Pháp luật hình sự Việt Nam từ thế kỷ X đến nay – Lịch sử và thực tại

Pháp luật hình sự Việt Nam từ thế kỷ X đến nay – Lịch sử và thực tại
Cuốn sách “Pháp luật hình sự Việt Nam từ thế kỷ X đến nay – Lịch sử và thực tại” của TSKH.GS Lê Cảm

Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội vừa xuất bản cuốn sách “Pháp luật hình sự Việt Nam từ thế kỷ X đến nay – Lịch sử và thực tại” của TSKH.GS Lê Cảm. Đây là công trình nghiên cứu chuyên khảo đầu tiên làm sáng tỏ một cách sâu sắc quá trình lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật hình sự thực định Việt Nam trong suốt hơn 10 thế kỷ qua.

Nội dung cơ bản

Kể từ khi Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 939, chính thức kết thúc gần một thiên niên kỉ Bắc thuộc, lập nên nhà nước độc lập đầu tiên cho đến nay thì pháp luật hình sự Việt Nam đã có lịch sử hình thành và phát triển trải qua ba thời kỳ. Trong đó từ 939 -1858 là thời kỳ phong kiến; 1858-1945 là thời kỳ Pháp thuộc; từ 1945 đến nay 2018 là thời kỳ hiện đại, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám lập nên Nhà nước VNDCCH. Riêng thời kỳ  hiện đại, 40 năm đầu (1945-1985) pháp luật hình sự chưa được pháp điển hóa và 33 năm sau (1985-2018) đã được pháp điển hóa ba lần với ba BLHS các năm 1985,1999 và 2015.

Cuốn sách 700 trang khổ 16×24, gồm 5 chương. Chương 1 về Pháp luật hình sự Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám (thế kỷ thứ X – 1945), giới thiệu về pháp luật hình sự Việt Nam thời phong kiến, pháp luật hình sự Việt Nam thời Pháp thuộc.

Chương 2 về  Sự hình thành và phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám đến khi pháp điển hóa lần thứ nhất (1945 – 1985), nghiên cứu phần chung pháp luật hình sự Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám đến trước khi cấm đoán hoàn toàn việc áp dụng các đạo luật hình sự cũ (1945 -1954); Phần riêng pháp luật hình sự từ sau Cách mạng Tháng Tám đến trước khi cấm hoàn toàn việc áp dụng các đạo luật hình sự cũ (1945 – 1955); Phần Chung pháp luật hình sự từ sau khi cấm đoán hoàn toàn việc áp dụng các đạo luật hình sự cũ đến trước pháp điển hóa lần thứ nhất (1955 – 1985); Phần  riêng pháp luật hình sự từ sau khi cấm đoán hoàn toàn việc áp dụng các đạo luật hình sự cũ đến trước pháp biến hóa lần thứ nhất (1955 – 1985).

Chương 3 về Sự tiếp tục phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam từ sau khi pháp điển hóa lần thứ nhất (1985) đến nay, giới thiệu về Phần chung và Phần riêng của ba BLHS năm 1985, 1999 và 2015.

Chương 4 về Vai trò của thực tiễn xét xử trong quá trình phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam từ năm 1960 đến nay. Trong chương này, tác giả đã nghiên cứu nội hàm của thực tiễn xét xử, vai trò của thực tiễn xét xử từ khi thành lập TANDTC đến khi pháp điển hóa pháp luật hình sự Việt Nam lần thứ nhất (1960 – 1985); vai trò của thực tiễn xét xử từ khi thông qua BLHS Việt Nam đầu tiên năm 1985 đến nay.

Chương 5 –  Lý thuyết về hoàn thiện pháp luật hình sự và vai trò của nó đối với thực tiễn lập pháp hình sự Việt Nam hiện hành.  Tác giả giới thiệu về những vấn đề học thuật từ lý thuyết và hoàn thiện pháp luật hình sự; những định nghĩa, giải thích cơ bản của khái niệm, thuật ngữ cần được ghi nhận về mặt lập pháp trong pháp luật hình sự thực định nước nhà; vai trò của lý thuyết về hoàn thiện pháp luật hình sự đối với thực tiễn lập pháp hình sự Việt Nam hiện hành.

Những nhận định đáng quan tâm

Trong công trình này, tác giả có nhiều nhận định, đánh giá và kiến giải mới mẻ, mang tính khoa học và thực tiễn sâu sắc.

Tác giả cho rằng, hiện nay chúng ta đã quen với việc lấy mốc ngày 13/ 9 /1945 làm Ngày Truyền thống của ngành Tòa án Việt Nam, vì đó là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 33C để thành lập các Tòa quân sự đặt tại một số địa phương ở ba miền Bắc Trung Nam, nhưng dấu mốc 1960 rất quan trọng.

Bởi lẽ, sau khi thông qua Hiến pháp năm 1959 thì hệ thống TAND nước ta đã được tách khỏi Bộ Tư pháp, bắt đầu đi vào hoạt động độc lập với tư cách một cơ quan Tư pháp cao nhất, trên cơ sở một đạo luật riêng biệt là Luật về tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 với 29 điều.

Nhờ đó, lần đầu tiên trong lịch sử pháp luật Việt Nam sau Cách mạng đã có một văn kiện rất quan trọng là TANDTC ban hành Chỉ thị số 772/TATC ngày 10/ 7/1959 “ Về đình chỉ áp dụng pháp luật cũ của đế quốc và phong kiến” để yêu cầu các Tòa án các cấp trên toàn lãnh thổ Việt Nam chấm dứt hoàn toàn việc áp dụng một số quy định pháp luật của chế độ cũ mà trong giai đoạn 14 năm trước đó (từ sau Cách mạng Tháng Tám/ 1945) còn tạm thời được giữ lại để áp dụng trong một số trường hợp hãn hữu.

Hiến pháp pháp 2013 ( khoản 1 Điều 102) đã chính thức ghi nhận: “ Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử … thực hiện quyền tư pháp” nên cần phải nghiên cứu từ mốc thời gian thành lập hệ thống TAND độc lập của chế độ mới (1960) nhằm có được nhận thức khoa học, đúng đắn về vị thế quan trọng của quyền lực tư pháp trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay.

Nghiên cứu vai trò thực tiễn xét xử sau khi thành lập TANDTC đến khi thông qua BLHS đầu tiên của nước ta (1960 – 1985) tác giả lưu ý rằng, ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua, hình thức tổng kết và đưa ra giải thích, hướng dẫn thống nhất có tính chỉ đạo của TANDC là quan trọng. Sự khẳng định này đã được tác giả kiểm chứng cụ thể trên cơ sở phân tích và nghiên cứu sâu sắc nội dung các bộ luật, các văn bản pháp luật trong lĩnh vực hình sự của TANDTC đã được ban hành trong suốt hơn 70 năm (1945 – 2018)  và đặc biệt là từ những năm 60 đến những năm 90 của thế kỉ XX, sau đó đến đầu thế kỷ XXI. Tác giả đặc biệt đánh giá cao nhiệm kỳ 1997 – 2000 của Chánh án TANDTC lúc bấy giờ là TS Trịnh Hồng Dương.

Các văn bản có tính chỉ đạo của TANDTC về việc áp dụng pháp luật hình sự Việt Nam thường được nằm trong hai nhóm văn bản là các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và Thông tư liên tịch của TANDTC với các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương và bộ ngành trong lĩnh vực hoạt động mà văn bản pháp luật  đó có liên quan. Có thể khẳng định rằng bản chất pháp lý của những giải thích, hướng dẫn có tính chất chỉ đạo của TANDTC về áp dụng pháp luật hình sự chính là các luận điểm và hướng dẫn của cơ quan thực tiễn xét xử cao nhất của đất nước, nhằm áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật hình sự. Chính vì thế nên chúng có hiệu lực pháp lý bắt buộc không chỉ đối với tất cả hệ thống Tòa án mà đối với toàn bộ hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật trong cả nước.

Những giải thích, hướng dẫn có tính chất chỉ đạo của TANDTC trong việc áp dụng pháp luật hình sự Việt Nam trước khi pháp điển hóa ở tất cả các mức độ khác nhau, đã thực sự góp phần xây dựng nên nhiều quy phạm và nhiều chế định mới của pháp luật hình sự nước ta, mà sau này dựa trên cơ sở các luận điểm của thực tiễn xét xử tại TANDTC, các chế định này đã được các nhà làm luật chính thức ghi nhận bằng các quy phạm tương ứng trong BLHS đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, năm 1985.

Tác giả nêu một số luận điểm điển hình như các luận điểm về mục đích của hình phạt, mặc dù chưa được ghi nhận chính thức bằng một quy phạm riêng biệt nào của pháp luật hình sự Việt Nam giai đoạn này nhưng đã được quy định gián tiếp trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 với nội dung: “ Tòa án nhân dân xử phạt về hình sự không những chỉ trừng trị phạm nhân mà còn giáo dục và cải tạo họ”;  các luận điểm về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và đường lối xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội;  các luận điểm về tình thế cấp thiết và chế định sự kiện bất ngờ; các luận điểm về phòng vệ chính đáng… đã được đưa vào BLHS năm 1985.

Tác giả khẳng định: “ Các minh chứng nêu trên đây về vai trò của thực tiễn xét xử tại TANDTC đã hoàn toàn cho phép chúng ta có đầy đủ căn cứ khẳng định rằng trong toàn bộ thời kỳ trước pháp điển hóa pháp luật hình sự Việt Nam lần thứ nhất nói chung và cụ thể là từ sau khi cấm hoàn toàn các đạo luật hình sự cũ đến trước khi thông qua BLHS đầu tiên nói riêng (1955 – 1985) ở các mức độ khác nhau, thực tiễn xét xử ở nước ta đã thực hiện cả chức năng sáng tạo pháp luật và vì thế nó đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng hình thành và phát triển pháp luật hình sự nước ta trong thời kỳ đó”.

Tác giả cũng nghiên cứu làm sáng tỏ vai trò thực tiễn xét xử tại TANDTC với tư cách là nguồn của pháp luật hình sự nước nhà thời kỳ trước khi pháp điển hóa lần thứ nhất (1960-1985). Tác giả cho rằng, đã đến lúc nhà làm luật Việt Nam cần cân nhắc để coi việc giải thích pháp luật nói chung là một trong các chức năng Hiến định của TANDTC và ghi nhận bổ sung chức năng này vào khoản 3 Điều 104 Hiến pháp năm 2013 và ghi nhận những giải thích hướng dẫn có tính chất chỉ đạo của TANDTC trong việc áp dụng thống nhất pháp luật hình sự là một trong những nguồn quan trọng của luật hình sự nước ta và ghi nhận chúng trong BLHS Việt Nam tương lai.

Kết luận chung

Tác giả đã đánh giá và kết luận chung là trong pháp luật hình sự Việt Nam thời phong kiến thì Bộ luật Hồng Đức (1483) là di sản pháp lý lớn nhất và quan trọng nhất không những chỉ của pháp luật hình sự mà còn của toàn bộ pháp luật Việt Nam thời trung cổ, trong đó chứa đựng số giá trị pháp luật truyền thống tiến bộ, cần phải được chú ý nghiên cứu một cách sâu sắc và kỹ càng để lĩnh hội và kế thừa. Còn pháp luật hình sự Việt Nam thời Pháp thuộc đã không tạo thành hệ thống thống nhất do hậu quả của chính sách chia để trị.

Khi pháp luật hình sự Việt Nam chưa được pháp điển hóa, đặc biệt là trong 25 năm kể từ khi thành lập TANDTC thì thực tiễn xét xử ở TANDTC giải quyết và làm sáng tỏ nhiều chế định và khái niệm quan trọng của pháp luật hình sự thực định và thực sự đóng góp to lớn và quan trọng trong quá trình phát triển và hoàn thiện pháp luật hình sự của đất nước ta.

Trong thời kỳ 40 năm trước khi phát hiện hóa lần thứ nhất, nguồn trực tiếp của pháp luật hình sự thực định ở Việt Nam (mà trong đó chứa đựng các quy phạm về tội phạm hình phạt và các chế độ pháp lý khác cũng như quy định các chế tài tư pháp cụ thể tương ứng với các nhóm tội phạm riêng biệt) là do các cơ quan nhà nước thuộc cả ba nhánh quyền lực, lập pháp, hành pháp và tư pháp ban hành, thì hơn 30 năm nay kể từ sau khi pháp điển hóa lần thứ nhất thì nguồn trực tiếp và duy nhất của pháp luật hình sự chỉ là các BLHS và thuộc thẩm quyền duy nhất là Quốc hội ban hành.

Về tiếp tục hoàn thiện pháp luật hình sự, cụ thể là BLHS năm 2015  tác giả cho rằng cần được thực hiện trên cơ sở khoa học – thực tiễn được luận chứng một cách khách quan, bảo đảm sức thuyết phục với từng bước đi vững chắc chứ không thể nóng vội; và cần được xác định rõ theo hướng là phải đáp ứng được những  yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của thực tiễn xã hội nói chung, cũng như thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm nói riêng; bảo đảm cho được sự phù hợp với các nguyên tắc và quy phạm được thừa nhận chung của pháp luật quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự nói chung và pháp luật hình sự nói riêng; phù hợp với Hiến pháp mới năm 2013; sự kết hợp hài hòa các giá trị pháp luật truyền thống của dân tộc với các thành tựu tiên tiến của khoa học pháp lý trên thế giới.

Tác giả nhận định một cách rất nhân văn rằng: Lịch sử nói chung và lịch sử pháp luật hình sự nói riêng ở Việt Nam  và các nước phương Đông từ bao đời nay đã và đang minh chứng trên thực tế với sự cảnh báo cho chúng ta rằng theo thuyết Nhân quả của Phật giáo, không một ai và không một cái gì có thể tránh khỏi được sự quả báo mang tính hệ lụy như một quy luật tất yếu. Chính vì lẽ đó, nên bất kỳ sự hời hợt, nông cạn và qua loa, phiến diện nào trong việc nhìn nhận và nghiên cứu lịch sử nói chung và lịch sử pháp luật hình sự nói riêng để vội vàng đưa ra phán xét quá khứ (bao gồm cả các di sản pháp luật truyền thống của cha ông đã để lại cho chúng ta) một cách chủ quan duy ý chí, thiếu căn cứ hoặc cố định phủi sạch mà không chịu nghe những lời nguyền và những lời răn dạy của các bậc tiền nhân thì sự trả giá là không tránh khỏi. Thiết nghĩ chính các kết quả của việc phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm về tham nhũng hiện nay là minh chứng rõ ràng nhất và không thể bác bỏ.

TSKH.GS Lê Cảm, nguyên là Chủ nhiệm khoa Luật trực thuộc ĐHQGHN ( 2000 – 2008) kiêm Trưởng bộ môn Tư pháp hình sự của Khoa, hiện là Giám đốc trung tâm Luật hình sự và Tội phạm học;  thành viên Hội đồng biên tập của Tạp chí Khoa học thuộc ĐHQGHN và thành viên Hội đồng biên tập Tạp chí Tòa án nhân dân. Giáo sư Lê Cảm đã công bố tổng cộng 310 công trình khoa học pháp lý, trong đó có 45 sách giáo trình 265 bài báo khoa học, trong đó có một số bài tiếng Anh, một số bài tiếng Nga.  Trong số này có 250 công trình lĩnh vực tư pháp hình sự, 60 công trình về các lĩnh vực tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước nhà nước pháp quyền và bảo vệ các quyền con người.

Cuốn sách “Pháp luật hình sự Việt Nam từ thế kỷ X đến nay – Lịch sử và thực tại” có sự tham gia của một số tác giả gồm TS Trần Quang Tiệp, Ths Lê Văn Năm, PGS.TS Nguyễn Cảnh Hợp, TS Chế Quang Nghĩa, TS Nguyễn Thị Lan, Ths Đinh Hoàng Quang, Ths Mai Thị Thu Hằng, TS Nguyễn Anh Tuấn.

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.