Các câu hỏi trắc nghiệm về Luật bảo hiểm xã hội (có đáp án)

Chuyên mụcĐề cương ôn tập, Luật bảo hiểm xã hội so-bao-hiem-xa-hoi

Tổng hợp các câu hỏi trắc nghiệm về luật bảo hiểm xã hội (bhxh) có đáp án mới nhất 2019 để bạn tham khảo, ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tới.

Đáp án đúng được đánh màu đỏ kèm theo giải thích in nghiêng ở dưới!

1. Những người lao động nào sau đây bắt buộc phải đóng BHXH?

a. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn
b. Cán bộ, công chức, viên chức
c. Sỹ quan quân đội, công an
d. Tất cả các đối tượng trên

Theo Khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì NLĐ là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bao gồm: a) Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về LĐ; b) Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; c) Cán bộ, công chức, viên chức; d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân,…..

2. Tháng 2/2018, A ký HĐLĐ 2 tháng vào làm việc cho cơ sở X. A có phải tham gia BHXH không?

a. Có
b. Không
c. Tùy thỏa thuận giữa A và cơ sở X

Theo Điểm b Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014 thì Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng là một trong những đối tượng NLĐ phải đóng BHXH bắt buộc.

3. Hiện nay, NLĐ tham gia BHXH bắt buộc được hưởng những chế độ nào?

a. Ốm đau, thai sản, tử tuất, tai nạn lao động
b. Ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất
c. Ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Theo Khoản 1 Điều 4 Luật BHXH 2014 thì BHXH bắt buộc gồm các chế độ sau: ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

4. BHXH tự nguyện gồm những chế độ nào?

a. Ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất
b. Hưu trí, tử tuất
c. Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản

Theo Khoản 2 Điều 4 Luật BHXH 2014 thì BHXH tự nguyện gồm các chế độ: hưu trí, tử tuất.

5. A làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn cho doanh nghiệp X. Hàng tháng, A phải đóng bao nhiêu % BHXH?

a. 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất
b. 10% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất
c. 10,5 % mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất

Theo Khoản 1 Điều 85 và Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014 thì NLĐ làm việc theo chế độ HĐLĐ không xác định thời hạn hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

6. Hàng tháng, người sử dụng lao động đóng bao nhiêu % BHXH bắt buộc cho NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn?

a. 17,5 % vào quỹ ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất
b. 17 % vào quỹ ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất
b. 17 % vào quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động

Theo Khoản 1 Điều 86 và Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014 thì hàng tháng, NSDLĐ đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của NLĐ với mức cụ thể như sau: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản + 14 % vào quỹ hưu trí và tử tuất = 17% BHXH.

7. Chọn đáp án đúng nhất: Trường hợp nào sau đây NLĐ được hưởng chế độ ốm đau khi đóng BHXH?

a. Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền
b. Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền
c. Cả hai trường hợp trên

Theo Điều 25 Luật BHXH 2014 thì những trường hợp sau, NLĐ được hưởng chế độ ốm đau: 1. Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế. Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau. 2. Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

8. A ký HĐLĐ không xác định thời hạn, làm việc trong điều kiện bình thường, đã đóng BHXH được 8 năm. A được nghỉ bao lâu khi hưởng chế độ ốm đau?

a. 20 ngày trong 1 năm
b. 30 ngày trong 1 năm
c. 45 ngày trong 1 năm

Theo Điểm a Khoản 1 Điều 26 Luật BHXH 2014 thì thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường là 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

9. Chị B là công chức nhà nước, năm nay con chị 2 tuổi. Khi con chị B bị bệnh, chị được nghỉ bao nhiêu ngày để chăm con theo chế độ ốm đau?

a. Tối đa 20 ngày làm việc trong 1 năm
b. Tối đa 30 ngày làm việc trong 1 năm
c. Tối đa 40 ngày làm việc trong 1 năm

Theo Khoản 1 Điều 27 Luật BHXH 2014 thì Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 03 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi.

10. Lao động nữ đóng BHXH bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản khi sinh?

a. Từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con
b. Từ đủ 07 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con
c. Từ đủ 08 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con

Theo Khoản 2 Điều 31 Luật BHXH 2014 thì Lao động nữ phải đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi mới đáp ứng điều kiện hưởng chế độ thai sản.

11. Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ bao lâu để đi khám thai?

a. Nghỉ 02 lần , mỗi lần 02 ngày làm việc
b. Nghỉ 4 lần , mỗi lần 01 ngày làm việc
c. Nghỉ 05 lần, mỗi lần 01 ngày làm việc;

Theo Điều 32 Luật BHXH 2014 thì trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày; Trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai. Thời gian nghỉ việc tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

12. Khi sẩy thai, nạo, hút thai dưới 5 tuần tuổi, lao động nữ được nghỉ theo chế độ thai sản tối đa bao lâu?

a. 10 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần
b. 15 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần
c. 17 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần

Theo Điều 33 Luật BHXH 2014, khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi; 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi; 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi; 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên. Thời gian nghỉ việc này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

13. Chị B đóng BHXH được 2 năm thì sinh đôi 2 bé. Thời gian nghỉ theo chế độ thai sản của chị B là bao lâu?

a. 06 tháng cả trước và sau khi sinh
b. 07 tháng cả trước và sau khi sinh
c. 08 tháng cả trước và sau khi sinh

Theo Khoản 1 Điều 34 Luật BHXH 2014 thì lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

14. Anh A đang đóng BHXH, vợ anh A sinh con phải phẫu thuật. Anh được nghỉ bao nhiêu ngày theo chế độ thai sản?

a. 07 ngày làm việc
b. 10 ngày làm việc
c. 15 ngày làm việc

Theo Khoản 2 Điều 34 Luật BHXH 2014 thì Lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau: a) 05 ngày làm việc; b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc; d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

15. Lao động nữ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con được hưởng những quyền lợi gì?

a. Trợ cấp thai sản 06 tháng, mỗi tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản; Và trợ cấp 1 lần = 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con
b. Được nghỉ thai sản + trợ cấp thai sản mỗi tháng nghỉ bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước khi nghỉ hưởng chế độ thai sản; Và trợ cấp 1 lần mỗi con = 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con.
c. Được nghỉ thai sản + trợ cấp 1 lần = 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con

Theo Điều 34, 38 và 39 thì lao động nữ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con được nghỉ thai sản + trợ cấp thai sản mỗi tháng nghỉ bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ hưởng chế độ thai sản; Và trợ cấp 1 lần mỗi con = 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con.

16. Chị M đang nghỉ sinh con theo chế độ thai sản. Chị dự định đi làm lại khi chưa hết thời gian nghỉ thì phải đáp ứng điều kiện gì?

a. Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 02 tháng + phải báo trước và được NSDLĐ đồng ý
b. Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 03 tháng + phải báo trước và được NSDLĐ đồng ý
c. Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 04 tháng + phải báo trước và được NSDLĐ đồng ý

Theo Khoản 1 Điều 40 Luật BHXH 2014 thì lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 04 tháng; b) Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.

17. NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường được hưởng lương hưu khi nào?

a. Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 17 năm đóng BHXH trở lên
b. Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên
c. Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 23 năm đóng BHXH trở lên

Theo Khoản 1 Điều 54 Luật BHXH 2014 thì trừ lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và những người làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm,…còn lại NLĐ làm việc trong điều kiện bình thường được hưởng lương hương khi: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên.

18. NLĐ được hưởng trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu nếu đáp ứng điều kiện nào?

a. Có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng lương hưu 65%
b. Có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng lương hưu 70%
c. Có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng lương hưu 75%

Theo Khoản 1 Điều 58 Luật BHXH 2014 thì Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

19. Chọn đáp án đúng nhất: Trường hợp nào sau đây NLĐ đang đóng BHXH bắt buộc được hưởng BHXH 1 lần?

a. Ra nước ngoài để định cư
b. Bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng như HIV/AIDS giai đoạn cuối, ung thư, bại liệt,…
c. Cả hai trường hợp trên

Theo Khoản 1 Điều 60 Luật BHXH 2014 thì NLĐ đang đóng BHXH bắt buộc được hưởng BHXH 1 lần khi thuộc 1 trong các trường hợp sau: a. Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; b. Ra nước ngoài định cư; c. Đang mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan, phong, lao, nhiễm HIV đã chuyển sang AIDS,……

20. Anh A đóng BHXH bắt buộc được 10 tháng thì ngừng đóng. Nếu thuộc trường hợp được hưởng BHXH 1 lần thì mức hưởng của anh A là bao nhiêu?

a. Bằng số tiền đã đóng, tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
b. 01 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
c. 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

Theo Khoản 2 Điều 60 Luật BHXH 2014 thì mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; c) Nếu thời gian đóng chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

21. Mức hưởng trợ cấp mai táng đối với NLĐ tham gia BHXH bắt buộc theo quy định hiện hành là bao nhiêu?

a. Bằng 05 lần mức lương cơ sở tại tháng mà NLĐ đang đóng BHXH mất.
b. Bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà NLĐ đang đóng BHXH mất.
c. Bằng 15 lần mức lương cơ sở tại tháng mà NLĐ đang đóng BHXH mất.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 66 Luật BHXH 2014 thì mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà NLĐ đang đóng BHXH mất.

22. Chọn đáp án đúng nhất: NLĐ tham gia BHXH bắt buộc mất trong trường hợp nào thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng?

a. Đang hưởng lương hưu
b. Mất do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
c. Cả hai trường hợp trên

Theo Khoản 1 Điều 67 Luật BHXH 2014 thì NLĐ tham gia BHXH bắt buộc mất trong những trường hợp sau thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng: a) Đã đóng BHXH đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng BHXH một lần; b) Đang hưởng lương hưu; c) Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; d) Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61 % trở lên.

23. Mức trợ cấp tuất hằng tháng cho thân nhân NLĐ đóng BHXH bắt buộc mất là bao nhiêu?

a. Mỗi thân nhân = 40% mức lương cơ sở; Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở
b. Mỗi thân nhân = 50% mức lương cơ sở; Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở
c. Mỗi thân nhân = 60% mức lương cơ sở; Thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở

Theo Khoản 1 Điều 68 Luật BHXH 2014 thì mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân NLĐ đóng BHXH bắt buộc bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

24. Trường hợp nào NLĐ tham gia BHXH tự nguyện mất thì người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng?

a. Thời gian đóng BHXH từ đủ 40 tháng trở lên
b. Thời gian đóng BHXH từ đủ 50 tháng trở lên
c. Thời gian đóng BHXH từ đủ 60 tháng trở lên

Theo Khoản 1 Điều 80 Luật BHXH 2014 thì NLĐ đóng BHXH tự nguyện mất trong những trường hợp sau thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng: a) Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 60 tháng trở lên; b) Người đang hưởng lương hưu. Cũng theo quy định này, trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người đóng mất.

25. NLĐ tham gia BHXH tự nguyện mỗi tháng đóng bao nhiêu?

a. 20% mức thu nhập tháng do NLĐ lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất
b. 22% mức thu nhập tháng do NLĐ lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất
c. 25% mức thu nhập tháng do NLĐ lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất

Theo Khoản 1 Điều 87 Luật BHXH 2014 thì NLĐ tham gia BHXH tự nguyện hằng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do NLĐ lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

26. NLĐ tham gia BHXH được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi nào?

a. Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ LĐTB & XH ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại; Và suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh.
b. Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ LĐTB & XH ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại; Và suy giảm khả năng lao động từ 7% trở lên do bị bệnh.
a. Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ LĐTB & XH ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại; Và suy giảm khả năng lao động từ 10 % trở lên do bị bệnh.

Theo Khoản 1 Điều 46 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 thì điều kiện để NLĐ được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp bao gồm: Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh.

27. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động bao nhiêu % thì được hưởng trợ cấp 1 lần?

a. Từ 5% đến 30%
b. Từ 35% đến 40%
b. Từ 40% đến 45%

Theo Khoản 1 Điều 48 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 thì NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần. Mức trợ cấp một lần cụ thể như sau: Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở; Ngoài mức trợ cấp này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp.

28. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động bao nhiêu % thì được hưởng trợ cấp hàng tháng?

a. 25%
b. 30%
c. 31%

Theo Khoản 1 Điều 49 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 thì NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mức trợ cấp hằng tháng cụ thể như sau: Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở; Ngoài mức trợ cấp này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp.

29. Người lao động được hưởng trợ cấp phục vụ khi nào?

a. Bị suy giảm khả năng lao động từ 75% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần
b. Bị suy giảm khả năng lao động từ 80% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần
c. Bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần

Theo Điều 52 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 thì NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng trợ cấp hằng tháng, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.


Các tìm kiếm liên quan đến câu hỏi trắc nghiệm về luật bảo hiểm xã hội, câu hỏi trắc nghiệm bảo hiểm xã hội có đáp ánm câu hỏi trắc nghiệm bảo hiểm có đáp án, hỏi trắc nghiệm về luật bảo hiểm y tế, 90 cau hoi trac nghiem bhxh, câu hỏi trắc nghiệm môn bảo hiểm xã hội, de thi trac nghiem bhxh, đề thi trắc nghiệm luật bảo hiểm xã hội, trắc nghiệm lý thuyết bảo hiểm

4.2/5 - (12 bình chọn)

Phản hồi

  1. em nghỉ công ty đươc gần 6 tháng do em nghỉ ngang giờ công ty yêu cầu nôp phạt 7,500,000 đ hộ mới trả tờ rời bảo hiểm vậy có đúng không ạ

  2. Về câu hỏi số 06.”6. Hàng tháng, người sử dụng lao động đóng bao nhiêu % BHXH bắt buộc cho NLĐ làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn?
    a. 17,5 % vào quỹ ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất
    b. 17 % vào quỹ ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất
    b. 17 % vào quỹ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động

    Theo Khoản 1 Điều 86 và Điểm a Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2014 thì hàng tháng, NSDLĐ đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của NLĐ với mức cụ thể như sau: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản + 14 % vào quỹ hưu trí và tử tuất = 17% BHXH.”

    Căn cứ khoản 1 Điều 86 thì Người sử dụng lao động phải đóng 18% bao gồm 3% vào quỹ OĐTS, 1 % vào quỹ TNLĐ-BNN, 14% vào quỹ hưu trí tử tuất.

    Không biết có quy định nào khác mà tôi không biết không? mong ban quản trị giải đáp thắc mắc dùm tôi

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền