Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO

Luật WTO

Việt Nam được công nhận là thành viên DC khi gia nhập WTO năm 2007. Cho tới năm 2017, Việt Nam đã tham gia tổng cộng 27 lần với tư cách là bên thứ ba và ba lần với tư cách là bên nguyên đơn vào hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO.

Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO

Mục lục:

1. Tổng quan

  1. Hệ thống giải quyết tranh chấp – từ GATT đến WTO
  2. Hiệp định về giải quyết tranh chấp của WTO (DSU)
  3. Các cơ quan của WTO tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp
  4. Các bên tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp
  5. Các phương thức giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO

2. Thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO

3. Các thành viên đang phát triển và hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO

Trụ sở WTO

1. Tổng quan

A. Hệ thống giải quyết tranh chấp – từ GATT đến WTO

Hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, được vận hành từ ngày 01/01/1995 đến nay, vốn không phải là hệ thống mới. Thực chất, hệ thống này được xây dựng trên cơ sở hệ thống giải quyết tranh chấp của GATT 1947.317 Trong suốt gần 50 năm trước khi WTO ra đời, hệ thống giải quyết tranh chấp của GATT 1947 được vận hành chỉ dựa trên hai điều khoản ngắn gọn – Điều XXII và Điều XXIII GATT 1947, cùng với một số nguyên tắc cũng như thông lệ được hệ thống hoá trong các quyết định và thoả thuận của các bên kí kết GATT 1947.318 Vì vậy, cũng dễ hiểu khi hệ thống giải quyết tranh chấp của GATT đã không thể đưa ra những thủ tục cụ thể để giải quyết các tranh chấp một cách hiệu quả. Hơn thế nữa, hệ thống giải quyết tranh chấp của GATT 1947 còn có nhiều điểm hạn chế đáng kể, dẫn đến việc nảy sinh những vấn đề phức tạp vào những năm 1980.319 Do đó, rất nhiều bên kí kết của GATT 1947, kể cả các DCs và các nước phát triển, đều nhận thấy rằng cần phải thay thế hệ thống giải quyết tranh chấp của GATT 1947, vốn đã lạc hậu, đơn giản, được vận hành dựa trên sức mạnh, và giải quyết các tranh chấp chủ yếu thông qua các cuộc đàm phán mang tính ngoại giao, bằng một hệ thống cụ thể và được vận hành dựa trên các quy tắc để giải quyết các tranh chấp thông qua việc xét xử. Trên cơ sở đó, sau các cuộc tranh luận kéo dài, một hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, được đàm phán trong khuôn khổ Vòng đàm phán Uruguay, đã được thiết lập. Hệ thống này được hình thành chủ yếu nhằm đưa ra một cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh chóng giữa các thành viên WTO liên quan đến các quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của WTO, cũng như nhằm bảo vệ an ninh và cung cấp khả năng có thể dự đoán của hệ thống thương mại đa phương.320 Hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO được vận hành dựa trên các nguyên tắc cơ bản như nguyên tắc ‘đồng thuận nghịch’, nguyên tắc bí mật trong tố tụng, nguyên tắc bình đẳng trong giải quyết tranh chấp và nguyên tắc dành sự đối xử đặc biệt cho các thành viên DCs.

Mặc dù hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO được xây dựng trên cơ sở các quy định và thực tiễn giải quyết tranh chấp của GATT 1947, nhưng nó vẫn có một số thay đổi đáng kể, đó là:

– Sự xuất hiện của nguyên tắc ‘đồng thuận nghịch’;

– Việc đẩy nhanh các thủ tục với những khung thời hạn cụ thể cho các hoạt động tố tụng tại WTO;

– Bổ sung thủ tục phúc thẩm nhằm mang lại cho các bên tranh chấp cơ hội tiếp theo để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình theo quy định của WTO; và

– Bổ sung tính bắt buộc và xây dựng cơ chế thực thi nhằm đảm bảo tốt hơn việc bảo vệ quyền lợi cho các thành viên WTO.

Bên cạnh những thành công đáng kể, hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, đồng thời nảy sinh một số vấn đề thực tiễn mới cần phải được giải quyết thông qua đàm phán trong khuôn khổ WTO, như vấn đề về khả năng và tính hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp trả đũa, về phạm vi xem xét phúc thẩm, cũng như việc áp dụng các biện pháp tạm thời, đệ trình các văn bản điện tử. Các thành viên WTO cũng đã nhất trí việc tiến hành đàm phán nhằm cải tiến và làm rõ các quy định của DSU. Trên thực tế, các cuộc đàm phán để rà soát và sửa đổi DSU đã diễn ra từ năm 1998 nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được bất kì thoả thuận nào.321

B. Hiệp định về giải quyết tranh chấp của WTO (DSU)

Hiệp định về các quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp, thường được gọi là Hiệp định về giải quyết tranh chấp hay DSU,322 thường được xem như là một trong những thành công đáng kể nhất của Vòng đàm phán Uruguay. DSU đưa ra một cơ chế giải quyết tranh chấp duy nhất áp dụng cho tất cả các hiệp định của WTO được liệt kê trong Phụ lục 1 của DSU, bao gồm Hiệp định thành lập WTO; 12 hiệp định đa phương trong lĩnh vực thương mại hàng hoá; Hiệp định GATS; Hiệp định TRIPS; Hiệp định về mua sắm chính phủ; Hiệp định về mua bán máy bay dân dụng; và chính DSU.

Về cấu trúc, DSU gồm có 27 điều và 4 phụ lục. DSU quy định về phạm vi thẩm quyền và chức năng cơ bản của các thiết chế trong việc giải quyết tranh chấp tại WTO. Bốn phụ lục của DSU đã cụ thể hoá các hiệp định có liên quan; phân nhóm các quy tắc và thủ tục đặc biệt và bổ sung được quy định trong các hiệp định có liên quan; quy định những thủ tục làm việc cơ bản và kế hoạch làm việc dự kiến của Ban hội thẩm và đưa ra những quy tắc và thủ tục được áp dụng cho bất kì nhóm chuyên gia rà soát nào có thể được thành lập bởi Ban hội thẩm.323

C. Các cơ quan của WTO tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp

Các cơ quan chính của WTO tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp đó là: Cơ quan giải quyết tranh chấp (viết tắt là ‘DSB’), Ban hội thẩm, Cơ quan phúc thẩm, Tổng giám đốc và Ban thư kí của WTO, các trọng tài viên, các chuyên gia độc lập và các cơ quan chuyên môn khác. Nội dung của mục này chủ yếu trình bày về DSB, Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm.
Đại hội đồng sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình theo quy định của DSU thông qua DSB.324 Giống như Đại hội đồng, DSB là cơ quan chính trị bao gồm đại diện của tất cả các thành viên WTO. Theo khoản 1 Điều 2 DSU, DSB có thẩm quyền thành lập Ban hội thẩm để giải quyết tranh chấp, thông qua các báo cáo của Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm, duy trì sự giám sát việc áp dụng các phán quyết và khuyến nghị mà cơ quan này thông qua và cho phép đình chỉ các nhượng bộ và các nghĩa vụ khác theo các hiệp định có liên quan, nếu các phán quyết và khuyến nghị đó không được các thành viên thực hiện trong khoảng thời gian hợp lí. DSB có một Chủ tịch riêng, thường là người đứng đầu của phái đoàn thường trực tại Geneva của một trong các thành viên325 và được hỗ trợ bởi Ban thư kí WTO.326

Ban hội thẩm là một cơ quan bán tư pháp và độc lập, do DSB thành lập để xem xét các tranh chấp không thể giải quyết được ở giai đoạn tham vấn. Khoản 1 Điều 6 của DSU quy định rằng Ban hội thẩm được thành lập chậm nhất là vào ngày cuộc họp tiếp theo của DSU, mà tại đó yêu cầu thành lập Ban hội thẩm lần đầu tiên được đưa ra như một nội dung trong chương trình nghị sự của DSB, trừ trường hợp tại cuộc họp đó, DSB quyết định trên cơ sở đồng thuận không thành lập Ban hội thẩm. Mỗi Ban hội thẩm thường bao gồm ba, trong trường hợp đặc biệt là năm chuyên gia có trình độ và độc lập được lựa chọn trên cơ sở ‘ad hoc’ (theo từng vụ việc).327 Theo khoản 10 Điều 8 DSU, trong trường hợp tranh chấp xảy ra giữa một thành viên DC và một thành viên phát triển, nếu thành viên DC có yêu cầu thì trong thành phần Ban hội thẩm sẽ phải có ít nhất một hội thẩm viên là công dân của một thành viên DC. Chức năng của Ban hội thẩm là đưa ra các đánh giá khách quan về cả nội dung sự kiện và nội dung pháp luật của vụ việc, và đệ trình một báo cáo lên DSB, trong đó Ban hội thẩm đưa ra các kết luận của mình bao gồm cả những khuyến nghị, trong trường hợp phát hiện có sự vi phạm nghĩa vụ của một thành viên WTO.328

Cơ quan phúc thẩm là cấp xét xử thứ hai và cũng là cấp xét xử cuối cùng của hệ thống giải quyết tranh chấp. Giống như Ban hội thẩm, Cơ quan phúc thẩm là cơ quan bán tư pháp và độc lập, nhưng khác với Ban hội thẩm, Cơ quan phúc thẩm là cơ quan thường trực bao gồm bảy thành viên, trong đó mỗi thành viên có nhiệm kì bốn năm và có thể được tái bổ nhiệm một lần.329 Theo khoản 3 Điều 17 DSU, các thành viên Cơ quan phúc thẩm phải là những người có uy tín, có kinh nghiệm chuyên môn về pháp luật, về thương mại quốc tế và những lĩnh vực thuộc diện điều chỉnh của các hiệp định nói chung; đồng thời họ cũng không được liên kết với bất kì chính phủ nào. Trong trường hợp có kháng cáo đối với báo cáo của Ban hội thẩm, Cơ quan phúc thẩm sẽ tiến hành xem xét lại các nội dung pháp luật bị kháng cáo và đệ trình báo cáo lên DSB, trong đó Cơ quan phúc thẩm có thể giữ nguyên, hủy bỏ hoặc sửa đổi kết luận của Ban hội thẩm, nhưng chỉ trong phạm vi các nội dung pháp lí đã được nêu và việc giải thích pháp luật.330 Một điều cần lưu ý là trong các kết luận và khuyến nghị của mình, Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm không thể bổ sung hay hạn chế các quyền và nghĩa vụ của bất cứ thành viên WTO nào được quy định trong các hiệp định có liên quan.331

Ngoài ba cơ quan nêu trên, trong khuôn khổ WTO, còn có một số cơ quan khác cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp, như Tổng giám đốc và Ban thư kí của WTO,332 các trọng tài viên,333 các chuyên gia độc lập và các cơ quan chuyên môn.334

D. Các bên tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp

Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO là cơ chế giải quyết giữa chính phủ với chính phủ, vì vậy chỉ các thành viên WTO mới có thể sử dụng hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO với tư cách là các bên tranh chấp hoặc các bên thứ ba. Do đó, bất kì ngành kinh tế hoặc cá nhân của một thành viên WTO muốn sử dụng hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO để chống lại chính phủ của thành viên WTO khác thì trước hết, họ phải thuyết phục được chính phủ nước mình đệ đơn khởi kiện chống lại thành viên WTO khác đó.335 Điều đó cũng có nghĩa rằng, Ban thư kí WTO, các quan sát viên của WTO, các tổ chức quốc tế khác và các chính quyền địa phương, nếu không phải là thành viên của WTO, thì không có quyền đề xuất khởi xướng các thủ tục giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO.336 Tương tự, các tổ chức phi chính phủ (viết tắt là
‘NGOs’) cũng không có quyền này. Các NGOs không có quyền tham gia trực tiếp vào hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, nhưng họ có thể có vai trò trong tiến trình giải quyết tranh chấp của WTO bằng cách đệ trình các ý kiến theo hình thức ‘amicus curiae’ tới Ban hội thẩm hoặc Cơ quan phúc thẩm.337

E. Các phương thức giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ WTO

Cần lưu ý rằng sự tham gia của Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm không phải là cách thức duy nhất để giải quyết tranh chấp giữa các thành viên WTO. Trong khuôn khổ WTO, các bên tranh chấp có thể lựa chọn nhiều phương thức khác nhau, ngoài việc sử dụng Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm. Những phương thức khác đó bao gồm tham vấn; môi giới, hoà giải và trung gian; trọng tài. Trong nhiều trường hợp, các bên lại thích sử dụng các phương thức nêu trên hơn là phải viện dẫn đến sự phân xử của Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các bên có thể tiến hành việc giải quyết tranh chấp theo bất cứ cách thức nào mà các bên mong muốn, mặc dù việc tìm ra giải pháp được chấp nhận chung luôn là ưu tiên của hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO. Khi sử dụng những phương thức khác, theo quy định của DSU, các bên phải bảo đảm sự tin cậy và không được xâm phạm đến quyền của bất kì thành viên WTO nào khác.

Tham vấn là phương thức trong đó các bên tự thương lượng với nhau để đưa ra giải pháp thống nhất nhằm giải quyết tranh chấp. Tham vấn có thể là ‘một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế’, như phương thức thương lượng, hoặc có thể là ‘một giai đoạn bắt buộc’ trong quy trình giải quyết tranh chấp của WTO – giai đoạn luôn phải tiến hành trước khi bước sang giai đoạn xét xử. Trong trường hợp đó, nếu việc tham vấn không giải quyết được tranh chấp, thì bên nguyên đơn có thể yêu cầu thành lập Ban hội thẩm.

Môi giới, hoà giải và trung gian là các thủ tục tự nguyện và đòi hỏi phải có sự chấp thuận của các bên tham gia.338 Theo khoản 3 Điều 5 của DSU, những phương thức nêu trên có thể được một thành viên yêu cầu vào thời điểm bất kì và về bất cứ vấn đề tranh chấp nào. Các phương thức này cũng có thể kết thúc vào bất kì thời điểm nào, và khi kết thúc, bên nguyên đơn có quyền yêu cầu thành lập Ban hội thẩm. Trong trường hợp các bên chấp thuận, các thủ tục môi giới, hoà giải hoặc trung gian có thể được tiếp tục ngay cả khi Ban hội thẩm đang tiến hành các thủ tục tố tụng.339

Trọng tài có thể được sử dụng như phương thức giải quyết tranh chấp thay thế nhằm tìm ra giải pháp cho các tranh chấp cụ thể giữa các thành viên WTO liên quan đến các vấn đề đã được các bên tranh chấp xác định rõ ràng. Theo Điều 25 của DSU, nếu các bên quyết định sử dụng trọng tài, thì các bên sẽ phải tuân thủ các thủ tục cụ thể mà họ đã thống nhất, đồng thời phải tuân thủ các phán quyết của trọng tài.340 Tuy nhiên, điều cần thiết là phải phân biệt giữa thủ tục trọng tài theo Điều 25 DSU và thủ tục trọng tài khác, được quy định tại khoản 3 Điều 21 và khoản 6 Điều 22 của DSU, vốn không phải là ‘phương thức giải quyết tranh chấp thay thế’.341

2. Thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO

>>> Tham khảo bài viết: Thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO

3. Các thành viên đang phát triển và hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO

Các thành viên DCs, chiếm đa số các thành viên của WTO, ngày càng sử dụng hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO một cách thường xuyên hơn và đã có những chiến thắng trước nhiều thành viên phát triển. Vụ US-Underwear do Costa Rica khởi xướng, hay vụ US-Gambling với nguyên đơn là Antigua and Barbuda, chính là những ví dụ điển hình cho câu chuyện ‘David chiến thắng Golia’ khi sử dụng thành công hệ thống giải quyết tranh chấp này.355 Tiếp đó, sự thành công của Thái Lan và Việt Nam trước Hoa Kỳ trong các vụ US-Shrimp (Thailand) và US-Shrimp (Viet Nam) cũng là những điểm nhấn rất đáng kể.

Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, các thành viên DCs gặp phải nhiều bất lợi hơn khi muốn sử dụng hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, như việc thiếu các chuyên gia hiểu biết về pháp luật WTO và các thủ tục giải quyết tranh chấp; thiếu năng lực tài chính và cả những khó khăn trong việc sử dụng các biện pháp trả đũa. Ở mức độ nhất định, WTO đã nhận thức được các khó khăn của các thành viên DCs khi tham gia vào hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, vì vậy WTO đã dành sự đối xử S&D cũng như sự trợ giúp pháp lí cho các thành viên này.356 Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, những ưu đãi và sự trợ giúp nói trên sẽ không làm hạn chế các nghĩa vụ cũng như tăng cường quyền hạn cho các thành viên này. Đơn giản, chúng chỉ hỗ trợ cho các thành viên DCs bằng cách quy định các thủ tục bổ sung hoặc thủ tục đặc biệt, hoặc kéo dài hay rút ngắn các thời hạn. Theo đó, các thành viên DCs có thể lựa chọn thủ tục rút gọn, yêu cầu tăng thời hạn hoặc yêu cầu được trợ giúp pháp lí.357

Việt Nam được công nhận là thành viên DC khi gia nhập WTO năm 2007. Cho tới năm 2017, Việt Nam đã tham gia tổng cộng 27 lần với tư cách là bên thứ ba và ba lần với tư cách là bên nguyên đơn vào hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO.358 Rõ ràng, sau hơn 10 năm gia nhập, Việt Nam đã tham gia tích cực hơn vào hệ thống giải quyết tranh chấp của. Qua đó, Việt Nam đã thu được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, đồng thời có được những cơ hội để có thể tác động đến hệ thống quy định của WTO theo hướng nhằm bảo vệ các lợi ích thương mại của mình. Tuy nhiên, cũng giống như các thành viên DCs khác, Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều thách thức trong khuôn khổ WTO; vì vậy, Việt Nam cần phải tăng cường năng lực và kinh nghiệm để có thể tự bảo vệ mình trước những tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai, bằng việc sử dụng hiệu quả hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO.


316 Khoản 2 Điều 3 DSU (một số từ được tác giả lược bỏ và thêm vào).

317 Khoản 1 Điều 3 DSU. Hệ thống hiện hành của WTO giữ nguyên các nguyên tắc giải quyết tranh chấp được quy định tại Điều XXII và Điều XXIII GATT 1947.

318 Các nước thành viên của GATT 1947 đã từng bước hệ thống hoá và sửa đổi một số thông lệ mới về thủ tục giải quyết tranh chấp. Các quyết định và thoả thuận quan trọng nhất đạt được trước Vòng đàm phán Uruguay là:

– Quyết định ngày 05/4/1966 về các thủ tục theo Điều XXIII;

– Thoả thuận về khai báo, tham vấn, giải quyết tranh chấp và giám sát, được thông qua ngày 28/11/1979;

– Quyết định về giải quyết tranh chấp, ban hành kèm theo Tuyên bố cấp bộ trưởng ngày 29/11/1982;

– Quyết định về giải quyết tranh chấp ngày 30/11/1984. Xem: http://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/disp_settlement_cbt_e/c2s1p1_e.htm, truy cập ngày 3/8/2017.

319 Peter Van den Bossche, Sđd, tr. 170. Xem Weaknesses of the GATT Dispute Settlement System, nguồn: http://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/disp_ settlement_cbt_e/ c2s1p1_e.htm, truy cập ngày 03/8/2017.

320 Peter Van den Bossche, Sđd, tr. 171-172.

321 WTO, News, Negotiations to Improve Dispute Settlement Procedures, and Consultations on Panel Process, nguồn: http://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/dispu_e.htm, truy cập ngày 03/8/2017. Xem: Thomas A. Zimmermann, ‘The DSU Review (1998-2004): Negotiations, Problems and Perspective’, trong sách của Dencho Georgiev và Kim Van der Borght (chủ biên), Reform and Development of the WTO Dispute Settlement System, Cameron May Ltd, (2006).

322 Phụ lục 2 của Hiệp định WTO về các thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại.

323 David Palmeter và Petros C. Mavroidis, Dispute Settlement in the World Trade Organization: Practice and Procedure, (2004), tr. 16.

324 Khoản 3 Điều IV Hiệp định thành lập WTO.

325 David Palmeter và Petros C. Mavroidis, Sđd, tr. 15.

326 Khoản 1 Điều 27 DSU.

327 Các khoản 1 và 2 Điều 8 DSU.

328 Điều 11 và Điều 19 DSU.

329 Khoản 2 Điều 17 DSU.

330 Các khoản 6 và 13 Điều 17 DSU.

331 Khoản 2 Điều 19 DSU.

332 Liên quan đến trách nhiệm của Tổng giám đốc WTO, xem khoản 6 Điều 5, khoản 7 Điều 8, chú thích 12 của khoản 3(c) Điều 21, khoản 6 Điều 22 và khoản 2 Điều 24 DSU. Liên quan đến
trách nhiệm của Ban thư kí WTO, xem khoản 6 Điều 8, các khoản 1, 2 và 3 Điều 27 DSU.

333 Liên quan đến các trọng tài viên, xem Điều 22 và Điều 25 DSU.

334 Liên quan đến các chuyên gia, xem Điều 13 và Phụ lục 4 DSU; Khoản 2 Điều 11 Hiệp định SPS; Các khoản 2 và 3 Điều 14 và Phụ lục 2 Hiệp định TBT; Các khoản 3 và 4 Điều 19 và Phụ lục 2 CVA; Khoản 5 Điều 4 và Khoản 3 Điều 24 Hiệp định SCM.

335 Buce Wilson, ‘The WTO Dispute Settlement System and Its Operation: A Brief Overview of the First Ten Years’, trong sách Rufus Yerxa và Bruce Wilson (chủ biên), Key Issues in WTO Dispute Settlement, (2005), tr. 16.

336 WTO, Participants in the Dispute Settlement System, nguồn: http://www.wto.org/en glish/tratop_e/dispu_e/disp_settlement_cbt_e/c1s4p1_e.
htm, truy cập ngày 3/8/2017.

337 Trong những trường hợp này, theo các quy định của WTO, Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm có quyền chấp nhận hoặc từ chối những ý kiến này và không có nghĩa vụ phải xem xét
chúng. Xem: David Palmeter và Petros C. Mavroidis, Sđd, tr. 39.

351 Về việc xác định khoảng thời gian hợp lí, khoảng thời gian đó có thể: (i) Được thành viên liên quan đề xuất và được DSB đồng thuận thông qua; (ii) Do các bên tranh chấp thoả thuận với nhau trong thời hạn 45 ngày kể từ khi báo cáo được thông qua; hoặc (iii) Do trọng tài viên quyết định. Xem khoản 3 Điều 21 DSU.

352 Theo khoản 3 Điều 22 DSU, có 3 hình thức áp dụng biện pháp tạm hoãn thi hành nghĩa vụ: (i) Áp dụng các biện pháp trả đũa đối với cùng lĩnh vực mà Ban hội thẩm hoặc Cơ quan phúc thẩm đã kết luận là có vi phạm hoặc làm vô hiệu hoặc gây phương hại (thường được gọi một cách không chính thức là trả đũa ‘song hành’); (ii) Áp dụng các biện pháp trả đũa đối với những lĩnh vực khác nhưng vẫn thuộc cùng một hiệp định, nếu bên nguyên đơn cho rằng việc trả đũa trong cùng một lĩnh vực là không thể thực hiện được, hoặc không mang lại hiệu quả (thường được gọi một cách không chính thức là trả đũa ‘chéo lĩnh vực’); và (iii) Áp dụng các biện pháp trả đũa đối với hiệp định khác, nếu bên nguyên đơn cho rằng việc trả đũa trong cùng một hiệp định là không thể thực hiện được, hoặc không mang lại hiệu quả, đồng thời tình huống xảy ra phải đủ nghiêm trọng (thường được gọi một cách không chính thức là trả đũa ‘chéo hiệp định’)

353 Khoản 4 Điều 22 DSU.

354 Các khoản 6 và 7 Điều 22 DSU.

355 Peter Van den Bossche, Sđd, tr. 232.

356 Đối xử S&D dành cho các thành viên DCs và LDCs được quy định trong nhiều điều khoản về thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO, như khoản 10 Điều 4, khoản 10 Điều 8, khoản 10 Điều 12, khoản 11 Điều 12, các khoản 2 và 8 Điều 21 DSU. Ngoài ra, Ban thư kí và Trung tâm tư vấn của WTO đặt tại Geneva sẽ cung cấp sự trợ giúp pháp lí.

357 WTO, Developing Country Members and the Dispute Settlement System, nguồn: http://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/disp_settlement_cbt_e/c1s6p1_e.htm, truy cập ngày 03/8/2017.

358 WTO, Dispute Cases Involving Viet Nam,nguồn: http://www.wto.org/english/thewto_e/ countries_e/vietnam_e.htm.

5/5 - (27537 bình chọn)

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.