Kinh nghiệm kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự

thi-hanh-an-dan-su

Phát hiện vi phạm trong xác minh điều kiện THA càng sớm thì việc khắc phục hậu quả càng nhẹ, làm tốt việc kiểm sát xác minh điều kiện THA không đơn thuần chỉ là việc hạn chế tổn thất trong tổ chức THA mà còn nâng cao vị thế của VKSND.

 

Quy định của pháp luật về xác minh điều kiện thi hành án

Muốn kiểm sát tốt việc xác minh điều kiện THA thì bắt buộc KSV phải nắm chắc quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thời hạn xác minh điều kiện THA. Hiện tại, xác minh điều kiện THA được quy định tại: Luật Tổ chức VKSND năm 2014 (Điều 28 – Nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi kiểm sát THADS, THA hành chính); Quy chế công tác kiểm sát THADS, THA hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao quy định về kiểm sát việc xác minh điều kiện THADS tại Điều 10; Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định về xác minh điều kiện THA tại Điều 44; Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật THADS, đã quy định về xác minh điều kiện THA tại Điều 9; Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC- VKSNDTC ngày 01/8/2016 của liên ngành Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, VKSND tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong THADS, quy định về xác minh điều kiện THA tại Điều 3.

Một số dạng vi phạm thường gặp khi kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự

Hết thời hạn tự nguyện nhưng Chấp hành viên không tiến hành xác minh: Theo quy định của Luật THADS, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện THA mà người phải THA không tự nguyện thi hành thì CHV phải tiến hành xác minh, tuy nhiên, qua kiểm sát nhiều trường hợp hết thời gian tự nguyện CHV cũng không tổ chức tiến hành xác minh.  Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án nhưng không xác minh theo định kỳ, không tiến hành xác minh khi có thông tin về thi hành án

Trong trường hợp người phải THA chưa có điều kiện THA thì ít nhất 06 tháng một lần, CHV phải xác minh điều kiện THA nhưng thực tế nhiều trường hợp người phải THA chưa có điều kiện THA nhưng quá 06 tháng, có trường hợp một vài năm CHV không tiến hành xác minh. Trường hợp người phải THA chưa có điều kiện THA là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải THA thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần.

Khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin mới về điều kiện THA của người phải THA, CHV phải tiến hành xác minh. Qua kiểm sát phát hiện nhiều việc THA khi có thông tin về THA nhưng CHV không tiến hành xác minh.

Không thông báo kết quả xác minh cho người được thi hành án: Sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện THA thì cơ quan THADS phải thông báo bằng văn bản cho người được THA về kết quả xác minh.

Văn bản ủy quyền xác minh sơ sài, không đôn đốc khi có ủy quyền xác minh: Nhiều việc CHV ủy quyền cho cơ quan THADS nơi người phải THA có tài sản, cư trú, làm việc hoặc có trụ sở để xác minh điều kiện THA, song văn bản uỷ quyền sơ sài, không nêu rõ những vấn đề cần xác minh nên kết quả xác minh không đầy đủ, thiếu khách quan.

Chấp hành viên không đôn đốc khi có yêu cầu xác minh đối với việc xác minh tài sản là bất động sản, động sản phải đăng ký quyền sở hữu, thời hạn xác minh và gửi kết quả xác minh cho cơ quan THADS đã ủy quyền là 30 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền. Trường hợp việc xác minh tài sản khó khăn, phức tạp thì thời hạn xác minh và gửi kết quả xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền. Đối với việc xác minh các loại tài sản và thông tin khác, thời hạn xác minh và gửi kết quả xác minh cho cơ quan THADS đã ủy quyền là 15 ngày, kể từ ngày nhận được ủy quyền như: Hồ sơ THA theo Quyết định THA số 147/QĐ-CCTHA ngày 09/11/2010 của Chi cục THADS huyện KN thi hành Bản án số 160/2010/DS-PT ngày 27/10/2010 của TAND tỉnh ĐL buộc vợ chồng ông Nguyễn Văn H và bà Nguyễn Thu O, địa chỉ thôn TH, xã Đl, huyện KN phải trả cho ông Bùi Văn B, địa chỉ thôn TL 5, xã PĐ, huyện KB 11.666 kg cà phê nhân xô và 50.000.000 đồng. Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Chi cục huyện  KB xác minh về quyền sở hữu đối với quyền sử dụng diện tích đất 160m2. Hồ sơ thể hiện hết thời hạn theo luật định kể từ ngày có yêu cầu xác minh, cơ quan THA được uỷ quyền không gửi kết quả xác minh nhưng Chấp hành viên không đôn đốc Chi cục THADS được uỷ quyền gửi kết quả xác minh.

Không xác minh ở cơ quan chức năng đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu: Chấp hành viên khi xác minh điều kiện THA thì việc xác minh không cụ thể tài sản, thu nhập, các điều kiện khác để THA; đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm thì không xác minh tại cơ quan có chức năng đăng ký tài sản, giao dịch đó. Nhiều trường hợp tài sản THA là vật đặc dụng nhưng CHV không yêu cầu cơ quan chuyên môn hoặc mời, thuê chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh. Việc xác minh đối với tài sản thuộc diện phải đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản thì tùy từng trường hợp cụ thể mà CHV căn cứ vào một trong các giấy tờ: Hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc tặng cho, giấy chứng nhận về quyền sở hữu, sử dụng tài sản hoặc thông qua chủ sở hữu, chính quyền địa phương, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, cơ quan chức năng hoặc người làm chứng như xác nhận của người bán, của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng về việc mua bán tài sản.

Xem:  Kỹ năng của luật sư khi tiếp xúc với khách hàng

Biên bản xác minh ghi không đầy đủ: Khi xác minh người phải THA là cơ quan, tổ chức, CHV không trực tiếp xem xét tài sản, sổ sách quản lý vốn, tài sản; xác minh tại cơ quan, tổ chức khác có liên quan đang quản lý, bảo quản, lưu giữ thông tin về tài sản, tài khoản của người phải THA; Biên bản xác minh không có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh. Các biên bản xác minh điều kiện THA do các CHV lập (tại Cục THADS tỉnh và Chi cục THADS huyện) đều không xác minh sơ bộ giá trị tài sản trước khi tiến hành thủ tục cưỡng chế kê biên tài sản nhằm đảm bảo kê biên giá trị tài sản tương ứng với nghĩa vụ phải thi hành.

Vi phạm của CHV trong xác minh điều kiện THA thường thể hiện: Xác minh không rõ hiện trạng tài sản của người phải THA hoặc xác minh về tài sản chung, tài sản đang có tranh chấp không chi tiết, không rõ ràng làm cho quá trình tổ chức cưỡng chế kê biên tài sản gặp không ít khó khăn. Một số việc THA, mặc dù CHV đã tiến hành các tác nghiệp cần thiết và đúng hướng nhằm tổ chức thi hành án kịp thời, đúng pháp luật song việc thông báo, xác minh về THA thực hiện chưa đầy đủ khiến việc thi hành án bị kéo dài hoặc bị đương sự khiếu nại, tố cáo.

Xác minh điều kiện thi hành án: Nhiều hồ sơ THA thể hiện CHV chưa thực hiện việc xác minh điều kiện THA theo quy định, từ đó ra các quyết định về THA không đủ căn cứ như: Hồ sơ THA theo Quyết định THA số 421/QĐ-THA ngày 08/02/2012 của Chi cục THADS huyện KN thì ông Trần Văn M và bà Nguyễn Thị S, trú tại tổ 3, thị trấn KN phải trả cho bà Đỗ Thị V, trú tại tổ dân phố 01, huyện KN số tiền là 503.000.000 đồng. Hồ sơ có 03 biên bản xác minh điều kiện THA cùng đề ngày 14/6/2011, xác minh từ trước khi ra quyết định THA. Từ đó, làm căn cứ để ra quyết định kê biên mà không tiến hành xác minh về điều kiện THA.

Không tiến hành xác minh lại: Nhiều trường hợp CHV không xác minh lại khi kết quả xác minh của CHV và người được THA khác nhau hoặc có kháng nghị của VKSND. Hoặc có tiến hành xác minh lại nhưng không đúng thời hạn (quá 05 ngày làm việc) kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp hoặc nhận được kháng nghị của VKSND như: Quyết định THA số 05/QĐ-CCTHA ngày 20/11/2012 của Chi cục THADS thành phố HL buộc ông Nguyễn Phi H phải trả cho bà Nguyễn Thị T số tiền 800.000.000đ. Hồ sơ thể hiện, biên bản xác minh tài sản là quyền sử dụng đất tại cơ quan có chức năng đăng ký thì ông H có một ngôi nhà diện tích 120m2 tại thành phố HL. Chấp hành viên ra quyết định kê biên, sau khi kê biên bà Nguyễn Thị H có đơn khiếu nại về việc ngôi nhà đó ông H đã chuyển nhượng cho bà. Khi nhận được đơn CHV không tiến hành xác minh lại mà vẫn tiến hành kê biên…

Tiếp nhận thông tin không đầy đủ nhưng không phát hiện: Nhiều thông tin do cơ quan, tổ chức, công chức tư pháp – hộ tịch, địa chính – xây dựng – đô thị và môi trường, cán bộ, công chức cấp xã khác và cá nhân có liên quan cung cấp nội dung không đầy đủ, thiếu trung thực nhưng CHV không phát hiện để yêu cầu cung cấp bổ sung; bảo hiểm xã hội, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải THA khi nhận được văn bản yêu cầu của CHV, đối với thông tin về tài khoản thì không cung cấp kịp thời (thời hạn quy định trả lời là 03 ngày làm việc).

Từ chối cung cấp thông tin nhưng không có văn bản trả lời cho cơ quan Thi hành án dân sự: Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải THA không cung cấp thông tin kịp thời khi người được THA hoặc người đại diện theo ủy quyền của người được THA có yêu cầu (thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu) trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Nhiều trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối cung cấp nhưng không có văn bản trả lời và nêu rõ lý do cho cơ quan THADS.

Xem:  Xử lý phương tiện giao thông vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu là tài sản thế chấp

Không phát hiện việc người phải thi hành án kê khai thiếu trung thực: Khi tiến hành xác minh người phải THA không kê khai trung thực, không cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện THA; không nêu rõ loại, số lượng tiền, tài sản hoặc quyền tài sản; tiền mặt, tiền trong tài khoản, tiền đang cho vay, mượn; giá trị ước tính và tình trạng của từng loại tài sản; mức thu nhập định kỳ, không định kỳ, nơi trả thu nhập; địa chỉ, nơi cư trú của người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng; khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ THA nhưng CHV không phát hiện.

Không xác minh khi người được thi hành án chết : Đối với trường hợp đình chỉ THA do người được THA chết mà không có người thừa kế thì phải xác minh qua chính quyền địa phương, cơ quan quản lý hộ khẩu, nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được THA. Kết quả xác minh thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương để người có quyền, nghĩa vụ liên quan biết và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo công khai hợp lệ mà không có người khiếu nại thì được coi là có căn cứ đình chỉ THA.

Một số kinh nghiệm khi kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án

Thứ nhất, phải nắm chắc quy định của pháp luật về xác minh điều kiện THA, về thẩm quyền của Viện kiểm sát trong kiểm sát việc xác minh điều kiện THA; thường xuyên cập nhật văn bản pháp luật liên quan đến xác minh điều kiện THA; về thời hạn xác minh như hết thời hạn tự nguyện THA, thời hạn xác minh đối với người chấp hành hình phạt tù, hoặc không xác minh được địa chỉ của người phải THA…

Thứ hai, kịp thời phát hiện vi phạm của CHV trong việc xác minh điều kiện THA: Luật THADS chỉ quy định cơ quan THADS phải gửi cho Viện kiểm sát các quyết định về THA mà không quy định gửi tài liệu xác minh điều kiện THA, do đó, muốn kiểm sát được kết quả xác minh, KSV phải thông qua nhiều nguồn như:

– Thông tin qua các hoạt động nghiệp vụ của VKSND, các cơ quan hữu quan, nguồn tin do nhân dân cung cấp, do Báo, Đài hoặc do Viện kiểm sát cấp trên chuyển đến Viện kiểm sát hoặc vi phạm cụ thể của CHV trong hoạt động xác minh điều kiện THA;

– Qua kiểm sát hồ sơ THA, hồ sơ bán đấu giá tài sản, tài liệu do đương sự cung cấp; tài liệu do Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cung cấp; hoặc đối chiếu với tài liệu sẵn có của VKSND.

– Qua nghiên cứu hồ sơ THA: Hồ sơ nghiệp vụ THA phải thể hiện được toàn bộ quá trình tổ chức THA của CHV. Trong đó, CHV phải ghi chép các công việc, lưu giữ tất cả các tài liệu đã và đang thực hiện vào hồ sơ nghiệp vụ THA gồm: Bản án, quyết định; quyết định THA; các biên bản bàn giao, xử lý vật chứng, tài sản đó kê biên, tạm giữ, biên bản xác minh, biên bản giải quyết việc THA (có đầy đủ chữ ký của đương sự trong các trang biên bản)… Phát hiện vi phạm từ việc nghiên cứu hồ sơ THA chủ yếu được thực hiện thông qua công tác trực tiếp kiểm sát THADS hoặc từ việc nghiên cứu hồ sơ THA do cơ quan THADS cung cấp theo yêu cầu của Viện kiểm sát. Đây là trường hợp KSV nghiên cứu hồ sơ, tài liệu về THA và xác minh điều kiện THA toàn diện và đầy đủ nhất, thuận lợi nhất.

– Từ đơn thư khiếu nại, tố cáo về THADS hoặc kiểm sát hồ sơ kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS…

Thứ ba, khi kiểm sát việc xác minh đối với các loại tài sản như ô tô, tầu thuyền, xe máy… là những loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì ngoài yêu cầu cơ quan quản lý cung cấp thông tin về chủ sở hữu còn phải làm việc với người phải THA xem tài sản đó hiện do ai quản lý, nếu đã chuyển nhượng thì chuyển nhượng vào ngày tháng năm nào, lý do chưa làm thủ tục sang tên; sau khi biết được người nhận chuyển nhượng phải tiến hành làm việc với người đang quản lý tài sản để xác minh làm rõ việc mua bán là ngay tình hay tẩu tán tài sản. Phải xác minh làm rõ tài sản mới được ra các quyết định tiếp theo tránh tình trạng chỉ mới xác minh ở cơ quan quản lý đã ra quyết định kê biên tài sản…

Thứ tư, kiểm sát việc xác minh tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, KSV cần phân biệt rõ diện tích đất đó là đất cấp hay đất mua. Đất được cấp thì có đất cấp cho hộ gia đình trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, đối với loại đất này cần yêu cầu CHV xác minh làm rõ thời điểm cấp, cấp cho bao nhiêu người, mỗi người được cấp bao nhiêu mét vuông,  phân định rõ diện tích của người phải THA trong tổng diện tích trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình. Đối với đất cấp cho cá nhân cũng cần làm rõ đất đó hình thành từ nguồn tiền nào có tranh chấp gì không, cần có biên bản làm việc với các thành viên đang sống trên diện tích đó để làm rõ xem có tranh chấp gì không. Đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên một mình người chồng cần tiến hành xác minh với các thành viên đang sinh sống trong ngôi nhà đó, trong biên bản và ghi đầy đủ ý kiến của các thành viên và người liên quan. Đối với Giấy chứng nhận cấp mang tên của cả vợ và chồng thì ngoài xác minh đối với vợ chồng, cần xác minh với các thành viên trong gia đình và người liên quan (nếu có). Tóm lại: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp đứng tên cá nhân, đứng tên vợ, chồng, cấp cho hộ gia đình thì việc kiểm sát xác minh cần làm chặt chẽ phải có biên bản xác minh đối với từng thành viên trong gia đình và người liên quan (nếu có) nhằm bảo đảm trước khi tiến hành kê biên, bán đấu giá tài sản đó không còn tranh chấp (tài sản sạch)…

Xem:  Cơ quan, tổ chức và cá nhân trong thi hành án dân sự

Thứ năm, về công tác chỉ đạo, điều hành: Trước hết, Lãnh đạo các cấp phải nhận thức, đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác kiểm sát THADS nói chung và công tác kiểm sát việc tổ chức xác minh điều kiện THADS nói riêng để có sự đầu tư đúng, đủ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của khâu công tác này. Đề nghị VKSND tối cao tiếp tục chỉ đạo đổi mới kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí sắp xếp cán bộ hợp lý, ổn định theo hướng chuyên sâu công tác kiểm sát THADS. Bổ sung biên chế công chức làm công tác này cho Vụ kiểm sát THADS và VKSND địa phương.

Thứ sáu, về tổ chức cán bộ: Cần thay đổi nhận thức “công tác kiểm sát thi hành án dân sự là đơn giản, không quan trọng bằng các khâu công tác khác” để mỗi công chức, KSV nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm sát THADS nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát THADS nói chung và công tác kiểm sát việc tổ chức xác minh điều kiện THADS nói riêng; cần tăng cường ý thức trách nhiệm, kỷ luật; tự giác học tập, đúc rút kinh nghiệm, nghiên cứu kịp thời các văn bản pháp luật mới ban hành, tích cực học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp để nâng cao trình độ, nắm vững các quy định của pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp từ đó xác định chính xác vi phạm của cơ quan THADS và các cơ quan liên quan, kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Viện ban hành kiến nghị, kháng nghị nhằm khắc phục các vi phạm trong hoạt động THADS.

Thứ bảy, về công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ: Cần xây dựng giáo trình hướng dẫn chuyên sâu về kiểm sát xác minh điều kiện THA để đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm sát THADS nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Phổ biến kịp thời văn bản pháp luật mới liên quan đến việc tổ chức xác minh điều kiện THADS để công chức, KSV cập nhật kịp thời. Viện kiểm sát nhân dân tối cao và VKSND cấp tỉnh quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ công chức, KSV làm công tác kiểm sát THADS. Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn là cơ sở quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm sát THADS. Định kỳ tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho công chức toàn ngành về công tác kiểm sát THADS theo hướng chuyên sâu để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ; thông báo và khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân làm tốt công tác công tác kiểm sát việc tổ chức xác minh điều kiện THADS.

Thứ tám, về quan hệ phối hợp: Viện kiểm sát các cấp cần phối hợp với cơ quan THADS để họ cung cấp cho mình những thông tin, tài liệu về xác minh điều kiện THA để tiến hành kiểm sát. Viện kiểm sát hàng tuần cần liên hệ với cơ quan THA để họ cung cấp các biên bản mới lập khi xác minh để tiến hành kiểm sát. Thông qua việc kiểm sát các biên bản xác minh điều kiện THA phát hiện kịp thời các vi phạm, những mâu thuẫn, những việc cần xác minh để đề ra yêu cầu cần xác minh. Để thuận tiện cho việc kiểm sát việc xác minh điều kiện THA, Viện kiểm sát các cấp cần đưa vào quy chế phối hợp quy định rõ sau khi xác minh điều kiện THA, Chấp hành viên phải phô tô biên bản xác minh gửi cho Viện kiểm sát để việc kiểm sát được kịp thời. Đối với các đơn vị trong ngành cần thực hiện tốt sự phối hợp ngang cấp và cấp dưới, khi cần thiết cần báo cáo, thỉnh thị VKSND cấp trên trực tiếp để nhận được quan điểm chỉ đạo, từ đó nghiên cứu, vận dụng nhằm kiểm sát THADS hiệu quả, đúng pháp luật. Đồng thời, cần quản lý đầy đủ tình hình chấp hành pháp luật và xử lý kịp thời những vi phạm và tội phạm xảy ra trong THADS, tăng cường mối quan hệ phối hợp với cơ quan hữu quan để kịp thời phát hiện những vi phạm trong việc xác minh điều kiện THA của CHV.

Trích bài: “Kinh nghiệm khi kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự” của tác giả Đỗ Văn Kha, Phó Vụ trưởng Vụ kiểm sát thi hành án dân sự (Vụ 11), VKSND tối cao, TCKS số 18/2017.

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.