Đây là nguyên tắc vừa được TANDTC quán triệt trong toàn hệ thống, trong giải quyết các vụ án xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em đang diễn ra rất phức tạp và nghiêm trọng hiện nay.
Nhận thức về xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em
Trẻ em bị xâm hại tình dục là một trong những nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được quy định trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 và là đối tượng cần sự bảo vệ của toàn xã hội. Luật cũng quy định, mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, xâm hại tình dục trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp cả về quy mô và cách thức thực hiện, hậu quả mà các em phải gánh chịu có thể có những tổn thất về sức khỏe thể chất và tinh thần, làm giảm khả năng học tập, hòa nhập xã hội và thậm chí có thể hủy hoại các em, ảnh hưởng đến việc trở thành con người tốt, trở thành cha mẹ tốt trong tương lai. Trong nhiều năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều biện pháp để phòng chống, giảm thiểu và nhằm đẩy lùi hiện tượng xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên công tác bảo vệ trẻ em hiện nay còn gặp phải những rào cản, khó khăn như: Khâu phát hiện và báo cáo số vụ xâm hại trẻ em còn chưa kịp thời, Luật pháp về bảo vệ trẻ em còn nhiều khoảng trống, thiếu cụ thể, mô hình trợ giúp thiếu tính chuyên nghiệp. Vì vậy, vấn đề trẻ em bị xâm hại tình dục cần phải huy động sự tham gia của toàn xã hội.
Một trong những trở ngại rất lớn hiện nay chính là nhận thức chưa thống nhất, chưa minh bạch về lạm dụng, xâm hại, ngược đãi trẻ em của chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, của nhà trường, gia đình và dư luận xã hội, mà vụ nguyên Phó Viện trưởng VKSND Tp Đà Nẵng Nguyễn Hữu Linh có dấu hiệu dâm ô với một bé gái được camera trong thang máy ghi lại, nhưng sau 10 ngày bị phát hiện nhưng chưa khởi tố là một vụ việc điển hình. Trong vụ việc cụ thể này, khái niệm “dâm ô” chưa được nhận thức thống nhất, có sự khác biệt lớn giữa dư luận xã hội và cơ quan tiến hành tố tụng địa phương.
Định nghĩa về lạm dụng (xâm hại/ ngược đãi) trẻ em của Tổ chức y tế thế giới là “Tất cả các hình thức ngược đãi về tình cảm hoặc thân thể, lạm dụng tình dục, sao nhãng hoặc đối xử lơ đãng hoặc khai thác vì mục đích thương mại hoặc khai thác dẫn đến tổn hại hoặc có nguy cơ dẫn đến tổn hại tới sức khỏe, sự sống còn, sự phát triển hoặc nhân phẩm của trẻ trong bối cảnh có liên quan đến trách nhiệm, sự tin cậy hoặc quyền lực”. Xâm hại trẻ em hay ngược đãi trẻ em là tất cả những hình thức đối xử tồi tệ về tình cảm hay thể chất, xâm hại tình dục, sao nhãng, đối xử không đúng mức hoặc bóc lột vì mục đích thương mại hay các mục đích khác gây ra tổn hại thực tế hay tiềm ẩn đối với sự phát triển, sự sống còn, sức khỏe hay nhân phẩm của trẻ khi xét về trách nhiệm, lòng tin hay quyền hành.
Theo Liên Hiệp Quốc thì xâm hại trẻ em hay ngược đãi là tất cả các hình thức đối xử tồi tệ về mặt tình cảm hay thể chất, xâm hại tình dục hay các mục đích khác gây ra tổn hại thực tế hay tiềm ẩn đối với sự phát triển, sự sống còn, sức khỏe hay nhân phẩm của trẻ khi xét về trách nhiệm, lòng tin hay quyền hành.
Trên khắp thế giới, có bốn hình thức xâm hại được thừa nhận bao gồm: Xâm hại thể xác, xâm hại tình dục, xâm hại tâm lý/tình cảm và xao nhãng. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia khác nhau, do những đặc trưng về lịch sử, chính trị, văn hóa và xã hội có những cách phân chia phù hợp hơn. Tại Việt Nam có các hình thức xâm hại phổ biến là Xâm hại (trừng phạt) thân thể, Xâm hại tâm lý/tình cảm, Xâm hại tình dục, Chứng kiến bạo lực gia đình, Xao nhãng, Buôn bán trẻ em, Lao động trẻ em.
Thực tiễn đời sống xã hội Việt Nam hiện nay, nổi bật lên hiện tượng xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em. Trong một tọa đàm với chủ đề “Ngăn ngừa bạo lực học đường để trẻ em không đơn độc” ngày 8/4/2019, với sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đại diện TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, hiệu trưởng một số trường học và chuyên gia tâm lý học đường, Đại tá Phạm Mạnh Thường – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự đại diện cơ quan hành pháp cho biết: Theo thống kê của ngành Công an, riêng về bạo lực học đường xảy ra trong quý 1 năm 2019 là 310 vụ.
Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm (Trường ĐH An ninh nhân dân, Bộ Công an) cũng cho hay, bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em diễn ra với tần suất liên tục, với các hành vi ngày càng tàn bạo, dã man. Việc xử lý của các cơ quan chức năng chưa thực sự rốt ráo, một số quy định của pháp luật còn thiếu chặt chẽ nên khi áp dụng pháp luật để xử lý đã gây ra một “phản ứng ngược” từ cộng đồng.
Theo thống kê từ Bộ Công an, năm 2018 có 1.547 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện với 1.669 đối tượng, xâm hại 1.579 em, giảm 2,8% so với năm 2017. Trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em.
Phân tích theo tội danh, Bộ Công an cho biết, đã xảy ra 425 vụ hiếp dâm trẻ em, 606 vụ giao cấu với trẻ em, 232 vụ dâm ô với trẻ em và 271 vụ là tội phạm khác.
Kết quả xử lý hình sự 1.255 vụ (chiếm 81%) với 1.360 đối tượng (chiếm 81%); Xử lý hành chính 112 vụ (chiếm 7,2%) với 162 đối tượng (chiếm 9,7%).
Đáng chú ý, số vụ án xâm hại trẻ em xảy ra tại Hà Nội là 88 vụ, nhiều nhất trong cả nước. Số vụ án xảy ra ở các tỉnh thành còn lại gồm: TPHCM 77 vụ, Đắk Lắk 52 vụ, Tây Ninh 51 vụ, Đồng Nai 46 vụ…
Tình trạng tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có diễn biến hết sức phức tạp; xảy ra nhiều vụ như cha hiếp con, thầy giáo dâm ô với học sinh, … nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng như hiếp rồi giết trẻ em, xâm hại nhiều lần dẫn đến nạn nhân có thai hoặc phải tự tử. Tuy nhiên, việc phát hiện, xác minh, khởi tố điều tra, xét xử loại tội phạm này còn gặp rất nhiều khó khăn.
Đôn đốc trong hệ thống Tòa án
Trong việc giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em, một vướng mắc lớn của hệ thống Tòa án là nhận thức về các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, các đạo luật có liên quan và các hướng dẫn thi hành trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử.
Do đó, TANDTC đã có Công văn số 68/TANDTC-PC ngày 8/ 4 /2019 gửi Chánh án Tòa án nhân dân các cấp, Chánh án Tòa án Quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, nhằm kịp thời phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, người chưa thành niên. Tòa án nhân dân tối cao đã yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án Quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình quán triệt và thực hiện các nội dung sau đây:
Trong quá trình thụ lý giải quyết các vụ án xâm hại tình dục, bạo hành trẻ em cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc các đạo luật mới được Quốc hội thông qua như Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, các đạo luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, liên ngành Trung ương; xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, các hình phạt và biện pháp tư pháp việc áp dụng bảo đảm nghiêm khắc.
Ngay khi tiếp nhận hồ sơ vụ án cần thụ lý giải quyết theo đúng quy định tại Thông tư số 02/ 2018/TT-TANDTC ngày 21/ 9 /2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Trong quá trình xét xử cần bảo đảm các quyền của trẻ em, người chưa thành niên trên cơ sở nguyên tắc “bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi”.
Chủ động phối hợp với cơ quan Công an và Viện kiểm sát cùng cấp ngay từ giai đoạn điều tra để kịp thời nắm bắt diễn biến của vụ án, từ đó lên kế hoạch đưa vụ án ra xét xử bảo đảm kịp thời và đúng thời hạn luật định.
Báo cáo Tòa án nhân dân tối cao thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các quy định mới của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thụ lý, giải quyết các vụ án xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em để Tòa án nhân dân tối cao kịp thời phối hợp với liên ngành Trung ương hướng dẫn, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án Quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao tổ chức triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc trong cơ quan đơn vị mình.
**
Có thể nói, chưa khi nào vấn đề phòng chống, ngăn chặn, xử lý tội phạm xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em được quan tâm như hiện nay. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, ý thức của người dân cũng như toàn xã hội về loại tội phạm này đã có thay đổi, không ngại ngùng, che giấu như trước đây nên nhiều vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, đưa ra ánh sáng. Do đó, các cơ quan có liên quan, đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật phải có những biện pháp kịp thời đáp ứng sự thay đổi đó, có những hướng dẫn phù hợp với thực trạng phức tạp của loại tội phạm này để xử lý đúng pháp luật, nghiêm minh và nhanh chóng để bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em, của người chưa thành niên.
ThS. CAO THANH LOAN
Nguồn: Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử (http://tapchitoaan.vn).
Để lại một phản hồi