Kinh nghiệm thu thập tài liệu, chứng cứ trong giải quyết tranh chấp đất đai

tranh-chap-dat-dai

Sở dĩ việc giải quyết vụ án tranh chấp đất đai thường kéo dài, một phần là do việc thu thập tài liệu, chứng cứ chưa đầy đủ.

Để giải quyết một vụ án tranh chấp về đất đai, theo tác giả, cần phải thu thập tài liệu, chứng cứ về 04 vấn đề sau: Nguồn gốc đất; quá trình sử dụng đất; việc kê khai, đăng ký đất tranh chấp qua các thời kỳ; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thu thập chứng cứ nguồn gốc đất và quá trình sử dụng đất

Làm rõ nguồn gốc đất và quá trình sử dụng đất:

– Nguồn gốc đất: Nếu do khai phá thì ai khai phá thời gian nào; nếu được thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng, trao đổi thì ai để thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng, trao đổi; việc thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng, trao đổi đất tranh chấp có thật không và có đúng quy định pháp luật không?

– Quá trình sử dụng: Thực tế đất tranh chấp là do ai trực tiếp sử dụng. Thời gian sử dụng đất. Nếu không sử dụng thì lý do vì sao.

Để làm rõ các vấn đề trên, cần tiến hành lấy lời khai của đương sự, tổ chức phiên họp hòa giải, đối chất giữa các đương sự. Trên cơ sở đó còn những vấn đề chưa rõ hoặc mâu thuẫn thì tiến hành xác minh, lấy lời khai của những người sau: Người sống lân cận, lâu năm gần đất tranh chấp nhất là những người lớn tuổi còn minh mẫn; Trưởng ban nhân dân ấp nơi có đất tranh chấp tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tại thời điểm xảy ra tranh chấp quyền sử dụng đất; công chức địa chính tại thời điểm cấp giấy chứng nhận; người khai phá, người tặng cho, chuyển nhượng, trao đổi, nếu người đồng thừa kế…

Thu thập chứng cứ về kê khai, đăng ký qua các thời kỳ

Thu thập chứng cứ về kê khai, đăng ký qua các thời kỳ để làm rõ các vấn đề sau:

– Đất tranh chấp qua các thời kỳ là do ai kê khai, đăng ký;

– Có sự thay đổi diện tích, thay đổi người kê khai đăng ký qua các thời kỳ không. Nếu có thì làm rõ lý do vì sao. Ý kiến của người đã đứng tên kê khai đăng ký liên quan đến đất tranh chấp như thế nào.

Để làm rõ các vấn đề trên cần yêu cầu cơ quan đang lưu giữ tư liệu địa chính đó, có thể là Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện hoặc cấp tỉnh nếu cấp huyện không còn lưu giữ tài liệu…

Thu thập chứng cứ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Thu thập chứng cứ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm rõ các vấn đề sau:

– Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; đúng đối tượng sử dụng đất theo quy định pháp luật không?

– Trên cơ sở đó, Tòa án hủy hay không hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thẩm quyền giải quyết vụ án là của Tòa án cấp huyện hay Tòa án cấp tỉnh.

Để làm rõ vấn đề này, Thẩm phán yêu cầu cơ quan đang lưu giữ hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có thể là Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện hoặc cấp tỉnh nếu cấp huyện không còn lưu giữ tài liệu… Ngoài ra, Tòa án phải gửi Công văn yêu cầu UBND cùng cấp có ý kiến về trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tranh chấp có đúng quy định pháp luật không, cũng như việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có đúng đối tượng sử dụng đất hay không. Để UBND cùng cấp sớm có văn bản phúc đáp Tòa án vấn đề này, Thẩm phán cần gửi kèm các tài liêu chứng cứ về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất, việc kê khai đang ký đất qua các thời kỳ như đã đề cập với Công văn của Tòa án. Qua đó, UBND cùng cấp có nhiều căn cứ để phúc đáp cho Tòa án.

Tùy thuộc vào mỗi vụ án mà Thẩm phán có cách thu thập chứng cứ khác nhau. Bài biết trên chỉ là kinh nghiệm cá nhân của Tác giải trong thực tiễn giải quyết vụ án. Qua bài biết này, Tác giả rất mong quý đồng nghiệp cùng thảo thuận, chia sẽ kinh nghiệm để công tác giải quyết án tranh chấp về quyền sử dụng đất được tốt hơn.

 

Nguồn: Tạp chí kiểm sát (Kiemsat.vn)

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.