Thành phần cơ bản của hệ thống luật hiến pháp

Chuyên mụcLuật hiến pháp Luật hiến pháp nước ngoài

Định nghĩa Luật hiến pháp

Căn cứ vào đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của Luật Hiến pháp, có thể đưa ra một định nghĩa chung cho ngành luật hiến pháp.

Luật hiến pháp là hệ thống các quy phạm pháp luật của mỗi nước điều chỉnh những vấn đề cơ bản của chế độ xã hội, tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương và địa vị pháp lý cơ bản của con người và của công dân.

Định nghĩa trên mang tính chất chung bao trùm những quan hệ xã hội cơ bản và quan trọng nhất thuộc phạm vi đối tượng điều chỉnh của Luật Hiến pháp.

Hệ thống ngành luật hiến pháp

Hệ thống ngành luật Hiến pháp bao gồm các yếu tố cấu thành, các nguyên tắc tổ chức của hệ thống và những quan hệ giữa các yếu tố đó. Thành phần cơ bản của hệ thống luật hiến pháp bao gồm: các nguyên tắc, các chế địnhnhững quy phạm pháp luật hiến pháp.

a. Các nguyên tắc

Các nguyên tắc là nhân tố cơ bản được thể hiện trong nội dung của ngành luật hiến pháp. Trên cơ sở những nguyên tắc này Luật Hiến pháp được xây dựng thành một hệ thống quy phạm pháp luật hoàn chỉnh, đồng thời việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật luật hiến pháp được thực hiện. Chính những nguyên tắc này tạo thành nòng cốt của hệ thống Luật Hiến pháp và làm cho hệ thống này có xu hướng thống nhất. Luật Hiến pháp có hai loại nguyên tắc cơ bản là nguyên tắc chung và nguyên tắc cụ thể.

Nguyên tắc chung là nguyên tắc xuyên suốt, chi phối toàn bộ nội dung của hệ thống Luật Hiến pháp. Đó là các nguyên tắc chủ quyền nhân dân, đại diện nhân dân, chủ quyền dân tộc, nguyên tắc về tổ chức quyền lực (phân quyền, tập quyền, tản quyền v.v…). Những nguyên tắc này không diễn đạt những quyền và nghĩa vụ cụ thể nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với sự hình thành và phát triển các quy phạm pháp luật hiến pháp, đồng thời chúng còn là cơ sở để giải thích và áp dụng quy phạm pháp luật hiến pháp.

Nguyên tắc cụ thể phản ánh tư tưởng về trạng thái pháp lý thực tế của chủ thể quan hệ pháp luật hiến pháp, trên cơ sở đó hình thành các quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của chủ thể. Luật hiến pháp nước ngoài có các nguyên tắc cụ thể sau: Nguyên tắc quyền bất khả xâm phạm. Ví dụ, đoạn 1 Điều 23 Hiến pháp Liên bang Nga quy định: “Mỗi người có quyền bất khả xâm phạm cuộc sống riêng, bí mật đời tư và gia đình, quyền bảo vệ danh dự và phẩm giá của mình”; Nguyên tắc độc lập của đại biểu Quốc hội. Ví dụ, Điều 27 Hiến pháp Cộng hòa Pháp 1958 quy định: “Cử tri không thể trao cho đại biểu sự ủy quyền bắt buộc”; Nguyên tắc miễn truy tố Người đứng đầu nhà nước (Điều 56 Hiến pháp Tây Ban Nha 1978)…

b. Các chế định Luật Hiến pháp

Các chế định Luật Hiến pháp bao gồm một nhóm quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội có cùng tính chất. Thông thường mỗi chương trong Hiến pháp là một chế định của Luật Hiến pháp. Luật Hiến pháp có các chế định sau đây: Nghị viện, Nguyên thủ quốc gia, Chính phủ, Tòa án, Các cơ quan chính quyền địa phương, Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân…

c. Quy phạm pháp luật hiến pháp

Quy phạm pháp luật hiến pháp là những quy tắc xử sự chung do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận để điều chỉnh những quan hệ xã hội. Những quan hệ xã hội này được điều chỉnh thông qua việc thực hiện quyền, nghĩa vụ cụ thể và được bảo đảm bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước.

Quy phạm pháp luật hiến pháp có những đặc điểm khác với quy phạm của các ngành luật khác. Quy phạm pháp luật hiến pháp điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản, quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Quy phạm pháp luật hiến pháp hợp thức hóa cơ sở pháp lí của nhà nước, bởi vậy nhiều quy phạm pháp luật hiến pháp mang tính chất chung, không quy định quyền, nghĩa vụ cụ thể cho các chủ thể của quan hệ pháp luật hiến pháp. Ví dụ, Điều 2 Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan 1997 quy định: “Nước cộng hòa Ba Lan là Nhà nước pháp quyền dân chủ thực hiện nguyên tắc công bằng xã hội”; Đoạn 1 Điều 1 Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993 quy định: “Nước Liên bang Nga ư nước Nga là nhà nước liên bang pháp quyền dân chủ với hình thức chính thể cộng hòa”. Đa số quy phạm pháp luật hiến pháp không có chế tài, nhiều quy phạm không có cả giả định mà chỉ có phần quy định. Ví dụ, Điều 9 Hiến pháp Ba Lan năm 1997 quy định: “Nước cộng hòa Ba Lan tuân thủ luật pháp quốc tế”; Điều 41 hiến pháp Nhật Bản quy định. “Quốc hội là cơ quan có quyền cao nhất và là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp”. Tuy nhiên cũng có quy phạm thể hiện cả phần chế tài. Ví dụ, khoản 4 Điều 2 Hiến pháp hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1787 quy định: “Tổng thống, Phó tổng thống và tất cả các nhân viên chính quyền hợp chủng quốc sẽ bị cách chức nếu bị kết tội lạm dụng công quyền hoặc bị kết tội phản quốc, nhận hối lộ hoặc phạm những trọng tội khác”.

Hệ thống quy phạm pháp luật hiến pháp của từng nước rất đa dạng. Để thuận lợi cho việc nghiên cứu có thể chia quy phạm luật hiến pháp thành các loại sau đây:

– Theo hướng hoạt động quy phạm pháp luật hiến pháp chia thành quy phạm điều chỉnh và quy phạm bảo vệ. Đa số quy phạm pháp luật hiến pháp là quy phạm điều chỉnh; quy phạm bảo vệ là quy phạm cấm. Ví dụ, “Tổng thống liên bang không thể đồng thời là thành viên Chính phủ hoặc là thành viên của cơ quan lập pháp của liên bang hoặc của các chủ thể liên bang” (đoạn 1 Điều 55 Hiến pháp Liên bang Đức năm 1949).

– Theo phương thức tác động lên chủ thể, quy phạm pháp luật Hiến pháp được chia thành: Quy phạm trao quyền: “Quyền hành pháp thuộc nội các” (Điều 65 Hiến pháp Nhật Bản năm 1946), quy phạm bắt buộc: “Trường hợp Hạ nghị viện biểu quyết không tín nhiệm hoặc từ chối tín nhiệm Nội các, toàn thể Nội các phải từ chức, nếu Hạ nghị viện không bị giải thể sau 10 ngày kể từ thời điểm biểu quyết” (Điều 69 Hiến pháp Nhật Bản), quy phạm cấm.

– Các quy phạm pháp luật hiến pháp còn được chia thành quy phạm vật chất: “Mọi người có nghĩa vụ đóng thuế và các khoản thu khác” (Điều 57 Hiến pháp Liên bang Nga năm 1993) và quy phạm thủ tục: “Viện Xâyim và Viện nguyên lão thảo luận trên các phiên họp. Phiên họp đầu tiên của viện Xâyim và của Viện nguyên lão do Tổng thống Ba Lan triệu tập vào ngày thứ 30 sau ngày bầu cử, trừ trường hợp quy định tại đoạn 3,5 Điều 98” (Điều 110 Hiến pháp Cộng hòa Ba Lan năm 1997).

5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền