Đề thi môn Pháp luật về chủ thể kinh doanh và phá sản – ĐH Luật TP.HCM

Chuyên mụcĐề thi Luật, Pháp luật về chủ thể kinh doanh và phá sản Đề thi môn pháp luật về chủ thể kinh doanh và phá sản

Tổng hợp Đề thi môn pháp luật về chủ thể kinh doanh và phá sản của Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh năm học 2018. 2019. Xin chia sẻ để các bạn tham khảo.

ĐỀ THI MÔN;

PHÁP LUẬT VỀ CHỦ THỂ KINH DOANH VÀ PHÁ SẢN 

LỚP: TM42A, DS42A, QT42A

Thời gian làm bài: 75 phút

Sinh viên chỉ được sử dụng văn bản quy phạm pháp luật.

Câu 1: (5 điểm)

Các nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích tại sao?

  1. Giám đốc hợp tác xã có thể là người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã đó.
  2. Giảng viên của trường Đại học có thể làm thành viên hội đồng thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên.
  3. Các hợp đồng của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán được ký kết trong thời gian 2 năm trước ngày tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đều bị vô hiệu. 
  4. Có cổ thì không dự họp Đại hội đồng Cổ đông.
  5. Số vốn điều lệ của công ty TNHH hai thành viên trở lên khi đăng ký doanh nghiệp luôn bằng với số vốn điều lệ sau thời điểm đăng ký doanh nghiệp.

Câu 2: (5 điểm)

Công ty cổ phần X (Công ty X) được thành lập vào ngày 8/8/2016, đặt trụ sở chính tại quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

1. Ngày 31/7/2017, ông A (một cổ đông sáng lập của Công ty X) muốn chuyển nhượng 75.000 cổ phần phổ thông cho bạn mình là ông B. Tuy nhiên, trước đó ông B đã bị tòa án ra quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Hỏi: ông A có được chuyển nhượng số cổ phần trên cho ông B hay không? Vì sao?

2. Ngày 13/10/2018, Công ty Y gửi công văn yêu cầu Công ty X trả cho công ty số tiền nợ là 5 tỷ đồng. Do đang gặp khó khăn về tài chính cho nên ngày 15/10/2018, Công ty X gửi công văn tới Công ty Y xin gia hạn thời gian trả nợ đến hết tháng 11/2 1018.

Tuy nhiên, công ty không chấp nhận và đã nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản đối với Công ty X.

Hỏi:

Công ty có quyền nộp đơn đề nghị tòa án mở thủ tục phá sản đối với Công ty X không? Giả sử công ty có quyền nộp đơn thì sẽ nộp đơn đến tòa án nào?

Đề thi môn pháp luật về chủ thể kinh doanh và phá sản - ĐH Luật TP.HCM
Ảnh: Trương Tuấn Đạt‎ / Group Ngân Hàng Đề Thi HCMULAW
Đề thi môn pháp luật về chủ thể kinh doanh và phá sản - ĐH Luật TP.HCM 2
Ảnh: Trương Tuấn Đạt‎ / Group Ngân Hàng Đề Thi HCMULAW

Đề thi môn pháp luật chủ thể kinh doanh lớp Thương mại 38B. Dân sự 38B. Quốc tế 38B trường ĐH Luật TPHCM

Thời gian làm bài: 90 phút

Sinh viên chỉ được sử dụng văn bản quy phạm pháp luật.

ĐỀ BÀI:

Câu 1: (4 điểm)

Anh chị hãy cho biết những nhận định sau đây là Đúng hay Sai? Vì sao?

1. Người thừa kế của thành viên hợp danh chỉ có thể trở thành thành viên hợp danh của công ty nếu được tất cả các thành viên hợp danh còn lại đồng ý.

2. Cổ đông ưu đãi biểu quyết trong CTCP không có quyền chuyển nhượng cổ phần.

3. Mọi trường hợp tăng vốn điều lệ cty TNHH hai thành viên trở lên đều làm thay đổi phần vốn góp của các thành viên trong cty.

4. Chủ nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị ra quyết định mở thủ tục phá sản không có quyền xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đó.

Câu 2: (2 điểm)

Anh chị hãy cho 4 ví dụ về các hình thức của điều kiện kinh doanh?

Câu 3: (4 điểm)

Anh chị hãy cho biết ý kiến của mình về những tình huống sau đây:

1. Ông Trung đang là thành viên của HTX thương mại dịch vụ Vĩnh Tiến có trụ sở tại huyện Nhà Bè, TP.HCM. Tháng 3/2014, trên địa bàn huyện Nhà Bè có thêm 1 HTX mới được thành lập. Ông Trung làm đơn gia nhập vào HTX mới này nhưng không được Đại hội thành viên của HTX này chấp nhận với lý do ông Trung chỉ có thể lựa chọn để làm thành viên của một HTX mà thôi.

2. Ông Thuận là giám đốc cty hợp danh Thuận Hải. Tháng 03.2013 ông Thuận nhận chuyển nhượng phần vốn góp của bà Mai là thành viên của Cty TNHH thương mại, dịch vụ Hòa Bình. Sau đó, bà Mai được bổ nhiệm làm giám đốc cty này. Ông Tùng, một thành viên khác của Cty TNHH thương mại, dịch vụ Hòa Bình không đồng ý với việc bổ nhiệm này nên đã yêu cầu Cty mua lại phần vốn góp của mình.

3. Cty TNHH Bình Minh có trụ sở tại Quận Tân Bình, TP.HCM. Ngày 10.01.2012 theo yêu cầy của một chủ nợ không có bảo đảm của Cty. Tòa án nhân dân TPHCM đã ra quyết định thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và đến ngày 08.02.2012, Tòa án này ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với Cty TNHH Bình Minh. Ngày 10.02.2012, Ngân hàng A là chủ nợ có bảo đảm của Cty TNHH Bình Minh yêu cầu Tòa án xử lý tài sản có bảo đảm để thu hồi khoản nợ đã đến hạn nhưng Tòa án không đồng ý với lý do việc thu hồi này chỉ được thực hiện khi Tòa án mở thủ tục thanh lý tài sản đối với Cty.

ĐÁP ÁN GỢI Ý

Câu 1: Nhận định

1. Người thừa kế của thành viên hợp danh chỉ có thể trở thành thành viên hợp danh của công ty nếu được tất cả các thành viên hợp danh còn lại đồng ý.

Nhận định sai. Người thừa kế của thành viên hợp danh để trở thành thành viên hợp danh của công ty thì không nhất thiết cần sự đồng ý của các thành viên hợp danh còn lại. Điểm h khoản 1 Điều 176 LDN 2014 có quy định: Người thừa kế có thể trở thành thành viên hợp danh nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận”. Khoản 3 Điều 177 LDN 2014 có quy định:

Hội đồng thành viên có quyền quyết định tất cả công việc kinh doanh của công ty. Nếu Điều lệ công ty không quy định thì quyết định các vấn đề sau đây phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên hợp danh chấp thuận:

(…) c) Tiếp nhận thêm thành viên hợp danh mới.

Như vậy, điều kiện để người thừa kế của thành viên hợp danh có thể trở thành thành viên hợp danh của công ty là chỉ cần được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên hợp danh chấp thuận.

2. Cổ đông ưu đãi biểu quyết trong CTCP không có quyền chuyển nhượng cổ phần.

Nhận định đúng. Khoản 3 Điều 116 LDN 2014 có quy định: Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác”. Như vậy, cổ đông ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết. Theo khoản 3 Điều 113 LDN 2014 thì sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông. Như vậy, sau 03 năm thì cổ đông ưu đãi biểu quyết có thể chuyển nhượng cổ phần của mình vì lúc này cổ phần ưu đãi biểu quyết đã chuyển thành cổ phần phổ thông, theo điểm d khoản 1 Điều 114 LDN 2014 thì cổ đông phổ thông có quyền “tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 119 và khoản 1 Điều 126 của Luật này”. Tóm lại, cổ đông ưu đãi biểu quyết không có quyền chuyển nhượng cổ phần với điều kiện là 03 năm kể từ ngày CTCP được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Ý kiến khác:

Câu 1.2. Cổ đông ưu đãi biểu quyết trong CTCP không có quyền chuyển nhượng cổ phần.

=> Nhận định sai.

Theo khoản 3 Điều 116 LDN 2014, cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác. Luật chỉ không cho chuyển nhượng “cổ phần đó” mà không cấm các cổ phần khác. Một cổ đông có thể sở hữu nhiều loại cổ phần cùng lúc, chẳng hạn sở hữu cổ phần ưu đãi và cổ phần phổ thông thì cổ đông này vẫn có quyền chuyển nhượng cổ phần (đối với cổ phần phổ thông).
Theo khoản 3 Điều 113 LDN 2014, ưu đãi biểu quyết chỉ có hiệu lực trong 3 năm, sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông. Khi đó, có thể chuyển nhượng cổ phần do đã chuyển đổi thành cổ phần phổ thông. Theo điểm d, khoản 1 Điều 114 LDN 2014, cổ đông phổ thông được tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác.

Tác giả: Trương Thị Mỹ Tiên

3. Mọi trường hợp tăng vốn điều lệ của CT TNHH hai thành viên trở lên đều làm thay đổi phần vốn góp của các thành viên trong CT.

Nhận định sai. Khoản 1 Điều 68 LDN 2014 có quy định công ty có thể tăng vốn điều lệ trong hai trường hợp là tăng vốn góp của thành viên và tiếp nhận vốn góp của thành viên mới. Chỉ có trường hợp tăng vốn điều lệ bằng cách tiếp nhận vốn góp của thành viên mới mới làm thay đổi phần vốn góp của các thành viên trong công ty vì lúc này công ty sẽ xuất hiện thành viên mới kéo theo tỷ lệ vốn góp ban đầu sẽ thay đổi theo. Về trường hợp tăng vốn điều lệ bằng cách tăng vốn góp của thành viên, khoản 2 Điều 68 LDN 2014 có quy định: Trường hợp tăng vốn góp của thành viên thì vốn góp thêm được phân chia cho các thành viên theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty.. Như vậy, tỷ lệ vốn góp giữa các thành viên sẽ không có sự thay đổi trong trường hợp này.

Ý kiến khác:

Câu 1.3. Mọi trường hợp tăng vốn điều lệ của CT TNHH 2 thành viên trở lên đều làm thay đổi phần vốn góp của các thành viên trong công ty.

=> Nhận định sai.

Theo khoản 1 Điều 68 LDN 2014, thì có thể tăng vốn góp của thành viên và tiếp nhận vốn góp của thành viên mới. Trường hợp tiếp nhận vốn góp của thành viên mới sẽ làm thay đổi phần vốn góp của các thành viên do có thêm thành viên mới kéo theo tỉ lệ vốn góp của các thành viên thay đổi. Theo khoản 2 Điều 68 LDN 2014, trường hợp tăng vốn góp của thành viên thì vẫn có thể làm thay đổi phần vốn góp của các thành viên nếu có thành viên không góp thêm vốn. Khi đó, số vốn góp thêm đó được chia cho các thành viên khác theo tỷ lệ tương ứng, lúc này cũng có sự thay đổi tỉ lệ vốn góp của các thành viên.

Tác giả: Trương Thị Mỹ Tiên

4. Chủ nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị ra quyết định mở thủ tục phá sản không có quyền xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đó.

Nhận định đúng. Khoản 1 Điều 87 LPS 2014 có quy định:

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh (…)

Như vậy, chủ thể có quyền xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Hội đồng chủ nợ chỉ có quyền đưa ra nghị quyết đề nghị áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh chứ không trực tiếp xây dựng phương án phục hồi.

Câu 2:  Anh/chị hãy cho 4 ví dụ về các hình thức của điều kiện kinh doanh

Câu 3: Tình huống

1. Ông Trung đang là thành viên của HTX thương mại dịch vụ Vĩnh Tiến có trụ sở tại huyện Nhà Bè, TP. HCM. Tháng 3/2014, trên địa bàn huyện Nhà Bè có thêm 1 HTX mới được thành lập. Ông Trung làm đơn gia nhập vào HTX mới này nhưng không được Đại hội thành viên của HTX này chấp nhận với lý do ông Trung chỉ có thể lựa chọn để làm thành viên của một HTX mà thôi.

Việc Đại hội thành viên của HTX mới không chấp nhận cho ông Trung gia nhập vào HTX với lý do ông Trung chỉ có thể lựa chọn để làm thành viên của một HTX là không đúng với quy định của pháp luật. Khoản 3 Điều 13 LHTX 2012 có quy định: Cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân có thể là thành viên của nhiều hợp tác xã”. Như vậy, luật không giới hạn số lượng hợp tác xã mà một người có thể tham gia. Do đó, ông Trung có thể vừa là thành viên của HTX Vĩnh Tiến, vừa có thể trở thành thành viên của HTX mới.

2. Ông Thuận là Giám đốc CT hợp danh Thuận Hải. Tháng 3/2013, ông Thuận nhận chuyển nhượng phần vốn góp của bà Mai là thành viên CT TNHH thương mại, dịch vụ Hòa Bình. Sau đó, bà Mai được bổ nhiệm làm Giám đốc CT này. Ông Tùng, một thành viên khác của CT TNHH thương mại, dịch vụ Hòa Bình không đồng ý với việc bổ nhiệm này nên đã yêu cầu CT mua lại phần vốn góp của mình.

Bà Mai muốn chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại CT THNN Hòa Bình thì phải tuân thủ trình tự được quy định tại khoản 1 Điều 53 LDN 2014. Theo đó, trước tiên, bà phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện theo khoản 1 Điều 53. Nếu các thành viên trong công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 ngày thì bà mới được chuyển nhượng với cùng điều kiện chào bán đối với các thành viên còn lại quy định tại điểm a khoản này cho người không phải là thành viên theo khoản 2 Điều 53, cụ thể trong trường hợp này là chuyển nhượng cho ông Thuận.

Việc ông Thuận là Giám đốc CT hợp danh Thuận Hải nhận chuyển nhượng phần vốn góp của bà Mai là không đúng theo quy định của pháp luật. Trong cơ cấu tổ chức, hoạt động của công ty hợp danh thì theo khoản 3 Điều 177 LDN 2014 có quy định: Hội đồng thành viên có quyền quyết định tất cả công việc kinh doanh của công ty”. Như vậy, việc nhận chuyển nhượng phần vốn góp phải được Hội đồng thành viên quyết định chứ không phải cá nhân ông. Đây là quyết định về việc nhận chuyển nhượng phần vốn góp, không thuộc những trường hợp được nêu tại khoản 3 Điều 177, vì vậy cần áp dụng khoản 4 Điều 177 LDN 2014 để xem xét điều kiện để Hội đồng thành viên thông qua vấn đề này. Theo đó, “quyết định về các vấn đề khác không quy định tại khoản 3 Điều này được thông qua nếu được ít nhất hai phần ba tổng số thành viên hợp danh tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định. Nếu ít nhất 2/3 tổng số thành viên hợp danh tán thành thì việc chuyển nhượng phần vốn góp mới được thông qua.

Khoản 1 Điều 52 LDN 2014 có quy định về các vấn đề thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình, nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết của Hội đồng thành viên:

“a) Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;

b) Tổ chức lại công ty;

c) Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.”

Trong trường hợp này, ông Tùng không đồng ý với việc bổ nhiệm bà Mai làm Giám đốc, nếu Điều lệ công ty có quy định về trường hợp người không đồng ý với việc bổ nhiệm chức vụ quản lý, thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình thì yêu cầu của ông Tùng mới được chấp thuận.

3. CT TNHH Bình Minh có trụ sở tại quận Tân Bình, TP. HCM. Ngày 10/01/2012 theo yêu cầu của một chủ nợ không có bảo đảm của CT, Tòa án nhân dân TP. HCM đã ra quyết định thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Đến ngày 08/02/2012, Tòa án này ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với CT TNHH Bình Minh. Ngày 10/02/2012, Ngân hàng A là chủ nợ có bảo đảm của CT TNHH Bình Minh yêu cầu Tòa án xử lý tài sản có bảo đảm để thu hồi khoản nợ đã đến hạn nhưng Tòa án không đồng ý với lý do việc thu hồi này chỉ được thực hiện khi Tòa án mở thủ tục thanh lý tài sản đối với CT.

Việc Tòa án ra quyết định thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo yêu cầu của chủ nợ không có bảo đảm của công ty là đúng với quy định của pháp luật. Khoản 1 Điều 5 LPS 2014 thì chủ nợ không có bảo đảm có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Đến ngày 08/02/2012, Tòa án này ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với CT TNHH Bình Minh là phù hợp với quy định của pháp luật. Khoản 1 Điều 42 LPS 2014 có quy định: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản. Ngày thụ lý đơn là ngày 10/01/2012, ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản là ngày 08/02/2012 tức còn trong thời hạn 30 ngày mà điều luật trên đề cập.

Ngân hàng A là chủ nợ có bảo đảm của CT Bình Minh không có quyền yêu cầu Tòa án xử lý tài sản có bảo đảm để thu hồi khoản nợ đã đến hạn. Chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án xử lý tài sản có bảo đảm được quy định tại khoản 1 Điều 53 LPS 2014 là “quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Đề thi môn Chủ thể kinh doanh và phá sản năm 2017 lớp Hình sự 39B trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

Thời gian làm bài: 75 phút

Được sử dụng văn bản quy phạm pháp luật

Câu hỏi nhận định đúng sai (7 điểm)

Những nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích tại sao?

Nhận định 1

Tất cả những cá nhân thuộc đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp đều không thể trở thành thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

Nhận định 2

Thành viên công ty TNHH 2 thành viên trở lên chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã góp đới với các nghĩa vụ tài chính của công ty.

Nhận định 3

Số thành viên độc lập phải bằng ít nhất 20% tổng số thành viên Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần.

Nhận định 4

Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng sau thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Nhận định 5

Hợp đồng có giá trị lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty cổ phần phải được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận.

Nhận định 6

Thời gian để thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh là không quá 03 năm kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.

Nhận định 7

Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ được thông qua khi có quá nửa số chủ nợ có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số nợ biểu quyết tán thành.

Câu hỏi bài tập tình huống (3 điểm)

Công ty cổ phần VT được thành lập ngày 19/8/2002. Cổ đông sáng lập gồm 7 người là ông Khuê, bà Ngấn và các ông bà Long, Chiến, Minh, Cúc, Nhường. Người đại diện theo pháp luật là ông Khuê, chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Giám đốc công ty.

Ngày 19/8/2005, ông Khuê có đơn gửi HĐQT xin nghỉ việc. Rút khỏi vị trí Giám đốc và đề nghị HĐQT bổ nhiệm Giám đốc mới để điều hành và làm người đại diện theo pháp luật của Công ty.

Ngày 27/8/2005, HĐQT đã họp để bàn về việc thay đổi Giám đốc nhưng chưa ra quyết định chính thức.

Ngày 01/9/2005, bốn trong bảy thành viên HĐQT gồm các ông bà: bà Ngấn, Nhường, Cúc, Chiến đã tự họp bầu bà Ngấn làm Giám đốc Công ty và đã ký biên bản bàn giao con dấu, tài liệu cho bà Ngấn.

Thông tin bổ sung:

Trong GCN đăng ký kinh doanh của Công ty, ông Khuê vẫn là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc.

Theo ông Khuê thì do bà Ngấn có nhiều hành vi vi phạm pháp luật và Điều lệ Công ty, gây thiệt hại cho Công ty. Nên ngày 9/11/2007, ông Khuê khởi kiện bà Ngấn. Yêu cầu Tòa án xác định xác định ông vẫn là người đại diện theo pháp luật của Công ty, buộc bà Ngấn phải trả lại con dấu cho ông quản lý sử dụng.

Bà Ngấn không chấp nhận các yêu cầu này, cho rằng bà là Giám đốc hợp pháp, là người đại diện theo pháp luật của Công ty, đồng thời đến nay, HĐQT Công ty đã hết nhiệm kỳ, bản thân ông Khuê có nhiều sai phạm nghiêm trọng, từ bỏ vai trò quản lý Công ty cần phải bị bãi nhiệm.

Đề thi môn pháp luật chủ thể kinh doanh lớp Thương mại khóa 40 trường ĐH Luật TPHCM, ra thi ngày 17/12/2016

Thời gian làm bài 90 phút

Sinh viên chỉ được sử dụng VBQPPL khi làm bài thi

I. Các nhận định sau đây đúng hay sai? Tại sao? (4 điểm)

1. Khi chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì doanh nghiệp tư nhân bắt buộc phải giải thể.

2. Chỉ có cổ đông phổ thông mới có quyền ưu tiên mua cổ phần mới phát hành của công ty.

3. Các chủ sở hữu của công ty đều có quyền yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản khi công ty lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán.

4. Thành viên hợp danh có quyền đại diện cho công ty trong các quan hệ với bên thứ ba.

II. Bài tập 1 (4 điểm)

Hội đồng quản trị (HĐQT) của CTCP Khánh Ngọc có 7 thành viên. HĐQT này họp để xem xét quyết định một số vấn đề sau:

Thứ nhất, Quyết định chào bán 400.000 cổ phần chưa bán trong số cổ phần được quyền chào bán của công ty đồng thời quyết định phát hành 700.000 trái phiếu với mệnh giá 1.000.000 đồng với thời hạn 3 năm để huy động vốn.

Thứ hai, Xem xét miễn nhiệm tư cách thành viên hội đồng quản trị đối với ông Quyền vì ông này đã không tham gia các hoạt động của Hội đồng quản trị trong 6 tháng liên tục.

Giả định rằng: Điều lệ công ty cổ phần Khánh Ngọc không có quy định khác. Bằng các quy định của LDN 2014:

1. Anh chị hãy cho biết những việc mà HĐQT công ty này dự định thực hiện có phù hợp với quy định của pháp luật không? Vì sao?

2. Giả sử tại cuộc họp có 4 thành viên HĐQT dự họp, 2 thành viên không dự hợp có gửi phiếu biểu quyết (một người đồng ý với các nội dung của cuộc họp, một người phản đối) đến cuộc họp đúng quy định.

Khi thông qua nghị quyết (về những vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐQT) thì có 2 thành viên (một là Chủ tịch hội đồng, một là ủy viên của hội đồng quản trị) tại cuộc họp bỏ phiếu đồng ý, 2 thành viên tại cuộc họp bỏ phiếu không đồng ý.

Anh chị hãy cho biết cuộc họp HĐQT công ty này có được tiến hành hợp lệ không? Nghị quyết của HĐQT có được thông qua không? Vì sao?

III. Bài tập 2 (2 điểm)

Tháng 9 năm 2015 Tòa án nhân dân tỉnh C đã ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với CTCP A. Theo các giấy tờ đòi nợ gửi đến Tòa án đúng hạn, danh sách gồm 20 chủ nợ với tổng số nợ là 12.9 tỷ đồng. Cụ thể như sau:

1. Hai chủ nợ có bảo đảm với số nợ là 8 tỷ

2. Một chủ nợ có bảo đảm một phần với số nợ là 900 triệu, trong đó phần có bảo đảm là 700 triệu.

3. Mười bảy chủ nợ không có bảo đảm với tổng số nợ là 4 tỷ đồng.

Câu hỏi: Hội nghị chủ nợ được triệu tập thì anh chị hãy căn cứ vào danh sách chủ nợ để xác định điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ.

Đề thi môn pháp luật chủ thể kinh doanh lớp Quản trị kinh doanh khóa 40 trường ĐH Luật TPHCM, ra thi ngày 30/12/2016

Thời gian làm bài 90 phút

Sinh viên được sử dụng VBQPPL khi làm bài thi

Câu 1: (3 điểm)

Bằng các quy định của Luật Phá sản 2014, anh chị hãy chứng minh nhận định “Pháp luật phá sản có vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động”?

Câu 2: (4 điểm)

Những nhận định sau đây đúng hay sai, vì sao?

1. Tất cả cổ đông của công ty cổ phần đều có quyền thảo luận và biểu quyết tại cuộc học Đại hội đồng cổ đông của công ty đó.

2. Trong hợp tác xã, chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp điều lệ hợp tác xã có quy định khác.

3. Thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty khi nhận thấy công ty bị mất khả năng thanh toán.

4. Tòa án chỉ có thể triệu tập hội nghị chủ nợ sau khi đã ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã đó.

Câu 3: (3 điểm)

Công ty cổ phần An Phát được thành lập vào tháng 03/2015, có trụ sở tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Bà Mai là một cổ đông nắm giữ 15% tổng số cổ phần phổ thông, 10% tổng số cổ phần ưu đãi biểu quyết và 20% cổ phần ưu đãi cổ tức của công ty và được Hội đồng quản trị bầu làm Tổng giám đốc của công ty.

Anh chị hãy cho biết:

1. Bà Mai có thể góp vốn một công ty TNHH hai thành viên khác và giữ chức vụ Tổng giám đốc ở công ty phải không? Vì sao?

2. Giả sử công ty An Phát bị mất khả năng thanh toán, bà Mai có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với công ty này không? Nếu bà Mai có quyền, bà Mai phải nộp đơn đến tòa án nào?

Đề thi môn Chủ thể kinh doanh và phá sản năm 2017 lớp Dân sự 39 trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh

Thời gian làm bài: 90 phút

Sinh viên chỉ được sử dụng văn bản quy phạm pháp luật.

Câu 1: (3 điểm)

CTCP X đang có dự định bán một tài sản của Cty cho ông A là cổ đông sáng lập của cty và muốn bạn tư vấn những vấn đề pháp lý có liên quan theo quy định của LDN 2014.

Những thông tin bạn được cung cấp như sau:

1. Cty có 100.000 cổ phần trong đó ông A sở hữu 12% tổng cổ phần của Cty;

2. Cty không có cổ phần ưu đãi;

3. Điều lệ Cty không có quy định khác LDN 2014.

Câu 2: (4 điểm)

Những nhận định sau đây đúng hay sai, vì sao?

1. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú tại Việt Nam.

2. Chủ tịch HĐQT CTCP phải là cổ đông của Cty đó.

3. CTCP A có sở hữu 55% vốn ở Cty TNHH B thì Cty TNHH B không được mua cổ phần của CTCP A.

4. Thành viên Cty hợp danh phải là cá nhân.

Câu 3: (3 điểm)

Cty TNHH Hải Phong đầu tư 1 tỷ đồng thành lập Cty Hải Minh và cử 3 người là ông Nam, ông Thành và bà Hương đại diện quản lý vốn ở Cty Hải Minh.

Vào tháng 10.2014, ông Nam bán cho Cty Hải Minh một chiếc oto với giá 200 triệu đồng. Cty Hải Minh đã vay 200 triệu từ Cty Hải Phong để trả cho ông Nam. Mặc dù thời hạn trả nợ theo hợp đồng vay là 1 năm kể từ ngày 01.10.2014 tuy nhiên đến tháng 03.2015 Cty Hải Minh đã trả hết số nợ 200 triệu cho Cty Hải Phong.

Tháng 10.2015 Cty TNHH Hải Minh bị Tòa án có thẩm quyền mở thủ tục phá sản theo yêu cầu của một chủ nợ.

Anh/chị hãy cho biết:

1. Nếu áp dụng theo LDN 2014 thì hợp đồng mua oto giữa Cty Hải Phong và ông Nam có phải là hợp đồng của Cty với người có liên quan không, vì sao?

2. Việc Cty Hải Minh trả nợ cho Cty Hải Phong có bị vô hiệu không? Vì sao?

Đề thi môn pháp luật chủ thể kinh doanh lớp Chất lượng cao 39B trường ĐH Luật TPHCM

Thời gian làm bài: 75 phút

Sinh viên chỉ được sử dụng văn bản quy phạm pháp luật.

Câu 1: (6 điểm)

CTCP X đang có dự định: (i) xem xét chấp thuận cho cổ đông sáng lập A bán 10.000 cổ phần của mình cho người khác và (ii) xem xét một hợp đồng cho vay giữa Cty và một số cổ đông của Cty.

Với tư cách là một luật sư tư vấn thường xuyên của Cty, bạn hãy cho biết những vấn đề pháp lý liên quan đến các quyết định trên của Cty, bạn hãy cho biết những vấn đề pháp lý liên quan đến các quyết định trên của Cty (thẩm quyền, hình thức, thủ tục, điều kiện thông qua nghị quyết).

Những thông tin bạn được cung cấp như sau:

Cty được thành lập vào tháng 07.2015

Cty có 100.000 cổ phần đã bán và đều là cổ phần phổ thông.

Điều lệ công ty không có quy định khác LDN 2014 về những vấn đề trên.

Câu 2: (4 điểm)

Cty TNHH M đầu tư 60% vốn cùng với CTCP N, Cty TNHH X và 5 người khác thành lập Cty TNHH Thiên Phong vào năm 2010 với vốn điều lệ của Cty là 10 tỷ đồng.

Vào tháng 07.2014 Cty M có ký hợp đồng cho Cty TNHH Thiên Phong vay 1 tỷ đồng không có tài sản bảo đảm thời hạn trả nợ là tháng 12.2015.

Tháng 10.2015 vừa qua, cty TNHH Thiên Phong bị một chủ nợ nộp đơn đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản. Sau khi Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, quản tài viên xem xét sổ sách của Cty Thiên Phong và phát hiện Cty này đã thanh toán khoản nợ 1 tỷ đồng cho Cty M vào tháng 01.2015.

Anh chị hãy cho biết:

1. Nếu áp dụng theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì hợp đồng giữa Cty M và Cty Thiên Phong như trên có bắt buộc phải được sự chấp thuận của Hội đồng thành viên hai Cty này không? Tại sao?

2. Việc Cty Thiên Phong trả nợ cho Cty M có bị vô hiệu không? Vì sao?

3. Giả sử Cty Thiên Phong bị tuyên bố phá sản thì Cty M có thể nhận lại được bao nhiêu tiền (Biết rằng ông Q là một chủ nợ không có tài sản bảo đảm cho Cty Thiên Phong vay trước khi Cty này bị mở thủ tục phá sản được thanh toán đủ khoản nợ của mình).


Đề thi môn pháp luật về chủ thể kinh doanh và phá sản: Các tìm kiếm liên quan đến đề thi luật chủ thể kinh doanh, bài tập chủ thể kinh doanh có đáp án, nhận định đúng sai môn chủ thể kinh doanh, tài liệu môn chủ thể kinh doanh, nhận định đúng sai luật doanh nghiệp có đáp án, ôn tập môn chủ thể kinh doanh, bài tập tình huống chủ thể kinh doanh, bài tập môn pháp luật về chủ thể kinh doanh, pháp luật về chủ thể kinh doanh và phá sản

5/5 - (1537 bình chọn)

Phản hồi

  1. Có một số đề thi luật chủ thể kinh doanh mình có đăng kèm đáp án cũng có một số đề chưa đăng, nếu bạn nào cần hãy để lại mail mình sẽ send toàn tập. CHO MÌNH XIN CÁI NÀY NHÉ

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền