Hòa giải là một nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự, Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của BLTTDS. Tuy nhiên, trong quá trình hòa giải, các Tòa án có nhiều vướng mắc ngay từ những quy định của BLTTDS. Trong báo cáo mới đây của TANDTC trình UBTVQH, những vấn đề vướng mắc đó đã được phản ánh khá đầy đủ.
Về những vụ án không hòa giải được
Điều 207 BLTTDS quy định những vụ án không tiến hành hòa giải được, trong đó khoản 2 quy định “vì có lý do chính đáng”, tuy nhiên cho đến nay chưa có văn bản nào hướng dẫn thế nào được coi là lý do chính đáng, dẫn đến khó khăn, lúng túng cho Thẩm phán khi giải quyết.
Khoản 4 điều luật này quy định những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được do một trong các bên đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải. Vấn đề đặt ra là trong trường hợp ngay sau khi nộp đơn khởi kiện, đương sự có đề nghị không tiến hành hòa giải thì Tòa án có tiến hành các thủ tục thông báo phiên hòa giải như các vụ án thông thường hay không? Mặt khác, căn cứ vào quy định này, thực tế cho thấy nhiều đương sự ngại đi lại tốn kém nên đề nghị không hòa giải, dẫn đến vụ án không hòa giải được.
Thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải
Khoản 1 Điều 208 BLTTDS quy định: Thẩm phán tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải giữa các đương sự. Trước khi tiến hành phiên họp, Thẩm phán phải thông báo cho đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về thời gian, địa điểm tiến hành phiên họp và nội dung của phiên họp; và theo khoản 1 Điều 207 về những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được quy định: Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
Theo đó, đối với đương sự không có mặt tại phiên hòa giải theo Thông báo phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải của Tòa án lần đầu thì BLTTDS chưa quy định rõ phiên hòa giải tiếp theo sẽ được tiến hành trong thời hạn bao lâu? Số lần hòa giải tối đa là bao nhiêu lần? Chính vì quy định chung chung như vậy nên Thẩm phán lúng túng khi giải quyết.
Không ít trường hợp, các đương sự lợi dụng sự vắng mặt để trì hoãn việc giải quyết, dẫn đến vụ án bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự phía bên kia.
Khoản 3 Điều 208 quy định: Đối với vụ án hôn nhân và gia đình … khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án. Để xác định thế nào là cần thiết thì phụ thuộc vào ý chí chủ quan của Thẩm phán. Điều này dẫn đến tình trạng có thể viện dẫn pháp luật không thống nhất. Do đó, các Tòa án thấy cần có hướng dẫn cụ thể để xác định tính cần thiết khi áp dụng quy định này để giải quyết các vụ án hôn nhân, gia đình.
Thành phần phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải
Khoản 2 Điều 209 quy định: Trường hợp cần thiết, Thẩm phán yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan tham gia phiên họp… Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì những cơ quan , tổ chức, cá nhân liên quan là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án, họ cũng là đương sự trong vụ án dân sự, nên theo quy định của khoản 1 Điều 209, họ đương nhiên là thành phần tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Cho nên, để áp dụng khoản 2 Điều này thì cần có hướng dẫn cụ thể về “cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan”.
Khoản 3 Điều 209 quy định: Trong vụ án có nhiều đương sự mà có đương sự vắng mặt, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành phiên họp và việc tiến hành phiên họp đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành phiên họp giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên họp.
Như vậy, điều luật chỉ quy định “có đương sự vắng mặt” mà không quy định tối đa số lần đương sự được vắng mặt có lý do chính đáng hoặc đương sự vắng mặt không có lý do chính đáng thì Tòa án xử lý như thế nào. Luật cũng không quy định trường hợp các đương sự đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai tới phiên hòa giải mà vẫn vắng mặt (tương tự như quy định về sự có mặt của các đương sự tại phiên tòa) thì bị coi là hòa giải không thành… Từ đó dẫn đến không ít các trường hợp các đương sự lạm dụng sự vắng mặt để trì hoãn việc giải quyết vụ án.
Thời hạn lấy ý kiến các đương sự vắng mặt và ra quyết định công nhận hòa giải thành của các đương sự cũng chưa được quy định. “Nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên họp”, trường hợp này chỉ cần một bên đương sự có mặt yêu cầu hoãn hay tất cả các đương sự có mặt yêu cầu thì Thẩm phán mới hoãn phiên hòa giải? Việc hoãn này diễn ra bao nhiêu lần? Có không chế số lần không? Những vấn đề này đều chưa có hướng dẫn.
BLTTDS cũng chưa có hướng dẫn thế nào là “không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt”.
Khoản 3 Điều 209 có áp dụng đối với việc vắng mặt của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hay không, hiện cũng chưa được áp dụng thống nhất.
Trình tự phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải
Theo quy định tại Điều 210 thì Thẩm phán phải tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ trước, sau đó mới tiến hành hòa giải. Vấn đề đặt ra là giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải tiến hành trong cùng một ngày được không? Nếu Thẩm phán chưa mở phiên họp giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ đã tiến hành hòa giải trước; sau một thời gian thu thập chứng cứ mới tiến hành việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ thì có vị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hay không?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 210 thì trong trường hợp người được Tòa án triệu tập vắng mặt thì Tòa án thông báo kết quả phiên họp cho họ biết, nhưng chưa quy định trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ khi mở phiên họp thì Tòa phải ra thông báo.
BLTTDS quy định hoãn phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải khi đương sự vắng mặt, nhưng không quy định trong thời hạn bao lâu thì mở lại và cũng không quy định một vụ án phải hòa giải bao nhiêu lần.
Ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự
Tại phiên hòa giải đối với vụ án dân sự, có nhiều mối quan hệ tranh chấp, các đương sự thỏa thuận tự giải quyết một quan hệ tranh chấp, không yêu cầu Tòa án giải quyết và hòa giải thành toàn bộ các yêu cầu khác và các vấn đề phải giải quyết trong vụ án ( án phí, chi phí tố tụng…) thì Tòa án phải giải quyết những trường hợp này như thế nào, có ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hay không? Nếu được thì có ghi trong Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự là các đương sự thỏa thuận, tự giải quyết, không yêu cầu Tòa án giải quyết hay không?
Thời hạn lấy ý kiến các đương sự trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 212 là bao nhiêu ngày, đương sự không thể hiện ý kiến bằng văn bản thì việc không có ý kiến có được hiểu là đồng ý để ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự hay không? Thời hạn để Tòa án ra quyết định là bao lâu?
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự
Trường hợp người khởi kiện yêu cầu ly hôn, chia tài sản chung khi ly hôn, nguyên đơn đã nộp tiền tạm ứng án phí ly hôn và tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm phần yêu cầu chia tài sản chung đã thỏa thuận: Về quan hệ hôn nhân, thuận tình ly hôn; về tài sản chung, tự phân chia; nguyên đơn xin rút yêu cầu chia tài sản chung, thì khi ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn, Tòa án có được căn cứ điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS để đình chỉ đối với yêu cầu chia tài sản chung và tuyên hoàn lại tiền tạm ứng án phí cho đương sự hay không?
Về nghĩa vụ án phí sơ thẩm
Theo Điều 147 thì các đương sự thỏa thuận với nhau về giải quyết toàn bộ vụ án thì mức án phí hòa giải thành mỗi bên phải chịu 25%. Tuy nhiên, nguyên đơn sẽ không chấp nhận 25% án phí hòa giải thành vì khi xét xử họ không phải chịu án phí cho nên để hòa giải thành thì bị đơn phải tự nguyện chịu phần án phí của nguyên đơn. Do đó, có trường hợp bị đơn thuộc hộ nghèo thì phần án phí họ phải chịu được miễn toàn bộ, nhưng phần họ tự nguyện chịu cho nguyên đơn thì không được miễn, trong khi đó, trường hợp Tòa án đưa vụ án ra xét xử thì bị đơn được miễn toàn bộ vì họ là cá nhân có sổ hộ nghèo, từ đó dẫn đến hạn chế hòa giải thành đối với các trường hợp nêu trên.
Hòa giải lại sau khi giám đốc thẩm hủy án sơ thẩm
Theo quy định tại khoản 3 Điều 308 thì một trong những thẩm quyền của HĐXX phúc thẩm là “Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm”. Như vậy, đối với bản án sơ thẩm bị hủy một phần hoặc toàn bộ để chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án thì Tòa án cấp sơ thẩm phải giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, vấn đề đặt ra là có cần tiến hành hòa giải lại hay không? Đây là vấn đề rất cần quy định rõ.
Thực tế có một số Tòa án tiến hành hòa giải lại, một số Tòa án không hòa giải lại vì cho rằng tổ chức hòa giải không hiệu quả với lập luận rằng, khi vụ án kéo dài như vậy thường mâu thuẫn giữa các bên rất trầm trọng và họ không chấp nhận hòa giải với nhau. Do đó, hòa giải chỉ làm kéo dài thời gian, gây tốn kém kinh phí của Nhà nước và các bên.
Hòa giải vụ án có yếu tố nước ngoài
Điều 476 về thông báo việc thụ lý, ngày mở phiên họp, phiên tòa thì khi gửi thông báo cho đương sự phải nêu rõ thời gian, địa điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Tuy nhiên, đối với vụ án có yếu tố nước ngoài thì việc ủy thác tư pháp có thể kéo dài và cũng chưa biết kết quả ủy thác tư pháp có thực hiện được không, vì có trường hợp hồ sơ ủy thác bị trả về. Cho nên việc ấn định thời gian trước là không phù hợp với thực tế.
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn)
Để lại một phản hồi