Các trường hợp đương nhiên hủy bỏ biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự

Biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự

Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạo ra điều kiện thuận lợi cho quá trình giải quyết vụ án hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền con người, quyền công dân, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn chỉ được áp dụng khi có các căn cứ theo quy định của pháp luật.

 

Các nội dung liên quan:

 

Thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự, căn cứ thực tế từng trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn luôn thay đổi. Vì vậy, khi căn cứ để áp dụng một biện pháp ngăn chặn cụ thể không còn thì cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền xem xét việc hủy bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn. Trong bài viết này tác giả tổng hợp và giới thiệu các trường hợp đương nhiên hủy bỏ biện pháp ngăn chặn.

Khoản 1, Điều 125 BLTTHS quy định mọi biện pháp ngăn chặn đang áp dụng phải được hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;

b) Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án;

c) Đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can;

d) Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt, hình phạt tù nhưng được hưởng án treo hoặc hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ.

Có thể hiểu hủy bỏ biện pháp ngăn chặn xem như là hậu quả tất yếu khi quá trình tố tụng đối với vụ án đã chấm dứt, đó là khi vụ án bị đình chỉ, lúc này mọi biện pháp ngăn chặn đang áp dụng trong vụ án đương nhiên phải hủy bỏ. Tuy nhiên, thực tế vẫn có trường hợp quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự một người chấm dứt hoặc tạm dừng, dẫn tới việc biện pháp ngăn chặn đang áp dụng đối với người đó cũng bị hủy bỏ gồm:

Kết thúc quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có thể ra quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự, trong trường hợp không khởi tố vụ án, người bị tạm giữ phải được trả tự do, Khi quyết định khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bị hủy bỏ bởi quyết định của VKS cùng cấp. Đây là trường hợp mà quyết định khởi tố vụ án bị hủy bỏ do không có căn cứ;

Khi tiến hành kiểm sát việc tạm giữ, xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì VKS ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ quy định tại Khoản 4 Điều 117 BLTTHS; Trong khi tạm giữ, do không có đủ căn cứ để khởi tố bị can nên phải trả tự do cho người bị tạm giữ quy định tạm Khoản 3 Điều 118 BLTTHS.

Quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thể bị VKS cùng cấp hủy bỏ, quyết định khởi tố bị can của VKS cấp dưới có thể bị hủy bỏ bởi VKS cấp trên trực tiếp, lúc này biện pháp ngăn chặn đang được áp dụng đối với bị can cũng phải được hủy bỏ.

Khi có quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo thì biện pháp ngăn chặn đang được áp dụng đối với bị can, bị cáo đó phải được hủy bỏ.

Bị cáo đang bị tạm giam được Hội đồng xét xử tuyên trả tự do ngay tại phiên tòa (nếu không bị tạm giam về tội khác) do bị cáo không có tội. Bị cáo được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc được miễn hình phạt; bị cáo bị xử phạt bằng các hình thức không phải là hình phạt tù; bị cáo bị xử hình phạt tù nhưng được hưởng án treo; thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo bị tạm giam; Bị cáo được áp dụng hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trục xuất do đó nếu trươc khi xét xử bị cáo đang bị tạm giam thì tại phiên tòa phải trả tự do ngay cho bị cáo.

Trong quá trình thực hiện thấy cần bổ sung trường hợp bị can, bị cáo khi bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì cần phải hủy bỏ các bị pháp ngăn chặn để đưa bị can, bị cáo vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc.

Nông Văn Hiển

Phòng 8, VKSND tỉnh Lạng Sơn

Nguồn: Tạp chí Kiểm sát

Biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự là những biện pháp cưỡng chế được quy định trong BLTTHS, do cơ quan hoặc người có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng đối với bị can, bị cáo hoặc người bị nghi thực hiện tội phạm, người bị kết án bỏ trốn, để kịp thời ngăn chặn tội phạm, ngăn chặn họ gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc tiếp tục phạm tội.

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền