Quy trình xây dựng án lệ ở Việt Nam hiện nay

Quy trình xây dựng án lệ ở Việt Nam hiện nay

Theo quy định của Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 về “Quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ” thì quy trình xây dựng án lệ ở Việt Nam hiện nay cơ bản bao gồm những giai đoạn sau:

 

Án lệ

 

Các bài viết liên quan:

 


Quy trình xây dựng án lệ ở Việt Nam hiện nay

Giai đoạn 1: Rà soát, phát hiện bản án, quyết định đề xuất phát triển thành án lệ

Việc rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ được thực hiện như sau:

– Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương tổ chức tổng kết thực tiễn xét xử để đề xuất những vấn đề cần hướng dẫn; căn cứ vào các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này tổ chức rà soát, phát hiện các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình, các Tòa án thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ và đề nghị Ủy ban Thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Uỷ ban Thẩm phán Toà án quân sự quân khu và tương đương xem xét, đánh giá.

Trường hợp bản án, quyết định đã đưa ra xem xét, đánh giá có nội dung đáp ứng các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này thì Chánh án Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chánh án Toà án quân sự quân khu và tương đương gửi báo cáo về Toà án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học), trong đó đánh giá thực tiễn xét xử và pháp luật liên quan đến đề xuất lựa chọn án lệ; nêu rõ bản án, quyết định có chứa đựng nội dung đề xuất lựa chọn để phát triển thành án lệ; nội dung đề xuất lựa chọn làm án lệ; ý kiến đánh giá của Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Uỷ ban Thẩm phán Toà án quân sự quân khu và tương đương (kèm theo bản án, quyết định được đề xuất);

– Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án quân sự trung ương tổ chức tổng kết thực tiễn xét xử để đề xuất những vấn đề cần hướng dẫn; căn cứ vào các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này tổ chức rà soát, phát hiện các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án mình và đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương xem xét, đánh giá.

Trường hợp bản án, quyết định đã đưa ra xem xét, đánh giá có nội dung đáp ứng các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này thì Chánh án Toà án nhân dân cấp cao, Chánh án Toà án quân sự trung ương gửi báo cáo về Toà án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học), trong đó đánh giá thực tiễn xét xử và pháp luật liên quan đến đề xuất lựa chọn án lệ; nêu rõ bản án, quyết định có chứa đựng nội dung đề xuất lựa chọn phát triển thành án lệ; nội dung đề xuất lựa chọn làm án lệ; ý kiến đánh giá của Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp cao, Uỷ ban Thẩm phán Toà án quân sự trung ương (kèm theo bản án, quyết định được đề xuất);

– Vụ trưởng các Vụ Giám đốc kiểm tra Toà án nhân dân tối cao căn cứ vào các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này tổ chức rà soát, phát hiện các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của các Toà án khác, gửi báo cáo về Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Toà án nhân dân tối cao, trong đó đánh giá thực tiễn xét xử và pháp luật liên quan đến đề xuất lựa chọn án lệ; nêu rõ bản án, quyết định có chứa đựng nội dung đề xuất lựa chọn phát triển thành án lệ; nội dung đề xuất lựa chọn làm án lệ (kèm theo bản án, quyết định được đề xuất);

Cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể gửi đề xuất lựa chọn các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án đáp ứng các tiêu chí hướng dẫn tại Điều 2 của Nghị quyết này cho Toà án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để phát triển thành án lệ.

Việc tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ của các Toà án được tiến hành theo định kỳ 06 tháng.

Giai đoạn 2: Lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ

– Ngay sau khi nhận được báo cáo kèm theo các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn để phát triển thành án lệ theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết này, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Toà án nhân dân tối cao tiến hành đăng các bản án, quyết định được đề xuất, nội dung đề xuất lựa chọn làm án lệ trên Tạp chí Tòa án nhân dân, Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao để các cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia ý kiến trong thời hạn 02 tháng. Trường hợp cần thiết có thể tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, các cơ quan, tổ chức hữu quan.

– Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày hết thời hạn lấy ý kiến theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng của Toà án nhân dân tối cao tập hợp các ý kiến góp ý; tổ chức nghiên cứu, đánh giá những nội dung trong bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn làm án lệ, các ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân và báo cáo Chánh án Toà án nhân dân tối cao xem xét, quyết định việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ.

Giai đoạn 3: Thông qua án lệ

– Trên cơ sở Báo cáo của Hội đồng tư vấn án lệ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để thảo luận và biểu quyết thông qua án lệ.

– Phiên họp của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành.

– Kết quả biểu quyết thông qua án lệ phải được ghi vào biên bản phiên họp của Hội đồng Thẩm phán và là căn cứ để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố án lệ.

Giai đoạn 4: Công bố án lệ

– Sau khi Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua án lệ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố án lệ.

– Án lệ được công bố phải bao gồm những nội dung sau:

  • Tên của vụ việc được Toà án giải quyết;
  • Số bản án, quyết định của Toà án có chứa đựng án lệ;
  • Từ khoá về những vấn đề pháp lý được giải quyết trong án lệ;
  • Các tình tiết trong vụ án và phán quyết của Toà án có liên quan đến án lệ;
  • Vấn đề pháp lý có giá trị hướng dẫn xét xử được giải quyết trong án lệ.

– Án lệ được đăng trên Tạp chí Toà án nhân dân, Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao; được gửi cho các Toà án và được đưa vào Tuyển tập án lệ xuất bản theo định kỳ 12 tháng.

Giai đoạn 5: Vấn đề huỷ bỏ, thay thế án lệ

– Trường hợp do sự thay đổi của Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Nghị định của Chính phủ mà án lệ không còn phù hợp thì án lệ đương nhiên bị hủy bỏ.

– Trường hợp do chuyển biến tình hình mà án lệ không còn phù hợp nhưng chưa có quy định mới của pháp luật thì Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có trách nhiệm xem xét huỷ bỏ án lệ.

Những người có thẩm quyền rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ hướng dẫn tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết này có quyền kiến nghị với Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) xem xét huỷ bỏ, thay thế án lệ.

– Trường hợp Hội đồng xét xử không áp dụng án lệ và có phân tích, lập luận nêu rõ lý do trong bản án, quyết định thì ngay sau khi tuyên án phải gửi kiến nghị thay thế án lệ về Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) kèm theo bản án, quyết định đó.

– Ngay sau khi nhận được kiến nghị xem xét huỷ bỏ, thay thế án lệ theo hướng dẫn tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học nghiên cứu, báo cáo Chánh án Toà án nhân dân tối cao để tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xem xét việc huỷ bỏ, thay thế án lệ.

– Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao họp biểu quyết thông qua việc huỷ bỏ, thay thế án lệ đối với trường hợp nêu tại khoản 2 và khoản 3 Điều này theo nguyên tắc hướng dẫn tại khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết này.

Trên cơ sở kết quả biểu quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố việc huỷ bỏ, thay thế án lệ, trong đó xác định rõ thời điểm án lệ bị hủy bỏ, thay thế.

Quyết định huỷ bỏ hoặc thay thế án lệ phải được đăng trên Tạp chí Toà án nhân dân, Cổng thông tin điện tử của Toà án nhân dân tối cao và gửi đến các Toà án.

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.