Kỹ năng giám sát tối cao về xem xét báo cáo

Chuyên mụcThảo luận pháp luật Quốc hội

Trong bảy hình thức giám sát tối cao của Quốc hội được quy định tại Điều 11 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 thì hình thức xem xét báo cáo công tác là hình thức duy nhất diễn ra thường xuyên ở tất cả các kỳ họp của Quốc hội trong mỗi khóa. Bởi vậy, khi bàn về kỹ năng hoạt động giám sát thì trước hết cũng ưu tiên bàn về kỹ năng giám sát của hình thức giám sát này.

 

Abstract: Of the seven types of supreme supervisions by the National Assembly specified in Article 11 of the Law on Supervisory Activities of the National Assembly and People’s Councils of 2015, the supervision of reviewing the performance report is the only one that usually takes place at every meeting sessions of the National Assembly. Therefore, when the discussions on the skills of the supervisory activities, it is first of all important to discuss the supervisory skills of this supervision of reviewing the performance reports.

 

I. Các quy định pháp lý về hoạt động giám sát tối cao tại kỳ họp

Hiện nay có 3 văn bản pháp luật chủ yếu quy định về hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội tại kỳ họp, đó là:

– Hiến pháp năm 2013: Điều 70 nói về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, tại khoản 2 Điều này quy định, Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập.

 Luật tổ chức Quốc hội năm 2014: Điều 6 ghi lại như Điều 70 Hiến pháp năm 2013.

– Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) năm 2015: Điều 11 nói về các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, trong đó khoản 1 ghi lại như Điều 70 của Hiến pháp năm 2013; khoản 4 xem xét báo cáo giám sát chuyên đề; khoản 5 xem xét báo cáo của Ủy ban lâm thời do Quốc hội thành lập để điều tra về một vấn đề nhất định; khoản 7 xem xét báo cáo của UBTVQH về kiến nghị giám sát của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Xin bàn thêm về kỹ năng xem xét các báo cáo theo Điều 13 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015.

II. Kỹ năng giám sát tối cao tại kỳ họp về xem xét báo cáo công tác

Xét về thời gian thì có hai loại báo cáo công tác tại kỳ họp của Quốc hội, đó là báo cáo hằng năm và báo cáo cuối nhiệm kỳ. Và cũng có thể chia làm hai loại kỹ năng, đó là kỹ năng chung để xem xét mọi loại báo cáo và kỹ năng riêng để xem xét từng loại báo cáo. Trong quá trình xem xét (giám sát) thì lại phải phối hợp cả hai loại kỹ năng với nhau.

1. Những kỹ năng chung

1.1 Kỹ năng phản biện. Xem xét báo cáo chính là phải thể hiện chính kiến (đúng, sai; hợp lý, không hợp lý thế nào; đó chính là phản biện). Xét về nội dung thông tin của báo cáo, trong các báo cáo thường xảy ra bốn tình huống: một là, thông tin đúng, chuẩn xác; hai là, thông tin sai, không chuẩn xác; ba là, thông tin có đúng, có sai; bốn là, thông tin không rõ đúng, sai thế nào. Ngoài ra, có thể còn có thông tin lạc đề.

Đối với thông tin đúng, chuẩn xác, đương nhiên là các đại biểu Quốc hội sẽ chấp nhận, thậm chí là tán dương. Tuy nhiên, chấp nhận hay tán dương cũng phải lập luận với lý lẽ sắc bén (nếu không muốn bị đánh giá là “mù tịt, chẳng biết gì nên toàn khen “phò mã tốt áo”, nói cho qua chuyện”) Muốn thế phải có thông tin, thông tin càng “đắt giá” càng tốt.

Đối với thông tin sai, không chuẩn xác, đương nhiên là phải chứng minh. Tùy từng vấn đề mà có thể chứng minh bằng lý lẽ hay bằng số liệu hoặc cả hai. Lý lẽ và số liệu phải làm bật ra sự mâu thuẫn giữa báo cáo và thực tế.

Đối với thông tin có đúng, có sai thì phải bóc tách ra điểm nào đúng, điểm nào sai; chi tiết nào đúng, chi tiết nào sai. Đúng vì sao, sai vì sao; chứng minh đúng, sai bằng lập luận, bằng thông tin của mình đã thu thập và đã được kiểm chứng.

Đối với thông tin chưa rõ đúng, sai thế nào thì phải yêu cầu làm rõ, sẽ phải chất vấn. Tuy nhiên đại biểu phải chứng minh cho được thông tin đó không đủ rõ là như thế nào (giả dụ, cùng một việc nhưng ở đoạn này thì nhận định là tốt; đến đoạn khác thì lại coi là hiện tượng xấu…).

1.2 Kỹ năng trình bày (nói). Trước hết cần lưu ý là, chỉ có ở lễ kỷ niệm trọng thể một ngày lịch sử hay ở một đại hội thì diễn văn hay báo cáo chính trị mới được đọc nguyên văn, còn đã là phát biểu ý kiến thì chủ yếu phải trình bày miệng (không nên nối tiếp nhau đọc các bài viết sẵn như diễn văn, nhiều khi nhàm chán vì lặp đi lặp lại thông tin). Kỹ năng trình bày miệng (nói vo) cũng không dễ, do vậy phải tự rèn luyện. Những lần đầu có thể phụ thuộc văn bản, giấy tờ 80-90%, sau đó rèn luyện trí nhớ, “ly khai” dần văn bản, giấy tờ, tới mức chỉ còn phụ thuộc 15-20% là đạt yêu cầu. Nghĩa là chỉ cần đề cương sơ lược là có thể phát biểu được. Khoa học quản lý đã kết luận rằng, người cầm giấy đọc đều đều như ru ngủ thì người nghe giỏi lắm cũng chỉ vào tai độ 20% nội dung bài đọc; còn nói vo mà súc tích, dí dỏm, người nghe có thể tiếp thu 80-90% ý kiến. Người ta thường đánh giá, người nói vo, súc tích bao giờ cũng thông minh hơn nhiều so với người cầm giấy mà đọc (cầm giấy đọc thì chỉ cần thoát nạn mù chữ là làm được). Có ba cách (phương pháp) lựa chọn ngôn ngữ để trình bày ý kiến:

– Trình bày theo ngôn từ “bác học”, nghĩa là tất cả các vấn đề, mọi chi tiết đều được diễn đạt bằng các luận cứ và ngôn ngữ khoa học. Ưu điểm của phương pháp này là mọi sự kiện, mọi hiện tượng đều có khả năng luận giải đến tận cùng. Nhưng có nhược điểm là không phải ai cũng hiểu cặn kẽ được tất cả các vấn đề khoa học, nhất là những vấn đề kỹ thuật, chuyên môn hẹp và khó.

– Trình bày, diễn đạt bằng phương pháp “dân dã” một vấn đề nào đó, có thể dẫn ra một vài việc thực tế, là người nghe có thể hiểu được. Ưu điểm của phương pháp này là hầu như ai cũng hiểu, cũng nắm được vấn đề. Nhưng có nhược điểm là không thể cắt nghĩa được cặn kẽ, lý giải đến tận cùng được nhiều vấn đề, nhiều hiện tượng mang tính khoa học.

– Kết hợp từ ưu, nhược điểm của hai phương pháp trên để trình bày, có vấn đề trình bày bằng luận cứ, ngôn ngữ khoa học, có vấn đề được ví dụ bằng thực tiễn. Cấp độ, liều lượng kết hợp tùy nội dung đang được trình bày và tùy thuộc khả năng tri thức, trình độ thực tiễn và sự nhạy cảm của người trình bày. Hiện nay phương pháp kết hợp là phương pháp thông dụng được sử dụng rộng rãi ở tất cả các phiên thảo luận kinh tế -xã hội, giám sát chuyên đề, thảo luận dự án luật lần đầu và trong nhiều trường hợp khác.

1.3 Kỹ năng chuẩn bị một bài phát biểu. Thực tế các kỳ họp cho thấy, hầu hết các đại biểu đều sử dụng hết thời lượng 7 phút cho phép, có một số đại biểu nói quá thời lượng do chuẩn bị quá nhiều nội dung; do quá giờ nên bị Chủ tọa ngắt lời. Do vậy, đại biểu nên cân nhắc “tuân thủ” một số vấn đề như là các “nguyên tắc”.

– Tuân thủ nghiêm ngặt thời lượng được phép sử dụng để chuẩn bị bài nói vừa vặn với thời lượng đó. Không nên viết quá dài, nhiều vấn đề vì sẽ phải nói quá thời lượng. Nói dài, bị ngắt lời sẽ gây ra cảm giác dang dở, sức lan tỏa của ý kiến phát biểu bị hạn chế. Do đó chỉ nên lựa chọn một, hai vấn đề phù hợp với thời lượng cho phép, đó là những vấn đề mình nắm chắc thông tin (cả lý luận và thực tiễn) và cảm thấy tâm đắc nhất và có đóng góp thiết thực; chắc chắn sẽ được nhiều người quan tâm hơn.

– Chọn lọc những chi tiết thông tin “đắt giá” nhất cho mỗi vấn đề diễn đạt trong bài nói. Sử dụng những ngôn từ đặc trưng nhất để lột tả sự việc một cách hợp lý, chính xác nhất.

– Các kiến nghị, các giải pháp nhất thiết phải “ăn nhập”, logic với tình hình (hết sức tránh tình hình một đàng, kiến nghị một nẻo).

– Xem lại và tự trình bày một vài lần, ngẫm nghĩ xem bản thân mình nghe có “lọt tai” không; sửa chữa tới mức mình ưng ý nhất trước khi được phát biểu.

Khi đã chuẩn bị chu đáo, nhuần nhuyễn rồi thì như đã nói, nên trình bày, diễn đạt bằng lời nói diễn cảm sẽ có tính thuyết phục hơn là cầm giấy đọc.

1.4 Kỹ năng tiếp nhận, xử lý thông tin. Các kỹ năng nói trên phụ thuộc nhiều vào kỹ năng này. Mỗi đại biểu phải tạo cho mình một “kho” tư liệu và tích lũy kiến thức đạt tới mức phong phú và đa dạng. Có thể ví như làm một mâm cỗ ngon thì phải có nhiều loại thực phẩm ngon, tươi sống, phong phú và đầy đủ gia vị cần thiết.

– Có nhiều cách tiếp nhận thông tin, có thể đọc tài liệu, đọc sách, báo, tạp chí; có thể nghe đài, xem truyền hình; nghe truyền đạt, nghe nói chuyện, nghe thảo luận; tìm kiếm trên các trang mạng… Vấn đề quan trọng là khi đọc, nghe, xem, nhìn, nếu có những thông tin thú vị, cần thiết thì phải lưu lại; thông tin “đắt giá” thì phải đánh dấu, có ký hiệu lưu ý để dễ tra cứu.

– Phải tiếp nhận thông tin nhanh chóng, nhạy bén và sàng lọc giỏi; phải có phương pháp đọc để đọc nhanh khi ít thời gian, thâu tóm thông tin chính xác; phải có phương pháp nghe và tinh ý khi nghe để loại bỏ những thông tin vu vơ; phải biết tổng hợp “cô đặc” thông tin và nhận định giá trị của nó và sử dụng hợp lý. Trong 7 bậc nhận thức: Biết, Hiểu, Vận dụng, Phân tích, Tổng hợp, Đánh giá và Sáng tạo thì bậc nào cũng quan trọng, nhưng đánh giá và sáng tạo là vô cùng quan trọng đối với người đại biểu dân cử.

– Trong mỗi kỳ họp, đại biểu thường được cung cấp khá nhiều tài liệu chính thức và tham khảo. Nếu không có phương pháp đọc sẽ không nắm được cốt lõi của mỗi văn bản. Có thể xem qua bố cục, các mục lớn, rồi xem kỹ những vấn đề mình quan tâm nhất hay trọng tâm nhất.

– Phải luyện tập để có đầu óc phân tích, tổng hợp thông tin theo chuyên đề, theo lĩnh vực, tìm ra mối liên hệ giữa thông tin này với thông tin khác; thông tin nào là nguyên nhân, thông tin nào là kết quả và ngược lại.

Một khi đại biểu dân cử đã có phương pháp tiếp nhận thông tin, phân tích, tổng hợp, tìm thấy mối liên hệ giữa các thông tin thì chắc chắn hoạt động giám sát của đại biểu sẽ ngày càng có hiệu quả. Tổng quát lại là, đại biểu dân cử phải cần mẫn, nhẫn nại, chịu khó ghi chép, cập nhật thông tin và phân loại. Chịu khó nghe, chắt lọc thông tin trong hội họp, làm việc là một phương pháp làm việc khoa học, có trách nhiệm và có chất lượng.

2. Kỹ năng riêng đối với mỗi loại báo cáo

Trên thực tế, có khá nhiều loại báo cáo trình Quốc hội để xem xét (giám sát), nhưng để gọn vấn đề, xin được phân chia theo “lô lớn” gồm 3 loại báo cáo: Báo cáo về lĩnh vực công tác lập pháp; báo cáo về các hoạt động của lĩnh vực hành pháp; báo cáo công tác về lĩnh vực tư pháp. Để xem xét một cách đúng hướng thì đại biểu phải nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi loại cơ quan mà mình xem xét báo cáo.

2.1 Kỹ năng xem xét báo cáo về công tác thuộc lĩnh vực lập pháp. Đó là các báo cáo của UBTVQH hàng năm và cả nhiệm kỳ về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và UBTVQH. Báo cáo thường tập trung vào 3 chức năng của Quốc hội là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Gần đây có thêm một phần về hoạt động đối ngoại (ngoại giao Nghị viện). Quá trình xem xét (giám sát), về kỹ năng cần chú ý một số vấn đề sau.

– Có thể coi đây là bản kiểm điểm thực thi quyền hạn, nhiệm vụ của Quốc hội, trong đó có trách nhiệm (hoạt động) của từng đại biểu dân cử. Vì thế, việc xem xét phải khách quan, trung thực và sâu sát; phải nắm chắc chương trình, nội dung, yêu cầu của mỗi loại nhiệm vụ (xây dựng luật và pháp lệnh; chương trình hoạt động giám sát; những vấn đề cần quyết định; chương trình hoạt động đối ngoại); nắm vững kết quả thực hiện mỗi loại nhiệm vụ, nhất là những vụ việc mà mình đã tham gia.

– Ba chức năng của Quốc hội được thể hiện thành nhiệm vụ cụ thể hàng năm và cả nhiệm kỳ đều có phạm vi rộng lớn do nhiều cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội cùng tiến hành, bởi vậy, cần phải làm rõ “lát cắt” phân công nhiệm vụ cho mỗi chủ thể tham gia. Tuyệt đại bộ phận các dự án luật, pháp lệnh đều do Chính phủ và các chủ thể ngoài Quốc hội trình Quốc hội, do đó, khi xem xét phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan trình dự án. Đồng thời, cũng phải làm rõ trách nhiệm chỉ dạo, phân công, phối hợp ở từng công đoạn và toàn bộ quy trình; trách nhiệm chuẩn bị của UBTVQH; tinh thần làm việc, trách nhiệm của đại biểu…

Nhân đây chúng tôi cũng xin được nói thêm rằng, khi giám sát chính mình thì hầu như đại biểu Quốc hội cũng chưa thật sự làm việc hết mình, chưa mạnh dạn phát biểu đầy đủ mọi mặt, mọi góc cạnh của từng vấn đề. Các báo cáo hàng năm rất ít được giám sát độc lập.

2.2 Kỹ năng xem xét các báo cáo thuộc lĩnh vực hành pháp. Đây là lĩnh vực mà hàng năm cũng như cả nhiệm kỳ đều có nhiều báo cáo nhất. Trong đó, trọng tâm là các vấn đề kinh tế – xã hội, tài chính, ngân sách, an sinh xã hội…

– Trước hết, đại biểu dân cử phải nắm chắc luật pháp, chính sách, thậm chí là các khái niệm cơ bản về các lĩnh vực đó. Ví dụ, nói về tăng trưởng kinh tế, phải hiểu rõ nội hàm của GDP là gì, những nhân tố nào tác động tới nó; trong điều kiện nào tăng lên là tốt, là bền vững và ngược lại.

– Nên chọn trước những vấn đề thuộc lĩnh vực mình đã và đang hoạt động, trong đó cũng nên ưu tiên những việc mình nắm chắc thông tin và có nhiều kinh nghiệm. Ở một số kỳ họp Quốc hội, có đại biểu luôn so sánh giữa cơ cấu kinh tế với cơ cấu lao động để đánh giá sự tiến bộ của việc đổi mới cơ cấu nền kinh tế. Đây là một kỹ năng đáng ghi nhận, vì giữa chuyển đổi cơ cấu kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động nói chung phải ăn khớp với nhau (tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp giảm thì tỷ trọng lao đông khu vực công nghiệp, dịch vụ thường tăng lên; tỷ trọng giá trị công nghiệp, dịch vụ trong tổng GDP cũng thường tăng lên); nếu thấy bất thường thì cần phân tích, mổ xẻ để làm rõ thực chất…

– Cần so sánh giữa vĩ mô và thực tế ở vi mô xem có khác biệt gì không, để xem mức độ đánh giá trong báo cáo có sát thực tiễn không. Ví dụ, trong một số báo cáo hàng năm của Chính phủ thường có câu: tình hình chính trị, kinh tế, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội được ổn định và giữ vững… Thực ra trong câu này phải phân biệt hai vế (hai vấn đề) để có nhận định thỏa đáng. Chính trị, kinh tế, quốc phòng đươc ổn định và được giữ vững là chính xác. Còn trật tự, an toàn xã hội thì khác. Thời gian gần đây và hiện nay, tình hình trật tự, an toàn xã hội hết sức đáng lo ngại. Các vụ án giết người hàng loạt (kể cả giết nhiều người trong một gia đình) đã xảy ra. Tình trạng chống người thi hành công vụ cũng không hiếm; việc đi lại của công dân không an toàn… Những năm gần đây, các cuộc biểu tình tự phát gây náo loạn ở một số nơi có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng… Như vậy khái quát chung như báo cáo là chưa chính xác, nếu không muốn nói là chưa đúng sự thật. Vì vậy, cần phải bóc tách vấn đề, so sánh để chính xác hóa tình hình. Cần lưu ý là, từ nhận định sẽ đi đến giải pháp, nếu cứ nhận định là tình hình trật tự, an toàn xã hội đã được giữ vững thì có thể có lúc, có nơi sẽ lơ là, mất cảnh giác!

– Cần hệ thống hóa tình hình trong nhiều kỳ họp để làm rõ hoặc xử lý hợp lý một số vấn đề. Tại sao khi xây dựng kế hoạch thu chi ngân sách thì lần nào cũng căng thẳng, chật vật trong cân đối thu chi, trong đó báo cáo thường nói tình hình rất “thảm thiết” do những khó khăn về nguồn thu, mức thu, vậy mà tại sao năm nào cũng vượt mức kế hoạch thu, có năm vượt cả nghìn tỷ đồng? Có phải là cố tình “đánh đố”, nêu khó khăn để khẳng định thành tích hay không?

– Cần phân tích rõ ràng, minh bạch hơn những con số và tình hình mà lần nào Quốc hội cũng phải “miễn cưỡng” chấp nhận. Ví dụ, luôn báo cáo là hàng năm đã giải quyết được việc làm cho 1,5 đến 1,6 triệu lao động. Các con số này là thống kê cộng dồn từ các tỉnh, thành hay là điều tra chọn mẫu rồi suy rộng? Tỷ lệ thất nghiệp rất thấp nhưng tại sao số người cụ thể thiếu việc làm và thất nghiệp toàn phần lại lớn vậy? Tại sao rừng bị tàn phá ngày càng dữ dội (phá cả rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ) mà sao tỷ lệ độ che phủ lại đạt cao thế, vượt cả độ che phủ rừng theo thống kê trước Cách mạng tháng Tám 1945?…

Tóm lại, cần phải phát hiện cho được những mâu thuẫn, những bất hợp lý, những hiện tượng trái chiều, không bình thường để đi đến đề xuất các giải pháp tương thích, hợp lý, có hiệu quả. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với đại biểu Quốc hội là phải nhanh chóng mở mang kiến thức, nắm vững luật pháp, chí thú với công việc. Đại biểu Quốc hội phải làm việc cật lực nếu mong muốn có đóng góp thực sự và “được cử tri biết đến”.

2.3 Kỹ năng xem xét báo cáo công tác thuộc lĩnh vực tư pháp. Đây là các báo cáo công tác hàng năm và cả nhiệm kỳ của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và một số báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, công tác phòng, chống vi phạm pháp luật. Một số báo cáo thuộc lĩnh vực tư pháp thường có nhược điểm là rất nhiều số liệu, rất nhiều tình hình nhưng thiếu tính đúc rút, tổng kết, khái quát; thiếu dự báo tình hình và biện pháp xử lý cụ thể…

– Về kỹ năng xem xét, cũng như các báo cáo thuộc các lĩnh vực khác, đại biểu Quốc hội phải nắm vững những nội dung cơ bản của luật pháp thuộc lĩnh vực này, nhất là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Thi hành án…, phải nắm chắc những quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được Hiến pháp năm 2013 quy định. Đồng thời, phải nắm chắc những nội dung quan trọng của Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 và Nghị quyết số 49 ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương khóa IX về Một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đó là những căn cứ pháp lý, là tư tưởng chính trị để xem xét, đối chiếu, đánh giá các báo cáo tư pháp.

– Ở bất kỳ lĩnh vực nào thì cán bộ (con người trong bộ máy) đều có vai trò quyết định đến kết quả công việc, công tác tư pháp liên quan trực tiếp đến sinh mệnh con người thì cán bộ tư pháp càng có vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, nên xem xét kỹ lưỡng phần bộ máy và cán bộ trong các báo cáo.

Vì sao trong hơn 30 năm đổi mới mà xã hội lại xảy ra quá nhiều vụ án và có xu hướng ngày càng tăng? Tại sao phạm nhân lại ngày càng “trẻ hóa”? Tại sao trong lĩnh vực tư pháp lại để xảy ra quá nhiều vụ án oan gây chấn động dư luận xã hội; vì sao cán cân công lý lại bị xô lệch như vậy? Đây là những câu hỏi chung nhất có tính chất tìm “điểm tiếp cận” để làm rõ hiện tình công tác tư pháp; làm rõ (đánh giá) tình hình đội ngũ cán bộ tư pháp. 

– Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp đều nhấn mạnh nhiệm vụ: Xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh. Vậy, sau 15 năm thực hiện, bây giờ đội ngũ này số lượng và chất lượng như thế nào? Lý giải như thế nào tình trạng lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực tư pháp có không ít người phạm nhiều trọng tội? Có báo cáo nào nói rõ ngọn ngành những vấn đề này chưa? Ở đây không có kỹ năng nào hơn ngoài việc chất vấn đến cùng để làm rõ vấn đề…

Nhìn chung, có thể tóm tắt như sau: Kỹ năng chính là trình độ am hiểu pháp luật; là trình độ am hiểu chuyên môn nghiệp vụ nhiều lĩnh vực; là trình độ phân tích, tổng hợp thông tin, đánh giá và sáng tạo; là phương cách diễn đạt nội dung theo một trật tự hợp lý nhất, bằng ngôn từ trong sáng, hấp dẫn và dễ tiếp thu nhất. Tổng hợp các nội dung đó chính là kỹ năng của người đại biểu Quốc hội. /.

TS. Bùi Ngọc Thanh – Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

 

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền