Các Luật, nghị quyết được thông qua tại kì họp thứ 3 QH khóa XIV

Chuyên mụcThảo luận pháp luật, Tin tức pháp luật Các Luật, nghị quyết được thông qua tại kì họp thứ 3 QH khóa XIV

Trong suốt kì họp QH lần 3 Khóa XIV, với nhiệm vụ trọng tâm là lập pháp, Quốc hội đã thông qua 11 Luật, bộ luật (gọi chung là luật) và 4 Nghị quyết. Hôm nay là ngày làm việc cuối cùng, Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Nghị quyết về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 – 2020 sẽ tiếp tục được biểu quyết thông qua, mình sẽ cập nhật sớm nhất trong bài viết này. Giờ thì mình xin điểm danh và liệt kê những thay đổi, những chính sách mới cần lưu ý trong 11 luật và 04 Nghị quyết đã thông qua trong những ngày làm việc vừa rồi của Quốc hội.

 

1. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017

 

Với xu thế khởi nghiệp trong những năm gần đây và hứa hẹn trong tương lai, phong trào khởi nghiệp sẽ được đẩy mạnh, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 đã được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2017 với một số nội dung đáng chú ý như sau:

 

– Quỹ đầu tư khởi nghiệp được chính phủ khuyến khích thành lập với những hỗ trợ vay vốn, tín dụng…

 

– Doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành, lĩnh vực ưu tiên được hỗ trợ về thuế thu nhập thấp hơn 5% so với quy định hiện hành.

 

– Doanh nghiệp khởi nghiệp không bị thanh tra trong vòng 01 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, trừ khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

 

– Đầu tư mạnh vào khởi nghiệp sáng tạo (startup)

 

Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

 

2. Luật quản lý ngoại thương 2017

 

Luật đã được Quốc hội ấn nút biểu quyết thông qua vào ngày 12/06/2017.

 

Với 08 chương, 12 điều, Luật quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

 

Đối tượng áp dụng là cơ quan quản lý nhà nước, thương nhân tham gia hoạt động ngoại thương và tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khác có liên quan.

 

Luật quản lý ngoại thương 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

 

3. Luật đường sắt 2017

 

Luật được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2017 với tỉ lệ tán thành 80.86%. Luật được thông qua với một vài quy định đáng chú ý như sau:

 

– Tổ chức, cá nhân kinh doanh đường sắt Quốc gia, đường sắt đô thị được:

 

+ Miễn thuế nhập khẩu thiết bị, máy móc, vật tư, phụ tùng thay thế, phương tiện giao thông đường sắt trong nước chưa sản xuất được.

 

+ Thuê đất với mức ưu đãi đối với đất dùng để xây dựng công trình phục vụ kinh doanh dịch vụ thương mại khác trong phạm vi đất dành cho đường sắt.

 

+ Hỗ trợ toàn bộ kinh phí giải phóng mặt bằng đối với đất dành cho đường sắt để xây dựng tuyến đường.

 

– Không quy định cứng tỷ lệ đầu tư cho đường sắt.

 

– Chưa hoàn toàn chuyển cơ chế từ phí sang giá.

 

Ngoài ra còn nhiều quy định khác, mình sẽ sớm cập nhật các file luật đầy đủ.

 

Luật đường sắt có hiệu lực từ ngày 01/01/2017.

 

4. Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) 2017

 

Luật được Quốc hội thông qua vào ngày 19/6/2017 với tỉ lệ đồng thuận là 93.28% số đại biểu tán thành.

 

Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) gồm 6 chương, 60 Điều. Đáng chú ý, Luật có những chương, Điều khuyến khích các cá nhân, tổ chức sáng tạo, đổi mới trong công nghệ; nhà nước hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới và chuyển giao công nghệ, coi doanh nghiệp làm trung tâm; nhà nước chú trọng hỗ trợ thúc đẩy công nghệ hóa được chuyển giao trong nước.

 

Luật chuyển giao công nghệ 2017 có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.

 

5. Luật thủy lợi 2017

 

Luật được Quốc hội thông qua vào ngày 19/6/2017 với  tỷ lệ 93,08% đại biểu Quốc hội tán thành.

 

Luật sửa đổi, chỉnh lý một số nội dung quan trọng trong đó có quy hoạch thủy lợi, đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình thủy lợi, dịch vụ, bảo vệ và trách nhiệm quản lý Nhà nước về công trình thủy lợi…

 

Luật thủy lợi 2017 có hiệu lực từ ngày 01/7/2018.

 

6. Luật du lịch (sửa đổi) 2017

 

Cũng được Quốc hội thông qua vào ngày 19/6/2017 với tỉ lệ tán thành 98.21%.

 

Luật có sửa đổi một số nội dung, quy định cụ thể như nguyên tắc và chính sách phát triển du lịch, các hành vi bị cấm, bỏ quy định về đô thị du lịch, xác định các nguồn thu cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch…

 

Luật du lịch 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

 

7. Luật trợ giúp pháp lý 2017.

 

Luật được thông qua ngày 20/6/2017 với 93.28% Đại biểu Quốc hội tán thành.

 

Theo đó, một điểm được xem là đáng chú ý nhất của Luật là nhóm người được hỗ trợ pháp lý miễn phí tăng, từ 07 nhóm đến 14 nhóm, bao gồm:

 

– Người có công với cách mạng.

 

– Người thuộc hộ nghèo.

 

– Trẻ em trong quá trình tố tụng, xử lý vi phạm hành chính, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng.

 

– Người dân tộc thiểu số thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

 

– Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

 

– Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

 

– Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: người cao tuổi; người khuyết tật; cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; nạn nhân của hành vi mua bán người; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; người nhiễm chất độc da cam/dioxin; người nhiễm HIV/AIDS.

 

Luật trợ giúp pháp lý 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.

 

8. Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017

 

Luật được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2017 với tỉ lệ tán thành là 92.46%.

 

Luật đã thông qua với nhiều quy định quan trọng đã đượclàm rõ. Trong đó, việc xác định cơ quan thay mặt Nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường gây ra oan sai trong tố tụng hình sự là cơ quan gây oan sai sau cùng. Vì trong thực tế hoạt động tố tụng, khó để xác định cơ quan gây oan sai sau cùng nên Luật đã quy định rõ và cụ thể.

 

Ngoài ra, Luật còn quy định về việc bồi thường thiệt hại tinh thần với người thân của người bị oan sai trong tố tụng hình sự. Theo đó, chỉ khi nào người bị thiệt hại bị chết thì mới tiến hành hành bồi thường về tinh thần. Quy định như vậy là kế thừa quy định của Luật hiện hành, đồng thời phù hợp với quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và khả năng chi trả của ngân sách nhà nước.

 

Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.

 

9.  Bộ luật hình sự sửa đổi 2017

 

Luật được thông qua vào ngày 20/6/2017 với tỉ lệ đồng thuận là 88.39%.

 

Theo đó, những tranh luận về Khoản 3 Điều 19 Bộ luật hình sự 2015 đã được “chốt”. Xem chi tiết tại bài viết: Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi BLHS 2015

 

Ngoài ra, tội kinh doanh đa cấp trái phép cũng được bổ sung vào Luật lần này.

 

Cùng với nhiều quy định khác, mình sẽ cập nhật bản đầy đủ.

 

Bộ luật hình sự sửa đổi 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018

 

10. Luật cảnh vệ 2017

 

Luật được thông qua vào ngày 20/6/2017 với tỉ lệ tán thành là 94.09%.

 

Luật có một số điểm đáng chú ý sau đây:

 

– Nghiêm cấm việc tiết lộ thông tin, bí mật của yếu nhân.

 

– Cán bộ cảnh vệ được phép nổ súng trong các trường hợp sau:

 

+ Cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ;

 

+ Gây thương tích cho đối tượng đang đột nhập vào khu vực, mục tiêu cảnh vệ, sau khi đã ra hiệu lệnh dừng lại và bắn chỉ thiên nhưng không hiệu quả;

 

+ Vô hiệu hóa đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ.

 

Ngoài ra còn nhiều quy định khác, mình sẽ cập nhật bản đầy đủ Luật cảnh vệ 2017.

 

Luật cảnh vệ 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018.

 

11. Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017.

 

Với tỉ lệ tán thành là 93.08% Luật đã được thông qua vào ngày 20/6/2017. Với một số điểm đáng lưu ý như sau:

 

Luật quy định, người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe phù hợp với công việc được giao; không trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã được xóa án tích trong trường hợp bị kết tội theo bản án, quyết định của Tòa án; đã qua đào tạo, huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có trách nhiệm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đúng mục đích, đúng quy định. Khi mang vũ khí, công cụ hỗ trợ phải mang theo giấy chứng nhận, giấy phép sử dụng; bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đúng chế độ, đúng quy trình, bảo đảm an toàn, không để mất, hư hỏng. Bên cạnh đó, bàn giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và giấy phép cho người có trách nhiệm quản lý, bảo quản theo đúng quy định sau khi kết thúc nhiệm vụ hoặc hết thời hạn được giao. Chính phủ là cơ quan chịu trách nhiệm quy định việc huấn luyện và cấp chứng nhận về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

 

Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 có hiệu lưc từ ngày 01/7/2018

 

12. Nghị quyết về chương trình xây dựng luật pháp lệnh 2018

 

Được Quốc hội thông qua vào ngày 08/6/2017 với tỉ lệ tán thành là 89%.

 

Theo đó, tại kì họp thứ 5, Quốc hội sẽ thông qua 11 Luật, Nghị quyết sau:

 

– Luật Hành chính công;

 

– Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt;

 

– Luật Cạnh tranh (sửa đổi);

 

– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường;

 

– Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi);

 

– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp;

 

– Luật An ninh mạng;

 

– Luật Quốc phòng (sửa đổi);

 

– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao;

 

– Luật Đo đạc và bản đồ;

 

– Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

 

Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét chưa được thông qua tại kì họp lần 4.

 

Cùng với đó, tại kì họp thứ 5, Quốc hội sẽ cho ý kiến về 09 dự án Luật bao gồm:

 

– Luật Dân số;

 

– Luật Quản lý phát triển đô thị;

 

– Luật Chăn nuôi;

 

– Luật Trồng trọt;

 

– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá;

 

– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự;

 

– Luật Cảnh sát biển;

 

– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục;

 

– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

 

Tại kì họp thứ 6, Quốc hội sẽ thông qua 10 dự án luật:

 

– Luật Dân số;

 

– Luật Quản lý phát triển đô thị;

 

– Luật Chăn nuôi;

 

– Luật Trồng trọt;

 

– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá;

 

– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự;

 

– Luật Cảnh sát biển;

 

– Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước;

 

– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục;

 

– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

 

Đồng thời sẽ xem xét những dự luật chưa thông qua tại kì họp số 5. Và sẽ cho ý kiến với 03 dự luật:

 

– Luật Công an xã;

 

– Luật Kiến trúc;

 

– Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.

 

13. Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước 2015

 

Với 89% đại biểu tán thành, Nghị quyết đã được thông qua ngày 19/6/2017, với kết luận quan trọng: Việt Nam bội chi ngân sách 6.28% so với GDP trong năm 2015.

 

Cùng với nhiều kết luận khác liên quan đến việc quyết toán NSNN.

 

14. Nghị quyết về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triể khai sự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

 

Theo đó, ngân sách sẽ dành 23.000 tỷ đồng để chi cho công việc nêu trên, gồm xây dựng hạ tầng 2 khu tái định cư và nghĩa trang. Hiện ngân sách đã bố trí 5.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho công tác giải phóng mặt bằng dự án, đáp ứng 21,7% nhu cầu; còn thiếu khoảng 18.000 tỷ đồng.

 

Được thông qua vào ngày 19/6/2017.

 

15. Nghị quyết về việc thi hành Bộ luật hình sự

 

Với tỉ lệ biểu quyết là 89.41%, Nghị quyết đã được thông qua cùng ngày với Bộ luật hình sự 2017, ngày 20/6/2017.

 

16. Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2017

 

Với tỉ lệ 93.69% đại biểu Quốc hội tán thành thông qua, Luật đã được thông qua vào sáng hôm nay (ngày 21/6/2017).

 

Luật gồm 10 chương, 134 Điều, quy định về quản lý nhà nước đối với tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Đối với tài sản công là tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật có liên quan.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền