Bàn về hiệu quả làm luật của Quốc hội

Chuyên mụcLuật hiến pháp, Thảo luận pháp luật Quốc hội

Có thể nói, hiệu quả kinh tế – xã hội là tiêu chuẩn quan trọng nhất của sự phát triển trong khi xây dựng nền kinh tế thị trường. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đang được xây dựng và phát triển ở nước ta có ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động khác, trong đó có hoạt động pháp luật. Vấn đề hiệu quả cần được vận dụng thích hợp vào đánh giá hoạt động làm luật, sửa đổi luật của Quốc hội và đánh giá những luật mà Quốc hội đã làm được. Có như vậy thì trách nhiệm của Quốc hội, của từng đại biểu Quốc hội, của các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc làm luật sẽ được nâng cao hơn.

 

Abstract: It can be seen that socio-economic efficiency is the most important criterion for the development when it is to persue a market economy. The socialist-oriented market economy that is being established and developed in our country, which has a great influence on several activities, including legislative activities. The efficiency criterion needs to be appropriately applied for the assessment of legislative activity, the law amendments by the National Assembly and also the assessment of the laws by the National Assembly. Thus, the responsibilities of the National Assembly, the mandates of National Assembly deputies and takeholders involving in the law making will be raised.

 

1. Quan niệm về hiệu quả làm luật của Quốc hội

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội là “làm luật và sửa đổi luật”. Thời gian gần đây, việc làm luật và sửa đổi luật của Quốc hội đã đạt được những kết quả, thành tựu rất to lớn không thể phủ nhận. Điều này thể hiện ở số lượng các luật được làm ngày càng nhiều, chất lượng các luật ngày càng cao, các luật được làm đã phát huy tốt vai trò của mình trong đời sống xã hội. Tuy vậy, việc làm luật và sửa đổi luật của Quốc hội vẫn còn có nhiều vấn đề cần phải được bàn luận, trong đó có vấn đề chậm làm luật và hiệu quả của một số quy phạm pháp luật mà Quốc hội đã làm ra chưa cao.

Lâu nay, trên các diễn đàn khoa học luật, đã có nhiều công trình nghiên cứu, đánh giá vấn đề hiệu quả của các quy phạm pháp luật, các luật mà Quốc hội làm ra[1], còn hiệu quả làm luật của Quốc hội chưa được đặt ra. Khi tổng kết đánh giá hoạt động làm luật, chúng ta thường nói tới số lượng và chất lượng các luật mà Quốc hội đã làm trong nhiệm kỳ hoặc trong một thời gian nhất định. Chúng tôi cho rằng, ngoài vấn đề số lượng và chất lượng của luật, còn cần phải nói tới hiệu quả của các quy phạm pháp luật và cả hiệu quả làm luật của Quốc hội.

Vậy nên hiểu thế nào về hiệu quả làm luật của Quốc hội? Theo lý thuyết, hiệu quả là một đại lượng so sánh giữa kết quả thực tế đạt được với kết quả (mục đích) mong muốn đạt được với mức độ những chi phí về các nguồn lực để đạt được kết quả đó. Do vậy, hiệu quả làm luật của Quốc hội sẽ là kết quả so sánh giữa kết quả mong muốn (mục đích) khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn làm luật, sửa đổi luật của Quốc hội với kết quả trên thực tế các luật (số lượng, chất lượng các luật) mà Quốc hội đã làm được với mức độ những chi phí về các nguồn lực (số người tham gia, thời gian thực hiện, chi phí về vật chất và các chi phí khác cho việc làm luật) trong khoảng thời gian nhất định. Với cách tiếp cận trên cho thấy, hiệu quả làm luật của Quốc hội không chỉ là kết quả về số lượng, về chất lượng các luật mà Quốc hội đã làm được mà còn phải quan tâm đến tất cả những chi phí và thời gian để đạt được kết quả đó trên thực tế.

Để đánh giá hiệu quả việc làm luật của Quốc hội cần phải xác định được những tiêu chí cơ bản sau: kết quả (mục đích) mong muốn đạt được khi Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn làm luật, sửa đổi luật; kết quả thực tế các luật mà Quốc hội đã làm được, sửa đổi được; những chi phí về các nguồn lực cho việc đạt được kết quả làm luật, sửa đổi luật trên thực tế.

Hiệu quả làm luật, sửa đổi luật của Quốc hội có thể được đánh giá với những khoảng thời gian nhất định như theo nhiệm kỳ, theo giai đoạn được đánh dấu bằng những sự kiện có tính chất bước ngoặt trong sự phát triển của đất nước.

– Kết quả (mục đích) mong muốn đạt được của Quốc hội khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn làm luật, sửa đổi luật. Kết quả mong muốn (gọi tắt là mục đích) khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn làm luật, sửa đổi luật của Quốc hội thể hiện ở dự định, kế hoạch mà Quốc hội đề ra cho kỳ họp hoặc cho nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội là tạo ra được những luật, bộ luật nào đó có chất lượng cao, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu, đòi hỏi việc tổ chức và hoạt động của Nhà nước, việc quản lý xã hội bằng pháp luật ở mỗi giai đoạn phát triển của đất nước. Mục đích (kết quả) mong muốn của Quốc hội phải thống nhất với mục đích (kết quả) mong muốn chung của đất nước (của Đảng, của tất cả các cơ quan nhà nước, của các tổ chức xã hội, của nhân dân). Điều này cũng thể hiện sự thống nhất ý chí giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong việc ban hành pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Khi xác định mục đích làm luật cũng cần phải xác định cả những yêu cầu (mức độ phải đạt được khi thực hiện mục đích) đối với những luật và bộ luật được làm ra. Tuy nhiên, đôi khi mức độ đạt được cũng là mục đích cụ thể nên trong những trường hợp đó khó phân biệt được mục đích với yêu cầu của việc làm luật.

Những mục đích, yêu cầu đề ra khi làm luật có thể được định lượng, nhưng cũng có thể chỉ được định tính và được thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau như đối với cả quá trình làm luật của Quốc hội nói chung (làm được hệ thống các văn bản luật điều chỉnh có hiệu quả các quan hệ xã hội nhằm bảo đảm cho các quan hệ đó có trật tự và phát triển theo hướng mong muốn trên quy mô toàn xã hội, bảo vệ được lợi ích của Nhà nước, tập thể và cá nhân, duy trì sự phát triển ổn định của cả xã hội, thực hiện sự công bằng xã hội và đưa lại hạnh phúc cho con người); cũng có thể là mục đích, yêu cầu được đề ra đối với từng nhiệm kỳ, từng kỳ họp, phiên họp của Quốc hội (thảo luận, xem xét sơ bộ hoặc thông qua được một số văn bản luật nhất định…). Tuy nhiên, mục đích, yêu cầu được đề ra cho mỗi phiên họp, kỳ họp, nhiệm kỳ của Quốc hội về thực chất chỉ là sự chi tiết hoá, cụ thể hoá mục đích chung, xuất phát từ mục đích chung của việc làm luật của Quốc hội. Việc thực hiện tốt những mục đích, yêu cầu của từng phiên họp, kỳ họp sẽ là điều kiện để đạt được mục đích ở mức độ cao hơn của cả nhiệm kỳ Quốc hội của công tác làm luật của Quốc hội nói chung. Do vậy, muốn đạt được mục đích chung của Quốc hội trong công tác làm luật thì phải thực hiện được những mục đích của từng nhiệm kỳ, từng kỳ họp, từng phiên họp cụ thể. Một phiên họp, một kỳ họp hay một nhiệm kỳ làm luật không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp có thể sẽ làm giảm tính hiệu quả làm luật của Quốc hội nói chung. Mức độ ảnh hưởng là tùy theo mức độ quan trọng, phạm vi ảnh hưởng của luật đó đối với đời sống Nhà nước và xã hội.

Khi tìm hiểu mục đích của việc làm luật cần phải quan tâm tới những điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện chúng. Mục đích đề ra cho việc làm luật của Quốc hội cần phải phù hợp với các điều kiện thực tế như kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội… mà trong đó việc làm luật được thực hiện. Mục đích đề ra cho việc làm luật của Quốc hội chỉ có thể thực hiện được khi các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của đất nước đủ khả năng để bảo đảm cho việc làm luật được thực hiện trên thực tế.

Xác định mục đích, yêu cầu của việc làm luật là cơ sở để đối chiếu, so sánh với các kết quả thực tế đạt được trong việc làm luật của Quốc hội về sự phù hợp và mức độ phù hợp với mục đích đề ra.

 Kết quả thực tế các luật mà Quốc hội đã thông qua. Kết quả thực tế đạt được trong việc làm luật, sửa đổi luật của Quốc hội thể hiện ở số lượng luật mà Quốc hội đã thông qua theo dự định và chất lượng của luật cao hay thấp. Khi xem xét những kết quả đó, cần chú ý tới số lượng, chất lượng của quy định hay văn bản luật, tính ổn định (văn bản luật đó tồn tại được bao nhiêu năm cho đến khi bị sửa đổi hoặc hủy bỏ), mức độ khả thi và hiệu quả của chúng trong đời sống xã hội. Luật được xem là có hiệu quả phải là luật thúc đẩy, tạo điều kiện cho những mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội… của đất nước, phải góp phần tạo ra sự tiến bộ, công bằng xã hội, đưa lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, được xã hội đón nhận và ủng hộ.

Khi xem xét những kết quả thực tế đạt được trong hoạt động lập pháp của Quốc hội, cần tính tới cả những tác dụng tích cực và cả những ảnh hưởng không tích cực nếu có của hoạt động đó và của cả các quy định của văn bản luật mà Quốc hội đã thông qua. Một số quy định pháp luật, văn bản luật có thể vừa có những tác dụng tích cực vừa có những tác dụng không tích cực nhất định. Chẳng hạn, đối với Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, mặt tích cực của nó là có thể thu hút được vốn, tranh thủ được công nghệ tiên tiến của nước ngoài, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động Việt Nam, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước… song Dự thảo Luật cũng có thể sẽ làm cho vấn đề bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… khó khăn, phức tạp hơn. Vì vậy, khi đánh giá những lợi ích mà quy định hay văn bản luật được làm ra mang lại phải tính đến sự tương quan giữa cái cơ bản (những lợi ích) đạt được với cái không cơ bản (những hạn chế, tiêu cực có thể phát sinh) từ những quy định của luật và việc thực hiện chúng trên thực tế.

Thông thường, khi làm luật, Quốc hội cần phải dự liệu trước được những tác động tích cực cũng như những tác động tiêu cực (nếu có) sẽ diễn ra đối với các quan hệ xã hội do sự tác động của quy định hay văn bản luật (RIA – đánh giá dự báo tác động của luật) để cân nhắc xem, nên hay không nên thông qua quy định hay văn bản đó. Tuy nhiên, trên thực tế, có những trường hợp Quốc hội đã không dự liệu được, không lường trước được hết những biến đổi có thể có của các quan hệ xã hội, dẫn tới những kết quả không ngờ khi thông qua quy định hay văn bản luật đó. Những biến đổi không ngờ đó có thể tốt hơn, nhiều hơn so với kết quả dự định đề ra ban đầu, nhưng cũng có thể xấu hơn, ít hơn so với dự liệu ban đầu và thậm chí có trường hợp những biến đổi của các quan hệ xã hội trong thực tế còn trái ngược với dự tính ban đầu của nhà làm luật.

Những kết quả do sự tác động của luật luôn thay đổi theo không gian, nó có thể tác động tốt ở phạm vi không gian này của đất nước nhưng lại tác động một cách hạn chế ở phạm vi không gian khác. Sự khác nhau đó phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện, đặc điểm và nhiều yếu tố khác của từng vùng lãnh thổ mà quy định của luật tác động. Thông thường, theo thời gian, tác dụng của luật sẽ giảm dần cùng với những thay đổi của các quan hệ xã hội. Khi tác dụng hữu ích của văn bản, của quy định giảm đi đến một mức độ nào đó thì nó cần phải được sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ cho phù hợp với sự thay đổi của đời sống xã hội.

– Những chi phí về vật chất và những chi phí khác cho việc đạt được kết quả làm luật, sửa đổi luật trên thực tế. Mức độ chi phí các nguồn lực như số lượng người tham gia lên kế hoạch, soạn thảo, khảo sát trong và ngoài nước, thẩm định, thẩm tra, thảo luận, thông qua, công bố… Ngoài ra, còn có thể có cả chi phí cho việc tham gia đóng góp ý kiến, tham vấn, phản biện của các tổ chức và cá nhân, chi phí trưng cầu ý dân (nếu có)…

Những chi phí về các nguồn lực cho việc đạt được các kết quả thực tế trong quá trình làm luật và điều chỉnh pháp luật cần phải được tính trong tổng thể của Nhà nước, các cơ quan nhà nước, của các tổ chức xã hội, của các tập thể và của cá nhân công dân hoặc của các chủ thể pháp luật khác. Thông thường, bên cạnh những ưu điểm, những lợi ích mà các quy định của luật mang lại, chúng còn có thể có những hạn chế, thậm chí, có thể gây ra những thiệt hại cho một số chủ thể nhất định. Vì thế, khi xem xét những lợi ích mà việc làm luật mang lại và những phí tổn mà nó gây ra đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thể giữa lợi ích cũng như phí tổn của Nhà nước, xã hội với lợi ích và phí tổn của tổ chức, cá nhân sao cho có thể chấp nhận được, thể hiện tinh thần tiết kiệm ở tất cả các giai đoạn, quy trình của quá trình làm luật. Tuy nhiên, tiết kiệm là không lãng phí, không chi phí bừa bãi chứ không có nghĩa là cắt giảm những chi phí quan trọng, cần thiết cho hoạt động này. Chẳng hạn, để làm được những luật có chất lượng, hiệu quả liên quan đến an ninh quốc gia hay tính mạng, số phận con người thì tốn bao nhiêu cũng cần phải chi. Đối với việc làm luật, tiêu chí của hiệu quả phải là làm ra được những luật hoàn thiện có chất lượng cao chứ không thể chỉ lấy phí tổn vật chất đã được sử dụng để đánh giá. Không vì lý do tiền bạc, lý do thời gian mà chấp nhận thông qua những luật có chất lượng thấp để bắt xã hội phải trả giá đắt khi nó được thực hiện. Trong mọi trường hợp, khi ban hành, sửa đổi hay hủy bỏ một quy định nào đó của luật phải quán triệt nguyên tắc là việc ban hành, sửa đổi hay hủy bỏ quy định đó phải mang lại những lợi ích lớn hơn, lâu dài hơn so với những thiệt hại có thể có trước mắt và tạm thời. Việc hạch toán trong quá trình làm luật, quá trình điều chỉnh pháp luật còn cho phép dự báo được tính khả thi của luật trong thực tế. Theo đó, Quốc hội sẽ dự liệu nên hay không nên thông qua văn bản hay quy định đó hoặc sẽ lựa chọn thời điểm (thời gian) thông qua khi nào thì phù hợp nhất, thuận lợi nhất để đạt hiệu quả cao nhất.

Như vậy, hoạt động lập pháp của Quốc hội được xem là hiệu quả khi các kết quả (mục đích) mong muốn được hiện thực hóa bằng số lượng, chất lượng các luật mà Quốc hội đã thông qua với chi phí về các nguồn lực ở mức thấp trong thời gian dự định. Hiệu quả cao hay thấp là phụ thuộc vào số lượng, chất lượng các luật đã được thông qua, những chi phí và thời gian dành cho việc làm ra hay sửa đổi các luật đó. Nếu số lượng các luật được thông qua quá ít so với dự định thì hiệu quả không cao. Nếu số lượng luật được thông qua đúng như dự định nhưng chất lượng của chúng không cao, có nhiều sai sót, không thể đi vào cuộc sống, không phát huy được vai trò trong đời sống xã hội thì hiệu quả làm luật cũng không cao. Nếu số lượng và chất lượng các luật được thông qua đều đạt như dự định nhưng những chi phí về các nguồn lực quá nhiều hoặc thời gian làm quá lâu… thì hiệu quả làm luật cũng không cao.

Từ phân tích trên cho thấy, nếu trên thực tế Quốc hội không làm đủ luật, hoặc làm luật có chất lượng thấp thì Quốc hội đã không hoàn thành nhiệm vụ đối với Nhà nước với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đồng thời Quốc hội cũng có lỗi với Nhân dân với tư cách là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, hoạt động lập pháp của Quốc hội còn phụ thuộc vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và rất nhiều những yếu tố, khác như: chất lượng của dự thảo luật được trình Quốc hội; năng lực, trình độ, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội(ĐBQH); phương thức, quy trình xem xét, thông qua dự thảo luật; các điều kiện vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động của Quốc hội; điều kiện làm việc, thời gian, công sức, trí tuệ thực tế mà đại biểu Quốc hội dành cho hoạt động lập pháp; việc tổ chức tham vấn chuyên gia, lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân, nhân dân trong quá trình nghiên cứu, xem xét dự thảo luật; chất lượng thẩm định, thẩm tra của các cơ quan, bộ phận được giao trách nhiệm… tất cả các khâu, các công đoạn trên đều đòi hỏi phải được tổ chức, được tiến hành có chất lượng, có hiệu quả thì mới làm cho hoạt động lập pháp của Quốc hội có hiệu quả và các luật làm ra mới có hiệu quả.

Trong một xã hội dân chủ, hoạt động lập pháp của Quốc hội không thể thiếu được những cuộc tranh luận, những ý kiến trái chiều về một số vấn đề thuộc nội dung của luật. Chẳng hạn, khi thảo luận về dự thảo Luật Tố cáo, một số ý kiến cho rằng, ngoài hình thức tố cáo bằng văn bản hoặc trực tiếp thì nên mở rộng hình thức tố cáo bằng tin nhắn qua điện thoại, bằng thông báo qua điện thoại, fax… số khác lại cho rằng, không nên mở rộng vì như vậy có thể dẫn đến một số người lợi dụng tố cáo có tính chất vu khống, sai sự thật… Trong trường hợp này, những người ủng hộ sẽ tập trung nêu cái hay, cái được của phương án, còn những người phản đối thường tập trung nêu cái hạn chế, cái chưa được của phương án. Đấy là tinh thần dân chủ của công tác lập pháp rất đáng phát huy ở Quốc hội nước ta hiện nay. Tuy nhiên, nếu so sánh cái được và cái mất khi mở rộng hoặc không mở rộng hình thức tố cáo thì việc mở rộng hình thức tố cáo sẽ được nhiều hơn là mất. Bởi lẽ, nếu mở rộng hình thức tố cáo thì sẽ giúp chủ thể tố cáo thuận lợi, nhanh chóng, đỡ ngại khi gửi thông tin đến chủ thể tiếp nhận và giải quyết. Vì vậy, những cơ quan, tổ chức, cá nhân có việc làm trái pháp luật sẽ bị tố cáo nhiều hơn, đội ngũ cán bộ sẽ trong sạch hơn, còn người tố cáo có thể sẽ hạn chế bị trả thù. Còn cái hại ở đây là có thể sẽ có người mạo danh lợi dụng tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác, việc giải quyết tố cáo sẽ vất vả, khó khăn phức tạp hơn. Tuy nhiên, việc lợi dụng quyền tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác đã bị Hiến pháp và pháp luật nghiêm cấm và trừng phạt. Như vậy, nếu áp dụng lý thuyết hiệu quả của các quy phạm pháp luật vào hoạt động làm luật trong trường hợp này sẽ giúp ĐBQH lựa chọn phương án dễ hơn.

2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả làm luật của Quốc hội

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả làm luật của Quốc hội, do vậy, cũng có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả làm luật của Quốc hội. Chúng tôi xin nêu ra một số giải pháp quan trọng dưới đây:

– Cần lựa chọn được những ĐBQH thực sự có tài, có đức, có đủ năng lực và điều kiện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân thì đại biểu phải được chọn từ các địa phương, các tầng lớp Nhân dân trong cả nước, song Quốc hội đồng thời là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất để lập hiến, lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước thì ĐBQH phải là những người giỏi nhất, có đức độ nhất từ những địa phương, những tầng lớp nhân dân mà họ là đại diện. Có như vậy, họ mới đủ năng lực và phẩm chất để thay mặt Nhân dân quyết nghị những vấn đề liên quan đến sự phát triển của đất nước. Do vậy, theo chúng tôi, việc giới thiệu ứng viên vào ĐBQH phải thật cẩn thận, bởi chúng ta vẫn nói rằng, cử tri phải thật sáng suốt khi lựa chọn, song trên thực tế cử tri của chúng ta không có thông tin đầy đủ về các ứng cử viên nên họ thường bị nhầm khi lựa chọn. Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội cần phải được bồi dưỡng những kiến thức cần thiết về pháp luật và kỹ năng đại biểu để có đủ năng lực tham gia làm luật, sửa đổi luật, thực hiện đầy đủ, có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

– Nâng cao nhận thức của Quốc hội, của ĐBQH về trách nhiệm làm luật của mình. Luật là một văn kiện quy định những vấn đề quan trọng liên quan đến sự phát triển của đất nước trên phạm vi toàn xã hội, trong một thời gian khá dài. Trên thế giới đã có những luật, bộ luật nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn ở phạm vi thế giới, tồn tại hàng chục đến cả trăm năm. Do vậy, không thể xem thường hoạt động này bởi nó liên quan đến lợi ích của rất nhiều người. Quốc hội, cũng như từng ĐBQH phải ý thức được làm luật là nhiệm vụ, quyền hạn, song cũng là vinh dự, trách nhiệm cao cả của mình trước nhân dân đối với đất nước.

– Những chi phí về các nguồn lực cho việc làm luật phải theo tinh thần tiết kiệm, sao cho có thể chấp nhận được trong điều kiện hiện nay của đất nước. Như trên đã bàn, để làm được những luật, bộ luật có chất lượng, có hiệu quả cao, Nhân dân không tiếc tiền của, công sức, song không có nghĩa là muốn chi bao nhiêu cũng được mà không tiết kiệm. Theo chúng tôi, nếu thấy chưa cần thiết về một luật nào đó thì không tiến hành làm, còn đã thấy cần phải làm (do nhu cầu thực tiễn đòi hỏi) thì phải tập trung làm cho xong. Không thể chấp nhận việc có những dự án luật “treo” đến cả chục năm mà không thông qua được trong khi cuộc sống đòi hỏi phải có luật, những trường hợp như vậy được xem là có sự lãng phí trong quá trình làm luật.

Đành rằng, để việc làm luật của Quốc hội có hiệu quả còn đòi hỏi hoạt động của các bộ phận khác có liên quan đến dự án luật như soạn thảo, thẩm định, thẩm tra và trình dự thảo luật cũng phải có hiệu quả. Tuy nhiên, các bộ phận này cũng chỉ là những bộ phận giúp cho hoạt động của Quốc hội, ĐBQH được tốt hơn, người quyết định cuối cùng vẫn phải là ĐBQH. Quốc hội, ĐBQH phải chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng, hiệu quả của các luật đã được thông qua, đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm về tình trạng thiếu luật điều chỉnh những quan hệ xã hội quan trọng.

– Cần tổng kết, đánh giá dưới phương diện hiệu quả, rút kinh nghiệm về hoạt động làm luật đối với cả Quốc hội và từng ĐBQH. Đánh giá hoạt động lập pháp của Quốc hội không nên dừng lại là đã thông qua được bao nhiêu luật trong nhiệm kỳ, mà còn phải đánh giá cả chất lượng của các luật đã được thông qua, hiệu quả thực tiễn của chúng sau những khoảng thời gian thực hiện nhất định. Tổng kết đánh giá cả những chi phí cho việc làm các luật đó mà còn phải đánh giá cả tinh thần thái độ, kết quả hoạt động của các bộ phận, cơ quan, từng ĐBQH đã tham gia làm luật đó như thế nào. Những thông tin đó nên được công bố để cử tri biết. Cử tri có biết được đại biểu của họ hoạt động như thế nào, đại biểu có tham gia hay không tham gia tích cực vào các hoạt động làm luật của Quốc hội, trên cơ sở đó mới có thể bỏ phiếu miễn nhiệm (nếu cơ quan có thẩm quyền tổ chức bỏ phiếu miễn nhiệm đối với đại biểu) hoặc bỏ phiếu cho đại biểu tái cử ở những lần bầu cử sau./.

Nguyễn Minh Đoan, GS.TS. Trường Đại học Luật Hà Nội.

Bài viết được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 16 kỳ 2 tháng 8/2018

 


[1] Xem, Nguyễn Minh Đoan, Hiệu quả của pháp luật – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2012, tr. 9-36.

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền