Thuế, nghĩa vụ hay trách nhiệm?

Chuyên mụcLuật thuế, Thảo luận pháp luật Thuế là là nghĩa vụ hay trách nhiệm

Thuế, về lí thuyết và nguyên tắc được xem như một phương pháp phân phối lại thu nhập cho xã hội, góp phần bình đẳng hóa xã hội và giảm bớt sự chênh lệch giàu nghèo. Chúng ta đều biết rằng, thuế, về lí thuyết, sau khi được thu nộp vào Ngân sách nhà nước sẽ được chi cho các dự án công trình công cộng, phúc lợi xã hội, phát triển đời sống của người dân trong nước.

 

Bởi thế, ở một số nước Châu Âu, với bề dày lí luận chính trị và pháp lí, người ta đã thành công trong việc giúp cho mỗi công dân hiểu rằng, thuế không phải là nghĩa vụ mà là trách nhiệm, người ta không còn đóng thuế như thời Phong kiến (gián tiếp bị giai cấp Thống trị bóc lột bằng việc phải cống nạp của cải và sức lao động qua sưu thuế). Trong xã hội hiện đại, mỗi công dân sẵn sàng ĐÓNG GÓP THUẾ cho Nhà nước, khi họ biết rằng, khoản tiền của mình sẽ được sử dụng một cách hợp lí hơn, nếu biết nhìn xa trông rộng, thì công dân sẽ hiểu rằng, không ít thì nhiều, chính họ cũng sẽ được hưởng lợi lại từ khoản đóng góp đó. Đó là gì? Là hệ thống đường sá thuận lợi, là công viên tươi xanh mà họ không cần bỏ công chăm sóc vẫn có thể tới đó hằng ngày để tập thể dục, hít thở không khí trong lành, tránh xa khói bụi ô nhiễm đô thị. Hay như khi họ bước vào một cơ quan hành chính, có bàn ghế để ngồi chờ, có không gian thoáng đãng, có đủ số công chức làm việc giúp cho thủ tục được thuận lợi.

 

Nhưng đó chỉ là lí thuyết suông, những ngày gần đây, báo chí đăng tin về việc điều tra truy thu thuế của các shop bán hàng online trên mạng xã hội. Đọc tin tức quốc tế, thỉnh thỏang chúng ta thấy có những vụ scandal lớn về trốn thuế, nổi nhất trong thời gian qua có lẽ là Hồ sơ Panama. Đâu đâu, chúng ta cũng thấy, không ít thì nhiều đều có dấu vết của việc trốn thuế song hành với thực trạng tham nhũng. Mà tham nhũng ở đây là gì? Là sử dụng Ngân sách Nhà nước vì lợi ích riêng, bao gồm tiền đầu tư từ các dự án công và thuế.

 

Thuế là gánh nặng? Phải, vì dù gì đi chăng nữa, thu nhập mà chúng ta kiếm được là mồ hôi công sức và kì vọng được sử dụng thu nhập đó một cách hợp lí. Nếu như hôm nay trời mưa, đường ngập, ngày mai cầu sập, ngày mốt khu chung cư bị giải thể, ngày kia nguyên mảng rừng xanh bị cháy. Thử hỏi cái viễn cảnh tươi đẹp mà một công dân tưởng tượng ra ở đầu bài viết khi họ sẵn sàng đóng thuế có còn được đẹp như thế hay không?

 

Mặt khác, thuế là một vật cản với nhu cầu hưởng thụ và tính sở hữu của con người. Nói chuyện đánh thuế thu nhập siêu cao đối với người giàu, có một vài tỉ phú trên thế giới sẵn sàng làm nghĩa vụ với nhà nước. Nhưng có một thời gian, báo chí Pháp liên tục đào xới chuyện các ngôi sao hạng A bỏ quốc tịch vì lí do không muốn đóng thuế. Khi Marc Zukenberg chuyển gần hết cổ phần của mình ở facebook cho các dự án từ thiện, nhiều người khen ngợi anh, nhiều người cho rằng anh ta ma mãnh, vừa trốn được thuế, vừa được tiếng thơm.

 

Ở các quốc gia mà người ta gọi là THIÊN ĐƯỜNG Thuế, có những nguyên tắc thành lập sắc thuế khác hẳn các quốc gia còn lại trên thế giới, các chính sách về quản lí tiền tệ cũng theo một tư duy cá biệt hơn. Đơn cử như ở Thụy Sĩ, thuế sẽ không đánh vào thu nhập mà đánh vào việc chi tiêu hằng ngày của người nước ngoài… Điều này khiến cho Ngân hàng Thụy Sĩ trở thành kho trữ tiền của người giàu khắp thế giới nhưng chẳng mấy ai sống được ở nước này vì tiền thuế gấp 5 lần tiền thuê nhà, gấp 2 lần tiền thuê khách sạn cộng gộp với tiền ăn trong năm.

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền