Theo tác giả, Chánh án và Phó chánh án có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc như tạm giam thì đối với các biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh, đặt tiền, cấm đi khỏi nơi cư trú… đương nhiên họ có thẩm quyền.
Sau khi nghiên cứu bài viết “Chánh án có quyền áp dụng biện pháp bảo lĩnh, đặt tiền… không?” của tác giả Nguyễn Thành Giang đăng trên Tạp chí Kiểm sát online ngày 01/8/2018, tác giả có ý kiến như sau:
BLTTHS năm 2015 quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn dựa vào tính chất của từng biện pháp. Tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất nên do Chánh án và Phó chánh án có thẩm quyền áp dụng; còn các biện pháp ngăn chặn khác như bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh thì Thẩm phán có thẩm quyền áp dụng. Việc căn cứ vào tính chất của các biện pháp ngăn chặn để quy định thẩm quyền là hoàn toàn phù hợp.
Mặc dù BLTTHS năm 2015 không quy định thẩm quyền cho Chánh án và Phó chánh án áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn như bảo lĩnh, đặt tiền, cấm đi khỏi nơi cư trú… Tuy nhiên, xét về mặt tính chất thì các biện pháp ngăn chặn này không nghiêm khắc như tạm giam, vì vậy, các biện pháp ngăn chặn khác đương nhiên Chánh án và Phó chánh án có thẩm quyền. Để tránh sự chồng chéo về thẩm quyền đối với Thẩm phán thì cần hướng dẫn cụ thể các trường hợp Chánh án và Phó chánh án được hủy bỏ, thay đổi, áp dụng các biện pháp ngăn chặn là bảo lĩnh, đặt tiền cấm đi khỏi nơi cứ trú, bao gồm các trường hợp:
– Khi Chánh án và Phó chánh án được phân công Thẩm phán giải quyết vụ án.
– Trường hợp hồ sơ vụ án chuyển sang cho Tòa án xét thấy cần áp dụng, hủy bỏ, thay đổi biện pháp ngăn chặn mà chưa phân công được Thẩm phán giải quyết thì Chánh án hoặc Phó chánh án có thẩm quyền áp dụng, hủy bỏ, thay đổi biện pháp ngăn chặn như bảo lĩnh, đặt tiền, cấm đi khỏi nơi cư trú…
Trần Văn Hùng – TAQS quân khu 4
Nguồn: Tạp chí Kiểm sát (kiemsat.vn)
Để lại một phản hồi