Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã bổ sung 05 trường hợp: Đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, khám xét tại các điều 189, 190, 191, 193, 204, bắt buộc Kiểm sát viên phải trực tiếp tham gia để kiểm sát các hoạt động điều tra này của Cơ quan điều tra.
Hoạt động đối chất trong điều tra vụ án hình sự
Hoạt động đối chất được thực hiện bởi các chủ thể gồm: Điều tra viên, Kiểm sát viên, người đối chất và người bị đối chất, trong đó người đối chất và người bị đối chất là các bị can, đương sự hoặc những người làm chứng dưới sự điều khiển trực tiếp, giữ vai trò chủ đạo của Điều tra viên, đồng thời dưới sự kiểm sát chặt chẽ của Kiểm sát viên.
Hoạt động đối chất được thực hiện nhằm làm rõ nguyên nhân, nội dung cụ thể của mâu thuẫn, từ đó loại bỏ mâu thuẫn, xác định tính đúng đắn và sự tin cậy của những căn cứ đưa ra để chứng minh trong lời khai giữa hai hay nhiều người nhằm tìm ra sự thật của vụ án; thông qua hoạt động đối chất, Điều tra viên giáo dục, cảm hóa những người tham gia đối chất về ý thức tôn trọng pháp luật, cơ quan bảo vệ pháp luật và tin tưởng vào chính sách khoan hồng của Nhà nước để họ nhận ra lẽ phải…, thay đổi thái độ tiến tới khai báo một cách thành khẩn và trung thực.
Chính vì vậy, hoạt động đối chất cần phải giải quyết được những vấn đề cơ bản sau: (1) Làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án mà ở hoạt động xét hỏi chưa làm được; (2) Làm sáng tỏ nguyên nhân của sự mâu thuẫn trong lời khai của những người tham gia đối chất; (3) Làm sáng tỏ đặc điểm nhân cách, mối quan hệ của những người tham gia đối chất; (4) Xác định và áp dụng các phương pháp và thủ thuật tác động tâm lý giữa những người tham gia đối chất một cách linh hoạt để đạt được mục đích đề ra.
Trước khi tiến hành hoạt động đối chất, Điều tra viên cần phải tuân thủ các quy định tại Điều 138 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003, đó là, chỉ trong trường hợp có sự mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người thì Điều tra viên mới tiến hành đối chất. Điều tra viên có quyền tiến hành các biện pháp điều tra do BLTTHS quy định, được quyền áp dụng mọi phương pháp, chiến thuật trong đối chất, vì thế, với vai trò là người tổ chức, điều khiển cuộc đối chất, Điều tra viên phải tiến hành hoạt động đối chất theo đúng trình tự quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Khi bắt đầu đối chất, Điều tra viên phải hỏi về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất, sau đó mới hỏi họ về những tình tiết cần làm sáng tỏ của vụ án. Đồng thời, chỉ sau khi những người tham gia đối chất đã khai xong thì Điều tra viên mới được nhắc lại những lời khai lần trước của họ. Những lời khai mới này phải được Điều tra viên ghi đầy đủ vào biên bản đối chất, có chữ ký của từng người tham gia hoạt động đối chất.
Kết quả của hoạt động đối chất phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: Sự chuẩn bị của bản thân Điều tra viên một tâm lý vững vàng, tinh thần thoải mái cho cuộc đối chất; xác định mâu thuẫn cần giải quyết; dự đoán các tình huống có thể xảy ra và các phương pháp tác động; chuẩn bị trước tài liệu, chứng cứ cần thiết sẽ đưa ra khi đối chất; tìm hiểu rõ nhân thân, các đặc điểm tâm lý của mỗi chủ thể tham gia đối chất; xác định các câu hỏi bổ sung cho các câu hỏi mà những người tham gia đối chất đặt ra cho nhau; thái độ bình tĩnh, ý chí vững vàng, phong cách đĩnh đạc, có năng lực, trình độ chuyên môn, am hiểu về tâm lý… Nếu có đầy đủ các yếu tố này thì chắc chắn Điều tra viên sẽ đạt được sự thành công khi tổ chức, điều khiển hoạt động đối chất. Ngoài ra, thành công của đối chất còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như: Tính thuyết phục của những chứng cứ được nêu ra trong đối chất; cách xử sự của thành viên thứ hai tham gia đối chất; tính chất của mối quan hệ đã có giữa các thành viên…
Từ những phân tích nêu trên cho thấy, hoạt động đối chất trong điều tra vụ án hình sự là một trong những hoạt động điều tra mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần được giải quyết như: Sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan nhà nước trong hoạt động đối chất chưa chặt chẽ; trong thực tế hiện nay, hoạt động đối chất vẫn chưa có sự giám sát chặt chẽ của Viện kiểm sát cũng như chưa có mặt của Luật sư…; như vậy đã làm giảm một phần tính khách quan của hoạt động này. Vì vậy, nhằm đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát việc tuân theo pháp luật của Cơ quan điều tra cũng như của Điều tra viên, trong đó có vai trò kiểm sát của Viện kiểm sát, BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung quy định rõ trong từng điều luật liên quan nội dung bắt buộc Viện kiểm sát phải cử Kiểm sát viên tham gia kiểm sát các hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, trong đó có hoạt động đối chất.
Quy định của BLTTHS năm 2015 về hoạt động đối chất trong điều tra vụ án hình sự
Qua theo dõi hoạt động thực tiễn cho thấy, cùng với các hoạt động điều tra như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, hỏi cung bị can, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, khám xét… thì hoạt động đối chất trong điều tra vụ án hình sự có ý nghĩa rất lớn trong việc thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật, giải quyết mâu thuẫn, kiểm tra tài liệu thu thập được để làm căn cứ giải quyết vụ án.
Mặc dù, tại Điều 138 BLTTHS năm 2003 đã có quy định: “Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên có thể tiến hành đối chất. Việc đối chất được tiến hành theo quy định tại Điều này”; bên cạnh đó, trong thực tiễn để đảm bảo cho các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thực hiện đúng quy định của pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bị can, đương sự và những người tham gia tố tụng khác thì trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên nếu thấy có mâu thuẫn trong lời khai giữa bị can, người bị hại, người làm chứng, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên tiến hành việc đối chất…, đồng thời kiểm sát chặt chẽ việc đối chất đảm bảo được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hình sự (*). Tuy nhiên, trong BLTTHS năm 2003 chưa có quy định cụ thể ràng buộc bằng pháp luật về trách nhiệm của Kiểm sát viên phải trực tiếp kiểm sát hoạt động đối chất của Điều tra viên trong điều tra các vụ án hình sự. Do đó, tại Điều 189 BLTTHS năm 2015 đã quy định cụ thể về hoạt động đối chất như sau:
Khoản 1 quy định về căn cứ để đối chất và kiểm sát việc đối chất nêu cụ thể, rõ ràng trong trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người “mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn” thì Điều tra viên tiến hành đối chất. BLTTHS năm 2003 chỉ quy định “trong trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người thì Điều tra viên tiến hành đối chất”.
Đáng chú ý là tại khoản 1 Điều 189 BLTTHS năm 2015 đã quy định cụ thể: Trước khi tiến hành đối chất, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc đối chất. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất. Nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản đối chất.
Khoản 2 Điều 189 bổ sung quy định: “Trước khi đối chất”, Điều tra viên phải giải thích cho người làm chứng hoặc bị hại tham gia để cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối. BLTTHS năm 2003 chỉ quy định chung chung “nếu có người làm chứng hoặc người bị hại tham gia đối chất thì “trước tiên” Điều tra viên phải giải thích cho họ…”.
Khoản 3 Điều 189 bổ sung quy định về nội dung, cách thức hỏi đối chất cụ thể, rõ ràng hơn và Điều tra viên phải thực hiện, đó là: “Trong quá trình đối chất, Điều tra viên có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan”.
Khoản 4 về hình thức lập biên bản, bổ sung thêm: “Việc đối chất có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh”.
Khoản 5 quy định: Trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên tiến hành tổ chức đối chất, việc đối chất được thực hiện theo quy định của Điều này.
Những điểm Kiểm sát viên cần chú ý khi kiểm sát hoạt động đối chất
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định mới về trách nhiệm đối với Điều tra viên, Kiểm sát viên là trước khi Điều tra viên tổ chức tiến hành việc đối chất thì bắt buộc Điều tra viên phải có trách nhiệm thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp biết để cử Kiểm sát viên tham gia kiểm sát việc tiến hành đối chất của Điều tra viên; trách nhiệm của Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất.
Điểm đáng chú ý là sau khi nghiên cứu biên bản hỏi cung bị can, biên bản ghi lời khai người bị hại, bị đơn dân sự, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, biên bản ghi lời khai người làm chứng, Kiểm sát viên cần nghiên cứu biên bản đối chất. Tuy nhiên, không phải trong bất kỳ vụ án nào hoạt động đối chất cũng được tiến hành, mà phải căn cứ hai điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 189 BLTTHS năm 2015 (nêu trên) thì Điều tra viên tiến hành đối chất hoặc Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên tiến hành đối chất. Khi tiến hành kiểm sát việc đối chất, Kiểm sát viên phải chú ý thực hiện đầy đủ các nội dung sau:
– Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ việc đối chất bảo đảm các hoạt động này được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 189 BLTTHS năm 2015. Kiểm sát viên có thể trực tiếp hoặc phối hợp cùng Điều tra viên tiến hành việc đối chất. Khi trực tiếp tiến hành đối chất, Kiểm sát viên thông báo trước cho Điều tra viên biết.
– Sau khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát đã nhận hồ sơ vụ án, nếu thấy có mâu thuẫn trong lời khai của những người tham gia tố tụng thì Kiểm sát viên có thể tiến hành đối chất để làm rõ mà không phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung. Việc đối chất và lập biên bản đối chất do Kiểm sát viên tiến hành phải được thực hiện theo đúng quy định tại các điều 189, 178 BLTTHS năm 2015. Biên bản đối chất phải được đưa vào hồ sơ vụ án và sao, lưu hồ sơ kiểm sát một bản.
Đặc biệt, khi nghiên cứu biên bản đối chất Kiểm sát viên cần chú ý:
– Kiểm tra tính hợp pháp của việc đối chất: Kiểm sát viên phải kiểm tra những người được đối chất đó là ai (bị can, người bị hại, người làm chứng…); trước khi tiến hành đối chất Điều tra viên đã giải thích cho họ biết về trách nhiệm từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối chưa? Điều tra viên đã hỏi họ về mối quan hệ giữa những người tham gia đối chất với nhau chưa? Điều tra viên đã đọc lại biên bản đối chất cho những người có mặt nghe chưa? Việc ký vào biên bản như thế nào, có ai sửa chữa, ghi thêm nội dung nào vào biên bản không?
– Kiểm tra về nội dung tính có căn cứ của biên bản đối chất: Kiểm sát viên cần kiểm tra các câu hỏi và trả lời của biên bản đối chất xem nội dung đã giải quyết các mâu thuẫn chưa? Những người tham gia đối chất đã trả lời về những tình tiết cần làm sáng tỏ như thế nào, họ đã trình bày và giải thích về những mâu thuẫn giữa lời khai của họ với lời khai của những người khác, giữa lời khai hiện nay và trước đây như thế nào? Qua trả lời của những người tham gia đối chất thì đã giải quyết được mâu thuẫn chưa, nội dung nào chưa được giải quyết? Những nội dung nào đã được giải quyết hoặc chưa được giải quyết, Kiểm sát viên cần ghi chép đầy đủ để báo cáo lãnh đạo đơn vị, đề xuất tiến hành các hoạt động tiếp theo để giải quyết vụ án.
– Kiểm tra về hình thức: Biên bản đối chất có được Điều tra viên thực hiện đúng theo quy định tại Điều 178 BLTTHS năm 2015 không? có đầy đủ chữ ký của những người tham gia đối chất không?.
(*) Xem Điều 25 Chương IV Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 07/2008/QĐ-VKSTC ngày 02/01/2008 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
(Trích Bài viết “Những điểm cần lưu ý khi kiểm sát hoạt động đối chất theo BLTTHS năm 2015” của Tiến sĩ Trần Thị Quyến, Khoa Luật, Học viện Cảnh sát nhân dân, Tạp chí Kiểm sát số 06/2017).
Để lại một phản hồi