Pháp luật về lập vi bằng đối với bất động sản

Văn phòng thừa phát lại lập vi bằng

Tóm tắt: Bài viết phân tích những vấn đề lý luận và thực tiễn xoay quanh vấn đề lập vi bằng và giá trị sử dụng của vi bằng. Thông qua việc phát hiện những bất cập, hạn chế tồn tại trong quy định của pháp luật Việt Nam về lập vi bằng, bài viết đề xuất kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về vi bằng đối với bất động sản.

 

Những nội dung liên quan:

 

Abstract: This article provides analysis of the theories and practices related the matters of the written evidence (Certified Written Minutes) and the usage value of the Certified Written Minutes. Based on the inadequacies and drawbacks realised in the provisions of the law of Vietnam on the development of the the written evidence, the article also provides proposed recommendations for further improvements of the provisions of the law on the the written evidence for the real estate.

 

Pháp luật về lập vi bằng đối với bất động sản

Mục lục:

  1. Khái quát về vi bằng
  2. Giá trị pháp lý của vi bằng đối với bất động sản
  3. Thực trạng về lập vi bằng và sử dụng vi bằng
  4. Một số nguyên nhân dẫn đến lạm dụng vi bằng 
  5. Một số kiến nghị

Vi bằng

1. Khái quát về vi bằng

Vi bằng và lập vi bằng gắn liền với hoạt động của Thừa phát lại[1]. Việc lập vi bằng hiểu một cách đơn giản là việc mô tả chính xác những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy,… Hay nói cách khác, lập vi bằng là việc Thừa phát lại sử dụng giác quan của mình để ghi nhận lại sự thật khách quan[2]. Pháp luật hiện hành quy định: “Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác”[3].

Với cách định nghĩa này, vi bằng được lập dùng làm chứng cứ cho tổ chức, cá nhân sử dụng trong xét xử hoặc các quan hệ pháp lý khác và việc lập vi bằng của Thừa phát lại có một số đặc điểm, yêu cầu sau[4]:

– Hình thức của vi bằng là văn bản. Văn bản này phải do chính Thừa phát lại lập, họ không được ủy quyền hay nhờ người khác lập và ký tên thay mình trên vi bằng;

– Việc lập vi bằng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về hình thức và nội dung của văn bản;

– Vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến. Đó là kết quả của quá trình quan sát trực quan và được phản ánh một cách khách quan, trung thực trong một văn bản do Thừa phát lại lập;

– Vi bằng do Thừa phát lại lập theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật được dùng làm chứng cứ[5] và có giá trị chứng minh;

– Vi bằng có thể được sao chép và được sử dụng làm chứng cứ lâu dài. Việc vào sổ theo dõi, lưu trữ vi bằng phải tuân thủ các quy định về bảo mật và lưu trữ[6].

Thực tiễn cho thấy, trong các lĩnh vực hoạt động của Thừa phát lại, việc lập vi bằng mang lại hiệu quả tốt nhất, đáp ứng được nhu cầu rất lớn, phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực của người dân và có vị trí quan trọng trong các hoạt động dân sự, sản xuất, kinh doanh, thương mại. Trong đó, nổi bật nhất là việc lập vi bằng đối với bất động sản do các hoạt động liên quan đến bất động sản, gắn liền với hầu hết các quan hệ pháp lý trong đời sống kinh tế-xã hội và rất được dư luận quan tâm[7]. Mặt khác, hơn 10 năm được tổ chức thực hiện thí điểm trên cả nước, hoạt động Thừa phát lại đã có những đóng góp mang tính tất yếu trong một nền tư pháp phát triển, lấy chứng cứ khách quan làm cơ sở để giải quyết các tranh chấp hoặc làm bằng chứng để chứng minh các sự kiện hành vi đã diễn ra. Do vậy, dù có những quan điểm trái chiều thì kết quả hoạt động của Thừa phát lại trong thời gian qua đã có những đóng góp tích cực đối với hoạt động của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự, khẳng định được vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức[8].

2. Giá trị pháp lý của vi bằng đối với bất động sản

Thực tế cho thấy, giá trị pháp lý về chứng cứ của vi bằng căn cứ vào phạm vi, thẩm quyền, trình tự thủ tục, hình thức và nội dung lập vi bằng của Thừa phát lại có tuân thủ các quy định của pháp luật hay không. Theo quy định về phạm vi, thẩm quyền[9], Thừa phát lại được lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Trong đó, đối với bất động sản có hai loại vi bằng cơ bản là vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi liên quan đến bất động sản như ghi nhận việc giao nhận tiền khi mua bán tài sản, ghi nhận việc đặt cọc để chuyển nhượng bất động sản, ghi nhận quá trình thực hiện các cam kết, nội dung trong giao dịch bất động sản… Trong đó, vi bằng ghi nhận hiện trạng chủ yếu thuộc các trường hợp như: ghi nhận tình trạng nhà liền kề trước khi xây dựng công trình; ghi nhận tình trạng nhà trước khi cho thuê nhà; ghi nhận tình trạng nhà khi mua nhà; ghi nhận tình trạng nhà đất bị lấn chiếm; ghi nhận việc chiếm giữ nhà, trụ sở, tài sản khác trái pháp luật…. Ngoài ra, Thừa phát lại có thể tiến hành ghi nhận các giao dịch mà theo quy định của pháp luật không thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng; những việc không thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp; ghi nhận tình trạng thiệt hại của cá nhân, tổ chức do người khác gây ra; ghi nhận các sự kiện pháp lý khác theo quy định của pháp luật và một số trường hợp khác theo định hướng của Bộ Tư pháp[10].

Tuy nhiên, các trường hợp thuộc thẩm quyền của tổ chức hành nghề công chứng[11] hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân[12] có sự chồng chéo về mặt quy định và cách thực hiện không đồng bộ giữa các địa phương. Quan điểm thứ nhất của đa số các Sở Tư pháp là vi bằng phải được đăng ký tại Sở Tư pháp. Quan điểm thứ hai của Sở Tư pháp một số tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương cho rằng, vi bằng đó liên quan đến “giao dịch bất động sản” là thuộc về thẩm quyền của công chứng, do đó các loại vi bằng này vi phạm thẩm quyền và không chấp nhận đăng ký vi bằng. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ cách hiểu và thực hiện không đồng nhất giữa Thừa phát lại và cơ quan đăng ký vi bằng là Sở Tư pháp về thẩm quyền lập vi bằng. Thực tế đang tồn tại rất nhiều vi bằng không được Sở Tư pháp xét duyệt, đăng ký đúng theo quy định. Ví dụ: trường hợp lập vi bằng về việc giao nhận tiền chuyển nhượng bất động sản, vi bằng ghi nhận việc đặt cọc để chuyển nhượng bất động sản… Các trường hợp này không chỉ gây tranh luận giữa Thừa phát lại và cơ quan có thẩm quyền đăng ký vi bằng mà còn để lại nhiều hậu quả pháp lý nghiêm trọng như việc làm cho vi bằng không được xem là hợp lệ khi chưa được ghi vào sổ đăng ký của Sở Tư pháp, không còn là chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý[13]. Dù vậy, vẫn chưa có giải pháp nào để khắc phục, giải quyết có hiệu quả do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể và cách thực hiện không đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương.

3. Thực trạng về lập vi bằng và sử dụng vi bằng

Liên quan đến vấn đề nội dung của vi bằng, xuất phát từ mục đích mà cá nhân, tổ chức yêu cầu lập vi bằng mong muốn đạt được, đó có thể là lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền, vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà trước khi cho thuê, ghi nhận việc giao kết hợp đồng vay tiền, ghi nhận hiện trạng sạt lở,… Nội dung lập vi bằng rất phong phú và đa dạng, việc xác định chính xác nội dung lập vi bằng vừa có tác dụng ghi nhận đúng sự kiện, hành vi lập vi bằng vừa có tác dụng dùng làm chứng cứ trong xét xử và cơ sở để thực hiện các giao dịch dân sự khác.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều trường hợp lập vi bằng liên quan đến bất động sản được sử dụng sai tính chất, mục đích, nhằm hợp pháp hóa các giao dịch không phù hợp với quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, vi bằng được sử dụng như một văn bản mang tính chất giao dịch bất động sản khi các giao dịch này không đủ điều kiện để thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Nhiều nhất là việc lập vi bằng để ghi nhận nội dung “nhờ người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” của người nước ngoài, người không đủ điều kiện nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; ghi nhận việc chuyển nhượng nhà, quyền sử dụng đất không có giấy chứng nhận hợp pháp, không đủ diện tích tách thửa để chuyển nhượng… và nhiều hình thức khác với mục đích ghi nhận, hợp pháp hóa một sự kiện “mua-bán” xảy ra giữa các bên trong giao dịch bất động sản, không cần quan tâm đến nội dung và hình thức của giao dịch này có trái với quy định của pháp luật[14] hiện hành hay không. Điều này đã gây hỗn loạn thị trường giao dịch bất động sản, phát sinh tiêu cực, các vụ lừa đảo ngày một tăng lên.

Như trên đã đề cập, vi bằng do Thừa phát lại lập chỉ sử dụng mục đích duy nhất là tạo lập chứng cứ cho tổ chức, cá nhân tùy nghi sử dụng vào mục đích xét xử hoặc các quan hệ pháp lý khác. Không thể gán ghép cho vi bằng những thuộc tính mà vi bằng không thể có như văn bản công chứng. Mặt khác, Thừa phát lại cũng không phải là cơ quan có thẩm quyền xác định sự kiện, hành vi nào là sự kiện, hành vi trái pháp luật. Thực tế, một số hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu không đảm bảo hình thức mà Luật quy định, nhưng nếu nhìn nhận dưới góc độ chứng cứ, những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại lập vi bằng có liên quan đến những hợp đồng, giao dịch này lại làm cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp về sau, hỗ trợ đắc lực cho hoạt động xét xử của Tòa án. Thực tế cho thấy, có nhiều trường hợp các bên mua bán nhà bằng “giấy tay” và yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận việc các bên có giao nhận tiền liên quan đến việc mua bán nhà. Việc Thừa phát lại lập vi bằng chính là xác nhận việc giao nhận tiền của các bên. Về sau, giao dịch mua bán nhà đất của các bên nếu xảy ra tranh chấp, có thể bị Tòa án tuyên là vô hiệu, nhưng vi bằng của Thừa phát lại có giá trị chứng cứ để chứng minh việc các bên đã có thỏa thuận mua bán, giao nhận tiền, thực hiện hợp đồng, làm cơ sở cho Tòa án giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng dân sự vô hiệu.

Về mặt lý luận, sự phân biệt giữa thẩm quyền, nội dung và giá trị sử dụng của vi bằng và văn bản công chứng, chứng thực khá rõ ràng, tách bạch. Việc lập vi bằng của Thừa phát lại hoàn toàn khác với việc chứng nhận văn bản công chứng của Công chứng viên. Công việc của Công chứng viên là chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch[15] bằng văn bản và văn bản công chứng có giá trị thi hành đối với các bên tham gia hợp đồng, giao dịch[16], đối với các loại giao dịch về bất động sản mà pháp luật bắt buộc phải công chứng, chứng thực như chuyển nhượng, thế chấp bất động sản… Văn bản đã được công chứng, chứng thực buộc bên thứ ba tôn trọng, thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật như quyền đăng ký thế chấp bất động sản, đăng ký chuyển quyền sử dụng, sở hữu bất động sản. Trong khi đó, công việc của Thừa phát lại là chứng kiến, xác nhận một sự việc là có thật và vi bằng không có giá trị thi hành, chỉ có nội dung thỏa thuận, xác lập giữa các bên trong vi bằng mới có giá trị thực hiện đối với các bên tham gia thỏa thuận, xác lập nội dung hợp đồng, giao dịch được ghi nhận trong vi bằng. Giá trị pháp lý của vi bằng[17] do Thừa phát lại lập ngoài việc có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án, còn là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Trong một số trường hợp, khi hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản có thể do các bên tự xác lập, thực hiện hoặc theo quy định của pháp luật không bắt buộc phải công chứng, chứng thực như hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng đặt cọc để chuyển nhượng bất động sản.…thì việc yêu cầu Thừa phát lập lập vi bằng với mục đích làm căn cứ để thực hiện các giao dịch sau này hay ghi nhận hiện trạng, lỗi vi phạm của các bên trong quá trình thực hiện các giao kết ban đầu là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, có nhiều cá nhân, tổ chức cố tình sử dụng vi bằng với mục đích hợp pháp hóa các giao dịch không phù hợp với quy định của pháp luật hướng tới việc vụ lợi, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác.

4. Một số nguyên nhân dẫn đến lạm dụng vi bằng 

Nguyên nhân của việc nhầm lẫn giữa vi bằng và văn bản công chứng, chứng thực[18] xuất phát từ việc hạn chế trong nhận thức pháp luật của người dân khi thực hiện giao dịch bất động sản và đạo đức hành nghề của Thừa phát lại trong khi tiếp nhận, xử lý yêu cầu thực tế của người dân, không đảm bảo trách nhiệm giải thích rõ ràng, đầy đủ các nội dung trong vi bằng. Mong muốn của các bên đạt được khi yêu cầu lập vi bằng là không đồng nhất do người yêu cầu lập vi bằng thì cho rằng văn bản được tổ chức có thẩm quyền lập, xác nhận thì giao dịch bất động sản đó có hiệu lực. Việc mua bán có người chứng kiến, ghi nhận bằng văn bản có nội dung, hình ảnh, mộc dấu rõ ràng, việc giao nhận tiền, giao nhận tài sản được thực hiện một cách trực tiếp, công khai là đầy đủ giá trị pháp lý. Trong một số trường hợp, Thừa phát lại lập vi bằng không giải thích đầy đủ, tường tận, rõ ràng về nội dung, tính chất cũng như giá trị pháp lý, giá trị sử dụng của vi bằng cho người yêu cầu lập vi bằng, từ đó dẫn đến tình trạng nhầm lẫn về giá trị của vi bằng là trở nên phổ biến.

Từ góc nhìn cạnh tranh kinh tế, bản thân môi trường cạnh tranh giữa các tổ chức Thừa phát lại cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng rối loạn, vi phạm pháp luật khi “mua bán bất động sản qua vi bằng” tại một số địa phương[19]. Một trong các mục tiêu quan trọng hàng đầu đối với các loại hình doanh nghiệp nói chung, Thừa phát lại nói riêng, đó là lợi nhuận, muốn đạt mục đích đó cần có sự cạnh tranh và các vấn đề tiêu cực cũng có thể phát sinh từ những hoạt động cạnh tranh không lành mạnh.

Hiện nay, hệ thống các văn phòng Thừa phát lại được thành lập và đi vào hoạt động rộng rãi trên phạm vi cả nước, dẫn đến việc cạnh tranh phát triển mạnh mẽ hơn giữa các văn phòng Thừa phát lại với nhau. Nhiều cách thức quảng cáo, lôi kéo khách hàng để tăng số lượng hồ sơ, công việc, tìm kiếm và tăng thêm thu nhập nhằm duy trì sự phát triển của Văn phòng Thừa phát lại. Ở đây xuất hiện rất nhiều mối quan hệ pháp lý đan xen nhau, tác động qua lại lẫn nhau bao gồm quan hệ giữa Văn phòng Thừa phát lại với Tòa án, Cơ quan Thi hành án dân sự, cơ quan công an; quan hệ giữa văn phòng Thừa phát lại với cơ quan công quyền khác (Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân các cấp); quan hệ giữa các Văn phòng Thừa phát lại với nhau; quan hệ giữa Văn phòng Thừa phát lại với khách hàng của mình; quan hệ giữa văn phòng Thừa phát lại với đương sự không phải là khách hàng của mình; quan hệ giữa Văn phòng Thừa phát lại với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (kho bạc, ngân hàng, bảo hiểm, cơ quan đăng ký tài sản bảo đảm..v..v.) trong đó mối quan hệ giữa Thừa phát lại và bên môi giới bất động sản rất dễ phát sinh tiêu cực. Tình trạng Thừa phát lại chưa giải thích rõ giá trị pháp lý của vi bằng hay cố tình “làm ngơ”, tiếp tay cho một số đối tượng lợi dụng, lừa đảo người dân, gây nhầm lẫn về giá trị của vi bằng[20] để thực hiện các giao dịch chuyển nhượng nhà, đất diễn ra phổ biến và trở thành điểm nóng khi mà thị trường bất động sản đang sôi động và có giá trị như hiện nay.

5. Một số kiến nghị

Thứ nhất, chế định Thừa phát lại tuy đã chính thức hoạt động trên phạm vi cả nước, nhưng để đảm bảo hoạt động này phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp và cải cách hành chính, thời gian tới cần tiếp tục kiện toàn hành lang pháp lý, tạo cơ sở phát triển nghề Thừa phát lại bền vững, chất lượng và hiệu quả. Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh và hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại còn chưa đầy đủ, thống nhất, chỉ bao gồm nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn. Trong khi đó, hoạt động Thừa phát lại ngày càng phát triển mạnh mẽ và phổ rộng ở nhiều địa phương. Để khắc phục những bất cập này, đòi hỏi cần xây dựng một hành lang pháp lý đầy đủ và đồng bộ. Cụ thể, cần nghiên cứu xây dựng Luật về Thừa phát lại. Luật Thừa phát lại phải đảm bảo cụ thể hoá tinh thần và nội dung của Hiến pháp, định hướng cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính; đảm bảo sự phù hợp của chế định Thừa phát lại với các quy định của các văn bản luật khác về tư pháp.

Thứ hai, cần thiết phải ban hành quy định về đạo đức hành nghề Thừa phát lại để nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm giải thích nội dung vi bằng, giá trị sử dụng và các hậu quả pháp lý về việc lập vi bằng của Thừa phát lại; ban hành các chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực Thừa phát lại.

Thứ ba, nghiên cứu thành lập Hội Thừa phát lại ở các tỉnh, thành phố, Hiệp hội Thừa phát lại trên cả nước. Tạo cơ cho việc tập hợp lực lượng hỗ trợ hoạt động của Thừa phát lại hướng tới phát triển bền vững và ổn định, bên cạnh đó góp phần kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh những vi phạm, sai sót.

Thứ tư, đẩy mạnh thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động của Thừa phát lại cho người dân. Lựa chọn hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp, hiệu quả và thực sự dễ hiểu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vai trò và ý nghĩa của Thừa phát lại đến người dân, doanh nghiệp, chính quyền các cấp và các tổ chức có liên quan; từ đó giúp người dân hiểu được đâu là giá trị của vi bằng, đâu là giá trị của văn bản công chứng, góp phần giảm bớt sự nhầm lẫn, hiểu sai về giá trị của vi bằng, ngăn ngừa, hạn chế các vụ lừa đảo, tranh chấp liên quan đến việc giao dịch bất động sản bằng vi bằng như hiện nay./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Báo cáo số 538/BC-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ về Tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại.

2.    Công văn số Số: 415/BTP-TCTHA của Bộ Tư pháp ngày 28/01/2011 về việc hướng dẫn một số nội dung lập vi bằng.

8. Bùi Thị Hà, Thẩm quyền lập vi bằng của thừa phát lại và thủ tục đăng ký vi bằng, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số chuyên đề 2, năm 2015.

9.  Nguyễn Văn NghĩaĐịnh hướng phát triển nghề Thừa phát lại ở Việt Nam và những vấn đề pháp lý mới cần hoàn thiện, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 5(314), năm 2018.

10. Kim Phụng, Tạm đình chỉ hoạt động Văn phòng Thừa phát lại huyện Hóc Môn, https://plo.vn/phap-luat/tam-dinh-chi-hoat-dong-van-phong-thua-phat-lai-huyen-hoc-mon-793281.html, truy cập ngày 23/10/2019.

11. Ngân Nga, Đừng ngộ nhận vi bằng là công chứng nhà đất, https://plo.vn/phap-luat/dung-ngo-nhan-lap-vi-bang-la-cong-chung-nha-dat-830854.html.

12. Phương Nguyên, Rà soát các lĩnh vực được lập vi bằng, http://kinhtedothi.vn/ra-soat-cac-linh-vuc-duoc-lap-vi-bang-313829.html.

13. Quang Nam, Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại: Nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng cần thiết, http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/23202/thuc-hien-thi-diem-che-dinh-thua-phat-lai-nhieu-kho-khan-vuong-mac-nhung-can-thiet.html.

14. Thanh Hương, Một số vấn đề về pháp luật và thực tiễn hoạt động lập vi bằng ở Cộng hòa Pháp, http://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1387.

15. Vũ Hoài Nam, Tìm hiểu chức năng lập vi bằng của thừa phát lại hiện nay, https://moj.gov.vn/qt/cacchuyenmuc/thuaphatlai/Pages/kinh-nghiem-thaoluan.aspx? ItemID=8.

PGS.TS PHAN TRUNG HIỀN

Khoa Luật, Đại học Cần Thơ.

CHỬ DUY THANH

Văn phòng công chứng Nguyễn Thanh Đình, Thành phố Cần Thơ

Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 24 (400), tháng 12/2019.


[1] Pháp luật hiện hành không định nghĩa như thế nào là hoạt động thừa phát lại. Tuy nhiên, có thể hiểu thừa phát lại là hoạt động của một chức danh tư pháp được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định pháp luật.

[2] Bùi Thị Hà, Thẩm quyền lập vi bằng của thừa phát lại và thủ tục đăng ký vi bằng, tạp chí Dân chủ & Pháp luật, số chuyên đề 2, năm 2015, tr. 13.
[3] Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 26/ 07/2009 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, sửa đổi bổ sung tại khoản 2, Điều 2 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013.
[4] Vũ Hoài Nam, Tìm hiểu chức năng lập vi bằng của thừa phát lại hiện nay, https://moj.gov.vn/qt/cacchuyenmuc/thuaphatlai/Pages/kinh-nghiem-thao-luan.aspx?ItemID=8, truy cập ngày 14/10/2019.
[5] Khoản 8 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[6] Khoản 4 Điều 25 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh và Điều 64 Luật Công chứng 2014.
[7] Quang Nam, Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại: Nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng cần thiết, http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/23202/thuc-hien-thi-diem-che-dinh-thua-phat-lai-nhieu-kho-khan-vuong-mac-nhung-can-thiet.html, truy cập ngày 11/10/2019.
[8] Báo cáo số 538/BC-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ về Tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, tr. 15.
[9] Khoản 2, Điều 2 Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố hồ chí minh.
[10] Công văn số Số: 415/BTP-TCTHA của Bộ Tư pháp ngày 28/01/2011 về việc hướng dẫn một số nội dung lập vi bằng.
[11] Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014.
[12] Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/ 02/ 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch và được hướng dẫn bởi Thông tư số 20/2015 ngày 29/12/ 2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/ 02/ 2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
[13] Khoản 9, Điều 2 Nghị định 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh.
[14] Phương Nguyên, Rà soát các lĩnh vực được lập vi bằng, http://kinhtedothi.vn/ra-soat-cac-linh-vuc-duoc-lap-vi-bang-313829.html, truy cập ngày 12/10/2018.
[15] Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014.
[16] Khoản 2 Điều 5 Luật Công chứng năm 2014.
[17] Điều 28 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 26/07/2009 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh.
[18] Nguyễn Văn Nghĩa, Định hướng phát triển nghề Thừa phát lại ở Việt Nam và những vấn đề pháp lý mới cần hoàn thiện, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 5(314), năm 2018, tr. 6.
[19] Kim Phụng, Tạm đình chỉ hoạt động Văn phòng Thừa phát lại huyện Hóc Môn , https://plo.vn/phap-luat/tam-dinh-chi-hoat-dong-van-phong-thua-phat-lai-huyen-hoc-mon-793281.html, truy cập ngày 23/10/2019.

[20] Ngân Nga, Đừng ngộ nhận vi bằng là công chứng nhà, đất, https://plo.vn/phap-luat/dung-ngo-nhan-lap-vi-bang-la-cong-chung-nha-dat-830854.html, truy cập ngày 13/10/2019.

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.