Ngày 20 tháng 6 năm 2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật hòa giải ở cơ sở tại kỳ họp thứ 3. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014. Sau khi Luậtđược ban hành, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật sau: Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở; Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT-CP-UBMTTQVN ngày 18/11/2014 của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Tuy nhiên, để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, có một số văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành như Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015… trong đó có những quy định liên quan đến hoạt động hòa giải ở cơ sở, tạo ra sự chưa thống nhất, đồng bộ với một số nội dung đã được quy định trong Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành hoặc đặt ra những vấn đề mới cần nghiên cứu. Cụ thể như sau:
1. Quy định về phạm vi hòa giải ở cơ sở (Điều 3 Luật hòa giải ở cơ sở; Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP)
Theo quy định của pháp luật, hoạt động hoà giải ở cơ sở không phải do cơ quan nhà nước hay tổ chức chuyên môn nghề nghiệp thực hiện mà do các hòa giải viên của tổ hoà giải thực hiện. Trong đó, tổ hoà giải là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở cơ sở[1] để hoạt động hòa giải theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi vụ việc xảy ra ở địa bàn thôn, tổ dân phố đều có thể được tiến hành hoà giải mà có những giới hạn cụ thể hay phạm vi hòa giải được pháp luật quy định.
Trên cơ sở tiếp tục kế thừa quy định tại Điều 127 Hiến pháp năm 1992, các chế định của Pháp lệnh năm 1998 còn phù hợp và đúng hướng nhưng có sửa đổi, bổ sung, loại bỏ và hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu mới của đất nước; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hòa giải khi lượng hóa thế nào thì được coi là “vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ”, đồng thời bảo đảm cho hoạt động hòa giải tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, không làm xáo trộn về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, thay vì quy định phạm vi hòa giải ở cơ sở theo hướng liệt kê gồm các trường hợp được hòa giải và các trường hợp không được hòa giải như trong Pháp lệnh năm 1998,
Điều 3 Luật hòa giải ở cơ sở quy định về phạm vi hòa giải theo hướng loại trừ, chỉ quy định về các trường hợp không được hòa giải ở cơ sở.
Theo Điều 3 Luật Hòa giải ở cơ sở,việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp sau đây: mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải; vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính; mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, tại Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP lại quy định hướng dẫn Điều 3 của Luật hòa giải ở cơ sở theo hướng phân định thành những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật được tiến hành hòa giải và những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật không được tiến hành hòa giải. Theo đó:
Các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật được tiến hành hòa giải, gồm:
– Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác);
– Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất;
– Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha, mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn.
Cũng giống như quy định trong Pháp lệnh năm 1998, riêng đối với việc ly hôn, hoà giải viênkhông được phép giải quyết, phân xử việc ly hôn: cho vợ, chồng ly hôn hay ép buộc họ không được ly hôn mà chỉ được thực hiện việc hoà giải, giúp hai vợ, chồng tự hàn gắn tình cảm, giữ gìn hạnh phúc gia đình.
– Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính.
– Vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp sau đây thì hòa giải viên có thể tiến hành hòa giải:
+ Trường hợp không bị khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003[2]và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Theo đó, hòa giải viên được tiến hành hòa giải đối với vi phạm pháp luật hình sự mà không bị khởi tố vụ án do có một trong các căn cứ sau:
(1) Không có sự việc phạm tội;
(2) Hành vi không cấu thành tội phạm;
(3) Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
(4) Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
(5) Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
(6) Tội phạm đã được đại xá;
(7) Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
(8) Tội phạm quy định tại tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.
+ Vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra theo quy định tại khoản 2 Điều 164 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003[3] hoặc đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 169 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003[4] và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
– Vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP[5] của Chính phủ ngày 30/9/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại
Chương II Phần thứ năm của Luật xử lý vi phạm hành chính;
– Những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.
Các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật không hòa giải gồm:
– Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng (Ví dụ: Các mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm, lấn chiếm đất công, tranh chấp về sử dụng trái phép công trình công cộng…)
– Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đìnhmà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết (ví dụ: chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền hủy kết hôn trái pháp luật nênhòa giải viên không được hòa giải để các bên tự giải quyết, duy trì quan hệ hôn nhân và gia đình trái pháp luật đó), giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.
– Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp được hòa giải quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP;
– Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính (bao gồm: bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính), trừ các trường hợp được hòa giải quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP;
– Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở bao gồm: Hòa giải tranh chấp về thương mại và hòa giải tranh chấp về lao động, do việc hòa giải các tranh chấp này được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về thương mại và lao động.
Thực tiễn hoạt động hòa giải ở cơ sở thời gian qua cho thấy, bên cạnh những kết quả mà công tác hòa giải ở cơ sở trong các năm vừa qua đã đem lại, vẫn còn những vướng mắc, tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động hòa giải ở cơ sở. Trong một số trường hợp, do hòa giải viên không nắm vững các quy định của pháp luật nên vẫn tiến hành hòa giải những vụ việc không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở như những hành vi vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật phải bị xử lý vi phạm hành chính hoặc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự; hoặc vẫn còn xảy ra tình trạng hòa giải viên tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khi hòa giải các vụ việc ly hôn, hòa giải viên thực hiện phân xử ly hôn, phân chia tài sản, phân định nuôi con giữa vợ và chồng theo luật tục. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của hoạt động hòa giải ở cơ sở, đến tính nghiêm minh của pháp luật mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên mâu thuẫn, tranh chấp.
Một trong những tồn tại, hạn chế về tổ chức hòa giải ở cơ sở và hòa giải viên được Bộ Tư pháp nhận định trong Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở nêu ra là trình độ học vấn và trình độ hiểu biết pháp luật của đội ngũ hòa giải viên còn rất hạn chế. Phần lớn trong số hòa giải viên thiếu kỹ năng hòa giải ở cơ sở, không thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật nên gặp khó khăn trong quá trình hòa giải, đặc biệt là đối với những vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều chính sách, pháp luật. Hoạt động hòa giải ở cơ sở chủ yếu vẫn dựa trên uy tín cá nhân, kinh nghiệm sống, kiến thức hiểu biết xã hội của hòa giải viên mà thiếu đi các quy định pháp luật thực định… Hay cũng có trường hợp hòa giải viên còn lúng túng khi xác định vụ việc có thuộc phạm vi hòa giải hay không?
Vi phạm pháp luật được hiểu là hành vi trái pháp luật do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm hại các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ và phải chịu chế tài thích hợp[6]. Với vị trí của tổ hòa giải chỉ là một tổ chức tự quản tại cộng đồng, trình độ hiểu biết pháp luật của hòa giải viên còn nhiều hạn chế như nêu trên, thì việc xác định như thế nào là hành vi vi phạm pháp luật mà “chưa đến mức” bị xử lý vi phạm hành chính, cũng như xác định “vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra…. và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật”, theo tôi, là thách thức đặt ra đối với hòa giải viên khi tiếp nhận vụ việc hòa giải cụ thể. Bên cạnh đó, việc điểm đ khoản 1 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định trường hợp “pháp luật quy định chỉ khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, nhưng người bị hại không yêu cầu khởi tố…” được hòa giải là không có cơ sở thực tế vì trong những vụ án này, người bị hại có quyền yêu cầu khởi tố bất cứ thời điểm nào trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đó là chưa kể đến việc quy định tại khoản 1 Điều 5 này viện dẫn đến nhiều quy định khác nhau trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Song Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã được thay thế bởi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 kể từ ngày 01/01/2018. Theo đó, một số điều luật được viện dẫn đã được thay đổi vị trí, được sửa đổi, bổ sung nội dung quy định mới đòi hỏi cần được bổ sung, sửa đổi quy định tương ứng trong Nghị định số 15/2014/NĐ-CP.
Bên cạnh đsó, tại khoản 2 Điều 94 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về hòa giải tại cộng đồng như sau: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức việc hòa giải tại cộng đồng khi người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại đã tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự.”
Khoản 4, 5 Điều 428 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định:
4. Khi tiến hành hòa giải, Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải phải phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi tổ chức việc hòa giải và phải lập biên bản hòa giải.
5. Biên bản hòa giải có các nội dung chính:
a) Địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành hòa giải, thời gian bắt đầu và thời gian kết thúc;
b) Họ tên Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải;
c) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của bị can, bị cáo;
d) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị hại;
đ) Họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của những người khác tham gia hòa giải;
e) Các câu hỏi, câu trả lời, lời trình bày của những người tham gia hòa giải;
g) Kết quả hòa giải; người dưới 18 tuổi, cha mẹ hoặc người đại diện của người dưới 18 tuổi xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại (nếu có); người bị hại, người đại diện của người bị hại đã tự nguyện hòa giải, đề nghị miễn trách nhiệm hình sự (nếu có);
h) Chữ ký của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán hòa giải.
Theo điểm đ khoản 5 nêu trên, phạm vi những người tham gia hòa giải tại cộng đồng đã được quy định theo hướng mở là ngoài Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán được phân công tiến hành hòa giải, bi can, bị cáo, người bị hại, còn có “những người khác tham gia hòa giải”. Bộ luật tố tụng hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Tuy nhiên, từ đó đến nay, vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn về sự “phối hợp” của Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ thuần túy là phối hợp về mặt tổ chức như có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự tại địa điểm tiến hành hòa giải hay còn được trực tiếp tham gia vào quá trình hòa giải thông qua việc cử người tham gia hòa giải hay hướng dẫn về “những người tham gia hòa giải khác” có thể là những ai? Chính vì vậy, hiện có 02 luồng quan điểm sau:
– Quan điểm thứ nhất cho rằng, không nên quy định hòa giải viên ở cơ sở được tham gia hòa giải tại cộng đồng với tư cách là “những người tham gia hòa giải khác” với lý giải do hòa giải tại cộng đồng là một thủ tục được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Hay trường hợp này không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở. Và để thống nhất với quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, quan điểm này cho rằng nên bổ sung quy định tại
Điều 3 Luật hòa giải ở cơ sở như sau:
Điều 3. Phạm vi hòa giải ở cơ sở
1. Việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp sau đây:
a) Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;
b) Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải;
c) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính;
d) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp hòa giải tại cộng đồng;
đ) Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
– Quan điểm khác cho rằng (tác giả bài viết tán đồng với quan điểm này), nên quy định hòa giải viên ở cơ sở được tham gia vào quá trình hòa giải tại cộng đồng với tư cách là “những người tham gia hòa giải khác”. Bởi hòa giải viên ở cơ sở theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư; có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật. Nếu họ được tham gia vào quá trình hòa giải tại cộng đồng sẽ có những đóng góp tích cực trong việc thống nhất nội dung hòa giải giữa các bên.
Tuy nhiên, nếu hòa giải viên tham gia hòa giải tại cộng đồng với tư cách “những người tham gia hòa giải khác”, sẽ phát sinh yêu cầu cần bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc yêu cầu tổ hòa giải ở cơ sở cử hòa giải viên tham gia hòa giải tại cộng đồng tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP; quy định về trách nhiệm của tổ trưởng tổ hòa giải trong việc cử hòa giải viên tham gia hòa giải tại cộng đồng khi có yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã tại Điều 15 Luật hòa giải ở cơ sở.
Từ những tồn tại, vướng mắc, vấn đề nêu trên về phạm vi hòa giải ở cơ sở, theo tôi, cần sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về phạm vi hòa giải ở cơ sở theo hướng: không quy định về việc hòa giải đối với hành vi vi phạm pháp luật hình sự và hành vi vi phạm pháp luật hành chính mà chỉ nên quy định hòa giải đối với mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh từ các hành vi quy định tại điểm đ, e khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP (như hòa giải phần trách nhiệm dân sự, bồi thường thiệt hại phát sinh do hành vi vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật hình sự…).
2. Về công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo quy định tại Chương XXXIII Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
Tại Điều 416 BLTTDS quy đinh, kết quả hòa giải vụ việc ngoài Tòa án được Tòa án xem xét ra quyết định công nhận là kết quả hòa giải thành vụ việc xảy ra giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền có nhiệm vụ hòa giải đã hòa giải thành theo quy định của pháp luật về hòa giải.
Theo đó, kết quả hòa giải thành được thực hiện theo quy định của pháp luật hòa giải ở cơ sở (Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành) cũng thuộc phạm vi được Tòa án xem xét công nhận.
Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, do Bộ luật tố tụng dân sự được ban hành sau Luật hòa giải ở cơ sở và quy định trên của Bộ luật tố tụng dân sự được ban hành nhằm luật hóa định hướng Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020“Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”, nên đã đặt ra vấn đề về tính tương thích đối với một số quy định trong Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể:
– Tại điểm b khoản 3 Điều 419 BLTTDS quy định:
3. Trong thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu, Thẩm phán được phân công xét đơn có quyền sau đây:
… b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền tiến hành hòa giải cung cấp cho Tòa án tài liệu làm cơ sở cho việc xét đơn yêu cầu của đương sự, nếu xét thấy cần thiết.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân được Tòa án yêu cầu có trách nhiệm trả lời Tòa án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu của Tòa án.
Trong khi đó, tại Điều 10 Luật hòa giải ở cơ sở quy định về nghĩa vụ của hòa giải viên như sau:
1. Thực hiện hòa giải khi có căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Luật này.
2. Tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 4 của Luật này.
3. Từ chối tiến hành hòa giải nếu bản thân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc vì lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải.
4. Thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có biện pháp phòng ngừa trong trường hợp thấy mâu thuẫn, tranh chấp nghiêm trọng có thể dẫn đến hành vi bạo lực gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của các bên hoặc gây mất trật tự công cộng.
5. Thông báo kịp thời cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý trong trường hợp phát hiện mâu thuẫn, tranh chấp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật về hình sự.
Như vậy, để thực hiện quyền yêu cầu cung cấp tài liệu làm cơ sở cho việc xét đơn yêu cầu của Thẩm phán đặt ra trách nhiệm của hòa giải viên phải cung cấp tài liệu, song trách nhiệm này lại chưa được quy định trong Luật hòa giải ở cơ sở.
– Tiếp đến, một trong các điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được quy định tại khoản 3 Điều 417 BLTTDS là “Một trong các bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận”.
Trong khi đó, tại Điều 25 Luật hòa giải ở cơ sở quy định như sau về thực hiện thỏa thuận hòa giải thành như sau:
1. Các bên có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận hòa giải thành.
2. Trong quá trình thực hiện thỏa thuận hòa giải thành, nếu một bên vì sự kiện bất khả kháng không thể thực hiện được thì có trách nhiệm trao đổi, thỏa thuận với bên kia và thông báo cho hòa giải viên.
Như vậy, Luật hòa giải ở cơ sở chỉ quy định về trách nhiệm của các bên trong thực hiện thỏa thuận hòa giải thành mà chưa quy định về quyền của mỗi bên trong việc đề nghị có biện pháp bảo đảm thực hiện thỏa thuận hòa giải thành – yêu cầu tòa án công nhận thỏa thuận.
Từ những phân tích nêu trên, để bảo đảm thống nhất quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và Luật hòa giải ở cơ sở, cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định trong Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013; cụ thể:
+ Bổ sung khoản 6 quy định: “Cung cấp tài liệu làm cơ sở cho việc xét đơn yêu cầu của đương sự khi được Tòa án yêu cầu” tại Điều 10.
+ Bổ sung khoản 3 quy định: “ Một trong các bên có quyền yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành. Trình tự, thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành được thực hiện theo quy định pháp luật về tố tụng dân sự” tại Điều 25.
3. Về quy định “Ngân sách trung ương chi bổ sung cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở” (Điều 6 Luật hòa giải ở cơ sở)
Với tính chất là hoạt động tự nguyện, tự quản của cộng đồng dân cư, nếu Nhà nước bao cấp hoàn toàn cho hoạt động này thì sẽ làm mất đi tính xã hội hóa, tính tự nguyện, tự quản, đi ngược lại với bản chất của hoạt động hòa giải ở cơ sở. Do đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở để biên soạn, phát hành tài liệu; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng về hòa giải ở cơ sở; sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với công tác hòa giải ở cơ sở; chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc và hỗ trợ các chi phí cần thiết khác cho hoạt động hòa giải ở cơ sở như: văn phòng phẩm, phô tô tài liệu…
Đối với những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách thì ngân sách trung ương sẽ chi bổ sung cho các địa phương để hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở (Điều 6 Luật hòa giải ở cơ sở).
Và để hướng dẫn thực hiện quy định trên của Luật, tại điểm c Điều 5 Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT/BTC-BTP đã quy định như sau: “Hằng năm, trên cơ sở tổng hợp dự toán ngân sách thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp dự toán đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch này (bao gồm cả kinh phí thực hiện do ngân sách địa phương bảo đảm và phần đề nghị ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương) gửi Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp;
Thời hạn các tỉnh gửi đề nghị ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước về thời hạn báo cáo dự toán ngân sách nhà nước hằng năm (trước ngày 20 tháng 7); nếu quá thời hạn gửi báo cáo theo quy định thì Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính không chịu trách nhiệm tổng hợp nhu cầu đề nghị hỗ trợ kinh phí.
Bộ Tư pháp tổng hợp dự toán đề nghị ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương trong năm kế hoạch gửi Bộ Tài chính thẩm định trình cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán, Bộ Tài chính thông báo kinh phí ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trong dự toán giao hàng năm của địa phương.”
Tuy nhiên, sau 04 năm, quy định tại Thông tư liên tịch này không thực hiện được bởi căn cứ quy định về phân cấp thực hiện ngân sách tại Luật ngân sách nhà nước. Theo đó, hằng năm, Bộ Tài chính đều có văn bản hướng dẫn và đề nghị các địa phương, trong đó có các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách chủ động bố trí kinh phí thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở trong phạm vi dự toán ngân sách được trung ương giao (Năm 2016 được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 Thông tư số 206/2015/TT-BTC quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; Năm 2017 được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư số 326/2016/TT-BTC quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; Năm 2018 tại Thông tư số 71/2017/TT-BTC ngày 13/7/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2018 – 2020).
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính về kinh phí, Bộ Tư pháp đã đề nghị các cơ quan tư pháp địa phương (Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp – hộ tịch) căn cứ kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở chủ động tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân cùng cấp bố trí nguồn kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở trong phạm vi ngân sách của địa phương được giao; đồng thời có giải pháp lồng ghép các hoạt động để sử dụng có hiệu quả nguồn lực, khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở; bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ các quy định pháp luật về kinh phí hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải và mức chi thù lao theo vụ, việc cho hòa giải viên đã ban hành.
Ngoài ra, nhiều mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT/BTC-BTP được viện dẫn tới các văn bản pháp luật khác như: Chi công tác phí cho những người đi công tác, Chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị chuyên đề, hội nghị tổng kết, sơ kết, triển khai công tác hòa giải ở cơ sở, các Chương trình, Đề án, Kế hoạch… được thực hiện theo Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; hoặc chi tổ chức hội thảo, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm quản lý về hòa giải cơ sở, tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, giải pháp thực hiện các Chương trình, Đề án được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN ngày 07/5/2007 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước… Trong khi đó, hiện đã có nhiều văn bản được viện dẫnđã hết hiệu lực (như: Thông tư số 97/2010/TT-BTC đã được thay thế bởi Thông tư số 40/2017/TT-BTC, Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN được thay thế bởi Thông tư 55/2015/TT-BKHCN, Thông tư số 58/2011/TT-BTC được thay thế bởi Thông tư 109/2016/TT-BTC…).
Do đó, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp cần sớm tiến hành rà soát, đánh giá kịp thời để có nghiên cứu sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính khả thi của quy định trên thực tế, phù hợp với quy định tại các văn bản pháp luật mới về tài chính được ban hành, đồng thời nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách, Đề án về hòa giải ở cơ sở để có thêm nguồn lực hỗ trợ cho địa phương, nhất là đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, bảo đảm phù hợp với quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trên đây là một số nội dung kiến nghị, đề xuất nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
Để lại một phản hồi