Làm cái nghề vừa chứng kiến vừa trực tiếp tham gia giải quyết nhiều vụ án ly hôn, ít nhiều cũng tạo nên sự chai lì cảm xúc trước những đổ vỡ. Chuyện hôn nhân, khi “cơm không lành, canh chẳng ngọt” thì giải pháp chia tay âu cũng là lẽ thường tình. Thế nhưng, điều mà ít nhiều vẫn khiến tôi ám ảnh đó là, những vụ ly hôn có tranh chấp quyền nuôi con.
Lại một vụ ly hôn mà nạn nhân là con trẻ. Họ là một cặp vợ chồng thành đạt, chồng làm nhà nước, vợ làm sếp của một công ty lớn, qua câu chuyện họ, tôi được biết. Họ đến với nhau từ mối tình thời đại học, yêu nhau từ thuở cả hai còn hai bàn tay trắng, và dĩ nhiên, họ có cả rừng kỷ niệm. Đồng cam cộng khổ, trải qua bao khó khăn, vất vả, để rồi khi họ có tất cả, họ lại quyết định chia tay.
Mặc dù họ có nhiều tài sản nhưng họ tự thỏa thuận được, vấn đề lớn nhất của họ lúc này là cậu con trai đang học tiểu học, cậu nhóc ấy là kết quả duy nhất của tình yêu giữa hai người, cả hai đều muốn mình là người trực tiếp nuôi con, theo quy định pháp luật, tòa phải lấy ý kiến thằng bé.
Vào giữa buổi chiều của cái ngày quan trọng ấy, trong lúc chờ các bên lên tòa hòa giải, người vợ nói với tôi: “Chồng tôi đang ghé trường để xin cho cháu nghỉ nửa buổi học để đưa cháu đến tòa. Trước khi cháu gặp thẩm phán, tôi nhờ luật sư giúp tôi động viên cháu mấy lời”.
Đợi thêm một lúc, ngoài cổng tòa, người đàn ông đèo thằng bé phía sau xe gắn máy, cậu nhóc bước xuống xe, vội vàng gỡ chiếc cặp học sinh, tháo chiếc khăn quàng còn nguyên trên cổ, cậu ngơ ngác bước vào tòa, nhìn cậu thật ái ngại.
Thằng bé theo chúng tôi vào phòng đợi, tôi nhẹ nhàng tìm cách tiếp cận cậu nhóc. Vì thời gian có hạn, sau vài câu hỏi xã giao để cậu nhóc ổn định tinh thần, tôi đặt vấn đề:
“Này cháu, chú có việc này hỏi ý kiến cháu, việc nhỏ thôi, cháu đồng ý chứ ?”
Cậu bé hơi cúi mặt, lí nhí đáp:
“Dạ!”
Tôi tiếp tục:
“Chuyện cũng không có gì nghiêm trọng lắm, giữa ba mẹ cháu có một chút chuyện riêng,vì công việc, trong thời gian sắp tới, ba mẹ cháu tạm thời mỗi người ở một nơi, vì vậy chú muốn hỏi ý kiến cháu là, cháu sẽ ở với ai?”
Cậu bé rơm rớm nước mắt, hết nhìn sang ba rồi nhìn sang mẹ, cháu muốn ở với cả ba và mẹ. Nói đoại nước mắt giàn dụa…
Người mẹ kéo sát cậu bé vào lòng vỗ về….
Tôi tiếp tục:
“Tất nhiên rồi, ba mẹ cháu vẫn là ba mẹ cháu và cũng ở gần cháu đấy thôi, vấn đề chú hỏi chỉ là tạm thời, cháu hiểu chứ!?”
Tiếp tục cúi mặt, cấu bé đáp:
“Vậy cháu ở với mẹ!!!!”
“Được rồi, chú hiểu rồi, chút nữa vào phòng bác thẩm phán, bác ấy cũng hỏi như chú, cháu cứ bình tĩnh mà trả lời như cháu nghĩ nhé!!!”
Thằng bé với ánh mắt vừa tuyệt vọng, lo âu và sợ hãi, nó miễn cưỡng theo người lớn vào phòng hòa giải.
Tôi biết, vợ chồng họ đã từng có cả rừng kỷ niệm, cả hai đều là những người có trách nhiệm và hết mực yêu thương con cái, có thể ngay lúc này, quyết định ly hôn giữa họ là một là một quyết định không hề dễ dàng, nhưng có lẽ họ vẫn quyết định.
Không cần biết kết quả cuối cùng tòa án sẽ xét xử ra sao, ngày mai sẽ là ngày mà cậu không còn những bữa cơm thường nhật ngồi ăn có cả ba và mẹ. Trong ngôi nhà mới, sẽ là cảnh bếp thiếu mẹ hoặc phòng khách thiếu ba. Tôi biết, rồi cậu ấy sẽ quen với mọi thứ theo thời gian, nhưng trước mắt, thế giới trong cậu ấy đang sụp đổ!
Trong ly hôn, những đứa trẻ, nạn nhân của cuộc hôn nhân bất hạnh, nhưng chớ trêu, chúng phải chấp nhận mọi thứ!
Nguồn: Luật sư Nguyễn Ngọc Quảng
(Bài viết được Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ trong Group Hội những người thích Học Luật)
Để lại một phản hồi