Những điều Kiểm sát viên cần lưu ý khi tranh luận tại phiên tòa hình sự

dai-dien-vien-kiem-sat

Để tranh tụng có chất lượng, Kiểm sát viên phải có sự chuẩn bị kỹ trước khi tham gia phiên toà như: Nghiên cứu hồ sơ vụ án, chuẩn bị đề cương xét hỏi; chuẩn bị dự thảo luận tội… và cần chú ý để xử lý một cách hợp lý một số trường hợp thường xảy ra trong quá trình tranh luận tại phiên tòa.

 

Các nội dung liên quan:

>>> Tham khảo thêm: Những bài viết hay về kỹ năng, kinh nghiệm hành nghề Kiểm sát viên

 

Tranh tụng là một nội dung lớn, quan trọng trong toàn bộ quá trình giải quyết vụ án hình sự, đặc biệt trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự. Thông qua việc luận tội, tranh luận, đối đáp tại phiên tòa, Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát thực hiện nhiệm vụ tranh tụng, bảo đảm việc truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Những điều Kiểm sát viên cần lưu ý khi tranh luận tại phiên tòa hình sự

1. Nghiên cứu hồ sơ vụ án, chuẩn bị đề cương xét hỏi

Nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án hình sự là một yêu cầu cũng như nội dung có thể nói là quan trọng nhất của Kiểm sát viên khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Chỉ trên cơ sở nắm chắc nội dung vụ án, những tình tiết có liên quan, Kiểm sát viên mới có thể đưa ra quan điểm đúng đắn của mình và có niềm tin vững chắc để bảo vệ quan điểm đó.

Theo quy định hiện hành, ở Viện kiểm sát cấp huyện và cấp tỉnh, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử cũng là Kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra. Tuy nhiên, trong giai đoạn điều tra, đôi khi Kiểm sát viên cũng không theo sát được các hoạt động điều tra, do vậy, nhiều chứng cứ, tài liệu của Cơ quan điều tra thu thập được cần phải được Kiểm sát viên nghiên cứu kỹ, kiểm tra, đánh giá trong giai đoạn truy tố, xét xử. Theo quy định tại Điều 26 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự (Ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, sau đây viết tắt là Quy chế số 505),  trước khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên phải trực tiếp nghiên cứu hồ sơ vụ án, lập bản nghiên cứu tổng hợp chứng cứ để nắm vững các nội dung sau: Lý lịch bị can, bị cáo, hành vi phạm tội của từng bị can, bị cáo, hệ thống chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, mâu thuẫn của các tài liệu, chứng cứ (nếu có), các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các yêu cầu về bồi thường thiệt hại hoặc trách nhiệm dân sự trong vụ án (nếu có); ý kiến của Viện kiểm sát cấp trên (nếu có); đề xuất đường lối giải quyết vụ án, áp dụng tội danh, điểm, khoản, điều; áp dụng các biện pháp tư pháp, việc xử lý vật chứng, tài sản, tài liệu, đồ vật liên quan; áp dụng biện pháp bảo vệ, biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, thu hồi tài sản, khắc phục hậu quả và những nội dung khác liên quan đến vụ án theo quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Để nắm chắc các nội dung trên, phục vụ cho công tác xét xử tại phiên tòa, khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên phải đọc kỹ từng trang tài liệu, ghi chép đầy đủ các nội dung, các tình tiết của vụ án cũng như các văn bản tố tụng, kiểm tra, so sánh, đối chiếu, phát hiện các mâu thuẫn, các điểm nghi ngờ để có biện pháp xử lý. Trên cơ sở nắm chắc nội dung vụ án, Kiểm sát viên chuẩn bị chu đáo đề cương xét hỏi, chú trọng những câu hỏi làm rõ những điểm còn mâu thuẫn, chưa rõ ràng hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của chứng cứ.

2. Chuẩn bị bản dự thảo luận tội, phát biểu luận tội tại phiên tòa

Luận tội là văn bản pháp lý của ngành Kiểm sát do Kiểm sát viên soạn thảo, trình bày trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự. Luận tội được quy định tại Điều 321 Bộ luật Tố tụng hình sự và Điều 25 Quy chế số 505. Trước khi tham gia xét xử, Kiểm sát viên phải dự thảo bản luận tội, đối với vụ án trọng điểm, phức tạp hoặc xét xử lưu động, Kiểm sát viên báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát cho ý kiến về dự thảo bản luận tội.

Luận tội là quan điểm buộc tội chính thức của Viện kiểm sát đối với bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm hình sự; là căn cứ để bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tự bào chữa hoặc bào chữa, để Hội đồng xét xử xác định giới hạn xét xử và ra bản án đúng pháp luật. Vì vậy, luận tội phải có căn cứ, chính xác, khách quan và cụ thể.

Luận tội của Kiểm sát viên phải căn cứ vào những chứng cứ, tài liệu, đồ vật đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.

Nội dung luận tội phải phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; tội danh, hình phạt, áp dụng điểm, khoản, điều của BLHS, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; mức bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án.

Luận tội đề nghị kết tội bị cáo theo toàn bộ hay một phần nội dung bản cáo trạng hoặc kết luận về khoản khác nhẹ hơn hoặc nặng hơn với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật; kết luận về một tội danh khác bằng hoặc nhẹ hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố; đề nghị mức hình phạt chính, hình phạt bổ sung, biện pháp tư pháp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng.

Kiến nghị các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Sau khi kết thúc việc xét hỏi, Kiểm sát viên trình bày luận tội. Để việc trình bày luận tội được tốt, có chất lượng, tạo sự uy nghiêm của phiên tòa hình sự, Kiểm sát viên phải chỉnh đốn trang phục, chuẩn bị tư thế, tác phong khi phát biểu luận tội. Khi được chủ tọa phiên tòa đề nghị phát biểu luận tội, Kiểm sát viên đứng thẳng người, tay cầm bản luận tội, mặt hướng về phía trước, trình bày to, rõ ràng, mạch lạc.

3. Tranh luận

Sau lời luận tội của Kiểm sát viên, Chủ tọa phiên tòa sẽ điều hành việc tranh luận theo trình tự quy định tại Điều 320 và Điều 321 Bộ luật Tố tụng hình sự. Mặc dù nguyên tắc tranh tụng được thực hiện ở toàn bộ giai đoạn xét xử vụ án hình sự nhưng việc tranh tụng thể hiện cao nhất ở giai đoạn tranh luận. Trong suốt quá trình tranh luận, đối đáp, Kiểm sát viên phải có trách nhiệm bảo vệ quan điểm buộc tội của mình, bảo vệ cáo trạng của Viện kiểm sát đã truy tố bị cáo tại phiên tòa. Khi bước vào tranh luận, Kiểm sát viên phải chú ý lắng nghe các bên trình bày quan điểm, ý kiến của họ, đồng thời ghi lại tóm tắt để nắm được nội dung vấn đề, đề nghị, ý kiến phản bác. Trường hợp họ trình bày không rõ thì Kiểm sát viên yêu cầu họ nói rõ thêm để nắm được luận điểm, luận cứ mà họ đưa ra. Nếu vụ án có nhiều người cùng bào chữa cho một bị cáo thì Kiểm sát viên có thể nghe từng người để tham gia đối đáp, hoặc tổng hợp ý kiến chung của tất cả những người bào chữa để phản biện. Trong quá trình nghe, Kiểm sát viên cần nhanh chóng xác định nội dung cần đối đáp. Kiểm sát viên cần lưu ý, những nội dung, vấn đề mà các bên đưa ra phải là những nội dung liên quan đến vụ án và phải có trong hồ sơ hoặc đã được kiểm tra, đánh giá tại phiên tòa. Trường hợp tài liệu mới phát sinh thì cũng phải là tài liệu có liên quan đến vụ án và phải kiểm tra nguồn gốc, tính hợp pháp của tài liệu đó để có lập luận đối đáp. Kiểm sát viên cần chú ý những mâu thuẫn trong tranh luận của người bào chữa và giữa những người bào chữa với nhau, giữa người bào chữa với người bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại, đương sự để đối đáp, phản bác lại. Việc tranh luận, đối đáp không nên dài dòng, Kiểm sát viên cần đi thẳng vào trọng tâm, nội dung của vấn đề cần tranh luận, đối đáp. Kiểm sát viên không được né tránh những vấn đề khó mà cần bình tĩnh từng bước tranh luận, đối đáp đến cùng với từng ý kiến để khẳng định vấn đề.

Trong quá trình tranh luận, đối đáp, Kiểm sát viên cần bình tĩnh, linh hoạt, sử dụng văn phong, ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, ngắn gọn, những khẳng định, phản bác phải có căn cứ, có tính thuyết phục cao trên cơ sở tôn trọng sự thật khách quan của vụ án. Việc đề nghị hình phạt, bồi thường thiệt hại dân sự, xử lý vật chứng là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội. Mặt khác, Kiểm sát viên phải tôn trọng quyền bào chữa của bị cáo, quyền của những người tham gia tố tụng khác, tránh thái độ định kiến, bảo thủ, ghi nhận ý kiến đúng đắn của họ.

Trong trường hợp cần thiết, để phục vụ việc tranh luận, đối đáp, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử cho trở lại phần xét hỏi để tiếp tục xét hỏi, làm rõ sự thật của vụ án, sau khi kết thúc việc xét hỏi thì Kiểm sát viên tiếp tục tranh luận. Kiểm sát viên chỉ kết thúc tranh luận khi không còn ý kiến đề nghị tranh luận của các bên tham gia tố tụng hoặc những vấn đề yêu cầu tranh luận đã được Kiểm sát viên tranh luận, kết luận.

Khi tranh luận, Kiểm sát viên cần căn cứ vào lý luận của cấu thành tội phạm, phân tích, đánh giá 4 yếu tố cấu thành tội phạm, lý luận về chứng cứ để lập luận một cách lôgic theo từng vấn đề. Kiểm sát viên cần dựa vào các chứng cứ của vụ án, các quy định trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, các văn bản dưới luật, các quy định chuyên ngành, các quy tắc trong cuộc sống để tranh luận, đối đáp, lập luận chặt chẽ khẳng định quan điểm đúng đắn của mình, kiên quyết bác bỏ ý kiến sai trái hoặc không đúng của người bào chữa, bị cáo, bị hại hoặc những người tham gia tố tụng khác. Thực tế thực hành quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự cho thấy, người bào chữa, bị cáo, bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự thường tập trung tranh luận vào những vấn đề sau:

Một là, không thừa nhận bị cáo phạm tội theo cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát, kết luận trong luận tội của Kiểm sát viên. Trong trường hợp này, Kiểm sát viên cần phân tích lý luận về cấu thành tội phạm, đánh giá hành vi của bị cáo, động cơ, mục đích, hậu quả thiệt hại đã gây ra, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả; viện dẫn các bút lục chứa đựng các chứng cứ xác đáng thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã đủ để khẳng định hành vi của bị cáo là hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự mà Viện kiểm sát đã viện dẫn để truy tố, Kiểm sát viên đã kết luận, đề nghị trong luận tội. Những lý do mà bị cáo, người bào chữa đưa ra như chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, mất năng lực trách nhiệm hình sự, hành vi chưa đến mức chịu trách nhiệm hình sự hoặc những tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự khác… là không có căn cứ, không phù hợp với quy định của pháp luật hình sự.

Hai là, bị cáo, người bào chữa thừa nhận bị cáo phạm tội nhưng phạm tội khác nhẹ hơn so với tội mà Viện kiểm sát truy tố, kết luận, đề nghị thay đổi tội danh; bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại không đồng ý với tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố, kết luận, cho rằng bị cáo phạm vào tội khác nặng hơn, đề nghị thay đổi tội danh.

Trường hợp này, Kiểm sát viên phân tích lý luận cấu thành tội phạm, đánh giá hành vi khách quan của bị cáo, hậu quả thiệt hại, động cơ, mục đích phạm tội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, viện dẫn các bút lục chứa đựng các chứng cứ… Những yếu tố đó khẳng định hành vi phạm tội của bị cáo đã phạm vào tội mà Viện kiểm sát đã truy tố, việc thay đổi tội danh theo yêu cầu của bị cáo, người bào chữa, bị hại hoặc người bảo vệ quyền lợi cho đương sự là không có căn cứ, không đúng quy định của pháp luật.

Ba là, thừa nhận bị cáo phạm tội theo đúng điều luật mà Viện kiểm sát đã truy tố nhưng phạm vào khoản khác nhẹ hơn so với khoản Viện kiểm sát đã truy tố.

Trường hợp này, Kiểm sát viên ngoài việc phân tích các dấu hiệu của tội phạm còn phân tích cụ thể hành vi của bị cáo đã gây ra thiệt hại hoặc các tình tiết khác là căn cứ để định khung hình phạt như: Mức độ thiệt hại, các tình tiết tăng nặng định khung như: Phạm tội có tính chất côn đồ, có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm hay dùng hung khí nguy hiểm… để khẳng định khoản truy tố của Viện kiểm sát là có căn cứ và đúng pháp luật. Kiểm sát viên có thể vận dụng các văn bản dưới luật như Nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để chứng minh khoản truy tố của Viện kiểm sát là đúng đắn.

Bốn là, thừa nhận bị cáo phạm tội theo đúng tội danh, điều khoản của Viện kiểm sát đã truy tố nhưng quá trình điều tra, truy tố, xét xử có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên đề nghị Hội đồng xét xử tạm hoãn phiên tòa, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Trường hợp này, Kiểm sát viên phải tranh luận rõ xem những vi phạm đó là những vi phạm gì. Kiểm sát viên phân tích những quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và các văn bản dưới luật để xác định xem những vấn đề đó có phải là vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hay không? Nếu có vi phạm thì Kiểm sát viên đánh giá mức độ, tính chất vi phạm đó để xác định đây có phải là căn cứ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung hay không, hay có thể khắc phục được tại phiên tòa. Trên cơ sở đánh giá, nhận xét đó, Kiểm sát viên thể hiện quan điểm của mình về yêu cầu trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Trường hợp bị cáo cho rằng quá trình điều tra, truy tố, Điều tra viên, Kiểm sát viên đã có những hành vi vi phạm như: Dụ cung, mớm cung, ép cung thì Kiểm sát viên có thể đề nghị Hội đồng xét xử triệu tập Điều tra viên, Kiểm sát viên đến Tòa án để tham gia đối chất hoặc trình bày những nội dung có liên quan. Trong trường hợp xác định có vi phạm tố tụng, Kiểm sát viên phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng từng dạng vi phạm, nếu vi phạm nhỏ không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án thì Kiểm sát viên phát biểu quan điểm không đồng ý với yêu cầu trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đề xuất biện pháp khắc phục vi phạm. Trường hợp có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng mà xét thấy cần phải điều tra, làm rõ, bảo đảm tính khách quan của vụ án, thuộc các trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì Kiểm sát viên phải đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Năm là, không đồng ý với các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đề nghị loại bỏ hoặc tăng thêm tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

Đây là trường hợp bị cáo, người bào chữa không đồng ý với các tình tiết tăng nặng đề nghị áp dụng đối với bị cáo, đề nghị loại bỏ và đề nghị tăng thêm tình tiết giảm nhẹ. Đối với người bị hại hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự lại cho rằng cần tăng thêm tình tiết tăng nặng và cần loại bỏ tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo. Trong trường hợp này, Kiểm sát viên cần phải đối đáp, phân tích, đánh giá hành vi phạm tội của bị cáo, nhân thân của bị cáo, hành vi vi phạm của bị hại, các tình tiết khác có liên quan, viện dẫn các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, các văn bản dưới luật để xác định, khẳng định các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà Viện kiểm sát áp dụng là đúng đắn, có căn cứ. Những lý do, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà các bên đưa ra là không có căn cứ, không phù hợp với nội dung vụ án. Đối với những tình tiết khác theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự mà bị cáo hoặc người bào chữa đưa ra đề nghị áp dụng làm tình tiết giảm nhẹ thì Kiểm sát viên phải tranh luận, xác định tính chính xác, tùy từng trường hợp cụ thể, có thể thừa nhận hoặc có thể bác bỏ, không chấp nhận.

Sáu là, không đồng ý với loại và mức hình phạt mà Kiểm sát viên đề nghị.

Bị cáo, người bào chữa thường cho rằng loại và mức hình phạt mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị là quá nặng đối với bị cáo, không tương xứng với hành vi phạm tội, không phù hợp với chính sách pháp luật hình sự của Nhà nước, cần giảm hình phạt; bị hại hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự lại cho rằng loại và mức hình phạt như vậy là quá nhẹ đối với bị cáo, cần tăng hình phạt. Trường hợp này, Kiểm sát viên phải đối đáp, phân tích, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội căn cứ vào khách thể bị xâm hại, đối tượng tác động, phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi, hình thức và mức độ lỗi, mức độ thiệt hại đã gây ra, các biện pháp và khả năng khắc phục thiệt hại, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân bị cáo, so sánh với mức hình phạt của điều luật áp dụng để kết luận, khẳng định loại và mức hình phạt mà Kiểm sát viên đề nghị là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật.

Bảy là, không đồng ý với mức bồi thường thiệt hại hoặc biện pháp xử lý vật chứng do Kiểm sát viên đề nghị.

Đối với bị cáo và người bào chữa thường cho rằng mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo như vậy là quá cao, không hợp lý hoặc hình thức xử lý vật chứng như vậy là không phù hợp, yêu cầu giảm bớt mức bồi thường thiệt hại hoặc trả lại vật chứng, tài sản cho bị cáo. Đối với bị hại hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự lại cho rằng mức bồi thường thiệt hại hoặc biện pháp xử lý vật chứng mà Viện kiểm sát đề nghị là không hợp lý, quá ít, cần phải tăng mức bồi thường, tịch thu vật chứng…

Trường hợp này, Kiểm sát viên đối đáp, phân tích các quy định của pháp luật hình sự, pháp luật dân sự, các văn bản dưới luật về bồi thường thiệt hại dân sự trong vụ án hình sự, về xử lý vật chứng để khẳng định mức bồi thường thiệt hại hoặc biện pháp xử lý vật chứng mà Viện kiểm sát đưa ra là hợp lý, có căn cứ và đúng pháp luật.

Kiểm sát viên cần lưu ý, mặc dù luận tội thể hiện quan điểm cuối cùng của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án, Kiểm sát viên tham gia tranh luận, đối đáp cần bảo vệ được quan điểm đó, tuy nhiên, nếu quá trình tranh luận phát hiện những tình tiết mới có thể làm thay đổi nội dung vụ án hoặc thay đổi quan điểm, đường lối xử lý vụ án mà không thể làm rõ, kết luận được khi tranh luận thì Kiểm sát viên phải đề nghị Hội đồng xét xử trở lại phần xét hỏi và có thể đề nghị hoãn phiên tòa để tiến hành điều tra, xác minh.

Nguồn: Tạp chí kiểm sát (kiemsat.vn)

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.