình thức bốc thăm. Thẩm phán có thể tuyển chọn thêm một số bồi thẩm viên dự khuyết.

2.3.2. Trình tự phiên tòa

Phần mở đầu: Thẩm phán chủ tọa sẽ giới thiệu sơ bộ về hướng dẫn của Tòa án. Sau đó, công tố viên sẽ nêu lên luận cứ mở đầu của mình với bồi thẩm đoàn về những chứng cứ sẽ buộc tội bị cáo. Tiếp theo, luật sư có quyền nêu lên cách thức mình sẽ bào chữa cho bị cáo, tuy nhiên, luật sư thường giữ lại quyền này cho tới khi mở đầu phần bào chữa.

Phần tranh tụng: Sau phần mở đầu, công tố viên và luật sư sẽ tiến hành tranh tụng:

– Công tố viên trình bày chứng minh từng hành vi phạm tội của bị cáo cho đến khi không còn “sự nghi ngờ hợp lý nữa”. Nghĩa là các chứng cứ chứng minh việc phạm tội của bị cáo là chắc chắn, không còn có một sự nghi ngờ nào được nữa.

– Luật sư bào chữa sẽ trình bày chứng cứ của mình và đưa ra kiến nghị với Thẩm phán.

– Trong quá trình trình bày chứng cứ, công tố viên và luật sư sẽ thẩm vấn nhân chứng của mình và được quyền thẩm vấn nhân chứng của bên kia.

– Công tố viên và luật sư sẽ lập luận để bác bỏ những chứng cứ do bên kia đưa ra.

– Thẩm phán không hề tham gia vào việc “lấy chứng cứ” của các bên mà chỉ hướng dẫn các bồi thẩm viên về luật sẽ được áp dụng cho vụ án.

Kết thúc tranh tụng: Mỗi bên được Thẩm phán cho phép tóm tắt chứng cứ liên quan đến lập luận của họ đối với vụ án, theo trật tự sau:

– Lập luận của công tố viên,

– Lập luận của luật sư bào chữa,

– Phản bác của công tố viên,

– Phản bác của luật sư bào chữa.

Bồi thẩm đoàn nghị án: Sau khi công tố viên và luật sư phát biểu “lần cuối cùng” trước bồi thẩm đoàn, Thẩm phán sẽ hướng dẫn các thành viên bồi thẩm đoàn về luật áp dụng đối với vụ án. Bồi thẩm đoàn tiến hành nghị án, họ sẽ áp dụng luật theo chỉ dẫn của Thẩm phán đối với tất cả các tình tiết còn tranh cãi của vụ án. Kết thúc nghị án, bồi thẩm đoàn trở lại phòng xử án và báo cáo cho Thẩm phán về phán quyết của mình. Với mỗi tội danh mà bị cáo bị truy tố, bồi thẩm đoàn ra phán quyết “có tội” hay “không có tội”. Nếu phán quyết bị cáo “không có tội” hoặc “vô tội do bị cáo bị tâm thần”, công tố viên không có quyền kháng cáo, đoàn bồi thẩm được giải tán, bị cáo được thả và vụ án kết thúc.

Nếu đoàn bồi thẩm không ra được phán quyết (do không thống nhất được với nhau), Thẩm phán sẽ tuyên bố “phiên tòa không thành”, đoàn bồi thẩm được giải tán. Vụ án có được xét xử lại hay không là quyền quyết định của công tố viên.

Nếu đoàn bồi thẩm ra phán quyết bị cáo “có tội”, đoàn bồi thẩm được giải tán. Sáu tuần sau, Tòa án sẽ mở phiên tòa tuyên án (lúc này không còn bồi thẩm đoàn nữa). Thẩm phán sẽ tuyên đọc bản án trong đó nêu rõ mức hình phạt đối với bị cáo.

3. Thủ tục tố tụng dân sự trong mô hình tố tụng tranh tụng

3.1. Những đặc điểm căn bản

Thứ nhất, thủ tục tố tụng được cơ cấu mà theo đó hai bên đương sự chịu trách nhiệm chính trong việc làm sáng tỏ vụ kiện. Hai bên đương sự bắt buộc phải xuất trình những chứng cứ liên quan theo yêu cầu của bên đương sự kia, trừ văn bản do đương sự viết ra để chuẩn bị lập luận tại phiên tòa. Ngoài ra, thủ tục tố tụng còn bao gồm cơ chế thẩm vấn giữa các bên: đương sự trực tiếp tống đạt văn bản thẩm vấn cho bên đương sự kia mà không thông qua Tòa án, bên nhận được thẩm vấn sẽ trả lời các câu hỏi mà bên đương sự kia nêu ra.

Thứ hai, trong giai đoạn trước phiên tòa, Thẩm phán đóng vai trò tích cực trong việc hướng dẫn các bên đương sự tìm kiếm chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình. Bảo đảm không để bên đương sự nào lợi dụng quy định của tố tụng để kéo dài thời gian vụ kiện. Tuy nhiên, tại giai đoạn phiên tòa, Thẩm phán không can thiệp vào việc các bên trình bày chứng cứ và việc triệu tập nhân chứng, kiểm tra nhân chứng chủ yếu do các bên đương sự thực hiện (các bên quyết định triệu tập nhân chứng đến phiên tòa chứ không phải Tòa án, và thẩm vấn (kiểm tra chéo) các nhân chứng).

Thứ ba, Luật sư phải trung thực với Tòa án: cấm bịa đặt ra chứng cứ hoặc trình bày những chứng cứ sai. Luật sư có nghĩa vụ tiết lộ những thông tin trong quá trình tìm kiếm chứng cứ và không phải tiết lộ những chứng cứ bất lợi của các bên nếu không thuộc trường hợp quy định của Luật.

3.2. Trình tự thông thường trong việc giải quyết vụ án dân sự

Thông thường, các vụ án dân sự được giải quyết theo 03 bước:

Bước thứ nhất: Luật sư của hai bên thu thập tòan bộ chứng cứ của vụ kiện gửi cho Thẩm phán. Sáu tuần sau khi nhận được tòan bộ chứng cứ của hai bên đương sự, Thẩm phán và luật sư của hai bên sẽ tổ chức một phiên họp xem xét đánh giá chứng cứ của mỗi bên. Nếu thống nhất, vụ án sẽ kết thúc ở bước này, Thẩm phán sẽ ra bản án;

Bước thứ hai: nếu hai bên đương sự không thống nhất được việc giải quyết vụ án ở bước thứ nhất, luật sư hai bên sẽ chuẩn bị lý lẽ và chứng cứ để giải quyết những vấn đề còn chưa thống nhất, phiên họp sẽ diễn ra 05 tuần sau phiên họp thứ nhất. Trường hợp hai bên đương sự thống nhất với nhau, vụ án sẽ kết thúc ở đây, Thẩm phán sẽ ra bản án;

Bước thứ 3: phiên tòa xét xử sẽ được tiến hành khi hai bên đương sự không thống nhất được với nhau ở phiên họp lần hai.

Trên thực tế, khoảng 98% các vụ kiện dân sự được giải quyết ở bước thứ nhất và bước thứ 2.

Vì tòan bộ chứng cứ đã phải xuất trình và được xem xét ở cấp sơ thẩm, nên có rất ít kháng cáo lên cấp phúc thẩm. Và do đó, cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại vụ kiện về khía cạnh luật pháp chứ không xem xét lại các tình tiết của vụ kiện, trừ trường hợp có chứng cứ mới mà ở giai đoạn sơ thẩm đương sự không thể biết và chứng cứ này có thể làm thay đổi kết quả giải quyết vụ kiện.

II. TỐ TỤNG XÉT HỎI

1. Những đặc điểm căn bản trong tố tụng xét hỏi

Tố tụng xét hỏi (tố tụng thẩm vấn) là mô hình tố tụng ở những quốc gia theo truyền thống luật dân sự, như Pháp, Đức…Trong mô hình này, Thẩm phán, công tố viên có vị trí trung tâm trong việc chứng minh vụ án, luật sư chỉ đóng vai trò thứ yếu.

Thủ tục tố tụng được quy định cụ thể trong các Bộ luật tố tụng do Quốc hội thông qua. Thẩm phán phải nghiêm chỉnh tuân theo các quy định của luật, và có thẩm quyền hạn chế trong việc giải thích các quy định này.

2. Thủ tục tố tụng hình sự trong mô hình tố tụng xét hỏi

2.1. Những nguyên tắc chung

Công tố viên và Thẩm phán có vai trò tích cực trong việc chứng minh vụ án, luật sư chỉ có vai trò thứ yếu. Theo nguyên tắc này, công tố viên và Thẩm phán sẽ xác định những nhân chứng của vụ án; Thẩm phán là người triệu tập họ đến phiên tòa.

Công tố viên và Thẩm phán điều tra sẽ xem xét tất cả các chứng cứ của vụ án, nếu thấy đủ bằng chứng để kết tội thì mới truy tố và đưa vụ án ra xét xử. Điều này cho thấy việc điều tra trước khi vụ án được đưa ra tòa là thủ tục rất quan trọng. Do đó, rất dễ dẫn đến việc xét xử vụ án chỉ như là một “phiên tòa trình diễn”.

Điều này cũng dẫn đến nguyên tắc “suy đoán vô tội” và nguyên tắc về “quyền im lặng” không được coi trọng đúng mức.

Nguyên tắc xét xử công khai, theo đó, tất cả các vụ án đều phải đưa ra phiên tòa xét xử không chấp nhận nguyên tắc “mặc cả nhận tội”.

– Không có quy định về nguyên tắc “loại trừ chứng cứ”, do đó công tố viên và Thẩm phán điều tra phải xem xét mọi loại chứng cứ để có thể có cơ sở vững chắc khi đưa ra phán quyết về vụ án, nếu vụ án chưa đủ chứng cứ để xét xử thì vụ án sẽ bị yêu cầu điều tra bổ sung hoặc bị đình chỉ.

2.2. Trình tự phiên tòa hình sự

2.2.1. Chuẩn bị phiên tòa

Trên cơ sở nguyên cứu hồ sơ vụ án, Thẩm phán xét xử sẽ triệu tập những người tham gia tố tụng đến phiên tòa.

Tòa án vẫn có thể mở phiên tòa nếu luật sư bào chữa, bị cáo hoặc nhân chứng vắng mặt. Trong tố tụng tranh tụng thì Tòa án không thể mở phiên tòa trong trường hợp này.

2.2.Trình tự phiên tòa

– Thẩm phán khai mạc phiên tòa.

– Công tố viên trình bày cáo trạng.

– Thẩm phán điều hành và trực tiếp thẩm vấn bị cáo, nhân chứng.

– Các bên tranh luận.

Tại phiên tòa, không có bên nào có thể đưa thêm hoặc phản đối các tài liệu có trong hồ sơ, vì vậy, phiên tòa chỉ là nhắc lại và kiểm tra các chứng cứ đã thu thập ở giai đoạn điều tra có trong hồ sơ vụ án (“án tại hồ sơ”).

3. Thủ tục tố tụng dân sự trong mô hình tố tụng xét hỏi

3.1. Những nguyên tắc chung

Dựa trên nguyên tắc các bên trình bày. Theo đó, các bên đương sự có nghĩa vụ xuất trình chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình. Tuy nhiên, mô hình tố tụng dân sự này có những điểm khác biệt căn bản so với mô hình tố tụng tranh tụng, đó là giải quyết vụ kiện thông qua hai cơ chế: nghĩa vụ nói sự thật của các bên và nghĩa vụ làm rõ của Thẩm phán.

Nghĩa vụ nói sự thật của các bên có nghĩa là các bên phải xuất trình chứng cứ và nói lên sự thật của sự việc để chứng minh cho yêu cầu của mình. Tuy nhiên, lại không có chế tài, nên nghĩa vụ phải nói sự thật không có hiệu quả: đương sự thường giấu chứng cứ và xuất trình ở bất cứ giai đoạn nào nếu muốn. Đương sự không có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho bên kia. Có thể nói, đương sự được “thả nổi” trong việc chứng minh vụ kiện.

Nghĩa vụ làm rõ của Thẩm phán, nguyên tắc này được xem như một nguyên tắc không tách rời nguyên tắc nói sự thật của các bên. Theo đó, Thẩm phán sẽ đưa câu hỏi cho các đương sự trong suốt quá trình kiện tụng nhằm làm sáng tỏ tất cả các tình tiết của vụ kiện và quyết định việc mời những người làm chứng cũng như những người liên quan khác tham gia vào vụ kiện. Tại phiên tòa, Thẩm phán cũng đóng vai trò trung tâm khi thực hiện việc hỏi các bên đương sự, người làm chứng.

3.2. Trình tự giải quyết vụ án dân sự

Trong mô hình tố tụng xét hỏi, trình tự giải quyết vụ án dân sự không phân chia thành các bước như trong mô hình tố tụng tranh tụng (3.2, 3, I) mà được thực hiện theo những phiên làm việc không liên tục: Sau khi khởi kiện, các bên được triệu tập đến tòa để trình bày miệng về yêu cầu của mình. Kết thúc phiên làm việc đầu tiên, Thẩm phán sẽ sắp xếp phiên làm việc tiếp theo. Trong các phiên làm việc này, Thẩm phán đóng vai trò chính và trực tiếp: các bên trình bày ý kiến của mình bằng cách trả lời các câu hỏi mà Thẩm phán đưa ra.

Sau khi các phiên làm việc đạt kết quả chín muồi, Thẩm phán sẽ hòa giải, nếu không thành sẽ đưa ra phiên tòa. Tại phiên tòa, sau khi hỏi và nghe các bên trình bày những tranh luận cuối cùng của mình, Thẩm phán ra bản án.

Trong suốt quá trình làm việc, các bên hoàn tòan tự do đưa ra những lập luận mới, những chứng cứ mới, thay đổi những lập luận trước đó, thậm chí thay đổi cả yêu cầu của mình. Với cách làm việc này, việc đưa ra những chứng cứ mới gần như không bao giờ là quá muộn, không có chuyện loại bỏ những chứng cứ mới được đưa ra ở giai đoạn muộn của quá trình giải quyết vụ án. Hơn nữa, ngay đến cấp phúc thẩm các bên vẫn được phép đưa ra những lập luận mới hoặc chứng cứ mới.

TIỂU KẾT

Trên đây chỉ là những đặc trưng căn bản nhất của mô hình tố tụng xét hỏi. Trong những năm gần đây, mô hình này cũng đã có nhiều thay đổi theo hướng kết hợp những nguyên tắc của mô hình tố tụng tranh tụng. Do đó, cũng là mô hình tố tụng xét hỏi, nhưng có sự khác nhau rất căn bản ở những quốc gia khác nhau.

Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn)

So sánh mô hình tố tụng tranh tụng và mô hình tố tụng thẩm vấn

Trước đây, trong tố tụng hình sự pháp luật tố tụng nước ta sử dụng mô hình tố tụng thẩm vấn. Với Bộ luật tố tụng hình sự 2015, nguyên tắc tố tụng tranh tụng đã được ghi nhận tại Điều 26 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015. Theo đó pháp luật nước ta có sự pha trộn giữa nguyên tắc tố tụng tranh tụng và nguyên tắc tố tụng thẩm vấn. Vậy tố tụng tranh tụng và tố tụng thẩm vấn là những mô hình như thế nào?

Tố tụng tranh tụng Tố tụng thẩm vấn (tố tụng xét hỏi)
Hệ thống pháp luật thường áp dụng Các nước theo hệ thống luật Anh – Mỹ Các nước theo mô hình luật lục địa, tiêu biểu là Cộng hòa Pháp
Đặc điểm Sự “cởi mở” và tự do tranh luận giữa các bên

Đề cao tính trung lập của tòa án

Một thủ tục phức tạp, đạt trình độ cao

Vai trò chủ động của thẩm phán

Đề cao vai trò của cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt ở giai đoạn điều tra

Chứng cứ – Không có nguyên tắc loại trừ chứng cứ

– Phần lớn chứng cứ đã xử lý trước khi xét xử

– Nhìn chung giai đoạn trước xét xử đc giữ bí mật, bị can tiếp cân hồ sơ hạn chế

– Có nguyên tắc loại trừ chứng cứ

Bị cáo có quyền giữ im lặng và nguyên tắc suy đoán vô tội luôn được áp dụng

– Chứng cứ mới có thể được đưa ra, và được thừa nhận tại thời điểm xét só thể phá hủy toàn bộ chứng cứ trước đó, lật ngược vụ án

Vấn đề mặc cả thú tội và thủ tục rút gọn Tồn tại

– Có thể thỏa thuận nhận tội giảm hình phạt.Mặc cả thú tội nhằm hạn chế những phiên tòa kéo dài và tốn kém

– Hậu quả có thể gây việc tạo ra áp lực đối với bị cáo về việc nhận tội, vì nhận tội là căn cứ cơ bản để kết án

Không tồn tại

 

Sự thật và xét xử – Tập trung vào quy trình

Kết quả của hai bên tranh tụng phụ thuộc vào các cơ sở lập luận của họ trên cơ sở vị trí bình đẳng

Tập trung vào hậu quả
– Việc tìm kiếm sự thật do các nhân viên nhà nước khách quan tiến hành
Ngôn ngữ tố tụng Đòi hỏi phải rất chính xác

– Tố tụng có vai trò đặc biệt quan trọng, coi trọng luật tố tụng

Coi trọng luật nội dung,
Thủ tục – Bảo đảm sử dụng việc kiểm tra chéo, đối chất để xác định tính chính xác, có căn cứ của chứng cứ

– Bảo đảm quyền tranh tụng trước toà cho cả phía buộc tội và phía gỡ tội (các luật sư bào chữa

Vai trò thẩm phán – Thụ động

– Thẩm phán giữ vai trò trung lập

Thẩm phán giữ vai trò trọng tài, điều khiển cuộc tranh tụng, bảo đảm cho các bên có đầy đủ các điều kiện và quyền hạn tranh tụng như nhau,

Thẩm phán /bồi thẩm đoàn chỉ đưa ra kết luận cuối cùng, bị cấm tham gia vào các việc thu thập chứng cứ

Đề cao vai trò chủ động của thẩm phán

+Thẩm phán là người đưa ra quyết định điều tra khi xảy ra một vụ án nào đó. Thẩm phán cũng là người có trách nhiệm tìm ra sự thật trên cơ sở các sự việc, chứng cứ

Thẩm phán hiện chức năng xét xử, chức năng điều tra, chức năng buộc tội và một phần nào đó của chức năng bào chữa

Vai trò công tố/viện kiểm sát Tranh tụng, buộc tội, thu thập chứng cứ Giám sát, kiểm sát
Nhược điểm Tố tụng tranh tụng bị phê phán là xa rời thực tế, dễ phát sinh tiêu cực, bỏ qua sự thật

– Thủ tục tố tụng rất phức tạp, khi chưa có phiên tòa thì không có gì chắc chắn

– Chi phí mở phiên toà cao, thời gian xét xử thường kéo dài, bồi thẩm đoàn không khách quan

Mô hình tố tụng thẩm vấn thường bị chỉ trích là không tôn trọng đầy đủ quyền của các bên đương sự,

– Thẩm phán có thể không khách quan

– Thời gian kéo dài, tốn kém chi phí

Mô hình tố tụng hình sự ở Việt Nam hiện nay

Ở nước ta áp dụng mô hình tố tụng hỗn hợp, đó là sự kết hợp giữa tố tụng thẩm vấn và tố tụng tranh tụng, đây là một mô hình hợp lý, hạn chế được những nhược điểm của các mô hình đồng thời tận dụng ưu điểm để tìm ra sự thật của vụ án hiệu quả nhất. Thể hiện ở các nội dung sau:

+ Tòa đóng vai trò là cơ quan phán quyết, chứng minh sự thật vụ án

+ Viện kiểm sát giám sát, kiểm sát quá trình tố tụng

Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án

Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án.

+Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa.

Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

+ Bị cáo có quyền: Tự bào chữa, đưa ra chứng cứ, hỏi người tham gia tố tụng khác nếu tòa đồng ý

 


Các tìm kiếm liên quan đến mô hình tố tụng tranh tụng và tố tụng xét hỏi, so sánh mô hình tố tụng tranh tụng và mô hình tố tụng thẩm vấn, ưu điểm của mô hình tố tụng tranh tụng, mô hình tố tụng hình sự ở việt nam hiện nay, mô hình tố tụng hình sự việt nam những vấn đề lý luận và thực tiễn, hai mô hình tố tụng đặc trưng trên thế giới. các mô hình tố tụng hình sự trên thế giới, mô hình tố tụng hình sự thẩm vấn, tố tụng thẩm vấn là gì
5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền