Bài viết phân tích những vấn đề pháp lý cơ bản về Công ước năm 2007 của ASEAN về chống khủng bố, chỉ ra được ý nghĩa của Công ước đối với các quốc gia thành viên, từ đó đề xuất một số phương hướng hoàn thiện Công ước ASEAN về chống khủng bố trong tình hình hiện nay.
Abstract: This article provides analysis of the basic legal matters of the Asean Convention on Counter-Terrorism 2007, and also outlines of the implications of the Convention for the member countries. It then provides a number of suggestions for further improvements of the ASEAN Convention on Counter Terrorism in the current situation.
Keywords: the Asean Convention on Counter-Terrorism 2007; Terrorism; ASEAN Community
Trong những năm qua, hoạt động khủng bố quốc tế ngày càng gia tăng với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Khủng bố đã trở thành một mối đe dọa và thách thức lớn đối với an ninh và sự phát triển của mỗi quốc gia, trong đó có các nước thành viên ASEAN. Các quốc gia cũng như các nước thành viên ASEAN đã phải đẩy mạnh các nỗ lực hợp tác nhằm đối phó có hiệu quả hơn đối với mối đe dọa và thách thức này. Vào tháng 1/2007 các nước ASEAN đã ký Công ước của ASEAN về Chống khủng bố, thiết lập khuôn khổ pháp lý cho hoạt động hợp tác an ninh trong khu vực giữa các quốc gia thành viên nhằm hợp tác, ngăn chặn, chống khủng bố dưới mọi hình thức.
Công ước năm 2007 ASEAN về chống khủng bố gồm phần nói đầu và 23 điều khoản, trong đó 19 điều liên quan nội dung và 4 điều liên quan các thủ tục có hiệu lực, bổ sung, rút khỏi Công ước và đăng ký tại Liên hiệp quốc (LHQ).
Công ước của ASEAN về chống khủng bố bao gồm các nội dung cơ bản: (i) Mục đích, nguyên tắc và phạm vi hợp tác theo công ước; (ii) Các tội khủng bố thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước; (iii) Quyền tài phán quốc gia và nghĩa vụ dẫn độ;(iv) Các thủ tục liên quan thực hiện Công ước.
1. Những điểm tích cực, hạn chế của Công ước ASEAN về chống khủng bố
1.1 Điểm tích cực của Công ước ASEAN về chống khủng bố
Thứ nhất, Công ước của ASEAN về chống khủng bố ra đời trong bối cảnh hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 10 (2004) thông qua chương trình hành động Viên Chăn, trong đó các nước thành viên ASEAN cam kết tăng cường nỗ lực hướng tới xây dựng một Công ước của ASEAN về chống khủng bố.
Đây là một trong những điểm lợi thế tiên quyết trong việc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng Công ước về chống khủng bố trong bối cảnh tội phạm khủng bố đang diễn ra tinh vi và nhân rộng để kêu gọi các cơ quan hữu quan của các nước thành viên hợp tác chặt chẽ, lập nhóm sáng tạo Công ước và thúc đẩy sớm ra đời Công ước chống khủng bố trong khu vực.
Thứ hai, có được sự đồng thuận cao của tất cả các thành viên trong khu vực trong việc hợp tác để ban hành Công ước chống khủng bố chung cho các quốc gia ASEAN.
Sự đồng thuận cao là một lợi thế để khu vực ASEAN dễ dàng trong việc đưa ra một văn bản chung thống nhất về vấn đề chống khủng bố, một vấn đề nóng, mang tính toàn cầu, ảnh hưởng rất lớn tới an ninh chính trị của quốc gia và toàn khu vực. Đây là một điểm mạnh khi đàm phán về công ước quốc tế mà không phải công ước quốc tế trong cộng đồng ASEAN nào cũng dễ dàng có được điều này, ví dụ Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự của các quốc gia ASEAN không có được sự tham gia đầy đủ của các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Đông Timo và Myanmar, mặc dù hợp tác trong lĩnh vực hình sự là một trong những ưu tiên hàng đầu của khu vực nói chung và mỗi một quốc gia nói riêng trong vấn đề giữ vững an ninh, chính trị[1].
Thứ ba, về cơ bản, Công ước đã đưa ra được đầy đủ các điều khoản nhằm đạt được mục tiêu của các bên
Chỉ với 23 điều khoản nhưng Công ước ASEAN năm 2007 về chống khủng bố đã thể hiện được gần như đầy đủ các nội dung để đạt được mục tiêu của các bên là đối phó và ngăn chặn khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện của khủng bố, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan liên quan của các bên trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố.
1.2 Hạn chế của Công ước của ASEAN về chống khủng bố
Thứ nhất, các quy định nội dung của Công ước chưa làm rõ được mục tiêu trong Công ước.
Mục tiêu Công ước được quy định rõ tại Điều 1: “Công ước này đưa ra các khuôn khổ hợp tác khu vực để hợp tác, đối phó và ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện của nó và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan có liên quan của các Bên trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố”. Quy định này cho thấy, mục tiêu chính của Công ước là đưa ra các khuôn khổ hợp tác phù hợp và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật để chống lại chủ nghĩa khủng bố trong khu vực. Tuy nhiên, nội dung Công ước lại chưa làm sáng rõ được hai vấn đề này. Ví dụ, trong mục tiêu về đưa ra các khuôn khổ hợp tác trong khu vực thì nội dung Công ước có quy định tại Điều 5 “không áp dụng” và Điều 6 “lĩnh vực áp dụng”[2], chỉ dừng lại ở hai quy định trên thì chưa đủ để thể hiện được khuôn khổ hợp tác được đề cập đến trong mục tiêu Công ước, như nguyên tắc hợp tác và hình thức hợp tác.
Hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật là tất yếu, khách quan, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác, các bên tham gia có thể có những hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ ba, như áp dụng các biện pháp bất lợi hơn cho công dân của bên thứ ba; phong toả tài khoản của tổ chức cá nhân của bên thứ ba mà không có lý do chính đáng… Cơ sở pháp lý của nguyên tắc này là các điều ước quốc tế song phương và đa phương, đặc biệt là các điều ước song phương về chống khủng bố thường quy định trực tiếp nguyên tắc này. Tuy nhiên, Công ước của ASEAN về chống khủng bố lại chưa đề cập đến nội dung này để đạt được hiệu quả trong tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật về chống khủng bố[3].
Thứ hai, Công ước chưa đưa ra được định nghĩa “khủng bố”.
Hiện nay, trong khuôn khổ LHQ và các tổ chức thành viên (ICAO, IMO, IAEA…) có 13 điều ước quốc tế đa phương về chống khủng bố đã được thông qua. Công ước chung về chống khủng bố quốc tế mặc dù được tiến hành xây dựng từ năm 1996 đến nay nhưng vẫn đang nằm dưới dạng dự thảo vì còn nhiều ý kiến bất đồng xung quanh vấn đề định nghĩa khủng bố. Ở cấp độ khu vực cũng đã có 8 điều ước quốc tế được ký kết. Ngoài ra còn rất nhiều các Hiệp định quốc tế song phương và các Nghị quyết của Đại hội đồng, Hội đồng bảo an LHQ về các biện pháp đấu tranh chống khủng bố. Mặc dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quốc tế về chống khủng bố tương đối lớn, tuy nhiên chưa có văn bản nào đưa ra được định nghĩa rõ ràng, toàn diện về khủng bố. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, việc đưa ra định nghĩa chung về khủng bố là cấp thiết vì có như vậy mới nâng cao được hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm này[4]. Điều 2 Công ước của ASEAN về chống khủng bố không định nghĩa “khủng bố” mà chỉ liệt kê “tội phạm khủng bố” là bất kỳ hành vi phạm tội nào trong phạm vi và theo quy định tại một trong các điều ước quốc tế được liệt kê trong 13 điều ước quốc tế thuộc khuôn khổ LHQ về đấu tranh chống khủng bố hiện nay[5].
Thứ ba, chưa có thành viên ASEAN nào tham gia đầy đủ các văn kiện pháp lý đa phương được quy định tại Điều 2 Công ước ASEAN về chống khủng bố.
Các tội khủng bố thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước tại Điều 2 nêu rất rõ tất cả các tội phạm khủng bố đã được xác định trong 14 Công ước và Nghị định thư đa phương liên quan về chống khủng bố sẽ là tội bị trừng trị theo Công ước ASEAN về chống khủng bố. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có nước thành viên ASEAN nào tham gia đầy đủ các văn kiện pháp lý đa phương nói trên về chống khủng bố. Phù hợp với Công ước Viên năm 1969 về Luật Ký kết các điều ước quốc tế giữa các quốc gia, các nước ASEAN chỉ có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ theo các văn kiện pháp lý mà họ tham gia và họ không thể bị ràng buộc bởi các cam kết trong các Công ước, Nghị định thư mà họ chưa phải là thành viên. Điều này gây khó khăn cho việc xác định các tội phạm khủng bố khi các quốc gia vi phạm Công ước này.
Thứ ba, chưa quy định rõ thủ tục giải quyết tranh chấp.
Điều 19 Công ước ASEAN về chống khủng bố quy định: Mọi bất đồng hoặc tranh chấp giữa các bên phát sinh từ việc giải thích hay thực hiện các quy định của Công ước này phải được giải quyết trên cơ sở hòa giải bằng tham vấn hoặc thương lượng giữa các Bên thông qua con đường ngoại giao hoặc bằng các phương thức giải quyết tranh chấp hòa bình khác do các bên thỏa thuận. Mặc dù tinh thần và ý tưởng là trong trường hợp các thành viên ASEAN có tranh chấp và việc trao đổi ý kiến, thương lượng không giải quyết được tranh chấp thì các bên liên quan có thể thỏa thuận nhờ vai trò môi giới, trung gian và hòa giải của các bên thứ ba hoặc cao hơn là thỏa thuận giải quyết các tranh chấp qua thủ tục trọng tài hoặc các tòa án quốc tế, tuy nhiên lời văn trong điều khoản không nói cụ thể nên sẽ rất khó khăn cho các bên khi lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Biện pháp giải quyết sẽ rất linh hoạt, song điều then chốt là biện pháp đó phải được các bên tranh chấp cùng nhau thỏa thuận, không bên nào bị ép buộc phải chấp nhận biện pháp giải quyết mà họ không muốn. Nếu trường hợp các bên không thỏa thuận được thì sẽ giải quyết theo phương thức nào? Đây là một trong những hạn chế lớn nhất của Công ước ASEAN về chống khủng bố, bởi sự hợp tác nào cũng sẽ có lúc xung đột và phương thức giải quyết xung đột là một yêu cầu tất yếu.
2. Ý nghĩa của Công ước ASEAN năm 2007 về chống khủng bố đối với các quốc gia thành viên
– Thứ nhất, Công ước ra đời đáp ứng được nhu cầu của khu vực nói chung và của mỗi một quốc gia trong khu vực nói riêng về giữ vững an ninh tổ quốc
– Thứ hai, cơ chế hợp tác trong Công ước không chỉ đóng vai trò thiết lập một khuôn khổ pháp lý cho hoạt động hợp tác, ngăn chặn và chống khủng bố khu vực, mà thông qua cơ chế hợp tác ASEAN có cơ hội để hợp tác với nhau nhiều hơn, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa các quốc gia.
– Thứ ba, quá trình hợp tác giúp cho các nước trong khu vực nhận được những khoản viện trợ, kỹ thuật, học hỏi được kinh nghiệm trong công tác nâng cao năng lực đội ngũ an ninh quốc phòng và kinh nghiệm về chiến thuật đấu tranh chống lại tội phạm khủng bố
Đây là một trong những ý nghĩa rất quan trọng đối với các quốc gia tham gia Công ước ASEAN về chống khủng bố, bởi một trong những điều kiện tiên quyết đưa đến thắng lợi trong công tác chống lại tội phạm khủng bố đó là sức mạnh và chiến lược trong an ninh, quân sự. Với những quốc gia có quân đội mạnh, chiến thuật tốt và năng lực an ninh quốc phòng cao như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam hay Singapo[6]… là thành viên tham gia Công ước ASEAN về chống khủng bố sẽ là một lợi thế rất quan trọng giúp những quốc gia còn lại trong khu vực học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về quân sự, an ninh quốc phòng và chiến thuật trong việc đấu tranh chống lại tội phạm khủng bố.
– Thứ tư, việc phê chuẩn Công ước của một quốc gia sẽ tạo động lực thúc đẩy các quốc gia khác trong việc phê chuẩn, phê duyệt Công ước ASEAN về khủng bố
Công ước ASEAN về chống khủng bố không đòi hỏi phải có đủ 10 nước phê chuẩn hoặc phê duyệt mới có hiệu lực. Việc một quốc gia nào đó trong khu vực sớm phê chuẩn hoặc phê duyệt Công ước không chỉ đáp ứng các nhu cầu của chính các quốc gia đó, mà còn có ý nghĩa tạo thêm xung lực để thúc đẩy các nước thành viên ASEAN còn lại triển khai việc phê chuẩn hoặc phê duyệt Công ước.
3. Thực tiễn thực thi Công ước và kiến nghị hoàn thiện Công ước của ASEAN về chống khủng bố
3.1 Thực tiễn thực thi công ước
Thứ nhất, về phê chuẩn, phê duyệt công ước. Việc xây dựng Công ước ASEAN về chống khủng bố là một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực chung của các nước ASEAN nhằm ngăn ngừa và trừng trị tội khủng bố. Yêu cầu đặt ra hiện nay là các nước ASEAN khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý nội bộ của mình (phê chuẩn hoặc phê duyệt) để các quy định của Công ước sớm đi vào cuộc sống. Tuy nhiên đến nay, việc phê chuẩn, phê duyệt Công ước chưa được tiến hành một cách đồng bộ trong phạm vi khu vực. Tháng 10/2007 Singapore đã phê chuẩn Công ước. Tháng 3/2008 Thái Lan cũng đã hoàn thành thủ tục pháp lý của mình, còn các nước ASEAN khác đang trong quá trình chuẩn bị. Việt Nam cũng đã tiến hành triển khai Công ước ASEAN về chống khủng bố ngày 15/8/2012, lên kế hoạch triển khai thực hiện Công ước ASEAN về chống khủng bố, xác định nội dung công việc, trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, cơ quan, địa phương trong triển khai thực hiện Công ước ASEAN về chống khủng bố.
Thứ hai, về vấn đề định nghĩa khủng bố. Xét từ góc độ pháp lý, cần thiết phải có một định nghĩa về khủng bố ngay trong nội luật của các quốc gia thành viên. Tuy nhiên cho đến nay, nội luật của các nước thành viên ASEAN cũng còn khác nhau, có nước đã có định nghĩa về khủng bố, nhưng có nước chưa định nghĩa. Trong quá trình thương lượng dự thảo Công ước của ASEAN về chống khủng bố, Việt Nam đã trao đổi và thống nhất với các nước về cách tiếp cận linh hoạt là Công ước của ASEAN không có định nghĩa về tội khủng bố, mà viện dẫn đến các tội danh đã được xác định trong các Công ước và Nghị định thư đa phương hiện hành về chống khủng bố. Sau này tùy tiến triển của tình hình, các nước sẽ cùng nhau xem xét và thỏa thuận về việc bổ sung định nghĩa khủng bố.
Thứ ba, về vấn đề dẫn độ. Trong những năm qua, các nước ASEAN đã có nhiều nỗ lực để duy trì hoà bình, ổn định khu vực. Tuy nhiên, các nước Đông Nam Á hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức khủng bố, nghiêm trọng nhất trong thời gian gần đây là khủng bố từ IS. Chuyên gia chống khủng bố Rohan Gunaratna, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khủng bố và bạo lực chính trị tại Xingapo cho biết, đây sẽ là thách thức an ninh chính cho khu vực Đông Nam Á. Để đối phó, “Chính phủ các nước trong khu vực phải hợp tác cùng nhau để ngăn chặn việc hình thành tổ chức vệ tinh của IS tại khu vực, bởi nếu không, thách thức khủng bố vẫn tiếp tục gia tăng”[7]. Ở Việt Nam, thời gian vừa qua cũng đã xảy ra một số vụ khủng bố nhằm chống lại Nhà nước Việt Nam, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài. Khi Việt Nam đề nghị các nước hữu quan dẫn độ khủng bố chống lại Nhà nước Việt Nam, thì yêu cầu của Việt Nam lại chưa được đáp ứng thỏa đáng với lý do hoặc là quy định về tội danh khủng bố của Việt Nam còn chưa chặt chẽ, có thể bị chính trị hóa, hoặc là do Việt Nam và nước hữu quan chưa ký kết các Hiệp định về dẫn độ nên chưa có cơ sở pháp lý để dẫn độ cho Việt Nam.
Với tình hình trên, việc thực hiện tốt điều khoản về “dẫn độ” trong Công ước năm 2007 của ASEAN về chống khủng bố là một yêu cầu, là chiến lược quan trọng đối với các quốc gia thành viên trước tình trạng khủng bố gia tăng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc áp dụng điều khoản dẫn độ để xét xử chưa được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Điều này góp phần làm cho hoạt động khủng bố ngày một gia tăng, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá trị pháp lý của Công ước ASEAN về khủng bố.
3.2 Kiến nghị hoàn thiện Công ước năm 2007 của ASEAN về khủng bố
Thứ nhất, hoàn thiện nội dung các điều khoản để làm rõ mục tiêu trong Công ước
Cần bổ sung và làm rõ hơn các điều khoản trong Công ước để đạt được mục tiêu “đưa ra các khuôn khổ hợp tác khu vực để hợp tác đối phó và ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện của nó và tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan có liên quan của các bên trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố”. Trong mục tiêu đưa ra các khuôn khổ hợp tác trong khu vực, cần bổ sung thêm quy định về nguyên tắc hợp tác, hình thức hợp tác chống khủng bố trong khu vực. Trong nguyên tắc hợp tác, thiết nghĩ với vấn đề chống khủng bố thì nguyên tắc: (i) hợp tác chống khủng bố và các quyền cơ bản của con người; (ii) nguyên tắc hợp tác chống khủng bố và lợi ích quốc gia; (iii) nguyên tắc hợp tác chống khủng bố và vấn đề quyền tài phán quốc gia; (iv) nguyên tắc hợp tác chống khủng bố và lợi ích của bên thứ ba. Về hình thức hợp tác, Công ước ASEAN có thể chia hợp tác chống khủng bố thành hai hình thức: hợp tác chính thức và hợp tác không chính thức. Trong nội dung mục tiêu về tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật, các quốc gia cần ký các điều ước song phương hoặc đa phương về chống khủng bố để siết chặt hơn quy định về sự hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật nhằm đạt được mục tiêu trong Công ước và đẩy lùi tình trạng khủng bố.
Thứ hai, đưa ra được định nghĩa chính thức về “khủng bố” trong Công ước
Như đã nêu, Điều 2 của Công ước không định nghĩa “khủng bố” mà chỉ liệt kê “tội phạm khủng bố” là bất kỳ hành vi phạm tội trong phạm vi và theo quy định tại một trong các điều ước quốc tế được liệt kê trong 13 điều ước quốc tế thuộc khuôn khổ LHQ về đấu tranh chống khủng bố hiện nay. Quy định này còn quá chung chung, chưa thống nhất nên cần sửa đổi lại Điều 2 Công ước năm 2007 ASEAN về chống khủng bố theo hướng không liệt kê mà đưa ra một định nghĩa cụ thể về một cách hiểu “khủng bố” chung thống nhất. Điều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống loại tội phạm này.
Thứ ba, hoàn thiện quy định về cơ quan, thủ tục giải quyết tranh chấp
Điều 19 Công ước ASEAN về chống khủng bố quy định: Mọi bất đồng hoặc tranh chấp giữa các bên phát sinh từ việc giải thích hay thực hiện các quy định của Công ước này phải được giải quyết trên cơ sở hòa giải bằng tham vấn hoặc thương lượng giữa các Bên thông qua con đường ngoại giao hoặc bằng các phương thức giải quyết tranh chấp hòa bình khác do các Bên thỏa thuận. Quy định trên chưa làm rõ trường hợp nếu các bên không thỏa thuận được thì cơ quan nào sẽ giải quyết tranh chấp, thủ tục giải quyết như thế nào. Để giải quyết mọi bất đồng giữa các bên tranh chấp, cần bổ sung quy định về thành lập một cơ quan chuyên trách để giải quyết tranh chấp phát sinh khi các bên không giải quyết được thông qua con đường ngoại giao, hòa bình và thỏa thuận.
Thứ tư, tuân thủ quy định của Công ước về dẫn độ, thiết lập hoạt động tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm và bổ sung quy định về nguyên tắc dẫn độ tội phạm
– Dẫn độ tội phạm cũng là một nội dung quan trọng của Luật hình sự quốc tế. Chế định này bên cạnh ý nghĩa buộc những người gây ra tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự, còn thể hiện sự hợp tác của các quốc gia trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Do vậy, các quốc gia tham gia Công ước cần tuân thủ quy định về dẫn độ tội phạm.
– Hoạt động tương trợ tư pháp và dẫn độ tội phạm nguy hiểm là một trong những yêu cầu quan trọng trong việc hợp tác quốc tế đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm xử lý và truy cứu các hành vi phạm tội gây nguy hại cho xã hội và cộng đồng quốc tế, cũng như xâm phạm đến các quyền và tự do của con người. Hoạt động tương trợ tư pháp và dẫn độ tội phạm là khả năng duy nhất và quan trọng để thực hiện đầy đủ các hành vi tố tụng hình sự cần thiết ở nước ngoài. Mặc dù vậy, hoạt động tương trợ tư pháp, đặc biệt là dẫn độ tội phạm có liên quan trực tiếp đến chủ quyền quốc gia, do đó đòi hỏi các quốc gia phải có quy định chặt chẽ và tham gia đầy đủ các điều ước, hiệp ước tư pháp liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp và dẫn độ tội phạm, để tránh xảy ra tranh chấp khi có công dân của một nước vi phạm pháp luật quốc tế. Đặc biệt, các hành vi tố tụng của các quốc gia có thẩm quyền tài phán chỉ thực sự thực hiện được đầy đủ và đưa người phạm tội ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật, trước cộng đồng quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội và của con người, nếu có sự tương trợ tư pháp của các cơ quan tư pháp các nước tương trợ tư pháp[8].
– Bổ sung thêm nguyên tắc dẫn độ tội phạm như “nguyên tắc có đi có lại” để thể hiện sự tôn trọng và bình đẳng chủ quyền quốc gia trong quan hệ quốc tế, trong việc cùng nhau xử lý tội phạm, không có sự bao che, bảo kê cho tội phạm; “nguyên tắc không dẫn độ công dân nước mình” để tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành bản án. Đây cũng chính là sự thể hiện quốc gia bảo vệ quyền con người cho công dân nước mình, song vẫn phải chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền trong quốc gia để tiến hành giải quyết vụ việc đó theo trình tự, thủ tục tố tụng hình sự nói chung[9].
Thứ năm, các quốc gia khẩn trương hoàn thành thủ tục nội bộ để phê chuẩn, phê duyệt Công ước
Quốc gia chưa phê chuẩn, phê duyệt Công ước cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục nội bộ để phê chuẩn, phê duyệt Công ước, đáp ứng được mục tiêu trong cam kết chính trị được nêu trong tuyên bố năm 2001 về chống khủng bố giữa ASEAN và một số đối tác như Mỹ, Úc, Ấn Độ, Pakistan… Đây cũng là một bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực chung của các nước ASEAN nhằm ngăn ngừa và trừng trị tội khủng bố, góp phần mang đến hoàn bình, thịnh vượng chung trong toàn khu vực./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Công ước năm 2007 của ASEAN về chống khủng bố
- Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự của các quốc gia ASEAN năm 2004
- Bùi Mạnh Hùng, Hợp tác quốc tế về chống khủng bố và liên hệ thực tiễn Việt Nam, Luận văn ThS. chuyên ngành Luật quốc tế, năm 2012.
- Chuyên mục Công pháp quốc tế, Khái niệm khủng bố từ các công ước quốc tế, http://www.dhluathn.com/2014/06/khai-niem-khung-bo-tu-cac-cong-uoc-quoc.html, 17/06/2014.
- Nguyễn Duy Chiến (2009), Công ước năm 2007 của ASEAN về chống khủng bố và sự tham gia của Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp tháng 03/2009.
- Mộc Thạch, Khủng bố tấn công tại Jakata, Inđônêxia: Đông Nam Á hãy thức tỉnh, http://antg.cand.com.vn , cập nhật ngày 18/01/2016.
- Thái Văn Long, Khủng bố ở khu vực Đông Nam Á hiện nay và quan điểm của Việt Nam trong phòng, chống khủng bố, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/1613-khung-bo-o-khu-vuc-dong-nam-a-hien-nay-va-quan-diem-cua-viet-nam-trong-phong-chong-khung-bo.html, cập nhật ngày 26/8/2016.
- Trịnh Tiến Việt, Thẩm quyền xét xử và việc dẫn độ trong luật hình sự quốc tế, http://luatsuphamtuananh.com/bai-viet—tin-tuc/tham-quyen-xet-xu-va-viec-dan-do-trong-luat-hinh-su-quoc-te/vn,
- Phi Yến, Top 5 quân đội mạnh nhất Đông Nam Á, http://soha.vn/quan-su/top-5-quan-doi-manh-nhat-dong-nam-a-20150713230642783.htm, ngày 14/07/2015.
Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 12, kỳ 2 tháng 6/2018
[1] Xem thêm: Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự của các quốc gia ASEAN năm 2004. http://m.thuvienphapluat.vn
[2] Xem thêm tại: Điều 5, Điều 6, Công ước năm 2007 của ASEAN về chống khủng bố.
[3] Xem thêm: Bùi Mạnh Hùng, Hợp tác quốc tế về chống khủng bố và liên hệ thực tiễn Việt Nam, Luận văn ThS, năm 2012.
[4] Xem thêm: Chuyên mục Công pháp quốc tế, khái niệm khủng bố từ các công ước quốc tế,http://www.dhluathn.com/2014/06/khai-niem-khung-bo-tu-cac-cong-uoc-quoc.html, 17/06/2014.
[5] Xem thêm tại: Điều 2, Công ước năm 2007 của ASEAN về chống khủng bố.
[6] Xem thêm tại: Phi Yến, Top 5 quân đội mạnh nhất Đông Nam Á, http://soha.vn/quan-su/top-5-quan-doi-manh-nhat-dong-nam-a-20150713230642783.htm, ngày 14/07/2015.
[7] Xem thêm: Thái Văn Long, Khủng bố ở khu vực Đông Nam Á hiện nay và quan điểm của Việt Nam trong phòng, chống khủng bố, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/quoc-te/item/1613-khung-bo-o-khu-vuc-dong-nam-a-hien-nay-va-quan-diem-cua-viet-nam-trong-phong-chong-khung-bo.html, cập nhật ngày 26/8/2016.
[8] Xem thêm: Trịnh Tiến Việt, Thẩm quyền xét xử và việc dẫn độ trong luật hình sự quốc tế,http://luatsuphamtuananh.com/bai-viet—tin-tuc/tham-quyen-xet-xu-va-viec-dan-do-trong-luat-hinh-su-quoc-te/vn
[9] Xem thêm: Trịnh Tiến Việt, tlđd.
Trần Thị Diệu Hương, ThS. Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật, Đại học Huế; Trần Ngọc Thúy, Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật, Đại học Huế.
Để lại một phản hồi