Người ta có thể kì vọng gì ở nền giáo dục tinh anh?

Chuyên mụcBạn có biết? Nền giáo dục tinh anh
Ảnh trái thư viện kiến trúc ETH và bên phải là thư viện Đại học HU

Nhớ lại ngày này 15 năm trước, một ngày hè bỏng cháy. Đó là năm cuối cấp 2 thi vào trường chuyên cấp 3. ‘’Trường chuyên’’, đến bây giờ đôi khi nằm ngủ mê man mình vẫn mơ về những kì thi thời đó, tỉnh dậy thở phào thấy mình đã 30. Từ đó cho đến nay, dù trải qua rất nhiều các cuộc thi khác có quy mô lớn hơn nhiều nhưng cá nhân mình thấy thi trường chuyên là khó nhất.

Ông Già mình thì không ủng hộ phương án học chuyên. Ông ấy bảo là học ở đâu gần nhà thôi, còn ngoại khóa, thể dục thể thao, vẽ vời, đàn hát, bao nhiêu thứ tồn tại cùng một lúc trong đời, sao phải học chuyên một thứ sớm thế? Tất nhiên ở tuổi 15, mình không nghe theo ông ấy. Năm lớp 9 thì thôi rồi, đi học thêm khắp nơi, nhớ nhất là những hôm đi học luyện thi chuyên Toán sư phạm và những hôm đi học thêm môn Văn ở trường Chuyên Ngữ. Học trò từ mọi nơi đổ về, ngồi chật kín các giảng đường (mượn giảng đường của ĐHSP – một hai trăm chỗ ngồi), trời nóng như đổ lửa, học trò thì đang tuổi lớn, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, phòng học lúc nào cũng có một mùi rất đặc trưng, hơi giống mùi mấy phòng tập gym. Học chuyên Sư phạm thì có thầy Phương dạy, vẫn nhớ, học rất nhiều toán số học, đồng dư, tổ hợp… những bài toán mà thằng thông minh giải trong 1 dòng nhận xét, thằng không nhanh trí bằng thì chắc biến đổi kín 3 quyển vở cũng chưa ra đáp số. Học thêm ở Chuyên Ngữ thì sướng hơn, có máy lạnh, thời đó có cô giáo (cô gì mình quên tên rồi) giảng Truyện Kiều rất hay. Cứ vào lớp là cô bắt đầu giảng, trò bên dưới cắm cúi ghi chép, chủ yếu vì thấy cô giảng hay, chép lại về học thuộc. Mình thì thường không chép kịp, cũng phần vì không thích Truyện Kiều.

Năm đó ‘’tỷ lệ chọi’’ của chuyên Sư phạm là 1/30. Có hơn 3000 học trò thi vào, chỉ lấy hơn 100. Mình về kể với Ông Già, ông bảo nói bậy, tỉ lệ đó phải tính là 1/2900 bởi vì nếu mày không hơn được tối thiểu 2900 thằng thì mày trượt. Lớn lên thấy ông ấy nói rất đúng.

Về sau này cũng có cơ hội trải qua các nền giáo dục khác nhau, các kiểu giáo dục khác nhau, có lúc là đi học, có lúc được mời trình bày các vấn đề, có lúc trợ giảng.. vân vân.. thì mình nhận ra rằng chắc chỉ có ở Việt Nam là có màn luyện thi tập trung vào các trường chuyên gian khổ như vậy (ở đây phải loại trừ các môn Nghệ thuật như nhạc – họa – vốn đòi hỏi khổ luyện đặc thù), điều đó cũng xảy ra với cả kì thi đại học như một nỗi ám ảnh với học sinh châu Á. Thế thì nền giáo dục tinh anh ở các nơi thì người ta làm gì để tuyển chọn học sinh? Có thể khẳng định rằng nó không khó như ở Việt Nam và khác biệt ở 2 điểm.

1. TUYỂN CHỌN

Tất nhiên trên TG, học sinh nào cũng luyện thi, ôn thi. Thế nhưng người ta luyện thi dựa trên tự học, tự nghiên cứu, tự tích lũy là chính bởi vì nếu ai ai cũng đi học luyện thi thì chắc cả trăm thí sinh dùng chung một hồ sơ năng lực, viết chung một bài luận, có chung một động lực và kế hoạch cuộc đời y như nhau mất.

Có những trường nổi tiếng trên TG nhưng nó không đặt ra các chuẩn mực quá cứng nhắc. Gáo dục được gọi là tinh anh là khi mà người xét tuyển cho phép các ứng viên được sử dụng ‘’thế mạnh’’ của ứng viên để khỏa lấp cho các ‘’thế yếu’’ và hơn hết, họ đòi hỏi các ứng viên thể hiện động lực khá cụ thể. Nghe có vẻ mơ hồ, tuy nhiên đó là cách mà một nền giáo dục trao quyền cho học sinh, khuyến khích học sinh tự học, tự phát triển, tự tiến bộ và tích lũy cho bản thân, vượt ra ngoài các giới hạn thông thường của nhà trường. Do đó ta không tìm được các lò luyện thi vào trường tinh anh ở Tây là vì vậy. Nói cách khác, xét tuyển tinh anh không chú trọng vào việc ứng viên có thực sự ‘’giỏi’’ hay chưa (vì “giỏi” rồi thì đi học làm gì nữa), mà người ta tập trung vào việc ứng viên đó có ‘’tiềm năng’’ đến đâu. Có nhiều thiếu niên đã đậu vào trường Y vì chơi nhạc xuất sắc cho ban nhạc Nhà thờ hoặc đã có trải nghiệm thực tế ở châu Phi hoặc tham gia hoạt động xuất bản từ trước khi vào trường Kiến trúc.

Nó giống như khi ta đứng giữa một ứng viên với phẩm chất kĩ thuật tuyệt vời nhưng thiếu tốc độ và một ứng viên khác có tốc độ nhưng chẳng biết gì về kĩ thuật ở tuổi thiếu niên. Về biểu hiện bên ngoài, ứng viên thứ nhất được khán giả nhìn nhận là ‘’xuất sắc’’ hơn, nhưng phần lớn các Huấn luyện viên đều chọn ứng viên số hai bởi một lí do rất đơn giản: “Ngoài tốc độ trời phú ra thì mọi thứ đều có thể dạy được”. Triết lý đó thực ra rất nhân văn, nó công bằng vì tập trung vào tố chất và sự khác biệt của mỗi ứng viên. Ở Việt Nam, ứng viên thứ hai thường bị loại ngay bởi vì người làm giáo dục quan tâm đến một “chuẩn” yêu cầu về kĩ thuật cao hơn tố chất, cảm xúc cá nhân. Đó là lí do vì sao chúng ta học luyện thi rất ác liệt với lượng kiến thức thường vượt quá khả năng tương ứng của học sinh, và nhiều khi là đặt ra những ưu ái cho học sinh có điều kiện hơn những em khác – ở một độ tuổi còn quá sớm để đánh giá rằng ai đó “giỏi” hay “kém”.

Giáo dục tinh anh của phương Tây thì đòi hỏi ứng viên phải thể hiện mình và có kĩ năng thuyết phục người khác. Trong một lần phỏng vấn, sau khi đã bàn xong các vấn đề chuyên môn và thành tích thì thầy giáo hỏi mình là hãy nói một lí do để bọn tao chọn mày. Mình nói rằng mình sẽ mang kí ức của một người Hà Nội từng sống trong hệ thống đô thị mật độ cao nhất TG đến với trường này và điều đó, tin chắc rằng không có bất kì sinh viên phương Tây nào sở hữu, dù họ có thiết kế thành tích cao hơn hoặc tương đương mình. Khi trao đổi như vậy xong thì ông thầy gần như xác nhận là mình đã trúng tuyển dù lúc đó mình còn chưa nộp điểm GRE. Đó là một trong những kì tuyển chọn có tiếng là khó nhất TG, nhưng mình thấy ”dễ” hơn thi trường chuyên VN vì nó coi trọng sự khác biệt ở học sinh.

Đồng nghiệp mình có anh Po, sinh viên Harvard GSD khóa 2004, thỉnh thoảng đi ăn trưa bọn mình đều thừa nhận rằng đứng trước 30.000 ứng viên đều có hồ sơ đẹp thì việc lựa chọn ra chỉ 1000 người “giỏi hơn” là hoàn toàn không khả thi vì người xếp thứ 10.000 có thể đã có năng lực ngang với kẻ xếp thứ 1. Lúc đó, sự “khác biệt” sẽ được xem xét, khác biệt có thể là “ngu hơn”, “nghèo hơn”, hoặc “bất quy tắc hơn”, “đa dạng hơn” chứ không phải là “chuyên hơn” hay “thông minh hơn” như ta tưởng. Đấy là sự khác biệt về tuyển chọn đầu vào giữa giáo dục tinh anh của Tây và Ta.

2. QUÁ TRÌNH

Phải đến khi ở trong môi trường giáo dục tinh anh của phương Tây thì người ta mới nhận ra rằng giáo dục kiểu đó rất khác biệt với ‘’trường chuyên’’ ở VN. Điều cốt lõi của hệ thống này, đó là một mạng lưới mà họ xây dựng và duy trì sau nhiều năm. Mạng lưới này mở ra các cơ hội, thúc đẩy sinh viên tiến gần đến thực tiễn hơn trong quá trình học tập. Các trường do đó, phải không ngừng củng cố các mối quan hệ của nó với các cơ sở nghiên cứu, thực hành ở bên ngoài, mở rộng mạng lưới của nó đến tất cả các cơ quan có ảnh hưởng. Cá nhân mình từng gặp người điều phối dự án của mình tại UNHCR trong cuộc họp cựu sinh viên, có người thì gặp được sếp của họ trong một bữa tiệc của trường, có những người thì lại tìm được những người cộng sự khởi nghiệp gắn bó suốt đời ở trường .. v.v. Vai trò của các trường ‘’đào tạo’’ dạng tinh anh rất khác biệt với việc ‘’dạy học’’ ở VN. Có nhiều sinh viên VN tốt nghiệp từ các trường cấp 3 chuyên hoặc ĐH sáng giá thì bị lầm tưởng ở cái ‘’mác’’ mà họ có. Đó là một nhận thức sai lầm, bởi vì thứ duy nhất mà người sinh viên được dạy cho ở trong các trường học chỉ đơn thuần là “nghiệp vụ’’. Thế nên mới có chuyện sinh viên Ngoại Thương tuyên bố lương dưới 2 ngàn đô Mỹ thì không làm, nhưng khi được hỏi tại sao lại là 2 ngàn mà không phải 4-5 ngàn thì mặt họ lại nghệt ra. Triết lý giáo dục chỉ coi trọng hình thức mà thiếu thực tiễn đã tạo ra những sản phẩm như vậy.

Trong các nền giáo dục tinh anh, có rất nhiều thầy giáo giỏi giảng dạy, tuy nhiên có thể thấy là họ rất ít khi xuất hiện ở trường. Đa phần là sinh viên tự đọc, tự nghiên cứu, tự học lẫn nhau, tự tổ chức các công việc với nhau, thời gian tự làm việc của sinh viên thường lấn át và chiếm đến hơn 80% thời gian ‘’học’’. Bởi vì mỗi người có thế mạnh, cách tiếp cận riêng, dẫn đến việc ‘’rao giảng kiến thức’’ của thầy giáo trở nên không phù hợp với số đông, thay vào đó người thầy thường hướng dẫn sinh viên thảo luận và đặt vấn đề cho riêng mình. Có người tự làm việc nhiều quá dần dần cảm thấy không cần phải đến trường nữa mà ra khởi nghiệp luôn. Khi ấy ta không gọi đó là ‘’sinh viên bỏ học’’, mà chỉ đơn giản là họ đã quyết định lựa chọn ‘’một nền giáo dục khác – thực tiễn hơn’’, cạnh tranh căng thẳng hơn ở ngoài đời. Người châu Á nhìn vào thì lại nhầm lẫn vì khái niệm ‘’giáo dục’’ của chúng ta là ”đi học” và thực sự rất bảo thủ.

Sự khác biệt giữa tâm lý của người học cũng rất rõ, học trò trong hệ thống tinh anh ở Tây thì hiểu rằng đào tạo tinh anh sẽ không bao giờ đảm bảo cho thành công hay một tương lai ‘’nhàn rỗi – tiền nhiều’’ như phần lớn người Á nghĩ về giáo dục tinh anh (trên thực tế giáo dục tinh anh đảm bảo một tương lai bận rộn và cạnh tranh khắc nghiệt cho người học). Người ta coi đó là một môi trường để học hỏi, để trải nghiệm, để rèn luyện cách làm việc và xây dựng các kết nối có ích cho phần đời dài hơn rất nhiều – sẽ tiếp diễn một ngày kia ở bên ngoài xã hội.

Có thể nói rằng sinh viên trong nền giáo dục này làm việc rất, rất nhiều – bất kể họ mong muốn điều gì ở tương lai. Các thư viện phần lớn đều phải mở 24/24, các xưởng thiết kế thì đương nhiên mở suốt ngày đêm. Sinh viên ít khi về nhà vì ở nhà không đủ dụng cụ và thiết bị như ở xưởng. ETHZ thì xây hẳn một tổ hợp riêng hỗ trợ khoa Kiến trúc cho các hoạt động nghiên cứu về robotic và công nghệ cao.Tổ hợp này cho đến nay được coi là tổ hợp hiện đại nhất TG về R&D cho tự động hóa. Những thứ này giữ cho sinh viên phải bám vào cơ sở giáo dục để mà tận dụng tài nguyên cho học tập. Sinh viên khi ra trường, có thể chưa ”giỏi” ngay, nhưng tin rằng họ làm việc ”nhiều” hơn những thanh niên khác ở cùng độ tuổi và chuyên ngành. Kết hợp với các mối quan hệ của trường, việc học tập, nghiên cứu của sinh viên tiến đến thực tiễn rất nhanh. ”Điểm số” không phải là thứ mà nền giáo dục thức sự hướng đến, hơn thế, nó đòi hỏi người học phải tạo ra thúc đẩy cho xã hội.

Cho nên giáo dục tinh anh và ưu việt sẽ không dán nhãn mác lên trán học sinh như một huy chương, thay vào đó, nó trui rèn một thái độ làm việc can đảm, nhẫn nại và nó luôn hồ nghi về sự ”xuất chúng” của người học.

● Qua hai ý về Tuyển chọn và Quá trình, có thể nói rằng, giáo dục tinh anh thật ra rất đơn giản, không nhất thiết cứ phải là trường chuyên, lớp chọn. Đối với xã hội, nó xảy ra khi người làm giáo dục (bao gồm cả gia đình) đặt học trò vào vị trí trung tâm, tạo ra các cơ hội, thúc đẩy và đồng hành cùng học trò dựa trên thế mạnh và sự khác biệt của học trò. Đối với người học, nó chỉ đơn giản là tạo cho người ta nhu cầu tự học, tự làm việc, càng độc lập càng tốt. Giáo dục tinh anh thì không đòi hỏi nhất thiết trường phải giàu nứt đố đổ vách như Harvard, MIT hay ETHZ .. bởi vì khi đi sâu vào bản chất thì nó là một hệ thống đề cao sự công bằng, nó nỗ lực trao quyền về tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng. Trở nên giàu có chỉ là phản ứng phụ của các cơ sở giáo dục khi họ theo đuổi triết lý đó một cách bền bỉ. Trên cái nền tảng này thì có thể nói rằng ở VN chưa có nhiều môi trường như vậy và thiết nghĩ ta cũng nên học tập đôi điều về nền giáo dục ấy. Có thể từ trước tới nay, chúng ta đặt quá nhiều trọng trách vào cơ sở giáo dục trong việc “sản xuất” ra con người.

Ông Già mình thường nói rằng trường học chỉ đào tạo Nghiệp vụ, còn Giá trị của con người thì chỉ có tự thân người đó quyết định được mà thôi.

PS: Bài viết này không hề có ý công kích các chương trình học chuyên, bởi vì nó là lựa chọn của người học và cần được tôn trọng (và thực tế đã xảy ra với cá nhân người viết bài). Tuy nhiên nếu chỉ coi các trường chuyên, lớp chọn là đại diện cho giáo dục tinh anh thì còn rất chủ quan và tạo áp lực lớn lên học sinh ở tuổi thiếu niên. Một nền giáo dục ưu việt cần đề cao công bằng và khuyến khích con người phát triển toàn diện dựa trên năng lực của người đó và ảnh hưởng của sự giáo dục phải là lâu dài chứ không chỉ giới hạn trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường.

Ảnh trái thư viện kiến trúc ETH và bên phải là thư viện Đại học HU trong 1 lần mình có việc trình bày đồ án ở đây, khán phòng chưa mở nên vào ngồi tạm ở đây sạc máy tính. Chẳng có bất cứ thầy giáo nào ép học trò lên thư viện làm việc cả. Nền giáo dục tốt khiến cho người học có nhu cầu tự học và cơ sở vật chất thì nên đảm bảo cho người ta thực hiện cái nhu cầu đó.

Nguồn: Le Quang

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền