Thụ lý vụ án dân sự là hoạt động đầu tiên của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, làm phát sinh quan hệ pháp luật tố tụng dân sự giữa cơ quan tiến hành tố tụng với người tham gia tố tụng.
Điều 195 Bộ luật TTDS năm 2015 quy định về thụ lý vụ án như sau:
1. Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
2. Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
3. Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
4. Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Pháp luật cũng quy định Tòa án không được thụ lý vụ án khi người khởi kiện không đủ điều kiện khởi kiện. Một trong những điều kiện để Tòa án thụ lý vụ án dân sự là Chủ thể khởi kiện có quyền khởi kiện, chủ thể ở đây được quy định cụ thể tại Điều 186, Điều 187 Bộ luật TTDS năm 2015, trong đó một trong các chủ thể có quyền khởi kiện là cá nhân, cá nhân có quyền tự mình khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Điều 186. Quyền khởi kiện vụ án
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Điều 187. Quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước
1. Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
2. Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
4. Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.
5. Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
Tình huống trong thực tiễn được đặt ra, Tòa án nhân dân thành phố P, tỉnh N ban hành thông báo trả lại đơn khởi kiện khi người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người bị kiện thanh toán một số tiền (cả gốc và lãi).
Theo người khởi kiện thì đây là số tiền mà người khởi kiện chuyển cho người bị kiện để thực hiện một công việc. Tài liệu mà người khởi kiện cung cấp cho Tòa án là toàn bộ hồ sơ của Cơ quan điều tra thuộc Công an thành phố P thu thập khi người khởi kiện tố cáo người bị kiện có hành vi lừa dối chiếm đoạt tài sản của người khởi kiện, theo tài liệu mà người khởi kiện cung cấp thì Cơ quan điều tra thuộc Công an thành phố P kết luận vụ việc không có dấu hiệu tội phạm và cho rằng thuộc vụ việc dân sự.
Trên cơ sở thừa nhận của bên khởi kiện và bên bị kiện thể hiện trong tài liệu mà người khởi kiện cung cấp thì mục đích chuyển tiền của người khởi kiện cho người bị kiện là nhằm để chung chi nhận thầu dự án, Tòa án nhân dân thành phố P nhận định hành vi chuyển tiền của người khởi kiện cho người bị kiện là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng, bị cấm, không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ; do đó, Tòa án nhân dân thành phố P xác định quan hệ pháp luật trên không thể xem là giao dịch dân sự được điều chỉnh bởi BLDS hiện hành, khi giao dịch bị nghiêm cấm thì không làm phát sinh quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân đã tham gia giao dịch, đương sự không có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 Bộ luật TTDS hiện hành.
Vậy, Tòa án nhân dân thành phố T căn cứ vào Điều 186; điểm a khoản 1 Điều 192; khoản 1 Điều 194 Bộ luật TTDS trả lại toàn bộ hồ sơ khởi kiện cho người khởi kiện.
Xét ở góc độ pháp lý thì người khởi kiện vụ án dân sự được xác định là nguyên đơn trong vụ án dân sự. Theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Bộ luật TTDS: “Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm”. Như vậy, khi người khởi kiện cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm thì họ có quyền khởi kiện.
Quay về nội dung vụ việc Tòa án trả đơn cho người khởi kiện với lý do quyền và lợi ích của người khởi kiện không được bảo vệ bởi hành vi trái pháp luật nghiêm trọng, bị cấm không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ, giao dịch dân sự giữa người khởi kiện với người bị kiện không được điều chỉnh bởi BLDS hiện hành. Việc Tòa án quyết định trả lại đơn khởi kiện có phù hợp với quy định pháp luật hay không chúng ta cần xem xét, phân tích ở các góc độ sau:
Thứ nhất, không có chứng cứ chứng minh số tiền mà người khởi kiện chuyển cho người bị kiện là tiền có được do phạm tội mà có hoặc có được do thực hiện hành vi trái pháp luật. Điều này khẳng định số tiền mà người khởi kiện chuyển cho người bị kiện là tiền của người khởi kiện tồn tại hợp pháp.
Thứ hai, cần xác định tại thời điểm quan hệ pháp luật phát sinh (cụ thể là việc chuyển tiền) giữa người khởi kiện và người bị kiện là giao dịch dân sự được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự hiện hành mà cụ thể đây là sự thỏa thuận của các bên để thực hiện một công việc; Tại thời điểm người khởi kiện chuyển tiền cho người bị kện không có hành vi trái pháp luật hay vi phạm điều cấm diễn ra mà đây chỉ là một giao dịch dân sự hợp pháp diễn ra cũng như các giao dân sự hợp pháp khác, mục đích của việc chuyển tiền mà người khởi kiện cung cấp thì mục đích chuyển tiền của người khởi kiện cho người bị kiện là nhằm để chung chi nhận thầu dự án, còn việc chung chi nhận thầu dự án chưa có cơ sở kết luận. Như vậy, mục đích của việc chuyển tiền chỉ đang ở thể không hành động, vì vậy giao dịch dân sự này không bị cấm vậy nên nó đương nhiên làm phát sinh quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân đã tham gia giao dịch, giao dịch này cần được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.
Thứ ba, việc người bị kiện có sử dụng số tiền nhận được để thực hiện một hành vi trái pháp luật hay vi phạm điều cấm của pháp luật (người bị kiện có hành vi thực hiện mục đích của việc chuyển tiền đối với giao dịch trên), sau đó khởi kiện người nhận tiền của mình, lúc này mới phát sinh giao dịch dân sự trái pháp luật hoặc vi phạm điều cấm của pháp luật, hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự mới này có thể không làm phát sinh quyền và lợi ích hợp pháp, giao dịch này không được pháp luật bảo vệ.
Với những quan hệ pháp luật dân sự ngày càng đa dạng và phức tạp thì việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan tiến hành tố tụng đối với người tham gia tố tụng là trách nhiệm lớn đòi hỏi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải hết sức thận trọng và phân tích sâu sát những ranh giới trong từng quan hệ pháp luật. Hết sức phù hợp khi pháp luật quy định nguyên đơn trong vụ án dân sự có quyền khởi kiện khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm. Việc xác định quyền và lợi ích có hợp pháp hay không là nhiệm vụ của chủ thể áp dụng pháp luật.
Võ Thị Phượng
Phòng 10 VKSND tỉnh Quảng Nam
Nguồn: Tạp chí Kiểm sát
Để lại một phản hồi