Quy định cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 – những vướng mắc trong thực tiễn thi hành
Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp (LLTP) năm 2009, Phiếu LLTP gồm có 02 loại: Phiếu LLTP số 1 và Phiếu LLTP số 2. Thời gian qua, do chưa hiểu quy định của Luật LLTP nên một số cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam và cả một số cơ quan, tổ chức trong nước đã yêu cầu công dân Việt Nam phải nộp Phiếu LLTP số 2 khi làm hồ sơ xin thị thực nhập cảnh hoặc xin việc làm. Yêu cầu này là không đúng tinh thần của Luật LLTP và gây bất lợi cho công dân. Đây cũng là một trong những vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi Luật LLTP trong hơn 07 năm qua.
1. Quy định của pháp luật về Phiếu lý lịch tư pháp số 2
Theo quy định của Luật LLTP, Phiếu LLTP số 1 được cấp cho cá nhân (công dân Việt Nam, người nước ngoài có thời gian cư trú tại Việt Nam) và cấp cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã. Nội dung của Phiếu LLTP số 1 chỉ ghi những án tích chưa được xóa. Đối với người đã được xóa án tích thì nội dung Phiếu LLTP số 1 sẽ ghi là “không có án tích”.
Phiếu LLTP số 2 được cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và cấp cho cá nhân để người đó biết được nội dung về LLTP của mình. Nội dung của Phiếu LLTP số 2 ngoài việc ghi rõ các án tích chưa được xóa của cá nhân (nếu có) còn ghi cả các án tích đã được xóa.
Ví dụ: Một người đã từng bị kết án và đã được xóa án tích thì Phiếu LLTP số 1 cấp cho người đó sẽ ghi là “không có án tích”. Nếu người đó yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 thì thông tin về án tích đã được xóa như tội danh, điều khoản luật áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, ngày tháng năm tuyên án, tình trạng thi hành án, thời điểm được xóa án tích sẽ được ghi đầy đủ trong Phiếu LLTP số 2.
Cũng chính bởi nội dung khác biệt của Phiếu LLTP số 2 so với Phiếu LLTP số 1 nên Luật LLTP quy định cá nhân không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu LLTP số 2. Đồng thời, Luật LLTP cũng quy định rõ mục đích cấp Phiếu LLTP số 2 cho cá nhân là để người đó biết được nội dung về LLTP của mình. Như vậy, khác với Phiếu LLTP số 1 (không bị giới hạn bởi mục đích cấp Phiếu), Phiếu LLTP số 2 được cấp cho cá nhân bị giới hạn bởi mục đích cấp. Mục đích cấp Phiếu LLTP số 2 cho cá nhân trong Luật LLTP chỉ nhằm cho cá nhân biết được cơ quan LLTP đang quản lý những thông tin LLTP nào của mình, không nhằm phục vụ các yêu cầu của cá nhân tham gia các quan hệ pháp lý trong đời sống xã hội.
2. Những vướng mắc trong thực tiễn thi hành cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2
Hằng năm, Trung tâm LLTP quốc gia và các Sở Tư pháp trên toàn quốc đã cấp hàng trăm nghìn Phiếu LLTP, trong đó chủ yếu là Phiếu LLTP số 1 theo yêu cầu của cá nhân để làm các thủ tục như xin việc làm, kết hôn, nhập quốc tịch, du học, xuất cảnh…Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối năm 2012, số lượng yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 của công dân Việt Nam và người nước ngoài có thời gian cư trú tại Việt Nam ngày càng tăng. Nếu như trong năm 2011, toàn quốc chỉ có hơn 03 nghìn yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2, chiếm tỷ lệ 2,5% tổng số yêu cầu cấp Phiếu LLTP, thì đến năm 2016, toàn quốc đã có hơn 96 nghìn yêu cầu, chiếm tỷ lệ 27% tổng số yêu cầu cấp Phiếu LLTP[1].
Thực tế cho thấy, cá nhân yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 không phải xuất phát từ mục đích muốn biết về nội dung LLTP của mình (theo quy định của Luật LLTP) mà xuất phát từ yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, chủ yếu để bổ túc hồ sơ xin thị thực nhập cảnh, kết hôn, xuất khẩu lao động… tại các cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài như Hoa Kỳ, Australia, Canada, Niu Di-lân… Thông tin về tình trạng án tích trong Phiếu LLTP số 2 là một trong những căn cứ để cơ quan đại diện ngoại giao xem xét, quyết định cấp thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài có thời gian cư trú tại Việt Nam. Trong khi đó, trước thời điểm này, các cơ quan đại diện ngoại giao của các nước này vẫn tiếp nhận và sử dụng Phiếu LLTP số 1 của cá nhân khi xem xét, giải quyết cấp thị thực nhập cảnh. Ngoài ra, có một số ít trường hợp cá nhân yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 để làm các thủ tục tại một số cơ quan, tổ chức trong nước[2].
Việc công dân Việt Nam phải nộp Phiếu LLTP số 2 để làm các thủ tục liên quan đến cấp thị thực nhập cảnh theo yêu cầu một số cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam là không đúng mục đích cấp Phiếu theo quy định của Luật LLTP (Phiếu LLTP số 2 được cấp cho cá nhân chỉ để người đó biết được nội dung về LLTP của mình). Hơn nữa, việc cấp Phiếu LLTP số 2 cho cá nhân đã gây tốn kém, phát sinh nhiều chi phí, thời gian, thủ tục trong việc hoàn thiện hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP, đặc biệt đối với công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc, học tập tại nước ngoài do trước đây họ phải trực tiếp về Việt Nam để làm thủ tục do pháp luật không cho phép ủy quyền cho người khác[3]. Theo phản ánh của công dân, khi Phiếu LLTP số 2 được cấp và sử dụng công khai có thể dẫn đến hệ lụy cho cá nhân như khó khăn trong tái hòa nhập cộng đồng, đi du học, xin việc làm, xuất cảnh…. đặc biệt là những người đã từng bị kết án nhưng đã được xóa án tích. Một số trường hợp công dân Việt Nam đã bị từ chối cấp thị thực do đã từng bị kết án mặc dù án tích đó đã được xóa từ trước đó rất lâu.
Theo quy định của Luật LLTP, một trong các mục đích và nguyên tắc quản lý LLTP là ghi nhận việc xóa án tích, tạo điều kiện cho người đã từng bị kết án tái hòa nhập cộng đồng và bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân. Tuy nhiên, mục đích nhân đạo này sẽ bị ảnh hưởng khi mà ngày càng nhiều cơ quan, tổ chức lạm dụng quyền được cấp Phiếu LLTP số 2 của cá nhân để yêu cầu người dân phải nộp loại Phiếu này khi thực hiện các giao dịch, thủ tục tại các cơ quan, tổ chức. Thực trạng này đã ảnh hưởng tới quyền được pháp luật bảo đảm tôn trọng bí mật cá nhân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự của Nhà nước ta, ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án, đặc biệt là những người đã được xóa án tích.
Hơn nữa, quy định hiện hành của Luật LLTP về việc có 02 loại Phiếu LLTP cấp cho cá nhân (số 1 và số 2) cũng gây khó khăn, lúng túng cho người dân trong việc phải xác định loại Phiếu cần sử dụng khi làm thủ tục yêu cầu cầu cấp Phiếu LLTP, rất nhiều trường hợp cá nhân đã yêu cầu cấp Phiếu số 1 sau đó đổi lại Phiếu số 2 hoặc ngược lại.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Để khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn thi hành quy định của Luật LLTP về cấp Phiếu LLTP số 2, nhằm bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của cá nhân, tạo điều kiện cho những người đã từng bị kết án tái hòa nhập cộng đồng, tác giả có một số đề xuất như sau:
Thứ nhất, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật để cá nhân, cơ quan, tổ chức hiểu biết đúng về ý nghĩa và mục đích sử dụng của Phiếu LLTP số 2, đặc biệt là các cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam đang yêu cầu công dân Việt Nam phải nộp Phiếu LLTP số 2 để các cơ quan này cùng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam thống nhất thực hiện đúng quy định của Luật LLTP. Thay vì yêu cầu cá nhân phải nộp Phiếu LLTP số 2, đề nghị các cơ quan, tổ chức yêu cầu cá nhân nộp Phiếu LLTP số 1 – loại Phiếu cấp cho cá nhân để phục vụ các nhu cầu về nhập cảnh, kết hôn, xin việc làm, du học, bổ sung hồ sơ định cư ở nước ngoài….
Thứ hai, cần nghiên cứu, sửa đổi quy định về cấp Phiếu LLTP số 2 theo hướng thống nhất chỉ có 01 loại Phiếu LLTP cấp cho cá nhân – là loại Phiếu LLTP số 1 đang được cấp và sử dụng theo quy định của Luật LLTP năm 2009. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý LLTP trong cung cấp thông tin LLTP (tương tự như nội dung thông tin trong Phiếu LLTP số 2 nhưng dưới dạng Văn bản cung cấp thông tin) cho cơ quan tiến hành tố tụng để phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và cho một số cơ quan nhà nước nhằm phục vụ hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan này mà theo quy định của pháp luật phải có thông tin LLTP[4].
Có ý kiến cho rằng, việc bỏ quy định cấp Phiếu LLTP số 2 cho cá nhân có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam khi muốn nhập cảnh, định cư, học tập, làm việc tại nước có yêu cầu cung cấp loại Phiếu này. Cơ quan nhà nước cấp Phiếu LLTP số 2 theo yêu cầu của cá nhân còn sử dụng vào việc gì là do cá nhân quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định này.
Về vấn đề này, tác giả cho rằng, Luật LLTP đã quy định Phiếu LLTP số 2 được cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về LLTP của mình. Tuy nhiên, thời gian qua, một số cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài đã lạm dụng quy định này của Luật LLTP, yêu cầu công dân phải nộp Phiếu LLTP số 2 khi hoàn thiện hồ sơ xin thị thực nhập cảnh hoặc một số thủ tục tại cơ quan đại diện. Việc các cơ quan đại điện ngoại giao của nước ngoài trực tiếp hay gián tiếp sử dụng Phiếu LLTP số 2 của cá nhân là không phù hợp với quy định của Luật LLTP về mục đích sử dụng Phiếu LLTP số 2. Điều này cũng không phù hợp với chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự Việt Nam về xóa án tích. Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), người được xóa án tích coi như chưa bị kết án[5]. Sau khi đã được xóa án tích, các giấy tờ liên quan đến căn cước, lý lịch của họ đều được ghi là “không có án tích” và nếu người đó lại phạm tội mới thì cũng coi như phạm tội lần đầu.
Việc quy định chỉ có 01 loại Phiếu LLTP cấp cho cá nhân cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tại một số nước cũng có quy định về 02-03 loại Phiếu LLTP tùy vào từng chủ thể yêu cầu (là cơ quan nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân) và tùy theo mục đích sử dụng, nhưng thông thường chỉ có 01 loại Phiếu cấp cho cá nhân, trong đó có các thông tin tương tự như Phiếu LLTP số 1 theo quy định của Luật LLTP năm 2009[6] – chỉ ghi những án tích chưa được xóa.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa giấy tờ trong hồ sơ, rút ngắn thời hạn cấp Phiếu, áp dụng các phương thức nộp hồ sơ và cấp Phiếu LLTP thuận tiện hơn như cấp Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính, đăng ký trực tuyến nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu cấp Phiếu LLTP của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Ths. Đỗ Thị Thúy Lan – Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia
[1] Tại một số tỉnh, thành phố số lượng cấp Phiếu LLTP số 2 chiếm đến 60% số tổng hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP trong năm 2016.
[2] Theo quy định của Nghị định số 106/2011/NĐ-CP ngày 23/11/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 23/11/2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25/12/2015 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép trong các lĩnh vực này phải có Phiếu LLTP số 2.
[3] Hiện nay những trường hợp này đã có thể gửi hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP đến Sở Tư pháp, Trung tâm LLTP quốc gia qua dịch vụ bưu chính hoặc đăng ký trực tuyến theo Đề án thí điểm ban hành kèm theo Quyết định số 19/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ .
[4] VD: Luật số 20/2012/QH13 ngày 20/11/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư (điểm d khoản 4 Điều 17) quy định: Người thuộc một trong những trường hợp sau đây thì không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư: …đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng do cố ý, tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý kể cả trường hợp đã được xóa án tích;”
[5] Điều 69 Bộ luật Hình sự 2015.
[6] Tương tự như Phiếu LLTP số 3 của Cộng hòa Pháp, Phiếu LLTP “tư” của CHLB Đức
Để lại một phản hồi