Luật sư tố giác thân chủ: điều luật gây tranh cãi

Chuyên mụcThảo luận pháp luật Luật sư tố giác thân chủ

Người ít học nhất cũng hiểu rằng luật sư là người bảo vệ cho thân chủ. Dân gian gọi nôm na là thầy cãi. Luật sư có nhiệm vụ cãi cho người mình nhận bảo vệ trước tòa. Dù thân chủ là bị cáo (cáo buộc có tội) hay nguyên cáo (đứng ra tố cáo, khởi kiện) thì luật sư được bên nguyên hoặc bên bị thuê đều phải tìm mọi cách bảo vệ khách hàng của mình (thân chủ). Đó là trách nhiệm của luật sư, và chỉ có trách nhiệm ấy, không còn gì khác.

 

Tuy nhiên từ ngày 1/1/2018, ở Việt Nam có điều luật mới buộc luật sư phải tố cáo thân chủ trong một số trường hợp, khiến công luận bất bình.

 

 

Vào chiều ngày 20 tháng 6 năm 2017, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi với đa số phiếu, trong đó vẫn giữ nội dung buộc luật sư phải tố giác thân chủ. Như vậy một khi luật sư đã đứng ra tố thân chủ thì đương nhiên không thể tiếp tục bảo vệ cho người ta nữa.

 

Luật sư Trần Quang Thắng, nói rằng khi ấy quyền con người bị dập tắt, chỉ bởi một quy định không giống ai: “Điều 19.3 này quy định là luật sư phải có nghĩa vụ phải tố giác. Nghĩa vụ nha, chứ không phải là quyền, hay là không quyền, không phải muốn hay không muốn đâu, mà là anh phải có nghĩa vụ tố giác. Thì không có một người dân nào, và không có một nghi can, bị can, bị cáo hay một nhà đầu tư nào có thể chấp nhận được một cái việc là thuê…, bỏ tiền ra thuê luật sư, và luật sư đó có nghĩa vụ phải tố giác mình, và có nghĩa vụ phát hiện tội phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng… thì không một người dân nào, không một nhà đầu tư nào có thể chấp nhận cái việc này. Do đó, là người dân, hay là các nhà đầu tư hay nghi can, bị can, bị cáo… người ta sẽ không thuê luật sư nữa!

Buộc một bị can, bị cáo… buộc tội thì có một cái hệ thống lực lượng hùng hậu, đó là cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án. Và quan trọng nhất, những cơ quan tiến hành tố tụng này là người ta có quyền nhân danh quyền lực của Nhà nước để buộc tội anh. Ấy nhưng khi mà không còn cái lực lượng đối trọng nữa, dù lực lượng đối trọng là luật sư, chế định luật sư này là lực lượng đối trọng… dù không tương xứng, nhưng cũng là lực lượng đối trọng đối với các cơ quan tiến hành tố tụng là những nơi buộc tội các bị can, bị cáo. Thì không còn cái đối trọng nữa thì sẽ dẫn đến một cái việc lạm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng. Không kiểm soát được cái quyền buộc tội của cơ quan tố tụng. Thì điều này sẽ dẫn đến là nhiều án oan, án sai”.

Chốn pháp đình sắp tới đây có lẽ sẽ chứng kiến những éo le khi luật sư buộc phải có nghĩa vụ tố chính thân chủ của mình. Bởi vì trong các vụ án, luật sư được thân chủ cung cấp thông tin nhưng không có điều kiện đi điều tra, xác minh mà lại tố giác thân chủ thì khả năng oan sai rất cao. Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc nói rằng đây là điểm trừ cho nền lập pháp và tư pháp Việt Nam.

 

Luật sư Trần Quang Thắng cho biết lòng tự trọng của giới luật sư đang bị tổn thương nghiêm trọng.

Câu hỏi lớn nhất đặt ra là tại sao những điều phi lý này lại được bấm nút thông qua? Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc thử lý giải: “Thì cách, gọi là quy trình làm luật ở Việt Nam đó, thì nó cũng có những vấn đề nó không ổn. Vì luật thì được Quốc hội ban hành, nhưng không phải do chính cơ quan chuyên trách của Quốc hội soạn thảo. Mà chính giao cho một cơ quan hành pháp, chẳng hạn như Bộ Tư pháp, hay là Bộ Công an để soạn thảo luật hình sự, hay là tố tụng hình sự. Nên đó cũng là một cái điều mà…, nó không phải phản ánh là luật của Quốc hội ban hành, mà luật của một cơ quan hành pháp để thuận lợi cho trong việc quản lý từng ngành của họ. Cái dấu ấn của ngành… của bộ, ngành rất nhiều trong một số đạo luật.

Bên cạnh đó thì các đại biểu Quốc hội như đã nói đó, vì không phải chuyên trách, và cũng không phải là những chuyên gia pháp lý…, phần nhiều là vậy, nên khi làm luật, cái tính gọi là tính phản biện của họ đối với những điều luật lại là ít. Họ…, ít thấy có đại biểu nào phát biểu trên diễn đàn để có những luận cứ, luận điểm phân tích để phản bác, hoặc là có thể đưa ra luận điểm để làm căn cứ tán thành hay phản bác điều luật. Mà gần như đều biểu quyết thông qua bấm nút, hay giơ tay một cách rất là dễ dàng. Họ không hiểu là vì năng lực, hay là vì có một sự định hướng nào đó, nhưng rõ ràng là cách làm luật như vậy chúng tôi thấy là chất lượng luật không cao”.

 

Hãy đặt ra trường hợp, sau khi luật sư nhận được những thông tin từ thân chủ, thay vì dùng nó để bào chữa cho bị cáo, thì lại đem đi báo nhà chức trách. Hành động ấy không chỉ là sự phản bội người đã đặt niềm tin vào mình, mà còn cả đối với lương tâm và chức nghiệp. Trong mọi trường hợp, luật sư không thể là một mật thám chỉ điểm.

 

Nguồn: VOA

đánh giá bài viết

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền