Một số vướng mắc trong xử lý tội phạm đánh bạc

Đánh bạc

Qua thực tiễn công tác xét xử các vụ án đánh bạc và nghiên cứu các quy định của pháp luật, tác giả thấy có một số vướng mắc cần trao đổi để có nhận thức thống nhất. Tội đánh bạc được quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

 

Các nội dung liên quan:

 

1. Về xử lý tiền thu được trên chiếu bạc nhưng không xác định được số tiền này là của ai

Thông thường số tiền mà cơ quan Công an thu được trên chiếu bạc khi tiến hành truy bắt các đối tượng đánh bạc được coi là vật chứng trong vụ án. Việc xử lý vật chứng được thực hiện theo quy định tại Điều 106 BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy trong một số vụ án khi cơ quan Công an tiến hành truy bắt những người đánh bạc thì người đánh bạc thường bỏ lại tiền và chạy trốn. Khi đó, cơ quan Công an sẽ tiến hành thu giữ toàn bộ số tiền mà người đánh bạc bỏ lại trên chiếu bạc. Tuy nhiên, quá trình điều tra, các bị can thường không nhận số tiền mà cơ quan Công an thu giữ trên chiếu bạc là của mình hoặc khai không có bỏ lại tiền trên chiếu bạc. Do đó, Cơ quan Điều tra không xác định được tiền thu trên chiếu bạc là của ai. Như vậy, số tiền này sẽ được xử lý như thế nào trong quá trình giải quyết vụ án.

Ví dụ: Qua truy bắt các đối tượng đánh bạc vào ngày 12/01/2019, cơ quan công an huyện X thu giữ trên chiếu bạc tổng số tiền là 12.000.000 đồng. Qua điều tra xác định chỉ có 4 bị can tham gia đánh bạc. Các bị can khai như sau: Bị can Nguyễn Văn A khai đem theo số tiền 2.000.000 đồng để đánh bạc. Bị can Trần Văn B khai đem theo số tiền 500.000 đồng để đánh bạc. Bị can Huỳnh Thị C khai đem theo số tiền đánh bạc là 5.000.000 đồng để đánh bạc. Bị can Lê Văn D khai đem theo số tiền đánh bạc là 1.000.000 đồng để đánh bạc. Cơ quan điều tra huyện X khởi tố các bị can tội Đánh bạc theo khoản 1 Điều 321 BLHS năm 2015. Viện kiểm sát huyện X truy tố các bị can tội Đánh bạc theo khoản 1 Điều 321 BLHS năm 2015 và đã chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án huyện X. Vấn đề đặt ra là tổng số tiền các bị can khai đem theo để đánh bạc là 8.500.000 đồng nhưng số tiền thu được trên chiếu bạc là 12.000.000 đồng. Vậy số tiền 3.500.000 đồng có được coi là vật chứng trong vụ án không và xử lý số tiền này như thế nào.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: số tiền thu được trên chiếu bạc là 12.000.0000 đồng nên số tiền này là vật chứng trong vụ án. Không cần phải làm rõ số tiền này là của ai. Vì vậy, căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 106 BLTTHS năm 2015 tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.

Quan điểm thứ hai cho rằng theo quy định tại Điều 89 BLTTHS năm 2015 thì “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Trong vụ án, cơ quan điều tra không chứng minh được số tiền 3.500.000 đồng là của ai và có dùng để thực hiện hành vi phạm tội đánh bạc hay không. Do số tiền 3.500.000 đồng không phải là vật chứng trong vụ án nên cơ quan tiến hành tố tụng không thể căn cứ vào Điều 106 BLTTHS năm 2015 để xử lý số tiền này. Do đó, coi số tiền này là tài sản không xác định được chủ sở hữu. Cơ quan có thẩm quyền thông báo tìm chủ sở hữu theo quy định. Nếu sau đó, không có ai nhận là chủ sở hữu số tiền này thì tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.

2. Trường hợp số tiền thu được trên chiếu bạc nhiều hơn số tiền các bị can khai dùng để đánh bạc thì khởi tố các bị can tội đánh bạc theo số tiền thu được trên chiếu bạc hay theo số tiền các bị can đem theo để đánh bạc?

Ví dụ: Trong vụ án đánh bạc, cơ quan điều tra thu giữ trên chiếu bạc tổng số tiền là 51.000.000 đồng nhưng qua lời khai của các bị can thì tổng số tiền các bị can đem theo theo dùng để đánh bạc là 48.000.000 đồng. Số tiền còn lại theo các bị can là của một số người “cược ké” khi các bị can đánh bạc. Cơ quan điều tra không chứng minh được tổng số tiền các bị can dùng để đánh bạc là 51.000.000 đồng và không xác định được số tiền chênh lệch 3.000.000 đồng là của ai. Vậy, các bị can bị truy tố tội đánh bạc theo khoản 1 hay khoản 2 Điều 321 BLHS năm 2015.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Theo hướng dẫn tại điểm a khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010) thì tiền dùng để đánh bạc là tiền thu được trên chiếu bạc. Cho nên, số tiền thu được trên chiếu bạc trên 50.000.000 đồng nên truy tố các bị can tội đánh bạc theo khoản 2 Điều 321 BLHS năm 2015.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Mặc dù hướng dẫn tại điểm a khoản 3 Điều 1 của Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 thì tiền dùng để đánh bạc là tiền thu được trên chiếu bạc. Tuy nhiên, cơ quan điều tra phải chứng minh được tổng số tiền thu được trên chiếu bạc là của các bị can dùng để đánh bạc. Vì có thể số tiền chênh lệch 3.000.000 không phải là của các bị can hoặc của người khác nhưng người này không tham gia đánh bạc. Do đó, trong trường hợp này theo hướng có lợi cho các bị can thì truy tố các bị can tội đánh bạc theo khoản 1 Điều 321 BLHS năm 2015.

3. Trường hợp, một bị can làm cái cược với nhiều người khác như hình thức: Tài xỉu; bài Cào ba lá … thì xác định tiền dùng để đánh bạc như thế nào?

Trường hợp các bị can tham gia đánh bạc với nhai thì việc xác định tiền dùng để đánh bạc không có gì vướng mắc. Tuy nhiên, trường hợp một bị can đánh bạc theo thể thức ăn thua với nhiều người thì việc xác định tiền dùng để đánh bạc như thế nào.

Ví dụ: Nguyễn Thị T làm cái chơi Tài xỉu với 03 người khác là A, B, C. Theo đó, A, B, C có thể đặt bên Tài hoặc Xỉu. Nếu 03 hạt xúc sắc (Xí ngầu) do T lắc từ 13 nút trở lên là Tài, dưới 13 nút là Xỉu. Khi đó, bên nào thắng thì T chung tiền. Còn bên nào thua thì T sẽ lấy tiền bên đó. Mỗi lần cược 1000.000 đ. Qua trình điều tra, T đem theo 30.000.000 đồng làm cái. A đem theo 10.000.000 đồng. B đem theo 5.000.000 đồng. C đem theo 10.000.000 đồng. Tổng số tiền thu giữ trên người các bị can và trên chiếu bạc là 55.000.000 đồng. Vậy, các bị can bị truy tố tội đánh bạc theo khoản 1 hay khoản 2 Điều 321 BLHS năm 2015.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hiện nay, việc xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ và của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa thì được hướng dẫn tại khoản 5 Điều 1 của Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010. Các hình thức đánh bạc khác dạng một người làm cái cược với nhiều người như Tài- Xỉu, bài Cào ba lá … thì không có hướng dẫn nên số tiền dùng để đánh bạc trong vụ án này phải xác định là tiền 55.000.000 đồng. Do đó, cần căn cứ hướng dẫn tại điểm a khoản 3; điểm a khoản 4 Điều 1 của Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 truy tố các bị can tội đánh bạc theo khoản 2 Điều 321 BLHS năm 2015.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Việc xác định tiền dùng để đánh bạc theo hướng dẫn tại điểm a khoản 3; điểm a khoản 4 Điều 1 của Nghị quyết số 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 là đối với trường hợp nhiều người đánh bạc với nhau. Còn chơi Tài xỉu là hình thức một người làm cái cược với nhiều người. Những người cược với nhà cái không đánh bạc với nhau. Do đó, tiền dùng để đánh bạc trong vụ án phải xác định như sau:

– Đối với T là số tiền  dùng để đánh bạc với A, B, C. Tổng số tiền là 55.000.000 đồng nên T bị truy tố tội đánh bạc theo khoản 2 Điều 321 BLHS năm 2015.

– Đối với A, B, C là số tiền dùng để đánh bạc với T. Do mỗi lần cược không quá 1.000.000 đồng (dưới 5.00.000 đồng) nên A, B, C bị truy tố tội đánh bạc theo khoản 1 Điều 321 BLHS năm 2015.

4. Tiền thu giữ trong vụ án đánh bạc nhưng chứng minh được không dùng để đánh bạc sẽ do cơ quan điều tra xử lý trong giai đoạn điều tra hay do Tòa án xử lý.

Trong một số vụ án đánh bạc, qua điều tra thì có nhiều trường hợp thu giữ trên người bị can một số tiền nhưng có những số tiền bị can khai không dùng để đánh bạc nên những số tiền này được xác định không phải là tiền dùng để đánh bạc. Tuy nhiên, trong nhiều vụ án, thay vì cơ quan điều tra xử lý trả lại cho bị can số tiền này thì cơ quan điều tra chuyển sang Tòa án. Vậy số tiền thu giữ trong giai đoạn điều tra nhưng chứng minh được bị can không dùng để đánh bạc thì Tòa án có được quyền xử lý không.

Ví dụ: Trong vụ án đánh bạc, cơ quan điều tra huyện X thu giữ trên người bị can Nguyễn Văn A số tiền 3.500.000 đồng. Quá trình điều tra, chứng minh số tiền này, bị can A không đùng để đánh bạc là 3.000.000 đồng, còn 500.000 đồng bị can A khai dùng để đánh bạc nhưng chưa dùng hết. Hồ sơ vụ án sau đó, chuyển cho Tòa án huyện X. Trong đó, số tiền 3.000.000 đồng, cơ quan điều tra huyện X không xử lý trả lại cho bị can A. Vậy, khi xét xử, Hội đồng xét xử Tòa án huyện X có được quyền xử lý trả lại số tiền này cho bị can A không?

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Theo Điều 89 BLTTHS năm 2015 thì “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”. Về thẩm quyền xử lý vật chứng được quy định tại khoản 1 Điều 106 BLTTHS như sau: “Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản”. Như vậy, số tiền 3.000.000 đồng thu giữ của bị can A không phải là vật chứng trong vụ án nên Hội đồng xét xử Tòa án huyện X không có thẩm quyền xử lý số tiền này.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Mặc dù số tiền 3.000.000 đồng thu giữ của bị can A không phải là vật chứng trong vụ án nhưng do cơ quan điều tra đã chuyển sang Tòa án nên khi xét xử Hội đồng xét xử phải xem xét xử lý số tiền này mới đảm bảo giải quyết triệt để vụ án.

5. Tiền thu được trong vụ án đánh bạc có bắt buộc phải giám định không?

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 90 BLTTHS năm 2015 thì “Vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, vũ khí quân dụng phải được giám định ngay sau khi thu thập và phải chuyển ngay để bảo quản tại Kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan chuyên trách khác. Nếu vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ lưu dấu vết của tội phạm thì tiến hành niêm phong theo quy định tại điểm a khoản này; vật chứng là vi khuẩn nguy hại, bộ phận cơ thể người, mẫu mô, mẫu máu và các mẫu vật khác của cơ thể người được bảo quản tại cơ quan chuyên trách theo quy định của pháp luật”. Như vậy, không phân biệt vụ án là đánh bạc hay nhận hối lộ… BLTTHS năm 2015 quy định rất rõ là vật chứng là tiền thì phải tiến hành giám định ngay. Tuy nhiên, trong thực tiễn thì có vụ án có tiến hành giám định vật chứng là tiền nhưng cũng có nhiều vụ án đánh bạc, cơ quan tiến hành tố tụng không tiến hành giám định vật chứng là tiền. Vậy việc không giám định vật chứng là tiền có bị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Vấn đề này rất cần được hướng dẫn để việc áp dụng trong thực tiễn được thống nhất.

Qua những vướng mắc nêu trên, tác giả rất mong bạn đọc và đồng nghiệp cùng trao đổi thêm để rút kinh nghiệm áp dụng pháp luật trong vụ án đánh bạc được thống nhất.


Các tìm kiếm liên quan đến Một số vướng mắc trong xử lý tội phạm đánh bạc, văn bản hướng dẫn tội tổ chức đánh bạc, vướng mắc tội đánh bạc, văn bản hướng dẫn xử lý tội đánh bạc, bình luận khoa học về tội đánh bạc, bình luận tội đánh bạc 2015, luật mới về tội đánh bạc 2018, mức phạt tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc 2018

4.7/5 - (3 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.