Bị tai nạn trong thời gian nghỉ phép được hưởng chế độ gì?

Bộ Luật Lao động có Điều 158 mâu thuẫn với điều 31

Tham gia bảo hiểm là cách tốt nhất để người lao động được hỗ trợ khi có rủi ro xảy ra trong cuộc sống. Việc hưởng chế độ khi đang làm việc là điều tất yếu, vậy khi nghỉ phép, quyền lợi này còn được đảm bảo?

Điều kiện hưởng chế độ ốm đau

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động được hưởng chế độ ốm đau khi thuộc trường hợp:

– Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.

– Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.

– Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp nêu trên.

Đặc biệt, không giải quyết chế độ ốm đau với các trường hợp:

– Bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy.

– Nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

– Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động trong thời gian đang nghỉ phép năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Như vậy, người lao động bị tai nạn trong thời gian nghỉ phép năm sẽ không được hưởng chế độ ốm đau theo pháp luật bảo hiểm xã hội.

Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Theo khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Đồng thời, Điều 45 Luật này quy định chi tiết 02 điều kiện để người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động:

– Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp:

+ Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh.

+ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền.

+ Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

– Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên.

Lưu ý, không giải quyết chế độ tai nạn lao động với các trường hợp theo khoản 6 Điều 11 Thông tư 26/2017/TT-BLĐTBXH:

– Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

– Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân.

– Do say rượu, bia, sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy hoặc chất gây nghiện khác trái pháp luật.

Đối chiếu với các quy định nêu trên, người lao động bị tai nạn trong thời gian nghỉ phép năm không được coi là tai nạn lao động. Do đó, cũng sẽ không được hưởng chế độ tai nạn lao động.

Trên thực tế, với những trường hợp như vậy, khi người lao động không được hưởng bất cứ quyền lợi nào từ bảo hiểm thì các doanh nghiệp thường sử dụng quỹ phúc lợi của mình để động viên, thăm hỏi và hỗ trợ một phần chi phí điều trị cho người lao động.

Tuy nhiên, số tiền này thường rất nhỏ và chỉ mang tính chất khích lệ tinh thần. Nhưng dù sao đây cũng là một chính sách đáng ghi nhận của doanh nghiệp.

Nguồn: Luatvietnam.vn

(https://luatvietnam.vn/lao-dong-tien-luong/bi-tai-nan-trong-thoi-gian-nghi-phep-duoc-huong-che-do-gi-562-21877-article.html)

đánh giá bài viết

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Nếu cần BQT hỗ trợ gấp, vui lòng liên hệ hotline 1900.0164 bấm phím 0.