Thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015.
Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự là một trong những nguyên tắc có tính cơ bản, xuyên suốt của BLTTDS. Vậy, nguyên đơn có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án hay không?
Thực tế cho thấy nhiều trường hợp trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, nguyên đơn liên tục thay đổi hoặc bổ sung yêu cầu hoặc sau khi Tòa án ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm thì đương sự mới có thay đổi, bổ sung yêu cầu.
Theo quy định tại Điều 5, khoản 4 Điều 70, khoản 2 Điều 71, khoản 3 Điều 200, khoản 2 Điều 210, Điều 243 BLTTDS chỉ quy định về việc nguyên đơn có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện và quy định giới hạn việc xem xét, chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của nguyên đơn trong trường hợp tại phiên tòa sơ thẩm nếu việc thay đổi, bổ sung đó của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu. Các quy định này là chưa triệt để, chưa giải quyết được những vướng mắc về quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sư thẩm như: thế nào là thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn? mốc thời điểm cụ thể để xem xét việc chấp nhận hay không chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện? Trường hợp nào thì chấp nhận hay không chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn? Thủ tục tố tụng khi nguyên đơn có thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện?
Để giải quyết vướng mắc này Tòa án nhân dân tối cao có công văn số 01/2017/GĐ – TANDTC ngày 07/4/2017 giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ của Tòa án các địa phương, trong đó tại mục 7, Phần IV đã hướng dẫn thực hiện nội dung như sau: “Tòa án chấp nhận việc nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi, bổ sung được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.
Tại phiên họp và sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án chỉ chấp nhận việc đương sự thay đổi yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu”.
Như vậy, trường hợp nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện trước thời điểm Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì sẽ được chấp nhận.
Trường hợp nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện từ thời điểm Tòa án mở phiên họp trở đi thì việc thay đổi yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn chỉ được chấp nhận nếu việc thay đổi yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu. Hướng dẫn này của ngành Tòa án phù hợp với quy định về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn và quyền yêu cầu độc lập của người có quyền, nghĩa vụ liên quan được quy định tại khoản 3 Điều 200 và khoản 2 Điều 201 BLTTDS. Tuy nhiên, về khái niệm thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện; mốc thời điểm cụ thể để xem xét việc chấp nhận hay không chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện? thủ tục thực hiện thay đổi, bổ sung yêu cầu của nguyên đơn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử được thực hiện như nhế nào thì cho đến nay BLTTDS và các văn bản hướng dẫn hiện nay cũng chưa quy định và chưa hướng dẫn cụ thể.
Từ thực trạng nêu trên, nhằm đảm bảo cho các quy định của pháp luật tố tụng dân sự ngày càng hoàn thiện; là cơ sở pháp lý cho việc áp dụng và thực hiện pháp luật, chúng tôi kiến nghị một số giải pháp như sau:
Một là, BLTTDS cần quy định về thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ là thời điểm để xem xét việc yêu cầu thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn với phạm vi chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn tương ứng với nội dung được quy định tại khoản 3 Điều 200 và khoản 2 Điều 201 BLTTDS như quy định về quyền yêu cầu phản tố của bị đơn và quyền yêu cầu độc lập của người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Hai là, Để tránh được sự không thống nhất từ việc áp dụng pháp luật, Thẩm phán khi xem xét việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, BLTTDS cần giải thích rõ khái niệm thay đổi, bổ sung yêu cầu của nguyên đơn; nên quy định việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của nguyên đơn trong giai đoạn này cần được thể hiện dưới hình thức văn bản là đơn yêu cầu.
Ba là, BLTTDS cần bổ sung thêm quy định ngay sau khi chấp nhận thay đổi, bổ sung yêu cầu của nguyên đơn, Tòa án thông báo cho các đương sự khác để đảm bảo cho họ có thời gian chuẩn bị tài liệu, chứng cứ bảo vệ cho các quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước khi Tòa án.
Các tìm kiếm liên quan đến Thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, đương sự có thể thay đổi, bổ sung yêu cầu của mình trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, mẫu đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện, mẫu đơn xin thay đổi yêu cầu khởi kiện, thời điểm bổ sung yêu cầu khởi kiện, mẫu đơn khởi kiện sửa đổi bổ sung, đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện, vấn đề thay đổi bổ sung yêu cầu của đương sự ở tòa án cấp sơ thẩm phúc thẩm và thực tiễn thực hiện, đơn thay đổi nội dung đơn khởi kiện
Để lại một phản hồi