Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố. Tuy nhiên, “lãnh đạo chủ chốt” là những chức danh nào thì chưa có nhận thức thống nhất.
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 268 BLTTHS 2015 về thẩm quyền xét xử của Tòa án, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu xét xử sơ thẩm những vụ án: “Vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.”
Quy định của BLTTHS năm 2015 đã có sự tách biệt rõ ràng giữa thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Tòa án quân sự khu vực và thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự Quân khu. Theo đó TAND cấp tỉnh và TAQS quân khu xét xử vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.
Tuy nhiên khái niệm “cán bộ chủ chốt” hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn nên trong thực tiễn áp dụng gặp rất nhiều khó khăn. Qua tham khảo Công văn số 5024/VKSTC-V14 ngày 19/11/2018 của VKSNDTC về việc giải đáp vướng mắc liên quan đến quy định của BLTTHS và nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân xác định “Hiện nay không có văn bản chuyên ngành nào hướng dẫn “lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương” gồm những ai. Tuy nhiên, tham khảo Quy định số 90-QĐ/TW ngày 04/8/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành trung ương, Bộ chính trị, Ban Bí thư quản lý thì lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có thể gồm bí thư, phó bí thư cấp ủy cấp huyện, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện. Theo Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thì lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có thể gồm bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ huyện ủy, quận ủy và tương đương; chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện.”
Như vậy, theo tinh thần của Công văn thì cán bộ chủ chốt bao gồm “bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ huyện ủy, quận ủy và tương đương; chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện.”, mặc dù vậy trong thực tiễn ngoài các chức danh nêu trên thì ở các địa phương còn có một số cơ quan, ban ngành được xem là chủ chốt tại địa phương như sở, phòng nội vụ, sở, phòng tài nguyên và môi trường… Ngoài ra, hiện nay chưa có văn bản chính thức nào xác định thế nào là “Cán bộ chủ chốt” làm cơ sở cho việc hướng dẫn cho các văn bản luật hướng dẫn khái niệm này nên trong thực tiễn áp dụng gặp nhiều khó khăn.
Từ những vấn đề nêu trên thiết nghĩ cần sớm có văn bản hướng dẫn thế nào là cán bộ chủ chốt để trong thực tiễn áp dụng cho đúng thẩm quyền xét xử của các Tòa án./.
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).
Để lại một phản hồi