Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo BLHS 2015

Chuyên mụcLuật hình sự Trách nhiêm hình sự

Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 28 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

 

Điều 28. Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật này đối với các tội phạm sau đây:

1. Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này;

2. Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này;

3. Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.

 

Bình Luận về không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

Mặc dù tại Điều 27 Bộ luật hình sự qui định rất rõ về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các loại tội phạm cũng như các trường hợp tính lại thời hiệu thì điều đó hoàn toàn không đồng nghĩa với việc 318 tội danh đều áp dụng thời hiệu nêu trên. Tương tự Bộ luật hình sự 1999, Bộ luật mới này vẫn tiếp tục liệt kê các tội xâm phạm an ninh quốc gia; phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh không áp dụng thời hiệu. Xem xét các loại tội phạm này, chúng ta nhận thấy đặc điểm chung của chúng chính là tính nguy hiểm cho xã hội cũng như mức độ, phạm vi ảnh hưởng. Nghiên cứu đặc điểm của Bộ luật hình sư là công cụ đặc biệt quan trọng của giai cấp thống trị trong việc bảo vệ quyền lực của mình cũng như duy trì sự ổn định của xã hội, các tội xâm phạm an ninh quốc gia như: tội phản tổ quốc, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội gián điệp, tội xâm phạm an ninh lãnh thổ, tội bạo loạn, tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, tội phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật của Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, tội phá rối an ninh, tội phá hoại chính sách đoàn kết…đang xâm phạm và tác động trực tiếp lên quyền lợi, sự tồn vong của giai cấp thống trị. Rõ ràng tính nguy hiểm của hành vi là cực kỳ lớn, sự ổn định của giai cấp cầm quyền chính là sự ổn định cho cả một hệ thống kinh tế, chính trị và xã hội. Vượt ra ngoài phạm vi của một quốc gia, vùng lãnh thổ thì các hành vi như: phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, chống loài người, chiến tranh, tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê, làm lính đánh thuê đã tác động lên phạm vi liên quốc gia, khu vực, châu lục. Tất cả các tội phạm này không còn được thực hiện một cách riêng lẻ nữa mà được hình thành, liên kết thành các băng đảng tổ chức lớn, hoạt động một cách công khai và thậm chí được sự hậu thuận về mặt tài chính từ một bên thứ ba nào đó. Xét lại các tội phạm được qui định tại Chương XIII và Chương XXVI có tính nguy hiểm đặc biệt nghiệm trọng, nếu không có các biện pháp phòng chống, đấu tranh hữu hiệu thì hậu quả mà nó để lại sẽ không thể nào lường hết được.

Bên cạnh những điểm chung thì Bộ luật hiện hành đã có những bổ sung, điều chỉnh nhất định. Cụ thể ngoài các tội phạm không áp dụng thời hiệu truy cứu nêu trên thì đến nay các tội danh sau cũng không được áp dụng thời hiệu:

– Khoản 3, khoản 4 Tội tham ô tài sản.

 

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

 

– Khoản 3, khoản 4 Tội nhận hối lộ.

 

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

 

Đây là các tội phạm về chức vụ qui định tại Chương XXIII với đặc điểm là chủ thể đặc biệt, sử dụng chức vụ, quyền hạn như một phương tiện phạm tội. Trong những năm gần đây, với sự quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước mà hàng loạt các cán bộ, các vụ án tham nhũng bị phanh phui và đưa ra xét xử. Điều này tạo ra được một tín hiệu tích cực trong công cuộc phòng chống tham nhũng, đưa cả hệ thống chính trị vào guồng trong sạch, liên khiết với chính bản thân mình và với nhân dân. Chính vì vậy mà khi soạn thảo Bộ luật hình sự mới, các nhà làm luật đã liệt kê hẳn vấn đề nhức nhối này vào trường hợp không áp dụng thời hiệu nhằm đảm bảo được một yếu tố duy nhất là truy cứu, xử lý tội phạm đến cùng. Cho dù tội phạm có được thực hiện vào thời điểm nào, không gian nào, bí mật, kín đáo ra sao thì vẫn không thoát khỏi chế tài, sự trừng phạt của pháp luật. Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động điều tra, truy tố, xét xử thì việc loại bỏ yếu tố thời hiệu đối với các tội danh này là một lần nữa khẳng định được quyết tâm xử lý tội phạm cũng như tạo được niểm tin ở nhân dân.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền