Người không được quyền hưởng di sản theo bộ luật dân sự 2015

Di sản thừa kế

Người được hưởng thừa kế là người được hưởng di sản do người khác để lại. Tuy nhiên, để được hưởng di sản do người khác để lại, cá nhân phải không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản mà pháp luật quy định. Cá nhân không được quyền hưởng di sản là những người có hành vi nghiêm trọng tới mức pháp luật xác định họ không xứng đáng được hưởng di sản nữa. Trong trường hợp này gọi là “bị tước quyền hưởng di sản”.

 

Trường hợp không được quyền hưởng di sản chủ yếu phụ thuộc vào quy định của pháp luật, ý chí của người để lại di sản chỉ có vai trò “khôi phục” quyền hưởng di sản (cá nhân trong một số hoàn cảnh pháp luật quy định bị tước quyền hưởng di sản có thể được người để lại di sản quyết định cho tiếp tục hưởng di sản). Những người không được hưởng di sản đã được quy định tại Điều 7 Pháp lệnh thừa kế, Bộ luật dân sự 1995, Điều 643 Bộ luật dân sự 2005 và ngày nay được quy định tại Điều 621 Bộ luật dân sự 2015:

 

1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

2. Những người quy định tại khoản 1 Điều này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

 

Ở đây, Bộ luật theo hướng “không được quyền hưởng di sản” nên người không được quyền hưởng di sản vẫn còn tư cách người thừa kế và chỉ quyền hưởng di sản không có.

 

*Do xâm phạm tới người để lại di sản:

 

1. Xâm phạm tới quyền nhân thân:

Theo điểm a khoản 1 Điều 621, Bộ luật dân sự 2015:

a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

Đây là những trường hợp người được hưởng thừa kế có những hành vi nghiêm trọng đối với người để lại di sản.

 

Ví dụ: Người chồng giết người vợ vì người vợ ngoại tình. Thông thường, người vợ chết thì người chồng được hưởng thừa kế nhưng do người chồng đã cố ý xâm phạm tính mạng của người vợ nên pháp luật không cho phép người chồng được hưởng di sản của người vợ.

 

Để bị xác định là người không được quyền hưởng di sản trên cơ sở quy định tại Điều 621, chúng ta phải hội tụ đủ hai điều kiện:

 

  • Điều kiện về nội dung: Người liên quan đã “cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó”. Ở đây chúng ta phải chứng mình được người liên quan có những hành vi xâm phạm đó hay không, bên cạnh đó, chúng ta cần phải chứng minh hành vi của người liên quan là “cố ý” nên nếu có việc xâm phạm như vậy những là “vô ý” thì không thuộc trường hợp bị tước quyền hưởng di sản. Tương tự, “trong trường hợp người thừa kế chỉ bị kết án về hành vi vô ý làm chết người để lại di sản , người đó vẫn được hưởng thừa kế theo pháp luật”.
  • Điều kiện về hình thức:  hành vi cố ý nêu trên phải được “kết án”. Với quy định này, khi cá nhân chưa bị “kết án” thì không thuộc trường hợp “không được quyền hưởng di sản”.

 

2. Vi phạm quyền được nuôi dưỡng:

Những người có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau mà không thực hiện nuôi dưỡng cũng có thể bị tước quyền hưởng di sản. Theo điểm b khoản 1 Điều 621, Bộ luật dân sự 2015:

b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản

Với quy định trên, việc tước quyền hưởng di sản của người thông thường được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào việc người này có bị tuyên án hay không. Tuy nhiên, để tước quyền hưởng di sản được áp dụng, người được thừa kế phải thuộc trường hợp có “nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản” và đã “vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ” này.

 

Ví dụ: Một cụ già đã có con cái, nhưng lại bị con cái bỏ mặc không chăm sóc, nuôi dưỡng trong khi cụ già có nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng.

 

*Do xâm phạm tới việc lập di chúc của người để lại di sản:

 

3. Giả mạo di chúc:

Cá nhân được quyền tự do lập di chúc hay không lập di chúc, khi lập di chúc, cá nhân được tự do xác định người hưởng di sản cũng như phần di sản cụ thể cho từng người. Tại điểm d khoản 1 Điều 621 Bộ luật dân sự 2015 sẽ không được quyền hưởng di sản:

d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Việc biết người khác làm giả mạo di chúc có được suy luận là tham gia giả mạo di chúc hay không?

Việc biết người khác giả mạo không thể suy đoán người này cũng tham gia vào công việc giả mạo nhưng nếu người đó biết mà không khai báo và có hành vi tiếp tay cho việc giả mạo di chúc thì người đó cũng sẽ bị quy vào việc tham gia giả mạo di chúc.

 

4. Trái ý chí của người để lại di sản:

Để tước quyền hưởng di sản của người giả mạo di chúc, chúng ta phải xác định được việc giả mạo di chúc “trái với ý chí của người để lại di sản”. Nghĩa là, nếu có giả mạo di chúc nhưng không trái với ý chí của người quá cố thì người giả mạo di chúc không bị tước quyền hưởng di sản.

 

Làm thế nào để chứng minh di chúc giả mạo trái với ý chí của người để lại di sản? 

Chúng ta phải biết được nội dung của di chúc giả mạo và ý chí của người để lại di sản, sau đó đối chiếu 2 yếu tố này để có câu trả lời. Về nội dung của di chúc giả mạo thì dễ nhận biết. Nhưng nếu không có chứng cứ chứng minh ý chí của người để lại di sản thì chúng ta nên làm như thế nào? Khi người quá cố không nói rõ ý chí của mình trước khi chết thì họ ý định “ngầm” chuyển dịch di sản của mình cho người khác theo các quy định của pháp luật. Do đó, nếu giả mạo di chúc trái với các quy định này cho phép suy luận là trái với ý chí của người để lại di sản.

 

5. Người thụ hưởng từ di chúc giả mạo:

Theo Bộ luật dân sự: người không được quyền hưởng di sản là “người (…) giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản”. Với quy định này, có thể hiểu người được hưởng di sản theo di chúc giả mạo và người có hành vi giả mạo di chúc là 1.

 

Vậy trong trường hợp người giả mạo di chúc không hưởng di sản từ việc giả mạo và người được hưởng di sản từ việc giả mạo là người khác thì pháp luật xử lý như thế nào? 

 

Trong trường hợp này, “người khác” thường sẽ là người thân hay là người có mối quan hệ thân thiết, gần gũi với người giả mạo di chúc vì vậy việc người giả mạo di chúc không phải là người được hưởng thừa kế mà “người thân” được hưởng thì không có khác biệt gì lớn vậy nên “người thân” trong di chúc giả mạo sẽ không được hưởng tài sản thừa kế. Đây là vấn đề chưa được đề cập trong bộ luật hiện hành vậy nên chúng ta nên mở rộng thêm là quy định này cũng được áp dụng cho cả việc giả mạo nhằm làm cho “người thân” của người giả mạo được hưởng di sản.

 

Bài viết được tham khảo từ sách “Luật thừa kế Việt Nam – Bản án và bình luận bản án” của PGS.TS. Đỗ Văn Đại.

 

Các tìm kiếm liên quan đến Trường hợp không được quyền hưởng di sản: sự khác nhau giữa truất quyền thừa kế và không được hưởng di sản, pháp luật quy định ai là người không được làm chứng trong di chúc?, truất quyền thừa kế và tước quyền thừa kế, người không được quyền hưởng di sản theo bộ luật dân sự 2015, những người không được hưởng di sản thừa kế, điều 643 bộ luật dân sự 2015, người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, quyền thừa kế là gì

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.