Trong bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích và chỉ ra những điểm bất hợp lý của cơ chế bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng theo Luật Công chứng (LCC) năm 2014, từ đó đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định về bồi thường trong hoạt động công chứng ở nước ta.
Có thể nói, văn bản công chứng chính là sản phẩm lao động của công chứng viên (CCV), sản phẩm đó có đáp ứng yêu cầu của người yêu cầu công chứng, đáp ứng quy chuẩn theo quy định của pháp luật hay không phần lớn phụ thuộc vào năng lực, kinh nghiệm và trình độ cũng như mức độ tuân thủ pháp luật của CCV. CCV phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với văn bản công chứng do mình chứng nhận. Tùy thuộc tính chất, mức độ vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức trong quá trình hành nghề mà CCV phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, chịu chế tài xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi nghiên cứu về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng của một số quốc gia trên thế giới, chúng tôi nhận thấy, có hai cơ chế cơ bản thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại trước người yêu cầu công chứng do CCV gây ra:
– Cơ chế thứ nhất: CCV chịu trách nhiệm cá nhân và trực tiếp bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng những thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra. Cơ chế này được ghi nhận trong hệ thống pháp luật của đa số các quốc gia theo mô hình công chứng tự do. Minh chứng cho nhận định nêu trên, Điều 4 Luật Công chứng của nước Cộng hòa Ba Lan quy định: “Nhiều công chứng viên có thể tập hợp thành một công ty dân sự. Trong trường hợp này, mỗi thành viên chỉ chịu trách nhiệm cá nhân về văn bản do chính mình đã thực hiện”[1] hoặc “công chứng viên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ công vụ gây ra theo quy định của pháp luật dân sự”[2] là nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định ngày 20/6/1990 của Cộng hòa liên bang Đức về hoạt động của CCV có văn phòng tư. Quan điểm nêu trên được xây dựng dựa trên cơ sở cho rằng, CCV là chủ thể của hành vi công chứng; trong khi thực hiện chức nghiệp của mình, CCV phải tuyệt đối tuân thủ các nguyên tắc như: Độc lập, tuân thủ pháp luật, giữ bí mật thông tin của khách hàng… và vì vậy, CCV phải chịu trách nhiệm cá nhân trong việc bồi thường.
– Cơ chế thứ hai: Tổ chức hành nghề công chứng chịu trách nhiệm trực tiếp bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của CCV thuộc tổ chức mình gây ra. Cơ chế này tồn tại phổ biến trong hệ thống pháp luật các quốc gia theo mô hình công chứng nhà nước (mô hình công chứng bao cấp) mà ở đó, tổ chức hành nghề công chứng được thành lập và hoạt động dưới sự bao cấp của Nhà nước, cơ quan công chứng là cơ quan nhà nước, CCV là viên chức nhà nước. Mô hình công chứng này hình thành trong khoảng thập kỷ 70 đến thập kỷ 90 của thế kỷ trước ở các nước xã hội chủ nghĩa như: Liên bang Xô Viết, Cu Ba, Ba Lan, Cộng hòa dân chủ Đức, Hung-ga-ri, Ru-ma-ni, Bun-ga-ri…, trong đó có Việt Nam.
Luật Công chứng năm 2014 lựa chọn cơ chế thứ hai, theo đó, Điều 38 quy định cơ chế bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng như sau:
1. Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.
2. Công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Xét về mặt ngữ nghĩa, khái niệm “bồi thường” và “bồi hoàn” có nội dung hoàn toàn khác nhau. Theo Từ điển tiếng Việt do Nhà xuất bản Hồng Đức xuất bản năm 2017, “bồi thường” được hiểu là “đền bù bằng tiền những thiệt hại về vật chất mà mình phải chịu trách nhiệm”, trong khi “trách nhiệm” được hiểu là “phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu hậu quả”; “bồi hoàn” được hiểu là “trả lại tiền của, tài sản đã lấy trái phép và hiện còn giữ”. Nghĩa vụ “bồi hoàn” của CCV, người phiên dịch trong hoạt động công chứng dường như tương đồng với nghĩa vụ “hoàn trả” của người thi hành công vụ được quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, cụ thể: “Người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại”; còn nghĩa vụ bồi thường của tổ chức hành nghề công chứng trong hoạt động công chứng dường như được xây dựng theo quan điểm: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật” (Điều 597 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Như vậy, đặc điểm cơ bản của cơ chế bồi thường trong hoạt động công chứng nêu trên là không xác lập quan hệ bồi thường trực tiếp giữa người gây thiệt hại với người bị thiệt hại, mà được bảo đảm thực hiện qua trung gian là tổ chức hành nghề công chứng (Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng – VPCC). VPCC được xác định là chủ thể của nghĩa vụ bồi thường chứ không phải CCV hoặc người phiên dịch.
Chúng tôi cho rằng, không thể đồng nhất VPCC với cơ quan nhà nước dưới góc độ là chủ thể của trách nhiệm bồi thường hay chủ thể bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bồi thường trong cơ chế bồi thường thiệt hại, bởi Nhà nước là chủ thể đặc biệt, tồn tại ổn định, bền vững và thực hiện chức năng mang tính công ích, còn VPCC là chủ thể của hoạt động kinh doanh, tính ổn định thường không cao, không bền vững và luôn mang tính tư ích. Hơn nữa, người thi hành công vụ là người đại diện, nhân danh Nhà nước thực hiện nhiệm vụ công, do đó, khi người thi hành công vụ gây ra thiệt hại thì Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường, trong khi CCV (hợp danh hoặc làm thuê), người phiên dịch đều không nhân danh VPCC, không thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VPCC, mà họ thực hiện chức nghiệp riêng được Nhà nước ủy thác đối với CCV hoặc được pháp luật cho phép cung ứng dịch vụ đối với người phiên dịch.
Có quan điểm cho rằng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng thuộc về VPCC bởi VPCC là cơ quan trực tiếp quản lý CCV, quản lý người phiên dịch. Chúng tôi không đồng tình với quan điểm nêu trên, bởi lẽ, công chứng là một nghề có tính đặc thù, khi thực hiện chức nghiệp của mình (tạo lập và xác nhận chứng cứ), CCV phải giữ bí mật thông tin của người yêu cầu công chứng, CCV phải độc lập, khách quan, vô tư và chỉ tuân theo pháp luật. Pháp luật quy định VPCC có trách nhiệm quản lý CCV nhưng lại không tạo lập và trao cho VPCC công cụ quản lý thì VPCC không thể thực hiện việc kiểm tra, giám sát sự tuân thủ pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc trong quá trình hành nghề đối với CCV. Tương tự, đối với hoạt động công chứng bản dịch, chức năng chuyển thể từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác không phải chức năng của VPCC mà thuộc về người phiên dịch, người phiên dịch cũng không phải là nhân viên, người lao động thuộc sự quản lý của VPCC mà họ có địa vị pháp lý độc lập với tổ chức hành nghề công chứng với tư cách là đối tác, là cộng tác viên của VPCC. Hơn nữa, CCV không thể kiểm soát được nội dung văn bản bằng tiếng nước ngoài nhưng pháp luật lại quy định CCV phải chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội[3] là điều vô lý và phi thực tế. Chứng nhận bản dịch không phải là hành vi công chứng mà chỉ là hành vi chứng thực chữ ký của người dịch. Điều đó cho thấy CCV không thể chịu trách nhiệm về tính xác thực, tính hợp pháp của nội dung văn bản bằng tiếng nước ngoài, có chăng CCV chỉ chịu trách nhiệm đối với chữ ký của người dịch mà thôi. Chúng tôi cho rằng, VPCC không có khả năng kiểm tra, giám sát tác nhân gây ra thiệt hại thì pháp luật không nên quy định VPCC phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do chủ thể khác có địa vị pháp lý độc lập gây ra.
Theo cơ chế bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng quy định tại Điều 38 Luật Công chứng năm 2014, quan hệ bồi thường được xác lập giữa VPCC với người bị thiệt hại là tiền đề xác lập quan hệ bồi hoàn giữa VPCC với người gây thiệt hại. Quan hệ bồi hoàn chỉ phát sinh sau khi quan hệ bồi thường đã kết thúc. Điều đó có nghĩa, người gây thiệt hại chỉ có nghĩa vụ bồi hoàn sau khi VPCC đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại. Chúng tôi không tìm thấy bất kỳ sự ràng buộc trách nhiệm pháp lý nào giữa người gây thiệt hại với người bị thiệt hại trên phương diện bồi thường thiệt hại được quy định tại Luật Công chứng năm 2014. Như vậy, phải chăng trách nhiệm bồi thường trong hoạt động công chứng chỉ thuộc về VPCC mà không thuộc trách nhiệm của CCV, của người phiên dịch? CCV, người phiên dịch không thể trở thành bị đơn trong vụ án yêu cầu bồi thường thiệt hại mà chỉ có thể là bị đơn trong vụ kiện yêu cầu bồi hoàn trong hoạt động công chứng? Nếu xác định VPCC là chủ thể của nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và không có bất cứ chủ thể nào khác thì khi VPCC chấm dứt tồn tại sẽ dẫn tới nghĩa vụ bồi thường cũng chấm dứt (khoản 8 Điều 372 Bộ luật Dân sự năm 2015). Khi đó, CCV, người phiên dịch sẽ được giải phóng khỏi trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn?
Khi nghiên cứu quy định xử lý vi phạm trong hoạt động công chứng, chúng tôi nhận thấy, Điều 71 Luật Công chứng năm 2014 quy định xử lý vi phạm đối với CCV như sau: “Công chứng viên vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Điều đó cho thấy, CCV không chỉ có nghĩa vụ bồi hoàn mà có cả nghĩa vụ bồi thường, phải chăng trong trường hợp VPCC chấm dứt hoạt động, cơ chế bồi thường, bồi hoàn quy định tại Điều 38 Luật Công chứng năm 2014 sẽ không được vận dụng và thay vào đó là cơ chế chịu trách nhiệm bồi thường trực tiếp từ phía CCV đối với người bị thiệt hại? Chúng tôi không tìm thấy bất kỳ nội dung nào trong Luật Công chứng năm 2014 quy định trách nhiệm bồi thường của người phiên dịch.
Như vậy, trách nhiệm bồi thường của VPCC trong cơ chế bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 38 Luật Công chứng năm 2014 không được xây dựng dựa trên các nguyên tắc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung (có thiệt hại xảy ra, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật, có lỗi của người gây thiệt hại và có mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật) mà mục đích của nhà làm luật là tạo ra một cơ chế bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại đối với người bị thiệt hại, Luật Công chứng năm 2014 đóng vai trò của bên bảo đảm trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, cơ chế này còn gián tiếp “thu hút” một số chủ thể khác tham gia vào quan hệ bồi thường thiệt hại nhằm bảo đảm khả năng tối đa người bị thiệt hại sẽ có cơ hội nhận được khoản tiền bồi thường. Cụ thể, khi phát sinh trách nhiệm bồi thường, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thay VPCC đứng ra trực tiếp thực hiện bồi thường cho người bị thiệt hại theo các điều kiện, mức bồi thường ấn định trong hợp đồng bảo hiểm được ký kết giữa công ty bảo hiểm với VPCC. Trường hợp không thuộc phạm vi được bảo hiểm hoặc vượt quá phạm vi bảo hiểm thì VPCC sẽ phải đem tài sản của mình ra để thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại. Ngoài ra, dưới danh nghĩa là khoản nợ của VPCC (công ty hợp danh), các CCV hợp danh sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của VPCC nếu tài sản của VPCC không đủ.
Chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng thông qua việc chuyển đổi Phòng công chứng thành VPCC đã được luật hóa. Một trong những nguyên tắc chuyển đổi là VPCC được thành lập từ việc chuyển đổi Phòng công chứng phải kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và tiếp nhận toàn bộ hồ sơ công chứng của Phòng công chứng đó[4]. Điều đó có nghĩa, VPCC được thành lập từ việc chuyển đổi Phòng công chứng sẽ phải bồi thường mọi thiệt hại do CCV của Phòng công chứng đã gây ra trước thời điểm chuyển đổi thành VPCC. Trường hợp tài sản của VPCC sau khi chuyển đổi không đủ để bồi thường thì các CCV hợp danh phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Đây là điều mà không phải CCV nào cũng đủ dũng khí, can đảm để tiếp nhận chuyển đổi Phòng công chứng. Nguyên tắc kể trên dường như lại không được áp dụng trong trường hợp chuyển nhượng VPCC, bởi CCV nhận chuyển nhượng VPCC sẽ phải kế thừa quyền và nghĩa vụ của VPCC được chuyển nhượng là nội dung được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 29 Luật Công chứng năm 2014. Phải chăng trong trường hợp này, CCV nhận chuyển nhượng với tư cách cá nhân sẽ phải bồi thường mọi thiệt hại đã xảy ra trước thời điểm nhận chuyển nhượng VPCC chứ không phải VPCC?
Sau khi nghiên cứu cơ chế bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng theo Luật Công chứng năm 2014, chúng tôi có một số nhận xét sau:
Thứ nhất, trường hợp VPCC chấm dứt hoạt động thì cơ chế bồi thường, bồi hoàn quy định tại Điều 38 Luật Công chứng năm 2014 sẽ không thể được thực thi. Khi đó cơ chế nào sẽ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại? Người bị thiệt hại có quyền trực tiếp khởi kiện CCV và người phiên dịch đã gây ra thiệt hại hay không thì chưa có câu trả lời thỏa đáng. Chúng tôi cho rằng, pháp luật cần quy định theo hướng, người bị thiệt hại có quyền truy cứu trách nhiệm bồi thường đối với CCV và người phiên dịch là tác nhân gây ra thiệt hại ngay cả khi VPCC đã chấm dứt hoạt động.
Thứ hai, Luật Công chứng năm 2014 quy định VPCC chỉ được phép tồn tại và hoạt động dưới loại hình công ty hợp danh. Do đó, CCV hợp danh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của VPCC, CCV hợp danh có nghĩa vụ liên đới chịu trách nhiệm thanh toán hết số nợ còn lại của VPCC trong trường hợp tài sản của VPCC không đủ[5]. Điều này có nghĩa, CCV hợp danh hoàn toàn có thể phải trực tiếp tham gia vào quan hệ bồi thường và người bị thiệt hại có thể khởi kiện yêu cầu CCV hợp danh thực hiện nghĩa vụ bồi thường thay thế VPCC. Tuy nhiên, cơ chế bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng không hề nhắc tới vai trò, trách nhiệm của CCV hợp danh.
Thứ ba, cơ chế bồi thường trong hoạt động công chứng không đề cao trách nhiệm của CCV và người phiên dịch với tư cách là tác nhân gây thiệt hại. Trong khi VPCC và CCV hợp danh có thể phải “quay cuồng” trong quan hệ bồi thường thì CCV với tư cách là tác nhân gây thiệt hại lại “ung dung” ngồi chờ để thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn. Cơ chế bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng cũng chưa chú trọng tới các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bồi thường dưới góc độ ràng buộc trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn của CCV và của người phiên dịch. Do vậy, khi phát sinh trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn, CCV, người phiên dịch có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại có thể đã chủ động “cao chạy xa bay” để lại khoản nợ cho VPCC, cho các CCV hợp danh.
Thứ tư, việc thực hiện nghĩa vụ của VPCC dường như mang tính tuyệt đối mà không có ngoại lệ, VPCC hay nói cụ thể hơn chính các CCV hợp danh sẽ phải bồi thường trong mọi trường hợp ngay cả khi nghĩa vụ bồi hoàn từ phía người gây thiệt hại không thể trở thành hiện thực, chẳng hạn người gây ra thiệt hại chết không thể truy cứu trách nhiệm bồi hoàn. Như vậy, pháp luật đã không tạo ra lẽ công bằng trong việc bồi thường thiệt hại mà chỉ làm công việc chuyển rủi ro từ người này sang người khác một cách bất hợp lý.
Thứ năm, nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV là nghĩa vụ bắt buộc đối với VPCC. Tuy nhiên,
Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành không hề đề cập tới vai trò của doanh nghiệp bảo hiểm trong cơ chế bồi thường, bồi hoàn trong hoạt động công chứng.
Chúng tôi cho rằng, khi Luật Quy hoạch năm 2017 có hiệu lực thi hành (kể từ ngày 01/01/2019), việc thành lập
VPCC sẽ không còn bị hạn chế số lượng theo quy hoạch như hiện nay, điều kiện thành lập VPCC vì thế cũng đơn giản hơn, số lượng VPCC được thành lập mới sẽ nhiều hơn, tình trạng cạnh tranh giữa các VPCC cũng gia tăng. Trong những năm tới, hiện tượng VPCC tự chấm dứt hoạt động, tự giải thể hoặc phá sản sẽ là tất yếu khách quan. Điều đó cho thấy, cơ chế bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng không thể dựa vào VPCC, yếu tố có đặc tính “mong manh dễ vỡ” để làm cơ sở bảo đảm nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà nên quy định cơ chế tự chịu trách nhiệm cá nhân của CCV, của người phiên dịch với tư cách là người có hành vi trái pháp luật, là tác nhân trực tiếp gây thiệt hại. Bên cạnh đó, pháp luật cần bổ sung một số biện pháp bảo đảm mang tính tài sản nhằm ràng buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với CCV; đồng thời, tăng cường vai trò của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của CCV cũng như phát huy cơ chế bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong việc bồi thường thiệt hại do CCV gây ra. Việc chuyển đổi cơ chế bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng từ VPCC sang cho CCV trên cơ sở đề cao trách nhiệm cá nhân của CCV, của người phiên dịch không chỉ giúp cho VPCC tồn tại và phát triển ổn định, bền vững mà còn xóa bỏ sự bất hợp lý trong việc gách chịu hậu quả bất lợi đối với CCV hợp danh tại VPCC.
ThS. Nguyễn Văn Mích – Học viện Tư pháp
Tài liệu tham khảo:
[1]. Vụ Hành chính tư pháp, Bộ Tư pháp (2005), Luật Công chứng của nước Cộng hòa Ba Lan ngày 14/02/1991 (bản dịch), Hà Nội.
[2]. Bộ Tư pháp, Quỹ Hợp tác quốc tế Đức về pháp luật (2012), Tài liệu Hội thảo Định hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng.
[3]. Khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng năm 2014.
[4]. Điều 12 Nghị định số 04/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 07/01/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng.
[5]. Điểm g khoản 2 Điều 17 Luật Công chứng năm 2014 và điểm đ khoản 2 Điều 176 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Các tìm kiếm liên quan đến Cơ chế bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng, trách nhiệm bồi thường của công chứng viên, luật công chứng, trách nhiệm của công chứng viên, trách nhiệm của văn phòng công chứng
Để lại một phản hồi