Pháp luật Việt Nam bảo hộ các nhãn hiệu có khả năng nhìn thấy được và có khả năng phân biệt được. Đối với các nhãn hiệu có khả năng tiếp xúc bằng thính giác hoặc khứu giác, vị giác, không thuộc đối tượng được pháp luật Việt Nam bảo hộ.
Bảo hộ nhãn hiệu là gì?
Bảo hộ nhãn hiệu là cơ chế để bảo vệ quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh hàng hóa và dịch vụ. Theo đó, tổ chức, cá nhân sẽ xác lập quyền sở hữu đối với nhãn hiệu của mình bằng cách đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại cơ quan có thẩm quyền.
Quy định về điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ được quy định tại Điều 72 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 (sau đây gọi tắt là Luật Sở hữu trí tuệ) quy định như sau:
– Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc.
– Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.
Như vậy, có thể thấy,pháp luật Việt Nam hiện nay chỉ bảo hộ các nhãn hiệu có khả năng nhìn thấy được. Tại một số quốc gia có đăng ký bảo hộ đối với các nhãn hiệu có khả năng tiếp xúc bằng thính giác hoặc khứu giác, vị giác, nhưng tại Việt Nam hiện nay những nhãn hiệu này không thuộc đối tượng được bảo hộ.. Khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cần chú ý vấn đề này.
Những đối tượng không được bảo hộ làm nhãn hiệu
Những đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu được quy định tại Luật sở hữu trí tuệ, cụ thể:
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước.
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép.
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài.
– Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận.
– Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ” (Điều 73).
Do đó, để tránh những sự việc đáng tiếc khi bị từ chối đăng ký bảo hộ thì trước khi nộp hồ sơ, người đăng ký cần đối chiếu nhãn hiệu của mình có thuộc trường hợp không được bảo hộ quy định tại Điều 73 trên hay không. Những dấu hiệu này có đặc điểm là liên quan đến quốc kỳ, quốc huy; các tổ chức chính trị, xã hội; các lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc; các tổ chức quốc tế; các dấu hiệu có tính chất mô tả có khả năng gây nhầm lẫn đối với các thuộc tính của sản phẩm.
Pháp luật không bảo hộ đối với nhãn hiệu không có khả năng phân biệt
Do tính chất của nhãn hiệu là dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Do vậy, nhãn hiệu muốn được bảo hộ thì phải đáp ứng khả năng phân biệt theo quy định của pháp luật.
Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt được quy định chi tiết tại Luật sở hữu trí tuệ: “Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây: (a) Hình và hình hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu; (b) Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến; (c) Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơnđăng ký nhãn hiệu; (d) Dấu hiệu mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh; (đ) Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu hoặc được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận quy định tại Luật này; (e) Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; (g) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên; (h) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm, trừ trường hợp hiệu lực bị chấm dứt vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 của Luật này; (i) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng; (k) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ; (l) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hóa; (m) Dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh nếu dấu hiệu được đăng ký để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó; (n) Dấu hiệu trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của người khác được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn so với ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu” (Khoản 2 Điều 74).
Khả năng phân biệt ở đây bao gồm hai trường hợp. Trường hợp nhãn hiệu là tên gọi, hình ảnh phổ biến được mọi người biết đến và thừa nhận và trường hợp nhãn hiệu trùng hoặc tương tự, gây nhầm lẫn với các “dấu hiệu” đã được luật sở hữu trí tuệ bảo hộ.
Trường hợp thứ nhất, nhãn hiệu không được bảo hộ khi nó là một hình ảnh, tên gọi thông dụng được mọi người thừa nhận, hoặc mô tả tính chất của sản phẩm. Ví dụ: không bảo hộ nhãn hiệu là một hình vuông, hoặc nhãn hiệu là “bánh”, “bánh ngọt”, vì hình vuông là hình học thông dụng, và “bánh” là một từ rất phổ thông, được mọi người biết đến, “bánh ngọt” mô tả tính chất thông dụng của bánh mà mọi người công nhân.
Trường hợp thứ hai, nhãn hiệu không được bảo hộ khi nó trùng hoặc tương tự, gây nhầm lẫn với các dấu hiệu khác đã được luật sở hữu trí tuệ bảo hộ từ trước. Theo quy định tại Điều 74 ở trên thì dấu hiệu được bảo hộ bao gồm: nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng rộng rãi, nhãn hiệu của người khác đã được đăng ký, các loại chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu nổi tiếng, tên thương mại của người khác,…
Ngoài ra, theo chính sách của nhà nước Việt Nam thì không bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh (Khoản 1 Điều 8 Văn bản Luật sở hữu trí tuệ 2013). Do vậy, khi đăng ký nhãn hiệu, người đăng ký cần lưu ý điều này.
Các tìm kiếm liên quan đến đối tượng không được bảo hộ nhãn hiệu, bảo hộ nhãn hiệu là gì, đối tượng loại trừ, không bảo hộ dưới dạng nhãn hiệu, điều kiện bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng, luật bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu được bảo hộ khi nào, nhãn hiệu không được bảo hộ, nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể là gì, văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
Để lại một phản hồi