Thời hiệu khởi kiện đối với tranh chấp đòi lại tài sản

Chuyên mụcLuật tố tụng dân sự thoi-hieu

Tiếp tục trao đổi bài viết: “Xác định thời hiệu khởi kiện và nghĩa vụ thanh toán nợ lãi đối với tranh chấp đòi lại tài sản”, tác giả có ý kiến khác với các quan điểm đã trao đổi trước đây.

Qua nghiên cứu bài viết: “Xác định thời hiệu khởi kiện và nghĩa vụ thanh toán nợ lãi đối với tranh chấp đòi lại tài sản” của tác giả Trần Thị Thu Hiền, VKSND thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, đăng trên Kiemsat.vn ngày 13/6/2018. Tôi có ý kiến khác với tác giả bài viết.

1. Tác giả bài viết cho rằng cần chấp nhận yêu cầu khởi kiện của A, buộc B phải thanh toán tiền nợ gốc (do thời hiệu khởi kiện của hợp đồng đòi lại tài sản là không xác định theo quy định của BLTTDS năm 2011 và Nghị quyết số 03 ngày 03.12.2012 của HĐTP TAND Tối cao) và nghĩa vụ thanh toán lãi chậm trả (theo quy định tại khoản 4 Điều 474 BLDS năm 2005).

Thời điểm các bên xác lập hợp đồng vay tài sản là ngày 05/01/2009, nhưng đến ngày 03/8/2017 mới yêu cầu Tòa án giải quyết nên theo quy định tại điểm c, d khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015, khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 (có hiệu lực từ ngày 01/8/2016) của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành BLTTDS thì: “Từ ngày 01/01/2017, Tòa án áp dụng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13 và luật khác có liên quan về thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu để thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động”. Do đó, Tòa án có thẩm quyền phải áp dụng các quy định của BLDS năm 2005 để giải quyết nhưng việc xác định thời hiệu (trong đó có thời hiệu khởi kiện) phải áp dụng các quy định của BLDS năm 2015 và BLTTDS năm 2015 để giải quyết.

Khoản 1 Điều 184 BLTTDS năm 2015 quy định: “1. Thời hiệu khởi kiện… được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự”. Điều 185 BLTTDS năm 2015 quy định: “Các quy định của Bộ luật dân sự về thời hiệu được áp dụng trong tố tụng dân sự”. Điều 429 BLDS năm 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm”. Mặt khác, Điều 155 BLDS năm 2015 quy định các yêu cầu, tranh chấp không áp dụng thời hiệu khởi kiện chỉ bao gồm yêu cầu bảo vệ nhân thân, bảo vệ quyền sở hữu và tranh chấp về quyền sử dụng đất chứ không quy định tranh chấp đòi lại tài sản là không xác định thời hiệu như BLTTDS năm 2011 và hướng dẫn của Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

Tại thời điểm thụ lý vụ án (ngày 03/8/2017), BLTTDS năm 2011 và Nghị quyết số 03 năm 2012 đã hết hiệu lực thi hành cho nên ý kiến của tác giả bài viết nêu không đảm bảo căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Về ý kiến cho rằng, Tòa án phải ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án do hết thời hiệu khởi kiện: Theo quy định điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 thì “đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết” thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Đây được hiểu là điều kiện đồng thời: đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu và thời hiệu khởi kiện đã hết. Bài viết chỉ đưa ra một điều kiện là thời hiệu khởi kiện đã hết (mà không có việc đương sự yêu cầu áp dụng thời hiệu) để Tòa án ra quyết định đình chỉ là chưa đảm bảo căn cứ pháp luật.

Mặt khác, khoản 2 Điều 184 BLTTDS năm 2015 quy định: “2. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu cảu một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc”. Trong trường hợp các bên đương sự không yêu cầu áp dụng thời hiệu thì Tòa án có thẩm quyền áp dụng khoản 1 Điều 478,  khoản 4 Điều 474 BLDS năm 2005 để buộc B phải có nghĩa vụ trả nợ cho A số tiền gốc 300 triệu đồng và tiền lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ (thời hạn chậm trả được tính từ 06/3/2009 đến thời điểm Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết). Tuy nhiên, việc tính lãi chậm trả như quy định của pháp luật hiện nay chưa thỏa đáng, bởi vì thời hạn chậm trả phụ thuộc vào thời điểm phát sinh tranh chấp, cụ thể hơn là thời điểm người cho vay khởi kiện để đòi lại tài sản.

 

Nguồn: Tạp chí kiểm sát (kiemsat.vn)

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền