Giải pháp tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của Kiểm sát viên trong giải quyết án hình sự

Kiểm sát viên.jpg

Muốn bảo vệ tốt quan điểm truy tố của Viện kiểm sát, chúng ta phải có được một kết quả điều tra tốt, phải có được một hồ sơ điều tra hoàn thiện, không có vi phạm và phải rõ ràng về chứng cứ, để từ đó, trên cơ sở nắm chắc các quy định của pháp luật, Kiểm sát viên có đủ tự tin tranh luận với bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa, bảo vệ thành công các quan điểm đúng đắn của Viện kiểm sát.

 

Qua công tác thụ lý, giải quyết các vụ án hình sự theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, hàng năm, Vụ thực hành quyền công tố (THQCT) và kiểm sát xét xử hình sự (KSXXHS) Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao (Vụ 7) đã ban hành nhiều thông báo rút kinh nghiệm về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự để Viện kiểm sát địa phương, Viện kiểm sát cấp cao cùng nghiên cứu, tham khảo.

 

1. Những hạn chế, thiếu sót

Một là, trong một số trường hợp, Kiểm sát viên chưa phát hiện các vi phạm, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử để yêu cầu sửa chữa kịp thời

Chẳng hạn vụ án Hoàng Văn Ban, về tội “giết người” và “cố ý làm hư hỏng tài sản” ở Bình Phước.

Quá trình giải quyết vụ án có một số vi phạm, việc điều tra, truy tố, xét xử chưa đầy đủ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Kiểm sát viên đã không phát hiện được các vi phạm thiếu sót nêu trên để có biện pháp xử lý sớm từ giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. Qua công tác thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh (nay là TAND cấp cao) và Hội đồng Thẩm phán đã quyết định hủy các bản án phúc thẩm và sơ thẩm để điều tra lại. Ngày 28/11/2016, Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 7) Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông báo rút kinh nghiệm về việc giải quyết vụ án trên.

Hai là, Kiểm sát viên đưa ra các quan điểm xử lý chưa phù hợp với quy định của pháp luật: Ví dụ, vụ Phan Văn Trường và đồng phạm về tội “giết người” ở Quảng Trị. Trong vụ án này, Viện kiểm sát có thiếu sót khi truy tố các bị cáo không áp dụng tình tiết tăng nặng “có tính chất côn đồ” và chưa xem xét, làm rõ vai trò đồng phạm. Tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên có quan điểm chưa phù hợp khi cho rằng cấp sơ thẩm đã xét xử đúng với hành vi nguy hiểm của các bị cáo và không đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự của bốn đối tượng nêu trên.

Nguyên nhân những thiếu sót, hạn chế của Kiểm sát viên qua các vụ án đã được thông báo rút kinh nghiệm nêu trên, có thể nhận thấy một số Kiểm sát viên chưa thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình, còn thụ động trong công tác THQCT và kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự, nên đã để xảy ra các vi phạm, thiếu sót trong công tác điều tra, xét xử vụ án. Một số chưa nhận thức đúng các quy định của pháp luật nên đề xuất quan điểm xử lý không phù hợp.

Vì vậy, cần phải tăng cường các biện pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của Kiểm sát viên trong thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, bao gồm cả kiểm sát điều tra, truy tố và kiểm sát xét xử.

2. Một số biện pháp tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của Kiểm sát viên trong giải quyết án hình sự

Thứ nhất, về mặt nhận thức, cần xác định rõ, muốn thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự thì vấn đề có tính chất quyết định là phải thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và truy tố đối với các bị can.

Quan điểm chủ đạo của Đảng coi Tòa án là trung tâm và việc xét xử là trọng tâm của cải cách tư pháp (Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020). Qua xét xử, Tòa án sẽ trực tiếp đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ án, quyết định sinh mệnh pháp lý của các đối tượng tội phạm, vì vậy, nó rất hệ trọng. Tuy nhiên, điều tra và truy tố là cơ sở cho việc xét xử, có điều tra, truy tố đúng đắn thì mới đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Mặt khác, trong quá trình giải quyết vụ án, tính chất, mức độ nghiêm trọng nhất của các vi phạm phần lớn lại nằm trong giai đoạn điều tra, như các ví dụ nêu trên đã thể hiện. Cho nên ngay trong giai đoạn điều tra, Kiểm sát viên phải thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của mình khi việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, phải đảm bảo công tố thực sự gắn với điều tra, đúng như yêu cầu của Đảng (Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI).

Thứ hai, Kiểm sát viên cần chủ động trao đổi với Điều tra viên việc phòng ngừa các vi phạm xảy ra hơn là để nó xảy ra, thậm chí gây hậu quả trên thực tế rồi mới phát hiện được và phải khắc phục, sửa chữa.

Để phòng ngừa được các vi phạm xảy ra thì yêu cầu việc điều tra phải tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật, phải chấp hành nghiêm ngặt các quy định của pháp luật tố tụng hình sựluật hình sự trong từng thao tác nghiệp vụ cụ thể. Trường hợp chưa phòng ngừa được vi phạm, Kiểm sát viên cần chủ động xem xét, phát hiện kịp thời các vi phạm, thiếu sót trong việc điều tra ngay sau khi nó xảy ra thì việc khắc phục, sửa chữa các vi phạm này sẽ đơn giản hơn rất nhiều, nếu như để đến khi vụ án đã kết thúc điều tra, chuyển đến Viện kiểm sát, hơn nữa đã qua xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và thậm chí để đến cấp giám đốc thẩm mới phát hiện được thì việc khắc phục, sửa chữa sẽ khó khăn gấp bội phần, thậm chí có trường hợp không thể khắc phục được.

Thứ ba, trong giai đoạn xét xử, Kiểm sát viên phải thực sự nghiêm túc kiểm tra lại toàn bộ việc điều tra, truy tố vụ án. Trong cơ chế thông khâu, việc kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử vụ án do cùng một Kiểm sát viên thực hiện. Điều này rất thuận lợi cho Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án tại phiên tòa vì đã nắm chắc vụ án từ giai đoạn điều tra. Tuy nhiên, Kiểm sát viên cần hết sức tránh tâm lý chủ quan, xuôi chiều với kết quả điều tra, dẫn đến việc không phát hiện được những vi phạm, thiếu sót trong công tác điều tra và truy tố vụ án.

Khi vụ án còn những vi phạm, thiếu sót nhưng đã được truy tố chuyển hồ sơ cho Tòa án thì hoặc Tòa án sẽ trả lại Viện kiểm sát để điều tra bổ sung hay điều tra lại, do Tòa án hay người tham gia tố tụng phát hiện được vi phạm hoặc Tòa án sẽ đưa ra một phán quyết sai trái nếu như không phát hiện được các vi phạm đó. Cho đến cấp phúc thẩm, nếu Kiểm sát viên, Tòa án, người tham gia tố tụng cũng không phát hiện được các vi phạm thì lại tiếp tục có một bản án phúc thẩm sai trái.

Vì vậy, Kiểm sát viên khi làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án phải chủ động và thận trọng rà soát, kiểm tra lại để phát hiện các vi phạm, thiếu sót trong quá trình điều tra, truy tố và có biện pháp xử lý phù hợp. Trường hợp có vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính khách quan, đúng đắn trong việc giải quyết vụ án thì chủ động đề xuất với Lãnh đạo Viện, yêu cầu Tòa án trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc điều tra lại, khắc phục, sửa chữa vi phạm đó, như hai vụ án nêu trên.

Kết quả điều tra, truy tố vụ án cũng chính là sản phẩm của Kiểm sát viên trong công tác kiểm sát điều tra, nếu Kiểm sát viên bảo thủ theo ý chủ quan của mình từ trước thì rất dễ để lại những sai lầm đáng tiếc, cho nên Kiểm sát viên cần thật sự cầu thị và nhạy cảm, đứng ở các góc nhìn khác nhau mà xem xét thì mới phát hiện được các vi phạm, thiếu sót trong việc điều tra, truy tố vụ án để sửa chữa.

Thứ tư, Kiểm sát viên hết sức tránh việc đưa ra các quan điểm xử lý sai lầm, không có căn cứ hoặc trái với quy định của pháp luật. Đây là vấn đề tối kỵ, vì Kiểm sát viên là người đại diện cho Viện kiểm sát có chức năng THQCT, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra, xét xử vụ án, là người giám sát, yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đúng theo quy định của pháp luật mà lại đưa ra các quan điểm sai trái thì sẽ rất ảnh hưởng đến uy tín, khó giành được sự tôn trọng thực sự của các cơ quan tiến hành tố tụng và công luận nói chung. Trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đơn giản đi theo các quan điểm sai trái của Viện kiểm sát thì việc giải quyết vụ án càng sai lầm nguy hại.

Muốn đưa ra các quan điểm đúng đắn, hợp tình, hợp lý thì Viện kiểm sát phải cùng với Cơ quan điều tra thực hiện đúng quy định của pháp luật để điều tra đầy đủ, khách quan, toàn diện đối với vụ án, hồ sơ vụ án phải đủ độ tin cậy để xem xét tại phiên tòa. Quá trình điều tra có nhiều vi phạm, thiếu sót, chứng cứ không đầy đủ, mâu thuẫn, không đảm bảo tính xác thực thì không thể có được những quan điểm chính xác và toàn diện về vụ án. Mặt khác, Kiểm sát viên phải thực sự chịu khó, kiên trì nghiên cứu, cập nhật để nắm chắc các kiến thức pháp luật, phải nhận thức đúng đắn về các quy định của pháp luật để áp dụng sao cho đúng nguyên tắc, song có sự linh hoạt cần thiết, tránh máy móc cứng nhắc.

Thứ năm, cần xác định và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quan trọng trong công tác THQCT, kiểm sát xét xử tại các phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm là bảo vệ cáo trạng, bảo vệ quan điểm truy tố của Viện kiểm sát.

Trong nhiều năm qua, mặc dù về cơ bản chúng ta vẫn thực hiện mô hình tố tụng thẩm vấn, song các yếu tố tranh tụng đã và sẽ được áp dụng nhiều hơn, nhất là trong việc xét xử vụ án tại phiên tòa, quy mô, tính chất, mức độ tranh tụng sẽ ngày càng mở rộng và phức tạp hơn nhiều. Điều đó đòi hỏi bản lĩnh, kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa phải được nâng cao hơn bao giờ hết.

Mặc dù tranh tụng sẽ phức tạp hơn, song nhiệm vụ bảo vệ cáo trạng thì vẫn vậy, Kiểm sát viên không vì thế mà dễ dàng từ bỏ mục tiêu bảo vệ quan điểm truy tố của Viện kiểm sát.

Muốn bảo vệ tốt quan điểm truy tố của Viện kiểm sát, chúng ta phải có được một kết quả điều tra tốt, phải có được một hồ sơ điều tra hoàn thiện, không có vi phạm và phải rõ ràng về chứng cứ, để từ đó, trên cơ sở nắm chắc các quy định của pháp luật, Kiểm sát viên có đủ tự tin tranh luận với bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa, bảo vệ thành công các quan điểm đúng đắn của Viện kiểm sát.

(Trích bài viết: “Nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của Kiểm sát viên trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự” của Thạc sĩ Phạm Văn An, Phó Vụ trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 7), Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tạp chí Kiểm sátS số 15/2017).

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền