Một số vấn đề cần lưu ý khi đề ra yêu cầu điều tra vụ án hình sự

Yêu cầu điều tra

Chúng ta đều biết rằng, việc đề ra yêu cầu điều tra là một yêu cầu bắt buộc đối với các Kiểm sát viên trong quá trình kiểm sát giải quyết vụ án hình sự, đây là quyền hạn theo tố tụng và cũng là trách nhiệm pháp lý của các Kiểm sát viên được quy định tại Điều 42 Bộ luật tố tụng hình sự và Điều 26 Quy chế công tác THQCT, KSĐT; Yêu cầu điều tra có ý nghĩa định hướng, tác động đối với Cơ quan điều tra để đảm bảo cho hoạt động điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ được đầy đủ …

Có thể thấy rằng, yêu cầu điều tra chính là sản phẩm, là kết quả của hoạt động nghiên cứu, phân tích, tổng hợp, đánh giá, so sánh, đối chiếu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và các văn bản pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Tính chất, đặc điểm của mỗi loại tội phạm, mỗi một vụ án sẽ có những nội dung yêu cầu điều tra khác nhau. Do đó vấn đề đặt ra ở đây là, chúng ta phải nhận thức được đầy đủ những cơ sở chung nhất, khái quát nhất để đề ra yêu cầu điều tra, đây chính là cơ sở phương pháp luận có ý nghĩa là những nguyên tắc cơ bản để đề ra yêu cầu điều tra cho tất cả các vụ án, dù là loại tội gì, đơn giản hay phức tạp. Cụ thể như sau:

Thứ nhất: Việc đề ra những nội dung yêu cầu điều tra phải song song đồng thời và trên cơ sở của hoạt động nghiên cứu hồ sơ vụ án, đây là một nguyên tắc bắt buộc để đảm bảo cho yêu cầu điều tra có tính sát thực, cụ thể và trực tiếp giải quyết được các vấn đề của vụ án, tránh được việc yêu cầu chung chung, hình thức. Có thể nói rằng, chất lượng của yêu cầu điều tra phụ thuộc phần lớn vào kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án; Việc đề ra yêu cầu điều tra phải trên cơ sở những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ tại thời điểm yêu cầu. Cần xem xét xem, đã có những tài liệu, chứng cứ gì, những chứng cứ đó chứng minh về những tình tiết gì cần giải quyết và đã có đủ chứng cứ để chứng minh những tình tiết đó chưa; còn có những vấn đề, tình tiết gì cần phải giải quyết mà chưa có tài liệu, chứng cứ chứng minh hoặc chưa đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh để yêu cầu điều tra thu thập, xác minh làm rõ.

Thứ hai: Yêu cầu điều tra phải trên cơ sở những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự theo quy định tại Điều 85 Bộ luật tố tụng hình sự. Cần xem xét xem các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã chứng minh làm rõ hay chưa về các vấn đề như có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội; ai là người thực hiện hành vi phạm tội, có lỗi hay không có lỗi, có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; động cơ, mục đích phạm tội; tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhân thân…Trên cơ sở đó để yêu cầu điều tra chứng minh những vấn đề chưa được chứng minh hoặc chứng minh nhưng chưa đầy đủ.

Thứ ba: Yêu cầu điều tra phải trên cơ sở các dấu hiệu pháp lý của cấu thành tội phạm cụ thể đã khởi tố và đang điều tra – Đây là cơ sở rất quan trọng đối với tất cả các vụ án. Mỗi loại tội phạm thì có những dấu hiệu pháp lý đặc trung riêng, do đó cần phải có nhận thức đúng, chính xác từng dấu hiệu để yêu cầu điều tra chứng minh, trên nguyên tắc là tất cả các dấu hiệu pháp lý của cấu thành tội phạm phải được chứng minh đầy đủ.

Thứ tư: Yêu cầu điều tra phải dựa trên cơ sở các văn bản pháp luật hướng dẫn chung và hướng dẫn đối với mỗi loại tội phạm cụ thể, đó là các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, Thông tư liên tịch…v.v. Do đó, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ các văn bản này để yêu cầu điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ đảm bảo đủ căn cứ để giải quyết theo các văn bản hướng dẫn này.

* Một số vấn đề cần lưu ý khi đề ra yêu cầu điều tra:

– Trên cơ sở nghiên cứu tài liệu, chứng cứ, cần phải đánh giá về giá trị chứng minh của các chứng cứ, nếu thấy có tài liệu, chứng cứ nào không đảm bảo tính khách quan, liên quan và hợp pháp thì yêu cầu điều tra khắc phục, sửa chữa hoặc có biện pháp giải quyết. Trong đó, cần chú ý phát hiện sự mâu thuẫn, không thống nhất giữa các tài liệu, chứng cứ với nhau để yêu cầu Cơ quan điều tra có những biện pháp điều tra cần thiết xác định tính chính xác, tính đúng đắn của những tình tiết còn có sự mâu thuẫn hoặc không thống nhất đó (Ví dụ trong một vụ án Trộm cắp tài sản, bị hại khai là xe mô tô để ở trong nhà và bị can vào nhà trộm cắp; còn bị can khai là có ý định chiếm đoạt xe từ trước, sau đó đến nhà bị hại nói dối là mượn xe đi có việc, sau khi mượn được xe thì mang ngay đi cầm cố lấy tiền mua ma túy sử dụng. Ngoài hai lời khai này thì không có chứng cứ nào khác để chứng minh. Như vậy, rõ ràng lời khai của bị hại và bị can là không thống nhất với nhau, do đó cần phải yêu cầu điều tra làm rõ thì mới đủ căn cứ để xác định là bị can phạm tội Trộm cắp tài sản hay tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản).

– Trong một vụ án có rất nhiều vấn đề cần phải thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh, tuy nhiên cũng cần thấy rằng, có những vấn đề nếu Kiểm sát viên không yêu cầu điều tra thì theo thông thường Điều tra viên vẫn tiến hành điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ, đối với những vấn đề này không cần thiết phải liệt kê ra hết để yêu cầu điều tra, mà cần tập trung nghiên cứu yêu cầu điều tra làm rõ những vấn đề cơ bản, quan trọng và mấu chốt nhất của vụ án, những vấn đề này nếu không yêu cầu điều tra thì có thể sẽ không được điều tra hoặc việc điều tra sẽ sơ sài, không đầy đủ, không khách quan, phiến diện. Do đó, vấn đề đặt ra ở đây là Kiểm sát viên cần phải nhận biết được những vấn đề cơ bản, quan trọng và mấu chốt nhất của mỗi vụ án cụ thể để đề ra yêu cầu điều tra; Đối với những vấn đề khác theo thông thường Điều tra viên vẫn tiến hành điều tra, thì tùy theo tiến độ điều tra nếu Điều tra viên chưa thực hiện thì mới yêu cầu điều tra.

– Một vấn đề nữa cũng cần chú ý là, đối với một số loại tội phạm có dấu hiệu pháp lý của cấu thành tội phạm khó chứng minh, khó thu thập chứng cứ, thì Kiểm sát viên cần quan tâm nghiên cứu về những biện pháp điều tra thu thập chứng cứ để yêu cầu Điều tra viên thực hiện. Ví dụ: Đối với tội Buôn lậu hay tội Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, thì một trong những dấu hiệu bắt buộc phải chứng minh là dấu hiệu qua biên giới, trong nhiều trường hợp, sau khi đối tượng đã vận chuyển hàng hóa qua biên giới vào sâu trong nội địa thì mới bị phát hiện bắt giữ, ngoài lời khai của đối tượng về hành vi phạm tội thì không có nhân chứng biết việc, không có đồng phạm, đối tượng ở nước ngoài thì không xác định được, vậy dấu hiệu qua biên giới phải chứng minh như thế nào, nếu chỉ căn cứ lời khai của đối tượng thì sẽ không đủ chứng cứ để kết luận. Trong trường hợp này cần yêu cầu điều tra chi tiết hóa lời khai của đối tượng và thu thập chứng cứ khác phù hợp với lời khai của đối tượng.

– Ngoài ra, đối với một số loại tội phạm cần chú ý yêu cầu điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ để có đủ căn cứ phân biệt với các tội phạm khác, ví dụ: tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội Lạm dụng chiếm đoạt tài sản, tội Cướp với tội Cưỡng đoạt tài sản, tội Giết người với tội Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người…v.v. Một vấn đề nữa cũng cần chú ý là, cách thức viết yêu cầu điều tra nên theo hướng mở, đặt vấn đề để yêu cầu giải quyết.

Trên đây là một số vấn đề cơ bản cần lưu ý khi xây dựng bản Yêu cầu điều tra, qua đó đảm bảo cho bản Yêu cầu điều tra có chất lượng, giúp cho Cơ quan điều tra và Điều tra viên tiến hành các hoạt động và các biện pháp điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ được đúng đắn và đầy đủ, hạn chế việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, chống oan sai và bỏ lọt tội phạm./.


Các tìm kiếm liên quan đến Một số vấn đề cần lưu ý khi đề ra yêu cầu điều tra, chuyên đề nâng cao chất lượng yêu cầu điều tra, giải pháp nâng cao chất lượng bản yêu cầu điều tra, yêu cầu của điều tra hình sự, kiểm sát viên đề ra yêu cầu điều tra khi nào, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án hình sự, giải pháp nâng cao chất lượng kiểm sát điều tra án hình sự, kỹ năng đề ra yêu cầu điều tra đối với vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bao cao yeu cau dieu tra

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.