Một trong những điểm mới của Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 liên quan đến các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là đã bổ sung bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản là biện pháp bảo đảm mới, bên cạnh các biện pháp bảo đảm mang tính truyền thống khác. Nhằm giúp việc xác lập, thực hiện phù hợp với các quy định của BLDS 2015, chúng tôi xin được đề cập đến những khía cạnh pháp lý cơ bản của 02 biện pháp bảo đảm nêu trên.
Các nội dung liên quan:
1. Biện pháp bảo lưu quyền sở hữu
1.1. Bảo lưu quyền sở hữu là biện pháp bảo đảm mới, lần đầu tiên được BLDS 2015 quy định tại chế định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ[1]. Xét ở góc độ nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy biện pháp này có những đặc điểm cơ bản sau đây:
– Là biện pháp bảo đảm bằng tài sản, phát sinh dựa trên thỏa thuận. Nghĩa là việc xác lập biện pháp này phải được sự đồng ý của cả 2 bên khi giao kết hợp đồng và hoàn toàn khác với việc lựa chọn phương thức thanh toán “trả chậm, trả dần”. Điều này có nghĩa, nếu muốn áp dụng biện pháp này thì các bên phải ghi rất rõ trong hợp đồng.
– Bảo lưu quyền sở hữu được xác lập nhằm bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán được thực hiện đầy đủ theo đúng như thỏa thuận trong hợp đồng mua bán.
– Về hình thức pháp lý: Bảo lưu quyền sở hữu phải được lập thành văn bản. Theo đó, thỏa thuận áp dụng biện pháp này có thể được thể hiện ngay trong chính văn bản thỏa thuận mua bán tài sản (hợp đồng mua bán tài sản) hoặc văn bản độc lập với hợp đồng mua bán[2].
– Bảo lưu quyền sở hữu chỉ phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký.
– Tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán vẫn thuộc quyền sở hữu của bên bán trong thời gian bảo lưu quyền sở hữu còn hiệu lực.
1.2. Một số nội dung cụ thể liên quan đến biện pháp bảo lưu quyền sở hữu được quy định trong BLDS là:
– Điều 332 quy định về quyền đòi lại tài sản, theo đó “trường hợp bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán theo thỏa thuận thì bên bán có quyền đòi lại tài sản. Bên bán hoàn trả cho bên mua số tiền bên mua đã thanh toán sau khi trừ giá trị hao mòn tài sản do sử dụng. Trường hợp bên mua làm mất, hư hỏng tài sản thì bên bán có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
– Điều 333 quy định bên mua tài sản có các quyền, nghĩa vụ sau đây: (i) Sử dụng tài sản và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu có hiệu lực; (ii) Chịu rủi ro về tài sản trong thời hạn bảo lưu quyền sở hữu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Điều 334 quy định về chấm dứt bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp: (i) Nghĩa vụ thanh toán cho bên bán được thực hiện xong; (ii) Bên bán nhận lại tài sản bảo lưu quyền sở hữu và (iii) Theo thỏa thuận của các bên.
1.3. Vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu
Thông lệ về giao dịch bảo đảm hiện đại xem bảo lưu quyền sở hữu là một loại “thế chấp” đặc thù. Theo đó, việc bên bán giao cho bên mua tài sản được hiểu là bên bán đã cấp một “giá trị” nhất định cho bên mua trong tín dụng thương mại. Do vậy, pháp luật phải có những điều chỉnh nhằm bảo vệ bên bán nhằm khuyến khích, thúc đẩy loại tín dụng thương mại phát triển. Một số ngoại lệ trong quan hệ này cần được nghiên cứu, điều chỉnh toàn diện, ví dụ như: Bên bán tài sản trong trường hợp người mua là người tiêu dùng; Bên bán tài sản trong trường hợp đó là hàng hóa luận chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh… Nhiều chuyên gia khuyến nghị, các quy định liên quan đến bảo lưu quyền sở hữu phải được xây dựng dựa trên nguyên tắc thúc đẩy giao dịch thương mại, hàng hóa phát triển.
2. Về cầm giữ tài sản
2.1. Cũng như bảo lưu quyền sở hữu, biện pháp cầm giữ tài sản nếu nhìn ở góc độ biện pháp bảo đảm thì đây là biện pháp mới, lần đầu tiên được quy định tại chế định này của BLDS 2015[3]. Với số lượng 05 điều (từ Điều 346 đến Điều 350), BLDS 2015 đã điều chỉnh các nội dung sau đây:
– Về khái niệm, Điều 346 quy định “cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”.
Từ khái niệm nêu trên cho thấy, cầm giữ có các đặc điểm là:
(i) Biện pháp bảo đảm bằng tài sản được xác lập không dựa trên yếu tố thỏa thuận (nghĩa là không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ);
(ii) Tài sản trong quan hệ cầm giữ là đối tượng của hợp đồng song vụ, có thể là động sản hoặc bất động sản;
(iii) Bên có quyền trong quan hệ cầm giữ đang nắm giữ hợp pháp tài sản (có yếu tố nắm giữ thực tế tài sản);
(iv) Phát sinh trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Ví dụ: A mang ô tô vào gara của B để sửa chữa ô tô. Do A không thanh toán tiền công sửa chưa xe nên B đương nhiên có quyền áp dụng biện pháp cầm giữ xe ô tô của A cho đến khi nghĩa vụ đó được thanh toán đầy đủ.
– Về xác lập cầm giữ tài sản, Điều 347 quy định: “Cầm giữ tài sản phát sinh từ thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ” và “Cầm giữ tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản”.
Từ quy định nêu trên cho thấy, thời điểm phát sinh quyền cầm giữ và thời điểm đối kháng với người thứ của biện pháp cầm giữ là trùng nhau, vì suy cho cùng đều bắt đầu từ thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Việc không đăng ký biện pháp bảo đảm không ảnh hưởng đến hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp cầm giữ tài sản.
Ví dụ: Tiếp theo ví dụ trên, ngay khi A không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền công sửa chữa ô tô cho B thì quyền cầm giữ của B phát sinh. Đây cũng chính là thời điểm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp cầm giữ (thời điểm chiếm giữ tài sản).
– Quyền, nghĩa vụ của bên cầm giữ được BLDS 2015 quy định tại Điều 348 và Điều 349, trong đó cần lưu ý quyền “yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ” và nghĩa vụ“không được chuyển giao, sử dụng tài sản cầm giữ nếu không có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ”. Quy định nêu trên cho thấy, bên có quyền cầm giữ không được bán, trao đổi… tài sản cầm giữ nếu không có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ để bù trừ vào nghĩa vụ chưa được thực hiện. Điều này hoàn toàn khác với bên nhận cầm cố tài sản, bên nhận thế chấp tài sản được quyền xử lý tài sản để thanh toán nghĩa vụ đã đến hạn.
– Điều 350 quy định 05 trường hợp dẫn đến chấm dứt cầm giữ tài sản, trong đó cần lưu ý trường hợp “bên cầm giữ không còn chiếm giữ tài sản trên thực tế”. Như vậy, việc chiếm giữ tài sản phải được thực hiện liên tục và nếu vì bất kỳ lý gì mà dẫn đến việc bên có quyền không còn chiếm giữ tài sản trên thực tế nữa thì cầm giữ tài sản sẽ bị chấm dứt.
2.2. Vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu
Quyền cầm giữ tài sản là biện pháp bảo đảm luật định, không cần có sự thỏa thuận giữa 02 bên để xác lập quyền này. Tuy nhiên, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề có liên quan sau đây:
– Nội hàm khi định nghĩa về bảo lưu quyền sở hữu là quá rộng do phạm vi hợp đồng song vụ trong BLDS là rất lớn. Quy định như BLDS 2015 có thể dẫn đến những rủi ro rất lớn cho các chủ thể khác có quyền liên quan đến tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ, vì vậy nên chăng giới hạn quyền cầm giữ là chỉ áp dụng trong các trường hợp có việc cung cấp dịch vụ làm tăng giá trị của tài sản là đối tượng bị chiếm giữ.
– Đối tượng của quyền cầm giữ chỉ nên áp dụng đối với động sản. Pháp luật nhiều nước khi quy định về bất động sản đều thừa nhận nguyên tắc công khai, đối kháng mà đối tượng là bất động sản thì phải thực hiện bằng phương thức đăng ký (cầm cố bất động sản theo quy định của BLDS 2015 cũng phải đăng ký mới làm phát sinh giá trị đối kháng với người thứ ba). Mặt khác, cơ chế chiếm giữ (nắm giữ) động sản để đối kháng với người thứ ba cũng đang được BLDS 2015 tiếp cận.
– Bổ sung quy định về thứ tự ưu tiên giữa bên có quyền cầm giữ với các chủ thể khác (ví dụ: Bên cầm cố, Bên thế chấp), theo hướng bên có quyền cầm giữ luôn được ưu tiên cao nhất. Điều này phù hợp với bản chất của vật quyền bảo đảm pháp định (biện pháp bảo đảm được xác lập không phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng song vụ). Cũng như càng phù hợp hơn nếu chúng ta tiếp cận theo hướng thu hẹp nội hàm của khái niệm cầm giữ tài sản (chỉ áp dụng trong trường hợp phải cung cấp dịch vụ làm tăng giá trị của tài sản là đối tượng bị chiếm giữ).
– Bổ sung các quy định về việc người khác thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ để lấy tài sản khỏi sự chiếm giữ của bên có quyền (Ví dụ: Bên nhận thế chấp tài sản được quyền thanh toán tiền cho bên có quyền cầm giữ tài sản để có thể lấy tài sản về để xử lý tài sản bảo đảm), cụ thể là: Cách thức thực hiện nghĩa vụ “thay” như thế nào? Quyền và nghĩa vụ của các bên trong trường hợp này được giải quyết ra sao?… Những quy định cụ thể như vậy sẽ tạo lập hành lang pháp lý cần thiết, vừa khuyến khích việc thực hiện nghĩa vụ thay, vừa tránh được những tranh chấp giữa các bên trong quá trình thực hiện.
Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, việc nhận diện đầy đủ, chính xác khía cạnh pháp lý của biện pháp bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản có ý nghĩa quan trọng, đồng thời là cách thức giúp các chủ thể của hợp đồng nâng cao hiệu quả thực thi các quy định mới của BLDS 2015./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)
Để lại một phản hồi