Chứng cứ điện tử trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Chuyên mụcLuật tố tụng hình sự, Thảo luận pháp luật

Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 ra đời có ý nghĩa lớn lao đối với thực tiễn công tác điều tra, truy tốxét xử các vụ án hình sự. Một trong những quy định mới, tiến bộ nhằm phục vụ có hiệu quả cho yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới đó là quy định về nguồn chứng cứ – dữ liệu điện tử (chứng cứ điện tử).

 

Các nội dung liên quan:

 

Một nguồn chứng cứ mới được bổ sung, đòi hỏi phải có những quy định tương ứng về việc thu thập, kiểm tra, đánh giá cũng như kiểm sát các hoạt động thu thập, kiểm tra, đánh giá loại chứng cứ đó tạo tiền đề cho việc giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Đặc biệt là các vụ án trong lĩnh vực công nghệ cao, những vụ án có sử dụng công nghệ thông tin là công cụ, phương tiện phạm tội.

1. Các quy định của pháp luật về chứng cứ điện tử.

Dữ liệu điện tử – với tư cách là một nguồn chứng cứ, được định nghĩa là “ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ; truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử” (Điều 99 BLTTHS). Quy định này thể hiện sự nhất quán và cụ thể hóa khái niệm “dữ liệu” trong Luật giao dịch điện tử năm 2006: “Dữ liệu là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự”. Dữ liệu điện tử được thừa nhận giá trị pháp lý và có giá trị làm chứng cứ từ năm 2006 – trong luật giao dịch điện tử. Tuy nhiên, phải đến khi BLTTHS 2015 ra đời thì dữ liệu điện tử mới được luật hóa, coi là một trong các nguồn chứng cứ. Điều này đã khắc phục được sự không thống nhất giữa luật nội dung và luật hình thức trong BLTTHS năm 2003.
Khi các dữ liệu điện tử được thu thập theo những biện pháp do BLTTHS quy định, thỏa mãn các thuộc tính của chứng cứ, thì các dữ liệu điện tử được coi là chứng cứ điện tử. Vậy, chứng cứ điện tử là gì? Tuy pháp luật hiện hành chưa có khái niệm pháp lý về “chứng cứ điện tử”, nhưng về mặt khoa học pháp lý, chúng ta có thể hiểu:Chứng cứ điện tử là những chứng cứ được lưu giữ dưới dạng tín hiệu điện tử trong máy tính hoặc trong các thiết bị có bộ nhớ kỹ thuật số có liên quan đến vụ án hình sự” (Theo Tiến sĩ Trần Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống Tội phạm công nghệ cao).  Ngoài ra, có thể hiểu chứng cứ điện tử là thông tin và dữ liệu có giá trị điều tra được lưu trữ hoặc truyền đi bởi một máy tính, mạng máy tính hoặc thiết bị điện tử kỹ thuật số khác (theo tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế – Interpol).

Đặc điểm của chứng cứ điện tử:

– Là loại chứng cứ phi truyền thống, không phải là sự vật hay sự kiện như quan niệm trước đây mà là những ký tự dưới dạng số hóa được lưu giữ trong phương tiện, thiết bị điện tử hoặc trên mạng thông tin toàn cầu qua quá trình xử lý sẽ cho ra các dữ liệu bao gồm số, chữ viết, âm thanh, hình ảnh… từ đó cung cấp thông tin liên quan đến sự kiện phạm tội;

– Được tạo ra trong không gian ảo và không có tính biên giới, lãnh thổ. Vì vậy, việc thu thập, kiểm tra, đánh giá nhằm chuyển hóa chúng sang chứng cứ truyền thống, sử dụng làm căn cứ chứng minh tội phạm cũng mang tính đặc thù, cần có những quy định cụ thể và hướng dẫn chuyên sâu. Tuy nhiên, hiện tại BLTTHS chỉ có quy định về việc “thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử” (Điều 107 BLTTHS). Còn việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ điện tử không có quy định riêng. Do đó, việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ điện tử được thực hiện theo quy định chung về kiểm tra, đánh giá chứng cứ quy định tại Điều 108 BLTTHS.

Ngoài ra, để đánh giá về chứng cứ điện tử, có thể áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 99 BLTTHS. Theo đó, “giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử, cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử, cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác”. Có thể nói, quy định về “giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử” trong BLTTHS xuất phát từ quy định về giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được quy định tại Khoản 2 Điều 14 Luật giao dịch điện tử năm 2006 Giá trị chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác

Phân loại dữ liệu điện tử

Dựa vào các căn cứ trên, người ta chia dữ liệu điện tử thành các loại:

Thứ nhất, Dữ liệu điện tử do người sử dụng tạo ra: Là những tài liệu, dữ liệu được tạo ra bởi hành vi của con người và được lưu lại trong bộ nhớ điện tử, như văn bản, bảng biểu, hình ảnh số, thư điện tử, các trang web, thông tin người sử dụng các dịch vụ, nội dung các cuộc trò truyện trên mạng, những phản ánh của khách hàng…

Thứ hai, Dữ liệu điện tử do máy tính tự động tạo ra: Là kết quả được tạo ra sau khi chương trình máy tính xử lý các dữ liệu đầu vào theo một thuật toán đã được xác định. Ví dụ: Nhật ký truyền tệp tin trong máy tính (FTP tranfer logs), nhật ký giao thức mạng từ các nhà cung cấp internet (IP logs from ISPs), nhật ký hệ điều hành/các tập tin registry (Operating System Logs/Registry Files); các bản ghi và nhật ký trang thư điện tử (Web mail IP logs and records)… Sự tác động của con người đối với dữ liệu do máy tính tạo ra rất hạn chế. Do vậy, loại dữ liệu này có giá trị chứng cứ rất cao.

Đa phần các chứng cứ điện tử đều được tạo nên bởi cả con người và máy tính. Chúng ta có thể khai thác chúng từ rất nhiều thiết bị điện tử như:

– Thiết bị di động: Các thiết bị di động thường lưu giữ những chứng cứ quan trọng phục vụ cho công tác điều tra: Tin nhắn, các cuộc gọi… hay thậm chí một số thiết bị di động còn tự động lưu cả lịch trình duyệt của người sử dụng.

– Đĩa CD chứa dữ liệu (CD Roms), ổ đĩa rời (External Drives), bộ định tuyến (Router).

– Các nhà cung cấp dịch vụ (Thư điện tử, trang web, máy chủ…): Là nguồn cung cấp dữ liệu điện tử quan trọng. Họ sẽ cung cấp cho các cơ quan tố tụng những thông tin về người sử dụng các dịch vụ, nhật ký truyền dữ liệu, các bản sao những dữ liệu máy tính…

Tuy nhiên, vấn đề phát hiện, bảo quản, đánh giá và sử dụng loại nguồn chứng cứ này rất khó khăn vì tồn tại phụ thuộc vào thời gian, quá trình thiết lập lưu trữ, thiết bị lưu trữ và khi bị phát hiện, tội phạm có thể xóa, sửa nhanh chóng để tiêu hủy dữ liệu điện tử dẫn đến rất khó thu thập, phục hồi chứng cứ.

2. Thực tế công tác thu thập, kiểm tra đánh giá các chứng cứ điện tử.

Tội phạm ngày càng có xu hướng sử dụng thủ đoạn tinh vi, liên quan đến công nghệ thông tin. Những vụ án hình sự mà trong đó đối tượng sử dụng phương tiện điện tử, thiết bị công nghệ để thực hiện tội phạm ngày càng có xu hướng gia tăng; diễn ra ở nhiều loại tội ví dụ như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội môi giới mại dâm, tội đánh bạc….

Trong những vụ án hình sự mà tội phạm có sử dụng công nghệ thông tin, thiết bị điện tử là phương tiện phạm tội khi chưa có quy định về dữ liệu điện tử, các cơ quan tiến hành tụng vẫn thực hiện việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ điện tử và việc thu thập chứng cứ điện tử được thực hiện theo trình tự chung, như đối với các nguồn chứng cứ khác. Đó là thu giữ phương tiện điện tử (thông thường là điện thoại), là nơi chứa đựng các thông tin về dữ liệu điện tử. Sau khi thu giữ phương tiện điện tử, Cơ quan tiến hành tố tụng (CQTHTT) tiến hành trích xuất dữ liệu, sao y dữ liệu mà chủ yếu là chép lại các nội dung cuộc trò chuyện (dạng tin nhắn còn lưu trong máy) hoặc thống kê các lịch sử giao dịch (chủ yếu là cuộc gọi đến, cuộc gọi đi). Tuy nhiên, cũng có trường hợp, CQTHTT không tiến hành thu giữ phương tiện điện tử (máy tính) mà cùng với chủ sở hữu trích xuất tại chỗ dữ liệu từ máy tính ra giấy, làm tài liệu đưa vào hồ sơ (có kí xác nhận của người trích xuất). Đối với những trường hợp phức tạp, CQTHTT tiến hành khôi phục dữ liệu qua những cá nhân, tổ chức có chuyên môn. Những cá nhân, tổ chức này cam kết về nội dung đã khôi phục. Những dữ liệu này được chuyển hóa thành chứng cứ vật chất và được sử dụng để đấu tranh với các đối tượng.

Tuy nhiên, do thiếu vắng quy định cụ thể liên quan đến thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ điện tử nên trong thực tiễn, chứng cứ điện tử được thu thập, kiểm tra, đánh giá thường phụ thuộc vào năng lực, trình độ của người trực tiếp thực hiện. Mặt khác, việc thu thập chứng cứ điện tử như trên là chưa đầy đủ, chưa đúng bản chất của chứng cứ điện tử; nhất là trong trường hợp CQTHTT chép lại nội dung giao dịch còn lưu giữ trong phương tiện điện tử.

Thu thập theo cách này sẽ bỏ sót những dữ liệu mà người dùng đã xóa bỏ. Đối với trường hợp này việc phục hồi dữ liệu trong các log hệ thống của phương tiện điện tử hoặc trích xuất dữ liệu từ nhà mạng chủ quản tương đối khó khăn vì chưa được luật hóa nên các nhà chủ quản thường lấy lý do bảo mật thông tin khách hàng và từ chối cung cấp.

Bộ luật tố tụng hình sự 2015 ra đời, dữ liệu điện tử được luật hóa, biện pháp thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử được quy định cụ thể (điều 107) đã khắc phục được những nhược điểm trước đó. Qua công tác thực tiễn giải quyết một số vụ án hình sự có liên quan đến công nghệ thông tin, nhận thấy việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ điện tử được thực hiện như sau:

– Đối với các phương tiện điện tử có lưu trữ dữ liệu điện tử (ổ cứng máy tính, điện thoại thông minh, USB, thẻ nhớ, đĩa quang, camera, máy ảnh, email… điện thoại thông minh…) của người phạm tội, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: CQTHTT tiến hành thu giữ, lập biên bản, niêm phong, bảo quản vật chứng. Khi bàn giao tang vật cho chuyên gia phục hồi dữ liệu để sao chép dữ liệu phải đảm bảo quy định của pháp luật về thủ tục mở niêm phong và niêm phong lại. Trường hợp, CQTHTT trực tiếp sao chép lại dữ liệu điện tử (ví dụ các tin nhắn lưu trong điện thoại), để bảm bảo khách quan, CQTHTT phải lập biên bản về nội dung dữ liệu điện tử, kèm theo lời khai và xác nhận của chủ sở hữu thiết bị số, người chứng kiến.

– Dữ liệu điện tử liên quan đến vụ án không chỉ được lưu trên thiết bị số của thủ phạm, của nạn nhân, mà còn được lưu trên máy chủ của bên thứ ba là các nhà cung cấp dịch vụ internet, ngân hàng, các nhà mạng, sàn giao dịch điện tử, cổng thanh toán điện tử, cơ quan thuế, hải quan… Vì vậy, bên cạnh việc CQTHTT trực tiếp sao chép dữ liệu điện tử từ thiết bị số đã thu giữ làm chứng cứ thì việc thu thập dữ liệu điện tử ở các nhà mạng chủ quản của các thuê bao di động mà các đối tượng đã sử dụng là điều cần thiết để kiểm tra tính đúng đắn của các thông tin đã sao chép từ thiết bị số đã thu giữ.

– Trong thực tiễn tố tụng, CQTHTT còn tiến hành giám định dữ liệu điện tử. Hoạt động giám định dữ liệu điện tử do giám định viên tư pháp thực hiện phần lớn là hoạt động phục hồi, giải mã, phân tích tập trung vào việc tìm kiếm dữ liệu đang lưu, tồn tại trong thiết bị lưu trữ trên mạng hoặc trong thiết bị kỹ thuật số của cá nhân, để tìm dữ liệu làm chứng cứ. Đây không phải là hoạt động so sánh, truy nguyên đồng nhất dữ liệu điện tử vì không có file gốc làm chuẩn mà hoạt động này chỉ nhằm tìm kiếm dữ liệu có nội dung liên quan đến hành vi phạm tội, thủ phạm, nạn nhân hoặc thiệt hại.

Sau khi có kết luận giám định, chứng cứ điện tử được chuyển hóa thành chứng cứ vật chất kết hợp với các chứng cứ khác liên quan như vật chứng, lời khai… là căn cứ chứng minh tội phạm, góp phần quyết vụ án đúng đắn, khách quan. Có thể nói việc thu thập chứng cứ điện tử có ý nghĩa rất quan trọng trong thực tiễn tố tụng đối với loại hình tội phạm công nghệ cao. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ điện tử còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

3. Những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ điện tử.

Thứ nhất, Về mặt văn bản pháp luật: Trong hệ thống pháp luật hiện hành, dữ liệu điện tử được quy định trong Luật giao dịch điện tử năm 2006. Với tư cách là một nguồn chứng cứ, dữ liệu điện tử được ghi nhận trong BLTTHS 2015 tại các Điều 87, 88, 99, 107. Ngoài ra khoản 3 Điều 223 BLTTHS cũng đề cập đến việc “thu thập bí mật dữ liệu điện tử” với tư cách là một biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Hiện tại, chưa có văn bản dưới luật hướng dẫn chi tiết về vấn đề này. Bên cạnh các quy định đặc thù về thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử (Điều 107), các nội dung khác như: việc kiểm tra, đánh giá, bảo quản, niêm phong…. đối với chứng cứ điện tử được thực hiện theo quy định chung hiện hành. Tuy nhiên, chứng cứ điện tử có những đặc điểm khác biệt với các chứng cứ truyền thống cần phải có những quy định chặt chẽ của pháp luật về quy trình thu giữ và phục hồi đối với loại chứng cứ này nhằm bảo vệ tính toàn vẹn của dữ liệu, giữ nguyên giá trị chứng cứ của dữ liệu; cũng như quy định về trách nhiệm của các cá nhân trong việc sử dụng, bảo quản loại chứng cứ đặc thù này; đặc biệt là đối với việc “thu thập bí mật dữ liệu điện tử” còn liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Việc chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến việc cơ quan điều tra áp dụng một cách tùy nghi, tương tự.

Bên cạnh đó, từ chính những quy định của BLTTHS cũng đã bộc lộ những điểm chưa thống nhất, cụ thể: Điều 107 BLTTHS 2015 quy định về việc thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử nhưng tại khoản 1 của Điều luật này lại quy định “phương tiện điện tử phải được thu giữ kịp thời, đầy đủ …” và “trường hợp không thể thu giữ phương tiện lưu trữ điện tử thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sao lưu dữ liệu điện tử đó …”. Có thể thấy, dường như nhà làm luật đang đồng nhất khái niệm “thu thập phương tiện điện tử” và “thu giữ phương tiện điện tử”. Thiết nghĩ, chỉ đặt ra vấn đề thu thập đối với dữ liệu điện tử vì dữ liệu điện tử mới là một nguồn chứng cứ, còn phương tiện điện tử chỉ là nơi mà dữ liệu điện tử được chứa đựng.

Thứ hai, về điều kiện cơ sở vật chất, năng lực  sự phối kết hợp với các cơ quan, tổ chức trong hoạt động kiểm tra, đánh giá chứng cứ điện tử: Để giải quyết vụ án hình sự có chứng cứ là dữ liệu điện tử, đòi hỏi những người tiến hành tố tụng phải có kiến thức về các loại hình dữ liệu điện tử, có sự hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin. Thực tiễn cho thấy đối với những vụ án không quá phức tạp như các vụ án về môi giới mại dâm, ma túy, đánh bạc các đối tượng thường sử dụng thiết bị số để nhắn tin, gọi điện trao đổi, thỏa thuận nội dung với nhau. Việc thu thập dữ liệu điện tử để chứng minh hoặc củng cố chứng cứ thường ở mức đơn giản, sau khi thu giữ thiết bị số cơ quan điều tra tiến hành lập biên bản kiểm tra, trích xuất, sao chép dữ liệu như tin nhắn, lịch sử cuộc gọi giữa các thuê bao mà các đối tượng sử dụng để đấu tranh với đối tượng. Khi đối tượng khai nhận phù hợp thì bản sao của các dữ liệu trên được đưa vào hồ sơ vụ án với tư cách là một chứng cứ chứng minh tội phạm.

Tuy nhiên, ở những vụ án phức tạp hơn, đối tượng sử dụng những thủ đoạn tinh vi hơn, dấu vết tội phạm để lại ở dữ liệu mạng máy tính, mạng viễn thông, trên đường truyền và các nguồn điện tử khác đòi hỏi phải tiếp cận nguồn cơ sở dữ liệu đã được mã hóa, chặn thu dữ liệu trên đường truyền (giữa máy chủ-máy chủ, máy tính cá nhân-máy chủ, dữ liệu truyền bằng ADSL, mobile, vệ tinh), giải mã dữ liệu đã mã hóa, … thì phải có sự kết hợp với các tổ chức chuyên môn, các chuyên gia hoặc cơ quan có thẩm quyền (cơ quan thứ ba) tiến hành việc tìm kiếm, phục hồi, chuyển đổi dữ liệu điện tử thành dạng hữu hình có thể đọc, nghe, nhìn… được. Tuy nhiên, việc chờ đợi kết quả từ các cơ quan này liên quan đến vấn đề thời hạn tố tụng. Đối với những vụ án mà chứng cứ điện tử là căn cứ quan trọng nhất để xác định hành vi phạm tội của đối tượng thì điều này ảnh hướng rất lớn đến tiến độ giải quyết vụ án. Như vậy, mặc dù việc thu thập phương tiện điện tử diễn ra nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nhưng luật không quy định chặt chẽ về thời hạn, trách nhiệm của cơ quan thứ ba, cũng như không có cơ chế phối hợp nên việc sử dụng chứng cứ điện tử vào việc giải quyết vụ án hình sự chưa đạt hiệu quả cao.

4. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ điện tử.

Thư nhất, về mặt văn bản pháp luật cần thiết phải có những quy định rõ ràng, cụ thể về việc thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng điện tử cũng như ban hành văn bản hướng dẫn về đường lối xử lý đối với các tội phạm công nghệ cao trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Ngoài ra, cần có quy định chặt chẽ về trách nhiệm thậm chí là chế tài xử lý đối với cá nhân, tổ chức (cơ quan thứ 3) trong việc chậm trễ cung cấp dữ liệu điện tử, giám định dữ liệu điện tử làm ảnh hưởng tới tiến trình giải quyết vụ án.

Thứ hai, những người tiến hành tố tụng cần nâng cao kiến thức cơ bản về dữ liệu điện tử, về công nghệ thông tin (am hiểu nhất định về đối tượng đang được khai thác)… Để làm tốt điều đó, cần xác định phương hướng cho hoạt động thu thập dữ liệu điện tử đó là: (i) Phải xuất phát từ những thông tin, tài liệu, chứng cứ ban đầu về vụ án đã thu thập được, đây là cơ sở đầu tiên giúp cho cơ quan có thẩm quyền xác định phương hướng thu thập dữ liệu điện tử; (ii) Xuất phát từ quy luật dấu vết điện tử có điểm riêng biệt so với dấu vết hình sự khác, căn cứ vào nguồn gốc hình thành và đặc điểm của vật mang dấu vết điện tử (phương tiện điện tử, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên đường truyền); (iii) Quy luật hoạt động của các đối tượng phạm tội đối với các hệ, loại đối tượng là khác nhau, chẳng hạn như: Quy luật hoạt động của các đối tượng sử dụng công nghệ cao xâm phạm an ninh quốc gia sẽ có những điểm đặc trưng so với quy luật hoạt động của các đối tượng sử dụng công nghệ thông tin để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản….

Thứ ba, cần thiết phải có những tổng kết khoa học và thực tiễn về thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ điện tử trong các vụ án hình sự. Mặt khác, dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ phi truyền thống, tồn tại trên không gian mạng, sự tồn tại đó có thể vượt ra khỏi phạm vi của một quốc gia và loại tội phạm để lại dấu vết này cũng thường mang tính chất xuyên quốc gia. Do vậy, cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh với loại tội phạm này.

Có thể nói, việc luật hóa dữ liệu điện tử là một loại nguồn chứng cứ trong BLTTHS 2015, cùng với việc bổ sung quy định về một số tội phạm mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong BLHS 2015, là sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời của các nhà lập pháp, đáp ứng nhu cầu cấp bách của thực tiễn đấu tranh với loại tội phạm công nghệ cao đang ngày càng gia tăng về số lượng, mức độ phức tạp và sự nguy hiểm đối với xã hội./.

Th.s Nguyễn Văn Điền – Viện KSDN thị xã Sơn Tây, Hà Nội

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ luật hình sự năm 2015, NXB Lao động.
  2. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, NXB Lao động.
  3. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, NXB Lao động.
  4. Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, NXB Công an nhân dân;
  5. Luật giao dịch điện tử năm 2006, NXB Lao động.
  6. Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC ngày 10/9/2012 hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông
  7. Những nội dung mới trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (Sách chuyên khảo), chủ biên PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình;

 


Các tìm kiếm liên quan đến Chứng cứ điện tử, dữ liệu điện tử và chứng cứ điện tử, chứng cứ điện tử trong tố tụng dân sự, dữ liệu điện tử là chứng cứ, khái niệm dữ liệu điện tử, dữ liệu điện tử có giá trị chứng minh tội phạm không, cách thu thập dữ liệu điện tử, thu thập phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử, ý nghĩa của dấu vết điện tử

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền