Trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại trong tai nạn giao thông đường bộ

Chuyên mụcLuật dân sự Tai nạn giao thông đường bộ

Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM LIÊN ĐỚI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

1.1. Khái niệm, đặc điểm trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại trong tai nạn giao thông

1.1.1. Khái niệm

“Bồi thường thiệt hại” được hiểu một cách nôm na là sự đền bù một cách toàn bộ hay bù đắp một phần những tổn thất do hành vi gây thiệt hại về vật chất, thể chất hoặc tinh thần cho một chủ thể khác. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể xuất phát từ lý do đạo đức hay niềm tin vào thần linh v.v…, nhưng khi trách nhiệm này được Nhà nước điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật do mình ban hành thì khi đó việc bồi thường trở thành trách nhiệm pháp lý của chủ thể gây thiệt hại. Nói cách khác, trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm pháp lý. Đây là loại trách nhiệm đã có lịch sử lâu đời.

Từ những ngày đầu của lịch sử loài người khi con người tập hợp thành quần thể, cộng đồng để chung sống thì trong mối quan hệ giữa các thành viên đã phát sinh một cách tự nhiên nguyên tắc ai gây thiệt hại thì người đó phải bồi thường (nguyên tắc này các luật gia gọi đó là luật tự nhiên vì nó có tính cách tự nhiên và công bằng, nó có ở bất cứ nơi nào và không có một quyền hành nào có thể phế bỏ nó)[1].

Là loại trách nhiệm có nguồn gốc lịch sử lâu đời, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Phương thức thực hiện trách nhiệm và mục đích của loại trách nhiệm này cũng có sự thay đổi.

Trong giai đoạn đầu, khi quyền lực nhà nước còn non trẻ, khả năng quản lý xã hội còn thấp, thì người bị thiệt hại có quyền gây ra một thiệt hại tương ứng cho đối phương mà người ta gọi là sự trả thù ngang bằng “đồng thái phục thù”. Ví dụ: Một người đánh chết con trai của một người thì người cha kia có quyền đánh chết đứa con trai của đối phương.

Khi loài người ngày càng trở nên văn minh theo thời gian, ý niệm về sự trả thù dần lu mờ, thay vì gây đau đớn lẫn nhau về thể xác hay tinh thần mà kết quả cuối cùng không ai là người có lợi. Chế độ tự ý dàn xếp đã ra đời, người bị thiệt hại sẽ yêu cầu bồi thường một lợi ích vật chất, đây là việc làm đem lại lợi cho cả hai và nó phụ thuộc vào từng trường hợp và từng cá nhân cụ thể.

Khi quyền lực nhà nước trở nên mạnh hơn và có khả năng chi phối mạnh mẽ đến các thành viên trong xã hội bằng công cụ pháp luật, thì quyền tự quyết về việc bồi thường không còn thuộc về các bên, mà do nhà nước ấn định. Khoản tiền bồi thường lúc này mang hai ý nghĩa: Vừa là để bù đắp tổn thất cho người bị thiệt hại, vừa là một hình phạt đối với thành viên đã vi phạm vào trật tự chung.

Khi chế độ tư hữu đạt đến đỉnh cao với sự ra đời của nhà nước tư bản chủ nghĩa, một cuộc cách mạng về kinh tế và tư duy đã ra đời. Chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại mới chính thức trở thành một chế định của pháp luật dân sự. Sự tách bạch giữa luật hình sự và luật dân sự (luật công và luật tư) đã giới hạn quyền lực của nhà nước trong việc tác động đến đến các quan hệ tư cũng như xác định đúng tính chất và tìm ra phương thức điều chỉnh thích hợp, cốt yếu đảm bảo tính hiệu quả. Từ đây pháp luật dân sự đã phát triển một cách độc lập với luật hình sự. Đánh dấu là sự ra đời của Bộ luật dân sự Napoleon, tạo nền tảng pháp lý về việc giải quyết bồi thường thiệt hại mang tính chất tư đầu tiên trong lịch sử, được xem là Hiến pháp dân sự, ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy và hoạt động lập pháp của các quốc gia trên thế giới sau này.

Ở Việt Nam thời phong kiến đã tồn tại các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại nhưng nhìn chung không có sự tách bạch giữa trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự và trách nhiệm bồi thường được xem là vấn đề thuộc trật tự công cộng. Trừ những trường hợp ngoại lệ mà chế định bồi thường thiệt hại được xem như một loại trách nhiệm dân sự đối với người bị thiệt hại như: Nộp tiền đền mạng khi gây thiệt hại tính mạng cho người khác tùy theo phẩm trật của người bị chết. Điều 29 Bộ luật Hồng Đức: “Nhất phẩm, tòng nhất phẩm được đền 15.000 quan, nhị phẩm, tòng nhị phẩm 9.000 quan, tam phẩm, tòng tam phẩm 7.000 quan (…)”[2] hay phải bồi thường khi đánh người bị thương (Điều 466 Bộ luật Hồng Đức): “(…) sưng phù thì phải đền tiền thương tổn 3 tiền, chảy máu thì 1 quan, đâm chém bị thương ( …)”[3]thì 15 quan cùng với nghĩa vụ nuôi dưỡng chăm sóc nạn nhân (Điều 468 Bộ luật Hồng Đức): “Đánh bị thương bằng chân tay thì phải nuôi 10 ngày, bằng vật khác thì phải nuôi 20 ngày; bằng thứ có mũi nhọn và nước sôi, lửa, thì phải nuôi 40 ngày (…)”[4]

Đánh dấu bước phát triển của trách nhiệm bồi thường thiệt hại là loại trách nhiệm dân sự độc lập với trách nhiệm hình sự là vào thời kỳ pháp thuộc với sự ra đời của 3 Bộ luật: Bộ luật giản yếu (1883) ở Nam bộ, Bộ dân luật Bắc kỳ (1931) ở Bắc bộ, Bộ Hoàng Việt Trung kỳ hộ luật (1936,1938) ở trung kỳ.

Qua những thăng trầm lịch sử, đến khi thông tư 173/UBTP ngày 23/03/1972 của Tòa án nhân dân tối cao, được ban hành hướng dẫn xét xử về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại mới được khẳng định là trách nhiệm dân sự: “Giải quyết việc bồi thường mức thiệt hại ngoài hợp đồng là áp dụng một biện pháp thuộc về chế độ trách nhiệm dân sự (…). Vì vậy không thể coi giải quyết bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một biện pháp hình sự hay một hình phạt phụ”. Ngoài ra thông tư còn mở rộng phạm vi trong trường hợp tính mạng, sức khỏe bị xâm hại. Như vậy đến đây, trách nhiệm dân sự đã hoàn toàn tách bạch, độc lập với trách nhiệm hình sự. Cho dù trong một vụ án hình sự mà có phần bồi thường thì nó vẫn được xem là trách nhiệm dân sự chứ không xem là hình phạt bổ sung như trước đó.

Trong giai đoạn hiện nay, chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xem là một chế định quan trọng trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, điều này được ghi nhận trong Hiến Pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001): “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm (…)”[5]; “(…) Mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân phải được kịp thời xử lý nghiêm minh. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất và phục hồi danh dự”[6]. Với tư cách là đạo luật gốc, đạo luật mẹ, những quy định, những nguyên tắc mang tính chất nền tảng về vấn đề bồi thường của Hiến pháp được cụ thể hóa bằng các quy định của pháp luật sau này. Mà đầu tiên phải kể đến là Bộ luật Dân sự 1995, được thông qua ngày 28/10/1995 (có hiệu lực ngày 01/7/1996 đến ngày 31/12/2005). Bộ luật không chỉ ghi nhận quyền được bồi thường thiệt hại, trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà còn quy định về điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường, cũng như phương thức bồi thường và cách thức xác định thiệt hại… Thay thế Bộ luật Dân sự 1995 là Bộ luật Dân sự 2005 (sau đây viết tắt là BLDS 2005) được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2005 có hiệu lực ngày 01/01/2006. BLDS 2005 đã kế thừa những quy định của Bộ luật Dân sự 1995 đồng thời có những sửa đổi, bổ sung phù hợp với sự chuyển biến của các quan hệ xã hội.

Chế định trách nhiệm bồi thường còn được quy định trong các văn bản luật chuyên ngành như: Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, Bộ luật lao động, Luật thương mại, Luật môi trường…và hàng loạt các văn bản dưới luật khác.

Tóm lại, chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngày càng có vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật của nước ta và các nước khác trên thế giới, chế định này đang ngày càng trở nên hoàn thiện, và góp phần bảo vệ quyền và lợi ích ích hợp pháp của các thành viên trong xã hội.

Dù là chế định có lịch sử phát triển từ rất sớm nhưng cho đến nay, một định nghĩa pháp lý về trách nhiệm bồi thường thiệt hại là chưa có. Dưới góc độ pháp lý, các quy phạm pháp luật chỉ quy định các trường hợp được bồi thường thiệt hại, điều kiện phát sinh, cũng như phương thức thực hiện việc bồi thường, các trường hợp được miễn, giảm, năng lực chủ thể…

Theo từ điển Tiếng Việt[7], trách nhiệm nghĩa là “phụ trách, gánh vác công việc và nhận mọi hậu quả của công việc ấy”. Theo cách định nghĩa trên thì giữa nghĩa vụ và trách nhiệm có nhiều điểm tương đồng, tuy nhiên chúng khác nhau ở một điểm quan trọng là yếu tố “hậu quả”. Nghĩa vụ là cái có trước và trách nhiệm là cái có sau khi nghĩa vụ không được thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng (vi phạm nghĩa vụ). Với trách nhiệm pháp lý, tức trách nhiệm luật định, hậu quả này sẽ là “hậu quả bất lợi” áp dụng đối với những người phải chịu trách nhiệm.Theo giáo trình lý luận Nhà nước và pháp luật, trường Đại học Luật Hà Nội[8], trách nhiệm pháp lý được hiểu là: Trách nhiệm pháp lý là hậu quả bất lợi (sự trừng phạt) đối với chủ thể vi phạm pháp luật, thể hiện ở mối quan hệ đặc biệt giữa Nhà nước với các chủ thể vi phạm pháp luật, được các quy phạm pháp luật xác lập và điều chỉnh, trong đó chủ thể vi phạm pháp luật phải chịu những hậu quả bất lợi, những biện pháp cưỡng chế được quy định ở chế tài các quy phạm pháp luật. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm dân sự nói riêng và cũng là một loại trách nhiệm pháp lý nói chung. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể phát sinh do việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc cũng có thể do thực hiện hành vi trái pháp luật và hành vi này không liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng. Như vậy trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (được quy định tại Chương 21 Bộ luật Dân sự) và trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng. Hai hình thức trách nhiệm dân sự này có những điểm chung của một loại trách nhiệm dân sự nói riêng và trách nhiệm pháp lý nói chung đó là hậu quả pháp lý bất lợi mang tính tài sản áp dụng đối với chủ thể vi phạm và được đảm bảo bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước nhưng giữa chúng cũng có những điểm khác biệt. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng là một phần của chế định hợp đồng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng phát sinh giữa các chủ thể mà giữa những chủ thể này đã tồn tại quan hệ hợp đồng và thiệt hại xảy ra là do hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng.  Đây là trách nhiệm bồi thường do các chủ thể thỏa thuận với nhau và điều này được thể hiện trong quan hệ hợp đồng giữa các bên. Như vậy một điều kiện bắt buộc để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng là giữa các bên phải tồn tại quan hệ hợp đồng và thiệt hại xảy ra là do việc vi phạm nghĩa vụ trong chính hợp đồng đó. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh do có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến các lợi ích được pháp luật bảo vệ gây thiệt hại và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm luật định, tức không phải là trách nhiệm mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Vì thế cho dù các bên có tồn tại một quan hệ hợp đồng nhưng thiệt hại xảy ra là do hành vi trái pháp luật và hành vi này không liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng thì các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng sẽ được áp dụng. Ví dụ: A bán cho B một ngôi nhà và B có nghĩa vụ giao tiền đầy đủ cho A khi A làm xong thủ tục chuyển nhượng. Trong quá trình thực hiện hợp đồng thì một hôm A và B xảy ra mâu thuẩn và B đã đánh A gây thương tích. Hành vi đánh A gây thương tích này làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của B, nhưng đây là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà không phải là trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng cho dù giữa A và B có tồn tại quan hệ hợp đồng mua bán nhà. Do vậy có thể định nghĩa trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm dân sự thuộc về chủ thể có hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại về vật chất, thể chất, tinh thần, có trách nhiệm bồi thường toàn bộ hoặc bù đắp một phần những tổn thất đã gây ra cho chủ thể bị thiệt hại.

Trong lĩnh vực pháp luật, các thuật ngữ “liên đới”, “trách nhiệm liên đới”, “liên đới bồi thường”, “liên đới chịu trách nhiệm” thường gặp nhiều trong các văn bản pháp luật Việt Nam. Như tại Điều 616 BLDS 2005 (Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra); khoản 4 Điều 623 BLDS 2005 (Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật); khoản 2 Điều 625 BLDS 2005 (trong trường hợp người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác). Bên cạnh đó trách nhiệm liên đới còn tồn tại trong một số văn bản pháp luật chuyên ngành như Luật Hôn Nhân và Gia đình, Luật thương mại…Tuy nhiên một khái niệm pháp lý về loại trách nhiệm này là chưa tồn tại, việc đưa ra một khái niệm là điều cần thiết để hiểu và làm rõ loại trách nhiệm này.

Trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm dân sự. Do đó được nhìn nhận dưới hai khía cạnh: là một quan hệ pháp luật về nghĩa vụ và là một biện pháp chế tài dân sự. Dưới khía cạnh này thì trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại chính là hậu quả bất lợi về vật chất mà bên vi phạm pháp luật dân sự phải chịu đối với người có quyền. Thuật ngữ liên đới ở đây được hiểu là nhiều người phải cùng chịu hậu quả bất lợi đó, hay nói cách khác là có sự cộng đồng trách nhiệm. Trong từ điển Tiếng Việt[9] “liên đới’ là: “ Dính chùm với nhau, cùng chịu, chung nhau gánh chịu”. Có nghĩa là các chủ thể có sự ràng buộc với nhau, cùng chung gánh vác trách nhiệm mà không có sự phân biệt về địa vị pháp lý của các chủ thể.. Nghĩa là trách nhiệm liên đới nhấn mạnh hai yếu tố: là một loại trách nhiệm pháp lý, thuật ngữ liên đới nhấn mạnh sự ràng buộc giữa các chủ thể có trách nhiệm bồi thường. Đồng thời mỗi chủ thể phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ và trọn vẹn trách nhiệm bồi thường của mình trước chủ thể bị thiệt hại. Từ những phân tích nêu trên, có thể hiểu một cách khái quát trách nhiệm liên đới bồi thường như sau:

Trách nhiệm liên đới bồi thường là một loại trách nhiệm dân sự, cho phép bên có quyền yêu cầu bất cứ ai trong số những người có trách nhiệm bồi thường thực hiện toàn bộ trách nhiệm và những người này có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu đó.

Thuật ngữ “Tai nạn” xuất hiện nhiều trong các lĩnh vực của đời sống con người. Tùy từng trường hợp tai nạn xảy ra mà có các tên gọi cho mỗi loại tai nạn đó. Ví dụ: Nếu tai nạn xảy ra trong lao động thì gọi là tai nạn lao động; nếu tai nạn xảy ra trong quá trình tham gia giao thông thì gọi là tai nạn giao thông; nếu tai nạn xảy ra tại trường học thì gọi là tai nạn học đường… Theo Từ điển Tiếng Việt[10] thì “tai nạn” là: “Sự rủi ro có hại”. Trong lĩnh vực pháp luật chưa có một định nghĩa về tai nạn nói chung, tuy nhiên trong một số quy phạm pháp luật của một số ngành luật và trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học pháp lý đã có một số khái niệm về tai nạn trong từng lĩnh vực cụ thể. Khoản 1 Điều 142 Bộ luật Lao động ngày 18/6/2012 định nghĩa: “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ, công việc lao động”. Trong nghiên cứu khoa học thì thuật ngữ “tai nạn giao thông” cũng đã được một số tác giả đề cập đến. Theo tác giả Vũ Mạnh Thắng thì “Tai nạn giao thông là sự việc xảy ra bất ngờ do người tham gia giao thông hoặc vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông hoặc gặp phải tình huống, sự cố đột xuất không kịp xử lý có thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người, thiệt hại tài sản”.[11]

Theo thạc sĩ Đỗ Đình Hòa thì: “Tai nạn giao thông là sự kiện bất ngờ nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người. Nó xảy ra khi các đối tượng đang hoạt động trên đường giao thông công cộng, đường chuyên dụng hoặc ở các địa bàn giao thông công cộng nhưng do chủ quan vi phạm các nguyên tắc an toàn giao thông hoặc do gặp phải các sự cố đột xuất không kịp phòng tránh, đã gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhà nước và nhân dân” [12]

Như vậy có thể  thấy là dù cho cách định nghĩa của các tác giả có khác nhau nhưng tựu chung lại thì tai nạn giao thông là tai nạn xảy ra trong quá trình tham gia giao thông và gây ra các thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng và tác giả cũng đồng ý với nội hàm của các cách định nghĩa trên. Tai nạn giao thông đường bộ (TNGTĐB) cũng là một loại tai nạn giao thông nói chung do đó TNGTĐB cũng mang những đặc điểm trên và chỉ khác là TNGTĐB là tai nạn xảy ra trong quá trình tham giao thông đường bộ.

Từ những khái niệm đã nêu, có thể hiểu một cách khái quát về “trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại trong tai nạn giao thông đường bộ” là một loại trách nhiệm dân sự, phát sinh giữa các chủ thể khi có các thiệt hại về vật chất, thể chất, tinh thần nảy sinh trong quá trình tham gia giao thông đường bộ, xuất phát từ những vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ hoặc do sự kiện bất khả kháng và người chịu trách nhiệm bồi thường là một tập hợp gồm nhiều chủ thể, giữa họ có sự ràng buộc trách nhiệm với nhau đối với hậu quả thiệt hại chung đã gây ra. Chủ thể bị thiệt hại có quyền yêu cầu bất kỳ ai trong số họ thực hiện một phần hoặc toàn bộ trách nhiệm. Người được yêu cầu không có quyền từ chối thực hiện.

1.1.2. Đặc điểm trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại trong tai nạn giao thông

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm dân sự, rộng hơn là một loại trách nhiệm pháp lý, vì vậy trách nhiệm bồi thường mang những đặc điểm của trách nhiệm pháp lý nói chung và những đặc điểm riêng của trách nhiệm dân sự.

Những đặc điểm chung của trách nhiệm pháp lý:

  • Là hậu quả pháp lý bất lợi đối với người bị áp dụng. Đó là các chế tài sẽ áp dụng đối với người vi phạm và được đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước, thể hiện thái độ của Nhà nước đối với hành vi vi phạm.
  • Là trách nhiệm do pháp luật quy định, chủ thể duy nhất có quyền xác định ranh giới giữa hành vi vi phạm, hành vi không vi phạm là nhà nước thông qua đại diện là các cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước.

Bên cạnh những đặc điểm chung của trách nhiệm pháp lý nên trên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại còn mang những đặc trưng riêng của lĩnh vực dân sự như:

  • Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh, thay đổi, chấm dứt theo sự điều chỉnh của quy phạm pháp luật dân sự, là một trong các nhóm quan hệ tài sản do ngành Luật dân sự điều chỉnh. (các nhóm quan hệ tài sản do ngành luật dân sự điều chỉnh gồm: quan hệ sở hữu, hợp đồng, bồi thường thiệt hại,thừa kế).
  • Trách nhiệm bồi thường thiệt hại luôn mang đến hậu quả bất lợi về mặt tài sản cho người bị thiệt hại. Vì đối tượng điều chỉnh của ngành luật dân sự là quan hệ tài sản, và các quan hệ nhân thân chủ yếu là liên quan đến tài sản nên khi có sự vi phạm của một bên có thể gây ra các thiệt hại về tài sản hay tinh thần hoặc cả hai, do đó người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Việc bồi thường phải được xác định bằng một khoản tiền, một khoản vật chất nhất định, cho dù thiệt hại có thể thuộc loại không xác định được như thiệt hại về tinh thần.
  • Về chủ thể chịu trách nhiệm: phạm vi chủ thể rộng có thể bao gồm cả những người không trực tiếp gây ra thiệt hại, họ có thể là người đại diện theo pháp luật đối với thiệt hại do người chưa thanh niên gây ra; người giám hộ đối với thiệt hại do người được giám hộ gây ra; pháp nhân, cơ quan, tổ chức đối với thiệt hại do người của cơ quan mình gây ra; trường học, bệnh viện trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự trong thời gian cơ quan, tổ chức này quản lý…đặc điểm này giúp phân biệt giữa trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hình sự chỉ tác động trực tiếp đến cá nhân người phạm tội mà thôi.

Đặc điểm trách nhiệm liên đới bồi thường:

Là một loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trách nhiệm liên đới bồi thường có các đặc điểm của của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như điều kiện phát sinh, nguyên tắc bồi thường, nguyên tắc xác định thiệt hại… tuy nhiên trách nhiệm liên đới bồi thường cũng có những nét đặc trưng riêng:

  • Về chủ thể: Có sự tồn tại nhiều chủ thể, tuy nhiên không phải cứ có nhiều chủ thể là phát sinh trách nhiệm liên đới. Đặc điểm này cho phép chúng ta phân biệt giữa trách nhiệm liên đới và trách nhiệm riêng rẽ. Trong trách nhiệm riêng rẽ có thể có nhiều chủ thể cùng có trách nhiệm, nhưng trách nhiệm của các chủ thể là hoàn toàn độc lập với nhau, họ được giải phóng khỏi trách nhiệm khi phần trách nhiệm của họ đã hoàn thành, không phụ thuộc vào việc những người còn lại đã hoàn thành hết trách nhiệm hay chưa. Trong trách nhiệm liên đới, không chỉ có nhiều chủ thể về mặt hình thức, mà các chủ thể còn gắn bó chặt chẽ với nhau về mặt nội dung. Trong trách nhiệm liên đới vẫn có sự phân chia phần trách nhiệm của từng người, những phần này có thể bằng nhau hoặc không tùy từng trường hợp. Tuy nhiên khi họ thực hiện xong phần trách nhiệm của mình, không đồng nghĩa với việc họ hết trách nhiệm với người có quyền mà họ còn phụ thuộc vào kết quả thực hiện của những chủ thể còn lại. Sự liên kết chặt chẽ này cốt nhằm mục đích bảo vệ tối đa quyền lợi của chủ thể bị thiệt hại.
  • Về căn cứ phát sinh: Là một loại trách nhiệm thuộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung, nên trách nhiệm liên đới bồi thường cũng có các căn cứ phát sinh chung như: có hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại về vật chất, thể chất, tinh thần và tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái luật và thiệt hại đã xảy ra.  Như trên đã phân tích, chính tính đặc trưng của loại trách nhiệm này cũng đòi hỏi những căn cứ phát sinh đặc thù như: Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra Điều 616 BLDS 2005; bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra tại khoản 4 Điều 623 BLDS 2005; bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra khoản 2 Điều 625 BLDS 2005… Những căn cứ này sẽ được làm rõ ở phần sau.
  • Về nội dung: Trong trách nhiệm dân sự liên đới chủ thể bị thiệt hại có quyền yêu cầu bất cứ ai trong số những người cùng gây ra thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại và những người này có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu đó. Nếu một trong những người cùng gây ra thiệt hại không có khả năng kinh tế để bồi thường thì những người còn lại sẽ phải gánh vác trách nhiệm của người đó.

Khi một hoặc một số người cùng gây ra thiệt hại đã thực hiện toàn bộ trách nhiệm đối với bên có có quyền thì quan hệ giữa bên có quyền và những người cùng gây ra thiệt hại chấm dứt. Khi này, sẽ phát sinh nghĩa vụ hoàn lại của những chủ thể được thực hiện thay nghĩa vụ và những chủ thể thực hiện nghĩa vụ thay.

Như vậy về bản chất thì trách nhiệm liên đới cũng là trách nhiệm theo phần nhưng khác nhau ở cách thức thực hiện trách nhiệm có lợi cho người bị thiệt hại. Vì vậy cần xác định trách nhiệm cụ thể của từng người trong số những người cùng gây thiệt hại tương ứng với mức độ gây thiệt hại, mức độ lỗi để ấn định cụ thể phần trách nhiệm họ phải thực hiện. Nếu không xác định được thì họ có trách nhiệm theo những phần bằng nhau.

Đặc điểm trách nhiệm liên đới bồi thường trong tai nạn giao thông đường bộ:

Là một loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và là một loại trách nhiệm liên đới nói riêng. Trách nhiệm liên đới bồi thường trong tai nạn giao thông đường bộ cũng có đặc điểm chung của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tuy nhiên trách nhiệm liên đới bồi thường trong tai nạn giao thông đường bộ cũng có một số đặc điểm riêng:

  • Cở sở pháp lý để giải quyết việc bồi thường: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong tai nạn giao thông chỉ chịu sự điều chỉnh bởi ngành luật dân sự, cho dù trong thực tế có rất nhiều vụ tai nạn giao thông bị khởi tố và truy cứu trách nhiệm hình sự, Tòa thụ lý và giải quyết trong cùng một vụ án chung với phần trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên đối với phần bồi thường thiệt hại Tòa sẽ căn cứ vào các quy định của ngành luật dân sự như BLDS 2005, Nghị quyết 03/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (sau đây viết tắt là NQ 03/2006)… Tuy nhiên trong một vụ tai nạn giao thông thì những quy định cụ thể nào của BLDS 2005 sẽ được áp dụng. Có hai căn cứ để áp dụng. Thứ nhất: Căn cứ vào các quy định chung về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khi thiệt hại xảy ra do hành vi trái pháp luật của người gây thiệt hại, Thứ hai: Căn cứ vào các quy định chuyên biệt về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Như vậy, khi một vụ tai nạn giao thông xảy ra, về mặt quy định của pháp luật hiện hành có thể áp dụng chế định bồi thường thiệt hại chung quy định tại mục 1, mục 2 BLDS 2005. Khi thiệt hại xảy ra không do hành vi trái pháp luật mà do bản thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì áp dụng các quy định tại Điều 623 BLDS 2005, cần nhấn mạnh là đối với những vấn đề không được quy định trong trường hợp riêng thì những quy định chung vẫn có thể được áp dụng.
  • Chủ thể bồi thường: Chủ thể bồi thường có phạm vi rất rộng, có thể là người trực tiếp gây thiệt hại, người chủ sở hữu phương tiện gây thiệt hại, tổ chức bảo hiểm…(Còn nữa…).

[1] Nguyễn Thị Hồng Mai,  Luận văn thạc sỹ Luật học: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thực trạng và kiến nghị, tr.10

[2] Quốc triều hình luật (2003), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh, tr.42

[3] Quốc triều hình luật (2003), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Tp.Hồ Chí Minh, tr.178

[4] Quốc triều hình luật (2003), Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Tp.Hồ Chí Minh, tr.178

[5] Điều 71 Hiến pháp 1992 (Đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị Quyết 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001)

[6] Điều 74 Hiến pháp 1992 (Đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị Quyết 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001)

[7] Viện ngôn ngữ Khoa học Xã hội Nhân văn, Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Từ điển Bách khoa, tr.1068

[8] Trường Đại học Luật Hà Nội (2006), Giáo trình lý luận Nhà nước và pháp luật, Nxb. Tư pháp

[9] Viện ngôn ngữ Khoa học Xã hội Nhân văn, Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Từ điển Bách khoa, tr.540

[10] Viện ngôn ngữ Khoa học Xã hội Nhân văn, Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Từ điển Bách khoa, tr.875

[11] Bộ công an (1999), Tạp chí Công an nhân dân (2), tr.76

[12] Bộ công an (1997) “Tai nạn giao thông, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa”, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Nxb. Giao thông vận tải Hà Nội, tr.20

 

1.2. Điều kiện phát sinh trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại trong tai nạn giao thông

1.2.1. Điều kiện phát sinh trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại trong tai nạn giao thông do hành vi trái pháp luật của con người gây ra

Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là tập hợp những căn cứ cho phép chúng ta xác định có hay không có trách nhiệm bồi thường. Thực ra BLDS 2005 không nêu rõ các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà có thể nhận ra các điều kiện này từ quy định tại khoản 1 Điều 604 BLDS 2005. “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Từ quy định trên có thể nhận thấy, để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì chủ thể gây thiệt hại phải có lỗi (cố ý hoặc vô ý). Bộ luật không cũng không nêu rõ “yếu tố trái pháp” luật mà chỉ liệt kê một số hành vi như: xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân. Từ danh sách một số hành vi làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại Tòa án tối cao đã khái quát hóa các hành vi này là để làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì phải có “hành vi trái pháp luật”. Một điều kiện nữa để làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là phải có “thiệt hại” và cuối cùng là có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại đã xảy ra.

Tuy nhiên các điều kiện này đã được quy định chi tiết tại mục 1 phần I NQ 03/2006, cụ thể bao gồm các điều kiện sau đây: Phải có thiệt hại xảy ra; phải có hành vi trái pháp luật; phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật; phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.

Trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại là một loại trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng, do vậy trách nhiệm liên đới chỉ phát sinh khi có đủ bốn điều kiện nêu trên. Tuy nhiên dù là một loại của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nhưng loại trách nhiệm liên đới bồi thường có những yếu tố đặc thù nên điều kiện phát sinh cũng có những điểm đặc trưng sẽ được phân tích ngay sau đây.

1.2.1.1. Phải có thiệt hại xảy ra

Phải có thiệt hại xảy ra là điều kiện tiên quyết để xác định có phát sinh trách nhiệm bồi thường hay không. Điều kiện này phải là căn cứ đầu tiên cần xem xét trong việc giải quyết yêu cầu đòi bồi thường. “Nếu không có thiệt hại thì cho dù có hành vi vi phạm cũng không phát sinh trách nhiệm bồi thường mặc dù có thể phát sinh các trách nhiệm pháp lý khác như trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính…”[1] Rõ ràng là như vậy, không có thiệt hại thì không có việc bồi thường thiệt hại và đương nhiên cũng không phát sinh trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại. BLDS 2005 đề cập đến thiệt hại nhưng không định nghĩa thế nào là thiệt hại. Trong khoa học pháp lý đã có một số định nghĩa về thiệt hại: “Thiệt hại là sự biến thiên theo chiều xấu đi của tài sản, của các giá trị nhân thân được pháp luật bảo vệ”.[2]

Hay “thiệt hại là sự giảm sút về lợi ích vật chất của người bị thiệt hại mà họ đã có hoặc lợi ích vật chất mà chắc chắn họ sẽ có”.[3]

Thật ra việc đưa ra một định nghĩa chính xác thế nào là thiệt hại là rất khó nên BLDS 2005 chỉ liệt kê những loại thiệt hại cụ thể bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Cụ thể theo Nghị quyết 03/2006 thì: Thiệt hại bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần.

a) Thiệt hại về vật chất bao gồm: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm quy định tại Điều 608 BLDS 2005; thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 609 BLDS 2005; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 610 BLDS 2005; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 611 BLDS 2005.

b) Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của cá nhân được hiểu là do sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm mà người bị thiệt hại hoặc do tính mạng bị xâm phạm mà người thân thích gần gũi nhất của nạn nhân phải chịu đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm, bị giảm sút hoặc mất uy tín, bị bạn bè xa lánh do bị hiểu nhầm… và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất mà họ phải chịu.

Thiệt hại do tổn thất về tinh thần của pháp nhân và các chủ thể khác không phải là pháp nhân (gọi chung là tổ chức) được hiểu là do danh dự, uy tín bị xâm phạm, tổ chức đó bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm, lòng tin… vì bị hiểu nhầm .

Theo nguyên tắc, thiệt hại trong trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cũng là thiệt hại trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng và thiệt hại trong trách nhiệm dân sự nói chung.Tuy nhiên cùng với những quy tắc chung của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, thiệt hại trong trách nhiệm liên đới có những đặc trưng riêng nhất định.

Thứ nhất, thiệt hại là hậu quả của hành vi trái pháp luật của nhiều người, không nhất thiết các hành vi đó phải đồng thời thực hiện.

Thứ hai, giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật của một hoặc một số trong số những người có hành vi trái pháp luật có thể không có mối quan hệ nhân quả, hay nói cách khác là không có mối liên hệ trực tiếp mà chỉ có mối liên hệ gián tiếp.

Thứ ba, thiệt hại là một thể thống nhất không thể phân chia.

Thiệt hại xảy ra trong các vụ tai nạn giao thông thường rất nghiêm trọng. Trong nhiều vụ TNGTĐB thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản không được bồi thường một cách kịp thời, đầy đủ. Do vậy nhà nước đã quy định “Về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm của chủ xe cơ giới”[4]. Thực ra quy định này đã có từ Nghị Định 115/1997/NĐ-CP với mục đích được quy định tại Điều 1: “…nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của những người bị thiệt hại về thân thể và tài sản do xe cơ giới gây ra, đồng thời giúp chủ xe cơ giới khắc phục được hậu quả tài chính góp phần ổn định kinh tế, xã hội”. Đây là một chính sách hợp lý nhằm giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại trong TNGTĐB.

1.2.1.2. Phải có hành vi trái pháp luật

Theo hướng dẫn của NQ03/2006 thì căn cứ có hành vi trái pháp luật là điều kiện bắt buộc làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nếu không có hành vi trái pháp luật thì trách nhiệm bồi thường không được đặt ra. Điều kiện này được khái quát lên từ những hành vi được liệt kê tại Điều 604 BLDS 2005, đó là các hành vi: xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác.

Với quy định này chúng ta có thể nói “Hành vi gây thiệt hại được xác định là hành vi trái pháp luật thì người có hành vi đó phải bồi thường, nhưng hành vi gây thiệt hại được xác định là hành vi không trái pháp luật thì người có hành vi đó không phải bồi thường”.[5] Theo hướng dẫn của NQ 03/2006 thì: Hành vi trái pháp luật là những xử sự cụ thể của con người được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động trái với các quy định của pháp luật. Với cách định nghĩa này thì hành vi trái pháp luật buộc là những xử sự cụ thể, đó là phải được thể hiện bằng hành vi dưới hành động hoặc không hành động. Hành vi trái pháp luật trong bồi thường thiệt hại là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật nói chung, có thể là vi phạm pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kinh tế, lao động…

Ngoài những quy định chung khi xác định trách nhiệm dân sự, việc xác định hành vi trái pháp luật trong việc xác định trách nhiệm liên đới bồi thường có những điểm đặc thù. Trong trách nhiệm dân sự thông thường, hành vi trái pháp luật có thể được thực hiện bởi một cá nhân hay một tổ chức thì trong trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại hành vi trái pháp luật có thể được thực hiện bởi nhiều người.

Nhiều người cùng liên đới chịu trách nhiệm có thể xuất phát từ việc họ cùng thực hiện một hành vi cụ thể hoặc những người này thực hiện từng hành vi riêng rẽ nhưng dẫn đến một hậu quả chung hoặc hành vi của một người không trực tiếp gây ra hậu quả nhưng làm phát sinh hành vi của người kia và hành vi của người này gây hậu quả, ví dụ: Người điều khiển mô tô lưu thông trái luật làm cho người điều khiển mô tô đi ngược chiều bị ngã và bị ô tô đi sau gây tai nạn. Việc xác định phạm vi chủ thể liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cũng gặp nhiều khó khăn khi hành vi trái pháp luật chỉ do một hoặc một số người thực hiện nhưng chủ thể phải bồi thường không chỉ bao gồm những người này mà còn bao gồm những người khác. Ví dụ: bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra. Những người này tuy không thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng pháp luật quy định họ phải có trách nhiệm bồi thường và trong mối quan hệ với người bị thiệt hại người thực hiện hành vi trái pháp luật và người không thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng pháp luật quy định phải có trách nhiệm bồi thường được xem là một chủ thể thống nhất.

Trong các vụ TNGTĐB các hành vi gây thiệt hại bao gồm:

  • Các hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Điều đó có nghĩa là bất kỳ một hành vi nào vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Các hành vi đó có thể là: Đi quá tốc độ; chở quá trọng tải quy định; tránh, vượt trái phép; không đi đúng tuyến đường, phần đường và các hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
  • Các hành vi cản trở giao thông đường bộ. Các hành vi này có thể là: Đào khoan, xẻ, trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, hoặc phá hủy biển báo hiệu, các thiết bị an toàn giao thông đường bộ; lấn chiếm, chiếm dụng, lòng đường, vỉa hè…
  • Các hành vi đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn. Đây là hành vi của người chịu trách nhiệm trực tiếp về việc điều động hoặc về tình trạng kỹ thuật. Hành vi đó được thể hiện bằng việc cho phép đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường bộ rõ ràng là không đảm bảo an toàn kỹ thuật mà gây thiệt hại.
  • Các hành vi điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ. Các hành vi này thường là giao cho người không có giấy phép, không có bằng lái hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật mà gây thiệt hại.
  • Các hành vi tổ chức đua xe, đua xe trái phép trên đường bộ.
  • Các hành vi vi phạm về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ.

Các hành vi trên là cơ sở làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong TNGTĐB. Ngoài ra những người thực hiện hành vi này tùy theo mức độ mà có thể xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

1.2.1.3. Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật

Theo hướng dẫn tại NQ 03/2006 thì một trong bốn điều kiện để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại đã xảy ra. Mối quan hệ nhân quả giữ một vai trò đặc biệt quan trọng để xác định có việc bồi thường hay không và phạm vi chủ thể phải bồi thường. Trong thực tế có tồn tại hành vi trái pháp luật, có thiệt hại xảy ra, tuy nhiên không có mối quan hệ nhân quả, thiệt hại phát sinh không phải là mối liên hệ nội tại, kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật thì cũng không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. “Ví dụ: ông Hùng điều khiển xe mô tô biển số 29L8-0995 chạy trên đường Phan Trọng Tuệ đã va chạm với xe công nông không biển số, do ông Tám điều khiển đi phía trước cùng chiều hậu quả là làm ông Hùng bị thương và xe mô tô hỏng phần đầu xe, tại cơ quan điều tra, ông Hùng cũng khai rõ: “Để xảy ra tai nạn là tôi có lỗi thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ” liên quan đến vấn đề bồi thường theo Tòa án: “xe không biển số, không giấy phép lái xe thì không thể là nguyên nhân gây ra tai nạn cho ông Hùng được (…) ông Hùng do thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ nên đã đâm vào góc bên trái đuôi xe công nông gây tai nạn. Ông Hùng phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình gây nên (…)”.[6] Trong trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra là căn xác định phạm vi chủ thể liên đới chịu trách nhiệm bồi thường. Mối quan hệ này cần phải được xác định một cách rõ ràng, nếu không trong một số trường hợp không bảo vệ được tốt lợi ích của người bị thiệt hại. Cũng là một trong bốn điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung, tuy nhiên do tính đặc trưng của loại trách nhiệm liên đới bồi thường, nên điều kiện này phải được xem xét một cách khách quan, toàn diện để có được những giải pháp hợp lý trong việc xác định phạm vi chủ thể có trách nhiệm bồi thường. Do vậy, trong trách nhiệm liên đới bồi thường phải xác định mối quan hệ giữa hành vi trực tiếp gây thiệt hại với thiệt hại trong trường hợp các hành vi cùng lúc thực hiện hoặc cần phải xác định mối quan hệ nhân quả giữa các hành vi nối tiếp nhau nếu chúng không xảy ra cùng lúc.

1.2.1.4. Phải có lỗi cố ý hoặc vô ý của người gây thiệt hại

Khoản 1 Điều 604 BLDS 2005 “Người nào do lỗi cố ý, vô ý (…) mà gây thiệt hại thì phải bồi thường” do vậy lỗi là điều kiện bắt buộc để phát sinh trách nhiệm bồi thường. Điều này được cụ thể hóa bởi của NQ 03/2006, cụ thể NQ 03/2006 đưa ra khái niệm về lỗi cố ý và lỗi vô ý như sau: Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc không mong muốn, nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.

Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

Mặc dù lỗi được sử dụng làm căn cứ để phát sinh trách nhiệm bồi thường và định nghĩa lỗi cố ý, lỗi vô ý nhưng khái niệm lỗi là gì trong lĩnh vực Luật dân sự chưa có.

Trong một số giáo trình luật dân sự cũng như trong một số ấn phẩm pháp lý khác, các tác giả định nghĩa lỗi như là căn cứ để xác định trách nhiệm dân sự dựa trên trạng thái tâm lý và mức độ nhận thức của một người đối với hành vi của mình và hậu quả do hành vi đó gây ra. Tuy nhiên cũng có một số tác giả cho rằng khái niệm lỗi trong luật dân sự “…không thể xây dựng định nghĩa lỗi trong trách nhiệm dân sự dựa trên định nghĩa lỗi trong trách nhiệm hình sự (…) phải xây dựng khái niệm lỗi dựa trên sự quan tâm, chu đáo của chủ thể đối với việc thực hiện nghĩa vụ của mình. Một cá nhân hay pháp nhân được coi là không có lỗi nếu khi áp dụng tất cả mọi biện pháp để thực hiện đúng nghĩa vụ đã biểu hiện sự quan tâm chu đáo mà tính chất của nghĩa vụ và điều kiện lưu thông dân sự yêu cầu đối với họ”.[7] Trở lại việc yếu tố lỗi là căn cứ bắt buộc để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung và trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại trong TNGTĐB nói riêng, ngay tại quy định tại Điều 604 BLDS 2005 và hướng dẫn của NQ03/2006 thì lỗi là căn cứ bắt buộc phải có để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trừ một số trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại khi không có lỗi. Tiêu biểu như các trường hợp được quy định tại Điều 623 BLDS 2005 bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; Điều 624 BLDS 2005 bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường: “Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi”. Ngoài những trường hợp ngoại lệ như đã nêu thì về nguyên tắc người gây thiệt hại không có lỗi thì không có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại đó.

Điều này cũng có tác giả không đồng tình vì cho rằng: “Trong chính văn bản cũng có quy định buộc người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự (người không có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình) phải bồi thường khi gây thiệt hại. Trong thực tiễn xét xử, những người có hành vi gây thiệt hại, nhưng khi gây thiệt hại không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình do bị tâm thần, bị động kinh vẫn có trách nhiệm bồi thường (cho dù chưa bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự). Những người chưa thành niên, người bị bệnh tâm thần, bị điên gây thiệt hại trong tình trạng không nhận thức được hành vi của mình, thì những người bình thường không có lý do gì để được miễn trong trường hợp tương tự…Điều này cho thấy sự vô lý của pháp luật hiện hành khi quy định lỗi (nhận thức của chủ thể) là điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường…” và “…phải chăng chúng ta nên bỏ yếu tố “lỗi” ra khỏi danh sách những căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng?”[8]. Trên đây là một số quan điểm đề cập đến lỗi trong trách nhiệm dân sự nói chung và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng. Ở đây tác giả không có tham vọng đưa ra các đề xuất về khái niệm “lỗi trong trách nhiệm dân sự” cũng như vấn đề có nên bỏ yếu tố lỗi trong các căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hay không? Do đó tác giả sẽ phân tích dựa theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Liên đới bồi thường thiệt hại cũng là một loại trách nhiệm dân sự, vì vậy lỗi cũng được coi là một trong các căn cứ để xác định trách nhiệm liên đới. Nhưng so với lỗi là căn cứ xác định trách nhiệm dân sự nói chung thì lỗi là căn cứ xác định trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại có những đặc điểm sau:

  • Lỗi có thể là lỗi của người không trực tiếp thực hiện hành vi gây thiệt hại cho người khác nhưng hành vi có lỗi của họ là nguyên nhân dẫn đến hành vi trái pháp luật của người trực tiếp gây thiệt hại.
  • Hình thức của lỗi có ý nghĩa quan trọng, hầu như là quyết định trong việc xác định phạm vi trách nhiệm bồi thường của từng chủ thể liên đới chịu trách nhiệm bồi thường.

1.2.2. Điều kiện phát sinh trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại trong tai nạn giao thông do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Trong nhiều trường hợp, thiệt hại do tài sản gây ra, do vậy những quy định chung về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không thể được áp dụng vì thiếu điều kiện “hành vi trái pháp luật” vì hành vi trái pháp luật là cách xử sự của con người trái với các quy định của pháp luật. Do đó quy định bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ ra đời để bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại.

Thiệt hại xảy ra ở đây là do hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ gây ra mà không do lỗi của ai. Chẳng hạn tai nạn xảy ra khi ô tô đang lưu thông thì bị nổ lốp. Vấn đề bồi thường do nguồn nguy hiểm cao độ đã được BLDS 2005 quy định, trước đó trong Bộ luật Dân sự 1995 cũng đã có quy định và trước đó nữa chế định bồi thường này cũng đã tồn tại, chẳng hạn năm 1983 theo Tòa án tối cao[9]: “Hoạt động của ô tô là một nguồn nguy hiểm cao độ cho nên phía ô tô có trách nhiệm bồi thường cho người thiệt hại, kể cả trường hợp tai nạn xảy ra vì tai nạn xảy ra vì cấu tạo của máy móc, vật liệu (tai nạn rủi ro)”.

Như đã đề cập ở trên, điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra không hoàn toàn giống với điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại nói riêng. Điều đặc biệt ở đây là không cần đến hai điều kiện: “hành vi trái pháp luật” và “lỗi”. Theo quy định tại khỏan 4 Điều 623 BLDS 2005: Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Ở đây Bộ luật có đề cập đến yếu tố lỗi, nhưng cần hiểu đây không phải là lỗi với tư cách là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra mà là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại mà thôi. Như vậy, từ những phân tích trên cho chúng ta thấy, hành vi trái pháp luật và lỗi không có ý nghĩa trong việc xác định có phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại hay không? Mà thay vào đó chúng ta cần phải xác định có thiệt hại xảy ra, và thiệt hại này do chính nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Nghĩa là chỉ cần có thiệt hại xảy ra và thiệt hại này do chính nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là đã phát sinh trách nhiệm bồi thường. Trừ các trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 623 BLDS 2005:

  • Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.

Từ quy định trên có thể suy ra nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi vô ý của người bị thiệt hại thì chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ vẫn phải có trách nhiệm bồi thường. Về quy định này tồn tại nhiều quan điểm khoa học cho rằng đây là một quy định nâng cao trách nhiệm của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ một cách không cần thiết và tạo ra sự không công bằng. Tác giả sẽ đề cập sâu hơn vấn đề này tại chương II của khóa luận phần thực trạng pháp luật.

  • Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 161 BLDS 2005 thì: Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Với quy định trên chúng ta thấy để một sự kiện được coi là sự kiện bất khả kháng thì phải thỏa mãn các điều kiện: i) Sự kiện xảy ra một cách khách quan: Sự kiện này có thể là sự kiện tự nhiên như thiên tai, nhưng cũng thể là do con người gây ra như hành động của một người thứ ba; ii) đây phải là sự kiện không thể lường trước được; iii) Đây là sự kiện không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Như vậy để được xem là một sự kiện bất khả kháng thì phải hội tụ đủ ba điều kiện trên. Ví dụ trong trường hợp sau đây: “Vào khoảng 8 giờ sáng ngày 5/5/2012 , một vụ tai nạn khủng khiếp đã bất ngờ xảy ra tại núi Cấm, tỉnh An Giang. Hòn đá lớn từ trên núi đã bất ngờ lăn xuống đè trúng chiếc xe của Công ty cổ phần phát triển du lịch An Giang. Đè bẹp chiếc xe du lịch 7 chỗ, khiến 5 người trên xe chết tại chỗ. Tại hiện trường, chiếc xe du lịch lữ hành An Giang (thuộc Công ty cổ phần phát triển du lịch An Giang) hoàn toàn bị bẹp dúm dưới tảng đá khổng lồ. Hàng trăm người dân địa phương có mặt tại đây đã không thể nào ứng cứu vì hòn đá quá lớn…”.[10]

Trong ví dụ trên, nếu như tài xế của chiếc xe du lịch trên, đã được thông báo trước về khả năng có đá rơi mà vẫn thực hiện hành vi chuyên chở hành khách qua đó thì khi thiệt hại xảy ra phía công ty du lịch vẫn trách nhiệm vụ bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp tài xế của chiếc xe trên không biết và cũng không thể biết đoạn đường trên có đá lăn (sự kiện đá lăn không thể lường trước được) thì phía công ty không có trách nhiệm bồi thường trừ trường hợp giữa các bên có thỏa thuận.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 262 BLDS 2005 thì: Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.. Như vậy thiệt hại xảy ra trong tình thế cấp thiết thì không phỉ bồi thường vì hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết là hành vi có ích, bởi vì thiệt hại đã gây ra nhằm mục đích tránh những thiệt hại khác lớn hơn. Đây là biện pháp cuối cùng và duy nhất, vì luật quy định “không còn cách nào khác”. Do đó ranh giới giữa gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết và vượt quá giới hạn tình thế cấp thiết chính là thiệt hại thực tế đã gây ra, nếu thiệt hại này nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn thì đó được xem là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết và người gây thiệt hại không phải bồi thường (Khoản 1 Điều 614 BLDS 2005). Trong trường hợp này người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại (Khoản 3 Điều 614 BLDS 2005). Ví dụ: Khi xe đang chạy trên đường đúng vận tốc quy định, thì có người bất ngờ lao vào xe để tự tử. Người lái xe vì tránh tai nạn chết người nên buộc phải đánh tay lái lấn sang phần đường của xe khác gây ra va chạm khiến người điều khiển xe đó bị thương. Trong trường hợp này người lái xe gây thiệt hại được coi là gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết. Do đó, không phải bồi thường. Trách nhiệm bồi thường thuộc về người đã gây ra tình thế cấp thiết (người định tự tử). Còn trong trường hợp còn lại nghĩa là gây ra thiệt hại bằng hoặc lớn hơn thì người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại (Khoản 2 Điều 614 BLDS 2005).

1.2.1. Có thiệt hại xảy ra

Trong một vụ tai nạn do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, thiệt hại có thể bao gồm: thiệt hại của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ; thiệt hại cho người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ; thiệt hại cho người được người không phải là chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ và thiệt hại của những chủ thể khác ngoài những chủ thể đã nêu (sau đây gọi chung là những người xung quanh). Như đã đề cập chủ thể bị thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra có nhiều, tuy nhiên không phải thiệt hại nào cũng được bồi thường theo quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo quy định tại Điều 623 BLDS 2005 và hướng dẫn tại NQ 03/2006, mà chỉ là thiệt hại xảy ra cho những người xung quanh. Thiệt hại xảy ra có thể là thiệt về tài sản, sức khỏe, tính mạng. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì khi sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm thì người bị thiệt hại được bồi thường tổn thất về tinh thần[11] (khi tài sản bị xâm phạm không phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần). Danh dự, uy tín, nhân phẩm không thể bị tác động bởi nguồn nguy hiểm cao độ.

1.2.2. Thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Trước hết cần phải hiểu thế nào là nguồn nguy hiểm cao độ? Theo quy định tại khoản 1 Điều 623 BLDS 2005 thì: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vú khí, chất cháy chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”. Như vậy BLDS không định nghĩa về nguồn nguy hiểm cao độ mà chỉ liệt kê các loại nguồn nguy hiểm cao độ và danh sách nguồn nguy hiểm cao độ không chỉ bao gồm: phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vú khí, chất cháy chất độc, chất phóng xạ, mà còn có thể có thêm những loại khác vì đây là một danh sách mở, và nguồn nguy hiểm cao độ còn bao gồm những loại nào thì phụ thuộc quy định của pháp luật. Như vậy để xác định nguồn nguy hiểm cao độ cần phải dựa vào đầu tiên và trước hết là khoản 1 Điều 623 BLDS 2005 và tiếp theo văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan hoặc quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lĩnh vực cụ thể đó, ví dụ: Để xác định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì phải căn cứ vào Luật giao thông đường bộ. Theo quy định tại khoản 18 Điều 3 Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì  Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự.

Ngay quy định tại khoản 1 Điều 623 BLDS 2005, nhà làm luật đã quy định là bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Nghĩa là thiệt hại xảy ra do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ, xuất phát từ tính chất tiềm tàng của nó là có khả năng gây thiệt hại bất cứ lúc nào cho dù chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng không có hành vi trái pháp luật và cũng không có lỗi. Tuy nhiên trong thực tế việc xác định ranh giới của trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo nguyên tắc chung (tức yêu cầu yếu tố lỗi và hành vi trái pháp luật) và bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra gặp nhiều khó khăn đặc biệt là thiệt hại xảy ra có sự tham gia của nguồn nguy hiểm cao độ. Do đó “Việc xác định chính xác thiệt hại do hành vi trái pháp luật và thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra có ý nghĩa hết sức quan trọng về lý luận cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật, đảm bảo tính chính xác, khách quan, đúng đắn”.[12] Vấn đề này tác giả sẽ làm rõ ở phần thực tiễn áp dụng pháp luật tại chương II.


13 Hoàng Thế Liên (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự 2005, Nxb Chính trị quốc gia,2009 tập II, tr.702

[2] Nguyễn Xuân Quang (2011), Lê Nết và Nguyễn Hồ Bích Hằng: Luật dân sự Việt Nam, Nxb. Đại học quốc gia 2007, tr.471

[3] Hoàng Thế Liên (chủ biên), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự 2005, Nxb Chính trị Quốc gia, 2009 tập II, tr.702.

[4] Nghị Định 103/2008/NĐ-CP của Chính Phủ về Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

[5] Phùng Trung Tập, Bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng, Nxb Hà Nội 2009, tr.57..

[6] Đỗ Văn Đại (2010), Luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam, Bản án và bình luận bản án, Nxb. Chính trị Quốc gia, tr.108

[7] Phạm Kim Anh, Khái niệm lỗi trong trách nhiệm dân sự, Tạp chí Khoa học pháp lý số 03/2003, tr.32

[8] Đỗ Văn Đại (2010), Lỗi, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng? Tạp chí Khoa học pháp lý số 02/2010 tr.56,57.

[9] Đỗ Văn Đại (2010), Luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam-Bản án và bình luận bản án, Nxb.Chính trị Quốc gia, tr.554

[10] Nguồn thanhnienonline.com.vn

[11] Khoản 2 Điều 609, Khoản 2 Điều 610 BLDS 2005

[12] Nguyễn Xuân Quang (2011), Một số vấn đề pháp lý về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, Tạp chí Khoa học pháp lý số 03/2011, tr.35

 

1.3. Các trường hợp liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong tai nạn giao thông

1.3.1. Trường hợp có sự thỏa thuận trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại trong tai nạn giao thông

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 623 BLDS 2005 thì: “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”. Như vậy, về nguyên tắc khi nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu phải bồi thường, nếu nguồn nguy hiểm cao độ đã được giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người đó phải bồi thường. Trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa các bên, với điều kiện thỏa thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường. Thỏa thuận trong quy định trên, theo hướng dẫn của NQ 03/2006 bao gồm: i) Thoả thuận cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại; ii)Thoả thuận chủ sở hữu bồi thường thiệt hại trước, sau đó người được giao chiếm hữu, sử dụng sẽ hoàn trả cho chủ sở hữu khoản tiền đã bồi thường; iii) Ai có điều kiện về kinh tế hơn thì người đó thực hiện việc bồi thường thiệt hại trước. Như vậy thỏa thuận cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một “trường hợp có thỏa thuận khác” quy định tại khoản 2 Điều 624 BLDS 2005.

Trước hết, cần xác định chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong các trường hợp chung (giữa các bên không có thỏa thuận khác).

  • Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ: Cần hiểu như thế nào là chủ sở hữu “đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ”? Theo hướng dẫn tại NQ 03/2006 thì: “Chủ sở hữu đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ là đang thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, quản lý nguồn nguy hiểm cao độ, nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội; khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ nguồn nguy hiểm cao độ”. Trong trường hợp này chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại kể cả khi không có lỗi.
  • Người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ: Chiếm hữu và sử dụng là hai quyền hoàn toàn khác nhau “quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý tài sản”[1] còn “quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản”,[2] quyền chiếm hữu, sử dụng của người không phải là chủ sở hữu được quy định tại Điều 185 và Điều 194 BLDS 2005. Đây là hai quyền hoàn toàn độc lập, nội hàm của chúng không trùng nhau, có trường hợp có quyền chiếm hữu nhưng không có quyền sử dụng. Ví dụ: Trong hợp đồng gửi giữ xe, bên giữ xe có quyền chiếm hữu nhưng không có quyền sử dụng xe vào mục đích của mình. Có trường hợp có quyền sử dụng nhưng không có quyền chiếm hữu. “Do vậy, trên thực tiễn có sự nhận thức không thống nhất. Có quan điểm cho rằng giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng là giao một trong hai quyền, hoặc là giao chiếm hữu, hoặc là giao sử dụng. Quan điểm khác cho rằng đây là sai sót của nhà làm luật lẽ ra dấu phẩy giữa từ chiếm hữu và sử dụng phải được thay bằng từ “và” (chiếm hữu và sử dụng) (…) khi chủ thể được giao quyền chiếm hữu thì đã phát sinh nghĩa vụ bồi thường tương ứng với nội dung ủy quyền hoặc nội dung giao dịch, còn chỉ được giao quyền sử dụng nhưng không có quyền chiếm hữu thì không phát sinh nghĩa vụ bồi thường đối với người sử dụng (trừ trường hợp các chủ thể có thỏa thuận khác, không trái pháp luật, đạo đức xã hội). Ví dụ: A đang chở B trên xe mô tô, do A buồn ngủ nên đã giao cho B lái (B có đủ điều kiện lái xe). B gây tai nạn thì A phải bồi thường. Trong trường hợp này B chỉ có quyền sử dụng chứ không có quyền chiếm hữu (nắm giữ, quản lý xe)”[3]. Theo tác giả thì trong ví dụ vừa nêu trên, B không phải là người sử dụng, mà B chỉ là người điều khiển xe mà thôi, vì nếu B là người sử dụng thì B phải thỏa mãn điều kiện là khai thác công dụng, hoa lợi, lợi tức từ tài sản cho chính bản thân, trong trường hợp trên việc B lái xe là do A nhờ, hoàn toàn không xuất phát từ việc khai thác lợi ích từ việc lái xe. Và theo tác giả thì một vấn đề cần quan tâm ở đây là như thế nào là giao? Cũng trong ví dụ trên tác giả của bài viết dùng từ A “giao” cho B lái, theo tác giả thì từ giao được dùng ở trên là một thuật ngữ được dùng trong đời sống hằng ngày. Từ “giao” được hiểu theo quy định của pháp luật trong cụm từ “giao quyền chiếm hữu, sử dụng” phải là giao bằng một hợp đồng, vì vậy tác giả hoàn toàn đồng ý với cách hiểu: “Đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu, sử dụng một cách hợp pháp là trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu một cách hợp pháp thông qua hợp đồng cho thuê hoặc cho mượn để người đó sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ được giao vì mục đích của bản thân mình chứ không phải mục đích của chủ sở hữu”.[4] Tóm lại, theo tác giả chỉ cần xác định có việc giao nguồn nguy hiểm cao độ và việc giao này chỉ cần thỏa mãn một trong hai yếu tố: giao chiếm hữu hoặc giao sử dụng là đủ có căn cứ để người được giao chiếm hữu, hoặc sử dụng đó phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra và trường hợp này cũng không cần yếu tố lỗi của chủ thể.
  • Người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật:

Như thế nào là đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ, thì tác giả đã phân tích ở trên. Ở đây tác giả chỉ tập trung làm rõ tính “trái pháp luật” trong quy định tại đoạn đầu khoản 4 Điều 623 BLDS 2005. Có quan điểm cho rằng: “Chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật là trường hợp chiếm giữ và sử dụng khi không được sự đồng ý của chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ nhưng không có mục đích chiếm đoạt”[5]. Hay theo một tác giả khác thì: “Hành vi chiếm hữu trái pháp luật là việc chiếm hữu tài sản của người khác không được sự đồng ý của người chủ sở hữu cũng như không có căn cứ do pháp luật quy định, ví dụ: Hành vi trộm cắp, cướp, chiếm đoạt nguồn nguy hiểm cao độ trái với ý chí của chủ sở hữu (…) ví dụ: Anh A trộm cắp xe ô tô của anh B trong quá trình tham gia giao thông xe bị mất phanh (thắng) đâm vào anh C gây thiệt hại cho C về tài sản và sức khỏe thì anh A phải bồi thường thiệt hại cho anh C vì anh A là người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật xe của anh B”[6]. Và tác giả cũng đồng ý với quan điểm thứ hai rằng, không nên giới hạn chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật không bao hàm mục đích chiếm đoạt. Bởi lẽ, lý do xuất phát điểm của việc chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ là nhằm mục đích chiếm đoạt. Tuy nhiên trong quá trình chiếm đoạt, nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại thì trong trường này trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải do người có hành vi chiếm đoạt gánh vác, sẽ là không công bằng và hợp lý nếu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về người chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ.

Trong tất cả ba trường hợp nêu trên, các chủ thể có liên quan đều có quyền thỏa thuận với nhau về việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường. Bộ luật quy định “trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”, nghĩa là nếu có thỏa thuận giữa các bên và thỏa thuận này đáp ứng các điều kiện để có giá trị pháp lý (không trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ bồi thường) thì có giá trị pháp lý ưu tiên áp dụng. Bởi lẽ việc pháp luật quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng không nằm ngoài mục đích bù đắp, khắc phục những thiệt hại cho người bị thiệt hại. Việc bù đắp này sẽ trở nên có hiệu quả và khả thi hơn nếu các bên tự thỏa thuận được với nhau. Vì suy cho cùng pháp luật chỉ là cái khung, quy định chung chung nên tùy từng trường hợp cụ thể mà các bên tự giải quyết được với nhau thì sẽ hợp lý hơn vì “việc dân sự cốt ở đôi bên”. Như trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ đang bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật và gây ra thiệt hại, thì về nguyên tắc người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật có nghĩa vụ bồi thường. Nhưng nếu người này không có khả năng bồi thường và các bên thỏa thuận là chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ sẽ bồi thường trước cho người bị thiệt hại và sau đó người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật sẽ hoàn lại cho chủ sở hữu sau. Những thỏa thuận như vậy luôn được ưu tiên áp dụng nhằm sớm khắc phục thiệt hại và việc đảm bảo quyền lợi của người bị thiệt hại sẽ tốt hơn.

1.3.2. Trường hợp chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng có lỗi để phương tiện giao thông hoặc nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật

Đoạn 2 khoản 4 Điều 623 BLDS quy định: “Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”. Như vậy yếu tố “có lỗi” sẽ quyết định rằng chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có phải liên đới bồi thường hay không? Nếu không có lỗi thì họ không có trách nhiệm phải liên đới bồi thường thiệt hại. Lỗi trong trường hợp này BLDS 2005 không định nghĩa nhưng NQ 03/2006 có nêu ra một số trường hợp được xem là cũng có lỗi như: “Không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật”. Lỗi ở đây không phải là lỗi trong việc gây ra tai nạn mà lỗi thuộc về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. “Tùy theo mỗi loại nguồn nguy hiểm cao độ mà mức độ, phạm vi, biện pháp trông coi, quản lý,vận chuyển, sử dụng khác nhau. Do vậy để nhận biết thế nào là có lỗi (…) phải căn cứ vào các quy định liên quan đến việc trông coi, bảo quản, vận chuyển, sử dụng một đối tượng nguồn nguy hiểm cao độ cụ thể”.[7] Dù là trách nhiệm liên đới nhưng phải xác định rõ mức độ lỗi của từng chủ thể đối với việc gánh vác trách nhiệm bồi thường, và người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thông thường phải bồi thường thiệt hại nhiều hơn vì theo tác giả, mức độ lỗi của chủ thể này rõ ràng là nhiều hơn và giữ vai trò trực tiếp quyết định đối với thiệt hại xảy ra.

KẾT LUẬN CHƯƠNG I

Chương này tác giả tập trung tìm hiểu và phân tích một số vấn đề lý luận về trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại trong tai nạn giao thông đường bộ cũng như một số quy định của pháp luật về vấn đề này. Bài viết đề cập đến các điều kiện phát sinh loại trách nhiệm này cũng có sự liên hệ với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và tác giả cũng đề cập đến sự khác nhau giữa trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Qua đó giúp chúng ta có một cái nhìn tổng thể về trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại trong tai nạn giao thông đường bộ nói riêng cũng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung-mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng.


[1] Điều 182 Bộ Luật Dân sự 2005

[2] Điều 192 Bộ Luật Dân sự 2005

[3] Nguyễn Văn Dũng, Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, Tạp chí Tòa án nhân dân kỳ II tháng 9-2008 (số 18), tr.25,26

[4] Mai Bộ, Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, Tạp chí Tòa án nhân dân số 2/2003, tr.10

[5] Mai Bộ, Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, Tạp chí Tòa án nhân dân số 2/2003, tr.12

[6] Nguyễn Xuân Quang (2011), Một số vấn đề pháp lý về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, Tạp chí khoa học pháp lý số 3/2011, tr.37

35 Nguyễn Văn Dũng, Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, Tạp chí Tòa án nhân dân kỳ II tháng 9-2008 (số 18), tr.26

 

Chương 2. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT, THỰC TIỄN ÁP DỤNG VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ GÓP PHẦN HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM LIÊN ĐỚI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

2.1. Thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại trong tai nạn giao thông đường bộ

Về lý luận, pháp luật là công cụ được nhà nước ban hành để quản lý xã hội, các quan hệ xã hội đang tồn tại sẽ được Nhà nước điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật. Căn cứ vào đối tượng, mục đích và phương pháp điều chỉnh nhà nước đã cho ra đời các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm mục đích cuối cùng là thúc đẩy các mối quan hệ xã hội phát triển và ổn định trong khuôn khổ, do vậy về nguyên tắc các quy phạm được ban hành phải đảm bảo phù hợp với các quan hệ xã hội đang tồn tại thì mới phát huy được tác dụng. Bên cạnh đó cùng với “tinh thần thượng tôn pháp luật”, về nguyên tắc mọi quy phạm pháp luật phải được áp dụng một cách chính xác và đúng đắn như những gì mà nó quy định. Lý luận là vậy nhưng những quy định của pháp luật hiện hành về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tai nạn giao thông thông đường bộ (bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra) đã thật sự hợp lý và “tinh thần thượng tôn pháp luật” đã thật sự được tuân thủ?

Sau đây là một số vấn đề về thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tai nạn giao thông đường bộ (bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra) mà thông qua quá trình nghiên cứu tác giả thấy cần thiết phải đưa ra.

2.1.1. Thực trạng pháp luật

Thiếu một khái niệm pháp lý về nguồn nguy hiểm cao độ

Theo quy định tại khoản1 Điều 623 BLDS 2005 thì nguồn nguy hiểm cao độ gồm có: phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện (…) và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định. Như vậy, BLDS 2005 theo hướng liệt kê nhưng không giới hạn những loại nguồn nguy hiểm cao độ và nó có thể bao gồm những gì khác là phụ thuộc vào “pháp luật quy định”. Quy định này cho chúng ta nhìn thấy được ngay những nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm những gì, chẳng hạn như từ quy định trên thì chúng ta biết ngay hệ thống tải điện là nguồn nguy hiểm cao độ. Ưu điểm là ở chỗ đó nhưng hạn chế là ở chỗ tại sao những loại được liệt kê được xem là nguồn nguy hiểm cao độ? Và “nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định” sẽ căn cứ vào đâu? Từ những nguồn nguy hiểm cao độ đã được BLDS 2005 liệt kê, chúng ta có thể nhìn thấy được đặc trưng nổi bật của nguồn nguy hiểm cao độ là: chứa đựng khả năng tiềm tàng gây thiệt hại về tính mạng và tài sản trong quá trình tồn tại, hoạt động và có thể gây thiệt hại bất cứ lúc nào, vượt khỏi khả năng kiểm soát của con người.

Như vậy một quy định như tại khoản 1 Điều 623 BLDS 2005 là chưa thật sự hợp lý, chúng ta cần dựa trên mức độ nguy hiểm, khả năng kiểm soát thiệt hại có thể gây ra để có một khái niệm pháp lý về nguồn nguy hiểm cao độ mang tính khái quát, thể hiện được tính chất của chúng.

Hai là, một số quy định tại Điều 623 BLDS 2005 vẫn tồn tại những sự bất cập nhất định

Từ “đã giao” được sử dụng tại khoản 2 Điều 623 BLDS 2005 dễ tạo nên sự nhầm lẫn trong quá trình áp dụng. Ví dụ: A là tài xế lái xe của Công ty X, A có nhiệm vụ chở hàng của Công ty đến địa điểm giao hàng cho khánh hàng. Trong quá trình đi giao hàng, xe bị nổ lốp và gây thiệt hại cho người đi đường. Trong trường hợp này có nhiều người nhầm lẫn và cho rằng A phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại đã gây ra vì cho rằng A là người đã được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Mặc dù, trong trường hợp trên Công ty X mới là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra (trừ trường hợp giữa các bên có thỏa thuận khác). Trong trường hợp trên nguồn nguy hiểm cao độ là chiếc xe vẫn thuộc quyền chiếm hữu, sử dụng của Công ty X, A chỉ là người làm công và việc sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ là vì lợi ích của Công ty chứ không phải A đang khai thác lợi ích từ chiếc x echo chính mình. Như tác giả đã có dịp đề cập tại chương I, thì đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu, sử dụng một cách hợp pháp là trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu một cách hợp pháp thông qua hợp đồng cho thuê hoặc cho mượn để người đó sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ được giao vì mục đích của bản thân mình chứ không phải mục đích của chủ sở hữu. Như vậy việc khoản 2 Điều 623 BLDS quy định “đã giao” và chỉ dừng lại ở đây sẽ gây ra nhiều sự nhầm lẫn và dẫn đến việc áp dụng pháp luật có sự khác nhau giữa các chủ thể khác nhau trong những tình huống có sự tương tự về mặt tình tiết. Việc quy định ngắn gọn, dễ hiểu, không đa nghĩa là một trong các yêu cầu đối với ngôn ngữ pháp lý. Tuy nhiên ngắn gọn nhưng phải đủ nghĩa nếu không ngắn gọn quá sẽ dẫn đến trường hợp tối nghĩa và gây ra những sự nhầm lẫn không đáng có như ví dụ tác giả vừa nêu trên.

Đoạn hai khoản 4 Điều 623 BLDS 2005 quy định: “Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại…”. Như vậy, quy định trên cho chúng ta nhận thấy rằng số lượng chủ thể có nghĩa vụ bồi thường bị giới hạn ở hai loại chủ thể: Thứ nhất là chủ sở hữu và thứ hai là người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Trong thực tế, giao lưu dân sự rất phong phú, không chỉ có việc “giao” mà còn có cả việc “giao lại”, tức người được chủ sở hữu giao có thể giao lại cho người khác và những người khác đó có thể giao lại cho người khác nữa…Hoạt động này pháp luật không cấm. Vậy trong trường hợp người được “giao lại” đã gây ra thiệt hại thì theo quy định trên người bị thiệt hại chỉ có quyền yêu cầu người này bồi thường thiệt hại mà thôi. Bởi người giao lại không phải là chủ sở hữu mà chỉ là người được chủ sở hữu giao, thậm chí là người không phải là người được chủ sở hữu giao trong trường hợp giao lại nhiều lần. Đây chính là thiếu sót của nhà làm luật, việc quy định như vậy vô tình bó hẹp đi cơ hội được bồi thường của người bị thiệt hại, vì càng có nhiều chủ thể có trách nhiệm bồi thường thì khả năng được bồi thường sẽ càng được cao hơn. Hơn nữa, việc “bỏ sót” loại chủ thể này cũng tạo ra sự không công bằng, khi mọi giao dịch dân sự hợp pháp đều được bảo vệ trong khi đó khi thiệt hại xảy ra thì chủ thể này không bị pháp luật “sờ gáy”.

Quy định tại điểm a khoản 3 Điều 623 BLDS 2005 về trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại, nghĩa là trách nhiệm bồi thường thiệt hại vẫn phát sinh khi thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi vô ý của người bị thiệt hại. Theo một số tác giả thì “Quy định như vậy là không hợp lý, không công bằng. Bởi lẽ, người bị thiệt hại có lỗi, dù là lỗi vô ý mà sự vô ý ấy là nguyên nhân để nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại thì không thể buộc chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng phải bồi thường bởi họ không có lỗi. Đồng thời cũng không thể áp dụng đoạn đầu khoản 3 Điều 623 BLDS bởi thiệt hại trên không phải tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra mà do hành vi trái pháp luật của người bị thiệt hại gây ra, dù là lỗi vô ý”.[1] Đồng tình với quan điểm trên, tác giả cũng cho rằng đây là một quy định không thật sự hợp lý, ví dụ: Khi xe ô tô đang lưu thông trên đường đúng quy định thì có người hoàn toàn do vô ý đã tông vào xe ô tô và kết quả là anh ta bị thương tích nặng. Trong trường hợp này nếu chúng ta buộc chủ xe ô tô phải bồi thường cho thiệt hại đã xảy ra đối với người bị thương tích thì liệu có công bằng và hợp lý? Vì rõ ràng thiệt hại xảy ra cho dù là lỗi vô ý hay cố ý thì người bị thiệt hại cũng phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Do vậy, việc BLDS 2005 loại trừ trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không phải bồi thường thiệt hại khi thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi vô ý của người bị thiệt hại là một sự bất cập. “Về vấn đề này Thông tư số 173 năm 1972 của Tòa án nhân dân tối cao quy định chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng không phải chịu trách nhiệm do lỗi “vô ý nặng” của người bị thiệt hại. Ở đây theo Thông tư miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại được áp dụng khi người bị thiệt hại có sự vô ý nặng có ý nghĩa quyết định đối với tai nạn xảy ra như người nằm ngủ trên đường sắt không nghe thấy tiếng còi, tiếng động của xe lửa, bị xe lửa không kịp hãm nghiến chết”[2]. Rất tiếc là quy định hợp lý trên đã không được kế thừa trong BLDS 2005.

Tồn tại một số hướng dẫn chưa thật sự hợp lý tại NQ 03/2006

Thứ nhất, tại điểm b mục 2 NQ 03/2006 có hướng dẫn: “Ví dụ: Chủ sở hữu biết người đó không có bằng lái xe ô tô nhưng vẫn giao quyền chiếm hữu, sử dụng cho họ mà gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại.” Chúng tôi đồng tình với quan điểm của một số tác giả rằng đã có sự “đánh đồng việc giao dịch với việc sử dụng”[3]. Bởi vì cho dù chủ sở hữu biết người thuê, mượn xe ô tô không có giấy phép lái xe nhưng những người này hoàn toàn có thể thuê người có đủ điều kiện lái xe phục vục vụ nhu cầu cho mình mà không nhất thiết họ phải là người trực tiếp điều khiển xe. Do vậy, đây là hướng dẫn tồn tại sự bất cập vì pháp luật không cấm việc người không có giấy phép lái xe thuê xe và thuê người có đủ điều kiện lái xe phục vụ cho mình nếu đảm bảo các điều kiện do pháp luật quy định thì giao dịch trên có hiệu lực pháp luật. Khi giao dịch đã có hiệu lực pháp luật, tức quyền chiếm hữu, sử dụng đã được chuyển giao hợp pháp thì khi thiệt hại xảy ra chúng ta không thể buộc chủ sở hữu phải bồi thường vì quyền chiếm hữu, sử dụng đã được chuyển giao hợp pháp. Bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại là tốt nhưng cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích chung của các chủ thể. Quy định như trên gián tiếp cản trở sự phát triển giao lưu dân sự, vì chủ sở hữu hoặc không được cho thuê, cho mượn xe ô tô khi biết người thuê hoặc mượn không có giấy phép lái xe ô tô hoặc cho thuê, cho mượn rồi chuẩn bị luôn tinh thần là sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường khi có thiệt hại xảy ra. Nói cách khác theo quy định trên thì trách nhiệm bồi thường của chủ sở hữu không được giải phóng cho dù quyền chiếm hữu, sử dụng đã chuyển giao hợp pháp.

Một bất cập nữa là tại điểm c mục 2 phần III NQ 03/2006 hướng dẫn về trường hợp không phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra khi thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại: “Ví dụ: Xe ô tô đang tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật, thì bất ngờ có người lao vào xe để tự tử và hậu quả là người này bị thương nặng hoặc bị chết. Trong trường hợp này chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó không phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ (xe ô tô) gây ra”. Ở đây tác giả không đề cập đến hậu quả pháp lý là không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường củAa chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô. Nhưng rõ ràng ở đây tồn tại một sự lầm lẫn khi xác định thiệt hại là do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Như tác giả đã phân tích ở chương I, thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải là thiệt hại do “tự thân” nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Ví dụ mà NQ 03/2006 dẫn ra thì nguyên nhân gây thiệt hại không phải do “tự thân” nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, không do sự cố về kỹ thuật…mà là do chính người bị thiệt hại gây ra, thiệt hại xảy ra là chính người bị thiệt hại tự gây ra, do đó đương nhiên anh ta phải tự chịu trách nhiệm. Mặc dù hậu quả pháp lý là như nhau, cho dù là nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hay do hành vi của người bị thiệt hại thì chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp cũng không có nghĩa vụ bồi thường. Nhưng việc hiểu và phân biệt thiệt hại có phải do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hay không vẫn là điều cần thiết.

2.1.2. Thực tiễn xét xử

Một là, không có sự phân biệt khi áp dụng các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra với bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật. Nhận định này sẽ được chứng minh qua một số vụ án cụ thể sau đây:

Vụ việc một[4]: “Đỗ Văn  Tông là người lái ô tô thuê cho bà Nguyễn Thị Chín có giấy phép lái xe ô tô theo quy định. Vào khoảng 16h50’ ngày 27/11/2008, Đỗ Văn Tông điều khiển xe ô tô trọng tải 2,5 tấn, biển kiểm soát 81L-0979 chạy trên quốc lộ 19b hướng từ huyện Đức Cơ về Tp. Pleiku. Tốc độ khoảng 50-60km/h và có bật đèn chiếu sáng. Khi đến Km185+500m QL 19b thuộc thôn Đồng Tâm, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông; Đỗ Văn Tông phát hiện phía trước có 01 xe công nông do anh Nguyễn Văn An trú tại Đồng Tâm, xã Bàu Cạn điều khiển chạy từ hẻm phía bên phải (theo hướng đi của xe ô tô do Tông điều khiển) đi ra, xe công nông rẽ trái về hướng Đức Cơ nhưng vẫn chạy ở phía bên phải đường của xe ô tô do Tông chạy. Đỗ Văn Tông điều khiển xe ô tô chạy sang phần đường bên trái theo hướng đi để tránh xe công nông. Vừa lúc này anh Hà Quang Tịnh đang từ phía xe công nông chạy bộ sang lề đường bên phải theo hướng Pleiku-Đức Cơ thì bị xe ô tô do Đỗ Văn Tông điều khiển tông vào người anh Tịnh và kéo chà người anh Tịnh trên mặt đường nhựa một đoạn dài 14m30. Cùng lúc chị Nguyễn Thị Hồng điều khiển xe mô tô, biển kiểm soát 47L5-8246 đang chạy bên phần làn đường phải theo hướng Pleiku-Đức Cơ vừa đến,thì bị xe ô tô do Đỗ Văn Tông điều khiển tông tiếp vào xe mô tô và đẩy xe mô tô cà trên mặt đường nhựa 30,3m, làm xe mô tô và chị Hồng văng xuống mương thoát nước bên trái theo hướng đi của xe ô tô. Xe ô tô do Tông điều khiển lao xuống mương nước bên trái đường tiếp một đoạn 25m và dừng lại. Hậu quả: Anh Hà Quang Tịnh và chị Nguyễn Thị Hồng chết tại chỗ; xe mô tô 47L5-8246 và xe ô tô 81L-0979 bị hư hỏng nặng…”.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 77 ngày 26/6/2009. Về phần trách nhiệm dân sự Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai áp dụng các Điều 610, 617 và Điều 623 BLDS 2005 buộc bà Nguyễn Thị Chín bồi thường. Như chúng ta thấy ở đây rằng thiệt hại đã xảy ra là do hành vi của con người (Đỗ Văn Tông) chứ không phải do tự bản thân nguồn nguy hiểm cao độ (xe ô tô) gây ra. Tuy nhiên phần áp dụng pháp luật Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai lại vận dụng Điều 623 BLDS 2005 về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, quy trách nhiệm bồi thường cho bà Nguyễn Thị Chín. Đây là cách áp dụng không đúng tinh thần của pháp luật, bởi vì chính xác thì Điều 604 BLDS phải được áp dụng và người phải chịu trách nhiệm bồi thường là Đỗ Văn Tông. Vì vậy ngày 07/7/2009, bị đơn dân sự bà Nguyễn Thị Chín đã có đơn kháng cáo cho rằng Đỗ Văn Tông phải là người chịu trách nhiệm bồi thường dân sự; án sơ thẩm buộc bà bồi thường là không đúng. Dưới góc độ văn bản thì kháng cáo của bà Chín hoàn toàn thuyết phục và đáng được ghi nhận. Tuy nhiên cách áp dụng không đúng luật này lại tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao. Cụ thể Tòa quyết định: “không chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị Chín; giữ nguyên bản án sơ thẩm về trách nhiệm dân sự. Căn cứ vào Điều 42 Bộ luật hình sự các Điều 610, 617 và Điều 623 Bộ luật dân sự buộc bị đơn dân sự bà Nguyễn Thị Chín phải bồi thường …”. Ở đây có sự áp dụng không chính xác các quy định của pháp luật, cụ thể là áp dụng các quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cho trường hợp thiệt hại do hành vi của con người gây ra. Tuy nhiên đây không phải là vụ việc duy nhất, chúng ta cùng xem tiếp các vụ việc sau đây.

Vụ việc hai[5]: “Chiều này 5-2-2007, Vũ Đình Tiến (không có giấy phép lái xe) thấy xe mô tô biển số 34L2-5523 của bố mẹ để ở sân nhà, chìa khóa vẫn cắm tại ổ điện của xe, nên Tiến đã lấy xe đi đến khu công nghiệp Nam Sách để làm. Sáng ngày 6-2-2007 trên đường Tiến đi làm về đến Km4+200 thuộc quốc lộ 183, thì gặp xe mô tô đi cùng chiều. Vì Tiến vượt ẩu, nên xe mô tô do Tiến điều khiển đã lao sang trái đường và đâm vào bà Phạm Thị Hiền đang dắt xe đạp đi ngược chiều ở phần đường dành cho xe thô sơ và người đi bộ, làm bà Hiền bị chết (…)” và tại phần xác định trách nhiệm dân sự Tòa đã áp dụng mục 2 phần III NQ 03/2006 “Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật) thì phải liên đới cùng với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; chủ sở hữu và người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ được thỏa thuận về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường. Tòa án cấp sơ thẩm xác định Vũ Đình Tiến, ông Vũ Đình Tích và bà Mạc Thị Thảo phải liên đới bồi thường thiệt hại cho người bị hại là đúng…”. Như vậy rõ ràng thiệt hại do hành vi của con người gây ra nhưng quy định về thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra lại được áp dụng. Đây là vụ việc áp dụng quy định tại điều 623 thay cho Điều 604 (giống vụ việc 1 đã nêu). Nhưng trong một số trường hợp tác giả đã nhận thấy rằng có những trường hợp quy định tại cả 2 Điều luật này lại được áp dụng chung, vụ việc 3 và vụ việc 4 sẽ chứng minh cho điều này.

Vụ việc ba:[6] “Sau khi khẳng định “Tế lái xe cho bà Hới, hưởng lương theo tháng. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm buộc bà Hới phải bồi thường cho những người bị hại là đúng”, Hội đồng Thẩm phán đã xét: “Căn cứ vào biên bản khám nghiệm hiện trường và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án thì xe mô tô do anh phú điều khiển đã đi sang phần đường của xe Tế. Khi Tế phát hiện xe ngược chiều đi lấn phần đường của mình đã không kịp thực hiện động tác để đảm bảo an toàn (không giảm tốc độ, nháy đèn, phát hiệu còi) và khi khoảng cách 2 xe quá gần đã không kịp xử lý dẫn đến gây tai nạn. Như vậy tai nạn xảy ra do một phần lỗi của anh Phú, nhưng khi xem xét về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã không tính đến lỗi của anh Phú (…). Bởi các lẽ trên, khoản 3 Điều 279, khoản 3, Điều 285 Bộ luật tố tụng hình sự, quyết định hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 1036/HSST ngày 30-9-2005 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hà Nội và bản án sơ thẩm…”. Như quyết định trên, mặc dù thiệt hại xảy ra là do hành vi của con người nhưng quy định về thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ được áp dụng, mặt khác trong trường hợp thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng chỉ được miễn trách nhiệm trong trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại. Trong vụ án trên anh Phú cũng có lỗi, nhưng không phải là hoàn toàn do lỗi cố ý, do đó nếu áp dụng chính xác quy định của Bộ luật dân sự và NQ 03/2006 thì Tế không được miễn mức bồi thường (dù chỉ là một phần). Vậy quyết định hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao là không thuyết phục về mặt văn bản. Trường hợp miễn một phần trách bồi thường chỉ được áp dụng với trường hợp thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra và người bị thiệt hại cũng có một phần lỗi[7]. Ở đây Hội đồng Thẩm phán đã xác định thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra nhằm mở rộng phạm vi chủ thể phải bồi thường nhưng đến phần xác định mức bồi thường thì lại giảm mức bồi thường vì người bị thiệt hại cũng có một phần lỗi (áp dụng quy định của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chung).

Vụ việc bốn[8]: “Ngày 23/6/2012 Đinh Quang Thuân có giấy phép lái xe ô tô hạng B1, B2 do sở giao thông vận tải tỉnh Nam Định cấp ngày 16/5/2011, điều khiển xe ô tô biển soát 29U-0203 chở cây cảnh từ Nam Định đi Lâm Đồng để bán; đi cùng với Thuân có Nguyễn Thành Đô (không có giấy phép lái xe ô tô) được Thuân thuê để phụ việc buôn bán. Mặc dù biết Đô không có giấy phép lái xe nhưng Thuân đã nhiều lần giao xe cho Đô điều khiển. Khoảng 21 giờ ngày 24/6/2012, khi đi qua ngã ba Cầu Lùng khoảng 01km hướng lên Khánh Vĩnh, Thuân giao xe ô tô để Đô điều khiển. Do trời tối nên Đô bật đèn chiếu sáng và điều khiển xe đi lên hướng Khánh Lê-Khánh Vĩnh. Đi được 04km đến đoạn đường thuộc thôn Lạc Lợi, xã Diên Hòa ; Đô và Thuân đều thấy phía trước có 2 chiếc mô tô đang chạy song song, cùng chiều với hướng lưu thông và đồng thời phát hiện có xe mô tô lưu thông hướng ngược chiều với hướng lưu hành. Lúc này, Đô liền bấm còi và điều khiển đèn chiếu xa, chiếu gần xin xe chạy cùng chiều để vượt. Nhưng khi 2 xe mô tô đi cùng chiều chưa có tín hiệu cho phép vượt thì Đô đã điều khiển xe lấn sang làn đường bên trái và đâm vào xe mô tô biển kiểm soát 79T2-7421 do Trần Minh Quang điều khiển chở Trần Huỳnh Bảo và Trần Đặng Quỳnh Quế đang lưu hành ngược chiều trên làn đường bên phải hướng Khánh Vĩnh-Diên Khánh. Sau khi va chạm, xe ô tô đẩy xe mô tô chà trên đoạn mặt đường một đoạn dài 34,2m rồi lao xuống ruộng phía bên trái hướng lưu thông. Hậu quả Trần Minh Quang tử vong tại chỗ, Trần Huỳnh Bảo tử vong tại bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa ngay sau đó, Trần Đặng Quỳnh Quế tử vong ngày 29/6/2012 …”. Trong bản án trên tại phần quyết định về trách nhiệm dân sự, Tòa án đã áp dụng Điều 610 và Điều 623 buộc Nguyễn Thành Đô phải bồi thường cho ông Trần Văn Tân và bà Đặng Thị Hoa 10.000.000đ và bồi thường cho ông Trần Văn Tâm và bà Huỳnh Thị Kim Anh 5.000.000đ; buộc Đinh Văn Thuân phải bồi thường cho ông Trần Văn Tân và bà Đặng Thị Hoa 99.730.000đ và bồi thường cho ông Trần Văn Tâm và bà Huỳnh Thị Kim Anh 35.958.000đ. Trong vụ án trên chúng ta đều nhận thấy một điều là tai nạn xảy ra là do hành vi trái pháp luật của Đô điều khiển xe lấn sang làn đường bên trái và đâm vào xe mô tô biển kiểm soát 79T2-7421. Thiệt hại đã xảy ra: Trần Minh Quang tử vong tại chỗ, Trần Huỳnh Bảo tử vong tại bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa ngay sau đó, Trần Đặng Quỳnh Quế tử vong ngày 29/6/2012. Như vậy lẽ ra nếu đúng theo quy định của pháp luật thì Điều luật cần được áp dụng để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại là Điều 604 BLDS 2005 chứ không phải Điều 623 BLDS 2005 như Tòa đã áp dụng. Và nếu theo Điều 604 của BLDS thì chỉ có Đô mới là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại vì Đô là người đã thực hiện hành vi trái pháp luật và gây ra thiệt hại. Phân tích kỹ hơn một chút chúng ta nhận thấy rằng, khi áp dụng Điều 623 BLDS 2005 thì có thể buộc chủ sở hữu là Đinh Quang Thuân bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 2 Điều 623: “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường,trừ trường hợp có thỏa thuận khác.” Nhưng có thể buộc Đô phải bồi thường thiệt hại không? câu trả lời là không. Đô là người điều khiển ô tô gây tai nạn nhưng Đô không phải là người “đang chiếm hữu, sử dụng” nguồn nguy hiểm cao độ. Vì quyền quản lý tài sản vẫn hoàn toàn thuộc về Thuân, việc khai thác lợi ích từ nguồn nguy hiểm cao độ là Thuân vì Đô chỉ là người làm thuê. Đô không là người chiếm hữu, cũng không là người sử dụng. Theo hướng dẫn tại điểm đ mục 2 phần III NQ 03/2006 thì:  “Ví dụ: A là chủ sở hữu xe ô tô đã giao xe ô tô đó cho B. B lái xe ô tô tham gia giao thông đã gây ra tai nạn và gây thiệt hại thì cần phải phân biệt .Nếu B chỉ được A thuê lái xe ô tô và được trả tiền công, có nghĩa B không phải là người chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó mà A vẫn chiếm hữu, sử dụng; do đó, A phải bồi thường thiệt hại…”. Như vậy nếu áp dụng đúng pháp luật thì Điều 604 sẽ được áp dụng và chỉ có Đô là người phải bồi thường, còn nếu áp dụng Điều 623 thì chỉ có Thuân mới là người phải bồi thường. Tuy nhiên như chúng ta đã thấy trong bản án cả Đô và Thuân đều phải bồi thường.

Qua bốn vụ việc đã phân tích, chúng ta nhận thấy có một đặc điểm chung giữa các vụ việc thì khuynh hướng chung là Tòa áp dụng các quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra khi thiệt hại xảy ra do hành vi của con người gây ra có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ. Như tác giả đã phân tích việc áp dụng trên là trái pháp luật nhưng sao lại diễn ra phổ biến, bởi vì mặc dù việc áp dụng như các trường hợp trên là không hợp pháp nhưng lại hợp lý. Bởi lẽ khi thiệt hại xảy ra do hành vi của con người thì chỉ có người này mới có trách nhiệm bồi thường mà thôi, áp dụng quy định tại Điều 604 BLDS 2005 sẽ không có cơ sở để buộc chủ sở hữu phải bồi thường. Như vậy lợi ích của người bị thiệt hại sẽ không được đảm bảo vì chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ thông thường sẽ có điều kiện hơn về kinh tế (chí ít cũng có chiếc xe có thể dùng để đảm bảo thi hành án), hơn nữa các tai nạn giao thông xảy ra hiện nay đa phần tài xế là người làm thuê cho chủ xe. Do đó khi chủ xe đã bồi thường thiệt hại thì có thể buộc người đã gây ra thiệt hại hoàn lại theo các quy định trong hợp đồng lao động. Như vậy vấn đề giải quyết bồi thường sẽ được thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo quyền lợi của người bị thiệt hại.

Cách áp dụng như trên là phổ biến, tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu về vấn đề bồi thường thiệt hại do tai nạn giao thông đường bộ này tác giả cũng nhận thấy vẫn có trường hợp Tòa án áp dụng chính xác chế định bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra mà không có sự nhầm lẫn như các vụ việc trên. Đây là trường hợp Tòa xét xử vụ án: “Mang Tạnh vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Vụ việc năm[9]: “Chiều ngày 24/6/2012, sau khi ăn nhậu tại nhà người anh bà con ở thôn Giang Mương thuộc xã Khánh Phú-huyện Khánh Vĩnh, đến khoảng 15 giờ 30 phút cùng ngày, Mang Tạnh không có giấy phép lái xe, điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 79K7-2781 có dung tích xilanh 108 cm3 chạy trên hương lộ 62 từ Khánh Vĩnh về lại nhà ở Diên Tân, khi đến đoạn đường thuộc thôn Láng Nhớt-xã Diên Tân theo Tạnh khai: Mặc dù đã uống nhiều rượu nhưng vẫn để xe chạy nhanh ở giữa đường và lấn sang phần đường bên trái, khi phát hiện thấy bà Đỗ Thị Thuận đang đi bộ ngược chiều và sát lề đường bên trái Tạnh không kịp xử lý nên đã tông bà Thuận té ngã xuống đường. Hậu quả bà Thuận bị thương nặng, được người khác đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh Khánh Hòa, đến 18 giờ 30 phút cùng ngày thì chết vì bị đa chấn thương do vụ tai nạn giao thông gây ra …”. Tại phần quyết định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại Tòa án đã áp dụng các Điều 604, Điều 605, Điều 606 và Điều 610  BLDS 2005, tức các quy định về bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật. Buộc bị cáo Mang Tạnh  phải bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm cho đại diện hợp pháp của người bị hại là ông Nguyễn Văn Sự và bà Nguyễn Thị Mây 25.000.000 đồng.

Tóm lại, cách giải quyết của Tòa là hợp lý, linh hoạt nhằm đảm bảo được sự công bằng và hợp lý nhằm bảo vệ được quyền lợi của người bị thiệt hại trong điều kiện pháp luật còn tồn tại những quy định chưa thật sự hợp lý. Tuy nhiên khi pháp luật không được tuân thủ, việc áp dụng ở mỗi Tòa là mỗi khác đã phần nào làm mất đi “tinh thần thượng tôn pháp luật”. Do đó cách áp dụng “biến dạng” trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cũng chỉ là giải pháp trước mắt mà không thể được xem là giải pháp hoàn hảo và áp dụng lâu dài. Vì vậy nên chăng chúng ta có những quy định riêng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra, tách bạch với các quy định chung về trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng như một số nước trên thế giới đã làm. “Chẳng hạn như nhiều tiểu bang của Mỹ có quy định riêng về vấn đề này. Tương tự như vậy đối với Kê Bếch (Canada), Algeri, Thụy Điển, Isarel”.[10]

Hai là, khi giải quyết vấn đề xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong tai nạn giao thông đường bộ, một số Tòa án không nêu rõ cơ sở pháp lý để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại là do hành vi trái pháp luật gây ra (Điều 604 BLDS 2005) hay do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (Điều 623 BLDS 2005). Hai vụ việc sau sẽ cho chúng ta thấy rõ điều này.

Vụ việc sáu:[11] “Khoảng 22 giờ ngày 27/5/2012, Mai Anh Hưng điều khiển xe mô tô 79T1-3643 chở Nguyễn Hữu Hội lưu hành theo hướng từ Diên Phước đi Diên Lạc để về nhà. Khi đến Km 03+700 đường tỉnh lộ 2 thuộc thôn Thanh Minh 2, xã Diên Lạc, Hưng điều khiển xe mô tô đi sang làn đường bên trái theo hướng di chuyển với mục đích ghé vào quán chè gần đó để mua chè về cho gia đình ăn, lúc này Hưng phát hiện phía trước cách khoảng 30 mét có một mô tô 79N1-3653 do Đặng Hùng điều khiển đi ngược chiều, khi điều khiển xe qua làn đường bên trái Hưng thấy có vũng nước mưa lấn ra mặt đường, nghĩ rằng xe mô tô đi ngược chiều sẽ tránh nên Hưng không di chuyển xe vào vũng nước mà tiếp tục cho chạy thẳng cách lề đường bên trái theo hướng di chuyển khoảng 01 mét và đã tông vào xe mô tô 79N1-3653 làm cả 2 xe ngã ra đường, hậu quả làm Đặng Hùng, Nguyễn Hữu Hội và cả Mai Anh Hưng đều bị thương tích, sau đó được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Đến ngày 28/5/2012 thì Đặng Hùng tử vong do chấn thương sọ não vì tai nạn nói trên gây ra. Riêng ông Nguyễn Hữu Hội từ chối giám định thương tích và không có yêu cầu gì…”. Vụ việc trên như chúng ta thấy nguyên nhân của vụ tai nạn là do hành vi điều khiển xe mô tô trái pháp luật của Hưng và căn cứ vào Điều 604 BLDS 2005 Hưng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã xảy ra. Tuy nhiên tại phần quyết định về trách nhiệm dân sự, Tòa lại không nêu rõ là căn cứ vào Điều 604 hay Điều 623 để buộc Mai Anh Hưng phải có trách nhiệm bồi thường (xác định thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra hay do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra) mà chỉ căn cứ vào Điều 610 BLDS 2005 ghi nhận sự thỏa thuận giữa bị cáo và người đại diện hợp pháp cho gia đình nạn nhân, buộc bị cáo Mai Anh Hưng phải bồi thường cho gia đình nạn nhân do bà Cao Thị Hoàng Oanh, ông Đặng Tuấn Huy, bà Đặng Tuyết Phụng, bà Đặng Yến Nhi và bà Đặng Thảo Nguyên đại diện số tiền là 12.000.000đ (trong đó có 2.000.000đ tiền sử xe). Do vậy chúng ta không thể biết Tòa buộc anh Hưng bồi thường thiệt hại đã gây ra là căn cứ vào quy định chung về bồi thường thiệt hại tại Điều 604 BLDS 2005 hay là áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra tại Điều 623 BLDS 2005 vì Điều 610 BLDS 2005 chỉ quy định về vấn đề giải quyết bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, hay nói cách khác chúng ta không thể dựa vào Điều 610 BLDS 2005 để biết thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hay thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra. Một vụ việc khác sau đây Tòa cũng có cách giải quyết tương tự.

Vụ việc bảy:[12] “Vào khoảng 20 giờ ngày 07/02/2006 Hoàng Văn Lâm –SN 1985 trú tại ấp 01 xã Minh Thắng, huyện Chơn Thành không có giấy phép lái xe hạng A1, sau khi uống rượu với một số bạn bè trong quán rượu ở xã Minh Lập, Lâm điều khiển xe mô tô hiệu Wave biển số 93H4-1816 dung tích xi lanh 109cm3 chở Điểu Vương (tên thường gọi là (Quẩn) –SN: 1983 trú tại ấp 2 xã Nha Bích, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước chạy trên quốc lộ 14 chạy từ xã Minh Lập về xã Minh Thắng. Đến khu vực Km 985-350m, Lâm cho xe vượt một ô tô cùng chiều, do không làm chủ được tốc độ Hoàng Văn Lâm đã để xe lấn trái đường đụng vào xe mô tô biển số 61-374EU do anh Nguyễn Lương Bằng-SN: 1972 trú tại ấp 2, xã Minh Thắng đang điều khiển chạy ngược chiều phía trước, phía sau chở chị Lê Thị Liên-SN: 1973 (vợ của anh bằng) tay ôm con gái Nguyễn Thị Thu Hoài-SN: 2002, phía trước anh Bằng là cháu Nguyễn Lê Anh Tuấn-SN: 1997 (con của anh Bằng và chị Liên). Tai nạn xảy ra làm anh bằng và cháu Nguyễn Lê Anh Tuấn bị thương nặng phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy đến ngày 18/02/2006 thì anh Bằng bị tử vong…”.

Như vậy trong trường hợp này lại một lần nữa thiệt hại xảy ra do chính hành vi trái pháp luật của người điều khiển phương tiện giao thông (Hoàng Văn Lâm), do vậy cần phải căn cứ vào Điều 604 và Điều 610 BLDS 2005 buộc Hoàng Văn Lâm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra. Tuy nhiên căn cứ này lại không được Tòa nêu rõ, tại phần quyết định về trách nhiệm dân sự Tòa chỉ nêu duy nhất một căn cứ là Điều 610 BLDS 2005 buộc bị cáo Hoàng Văn Lâm và Hoàng Thị Phương bồi thường thiệt hại tiếp cho gia đình bị hại các khoản chi phí mai táng là 9.028.000đ; 15.000.000đ tổn thất tinh thần và trợ cấp nuôi dưỡng hai cháu Nguyễn Lê Anh Tuấn, sinh ngày 12/12/2007 và cháu Nguyễn Thị Thu Hoài sinh ngày 06/8/2002, mỗi cháu 150.000đ/tháng, tính từ 02/2006 đến khi các cháu đủ 18 tuổi… Việc chỉ áp dụng duy nhất Điều 610 BLDS 2005 không thể giúp chúng ta hiểu rõ được quan điểm của Tòa trong việc xác định thiệt hại xảy ra là do  hành vi trái pháp luật của con người hay do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Điểm chung trong cách giải quyết của hai vụ việc trên là dường như Tòa án đã có sự “né tránh” việc đưa ra cơ sở pháp lý để xác định căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Ba là, vấn đề chủ sở hữu cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật.

Theo quy định tại đoạn hai khoản 4 Điều 623 BLDS 2005 thì “Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”. Đây là một quy định hợp lý đảm bảo sự công bằng, bởi lẽ việc chủ sở hữu hay người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc quản lý nguồn nguy hiểm cao độ là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến thiệt hại. Do vậy bên cạnh người có hành vi chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ thì chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại. Quy định trên là hợp lý vì vừa có khả năng đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người bị thiệt hại (có thêm chủ thể có trách nhiệm bồi thường) vừa đảm bảo tính răng đe đối với chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm  hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trong việc quản lý tốt hơn nguồn nguy hiểm cao độ (tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại bất cứ lúc nào). Tuy nhiên thực tiễn xét xử trong vụ án sau đây, chủ sở hữu cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nhưng không phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường.

Vụ việc tám:[13] “Vào khoảng 10 giờ ngày 29 tháng 5 năm 2011, Lê Hữu Phong mua 02 lít rượu về nhà có Lê Thành Nguyên, Võ Minh Trí cả ba người cùng uống rượu đến khoảng 18 giờ hết rượu Phương, Trí, Nguyên đi ngủ. Đến khoảng 19 giờ cùng ngày Phương, Trí thức dậy ăn cơm, Nguyên còn ngủ. Sau khi ăn cơm xong Trí nhận được tin nhắn của bạn gái. Trí lấy xe mô tô của Nguyên đi về (chìa khóa gắn trong ổ khóa), Phương thấy Trí còn say nên cản lại không cho về và nói xe của Nguyên thắng không ăn, nhưng Trí vẫn lấy xe đi về. Trí điều khiển xe không có bằng lái xe, xe không có đèn chiếu sáng lưu thông trên đường. Đến khu vực trụ điện 91 khu vực ấp 3, xã Long Can thì xe của Trí đụng vào phía sau của anh Lê Dụng Đức đi bộ cùng với anh Phạm Duy Mạnh làm cho anh Đức té xuống lộ bất tỉnh, sau đó thì tử vong…”.

Tại phần quyết định về trách nhiệm dân sự, Tòa phúc thẩm “Áp dụng Điều 610, 623 Bộ luật Dân sự: Bị cáo Võ Minh Trí phải bồi thường tiếp cho ông Lê Dụng Tâm, bà Lê Thị Oanh tiền mai tang phí và tiền tổn thất tinh thần là 60.000.000đ”. Một lần nữa chúng ta lại thấy trường hợp Tòa áp dụng quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong khi thiệt hại do hành vi trái pháp luật của con người gây ra. Tuy nhiên vấn đề tác giả muốn đề cập ở đây là việc xác định chủ thể có trách nhiệm liên đới bồi thường. Tòa án chỉ buộc một mình Võ Minh Trí có trách nhiệm bồi thường cho thiệt hại đã gây ra, ở đây tồn tại một mâu thuẩn, cụ thể nếu Tòa căn cứ vào Điều 604 BLDS 2005 thì việc xác định chỉ có một mình Võ Minh Trí là người chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra là đúng vì Trí là người đã có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại. Tuy nhiên trong vụ án trên, tại phần quyết định về trách nhiệm dân sự Tòa áp dụng Điều 623 BLDS 2005 tức là bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Và nếu theo đúng quy định tại đoạn hai khoản 4 Điều 623 BLDS 2005 thì chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường. Vậy tức là Tòa đã “bỏ sót” Lê Thành Nguyên trong việc xác định chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Vì Nguyên là chủ sở hữu chiếc xe mô tô đã gây ra tai nạn và anh Nguyên đã mắc phải lỗi trong việc quản lý, trông coi nguồn nguy hiểm cao độ là chiếc xe mô tô của mình. Cụ thể khi đi ngủ nhưng anh Nguyên vẫn để chìa khóa gắn trong ổ khóa do đã tạo thuận lợi cho việc anh Trí cơ hội chiếm hữu, sử dụng chiếc xe mô tô trên, vì vậy theo  hướng dẫn tại điểm d mục 2 phần III NQ 03/2006 thì cả anh Nguyên (chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ) và anh Trí ( người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ) phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiêt hại cho người bị thiệt hại. Như tác giả đã phân tích những yếu tố hợp lý của quy định tại đoạn hai khoản 4 Điều 623 BLDS 2005, tuy nhiên quy định này lại không được tuân thủ bởi Tòa phúc thẩm, cách giải quyết của Tòa phúc thẩm như trên rõ ràng là đi ngược lại trong việc bảo vệ lợi ích của người bị thiệt hại. Việc áp dụng Điều 623 BLDS 2005 thay vì áp dụng Điều 604 BLDS 2005 đã làm xuất hiện thêm một chủ thể có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại (trong vụ án trên là anh Nguyên), tăng thêm khả năng được bồi thường thiệt hại của người bị thiệt hại, tuy nhiên khi Tòa đã áp dụng Điều 623 BLDS 2005 rồi nhưng lại chỉ buộc một mình anh Trí phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Cách giải quyết trên hoàn toàn không thuyết phục cả về mặt văn bản và thực tiễn. Tòa phúc thẩm không áp dụng đúng điều luật cần áp dụng (Điều 604 BLDS 2005) và giả sử Tòa áp dụng Điều 623 BLDS 2005 để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người bị thiệt hại thì việc “bỏ sót” anh Nguyên lại đi ngược lại với mục đích bảo vệ quyền lợi cho người bị thiệt hại. Tóm lại tác giả hoàn toàn không ủng hộ cách giải quyết trên của Tòa phúc thẩm, vì cách giải quyết trên hoàn toàn không thuyết phục về khía cạnh pháp lý cũng như thực tiễn.

Ba là, việc xác định ai là chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ gây ra tai nạn chúng ta sẽ cùng tìm hiểu vụ việc sau đây

Vụ việc chín:[14]  “K’ Ma Thia có giấy phép lái xe hạng A1 do Sở Giao thông Vận tải Tp Hồ Chí Minh cấp ngày 03/10/2008, có giá trị không thời hạn. Vào khoảng 13 giờ 45 phút, ngày 12/8/2012, sau khi đã uống rượu say ở tiệc cưới, K’ Ma Thia điều khiển xe mô tô biển số 60L9-4610, dung tích xi lanh 108 cm3 lưu thông trên đường Ấp 4, xã Tà Lài theo chiều Cầu Treo đi đập Vàm Hô. Do say rượu nên K’ Ma Thia không quan sát kỹ phía trước, đã để cho xe do mình điều khiển lấn sang làn đường bên trái theo chiều Thia lưu thông và đụng vào xe mô tô biển số 60L1-2246 do anh K’ Lý điều khiển theo chiều ngược lại làm cho anh K’ Lý và K’ Ma Thia ngã xuống đường bất tỉnh. Hậu quả làm cho anh K’ Lý chết trên đường đi cấp cứu. Theo kết luận giám định số 204/GĐPY/2012 ngày 16/8/2012 của Trung tâm pháp y-Sở Y tế Đồng Nai kết luận nguyên nhân tử vong của anh K’ Lý do chấn thương sọ não gây vỡ sọ trán phức tạp, tụ máu dưới màn cứng, chảy máu màn mềm và dập não trán diện rộng…”.

Tại phần quyết định về trách nhiệm dân sự Tòa áp dụng Điều 604 BLDS 2005 buộc bị cáo K’ Ma Thia phải tiếp tục bồi thường số tiền là 30.000.000đ cho ông K’ Liễu, bà K’ Sổn và chị K’ Cầm.Tuy nhiên tác giả không tiếp tục bàn luận về vấn đề xác định thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra hay do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra vì tác giả đã có dịp đề cập đến. Trong vụ án này có một tình tiết đáng chú ý làchiếc mô tô biển số 60L9-4610 không phải do K’ Ma Thia đứng tên chủ sở hữu mà do anh K’ Pêu đứng tên chủ sở hữu tuy nhiên chiếc xe mô tô không trả lại cho anh K’ Pêu mà bị tạm giữ để đảm bảo thi hành án vì Tòa xác định chiếc xe mô tô là tài sản của K’ Ma Thia. Và lý do mà Tòa án đưa ra là chiếc xe mô tô đã được anh K’ Pêu và bị cáo thỏa thuận chuyển nhượng cho nhau nhưng chưa làm thủ tục sang tên. Trong khi đó theo quy định của pháp luật dân sựthì K’ Ma Thia không phải là chủ sở hữu (xe mô tô là tài sản bắt buộc phải đăng ký quyền sở hữu). Tuy nhiên cách giải quyết trên của Tòa tác giả cho là hợp lý vì tại thời điểm gây ra tai nạn K’ Ma Thia là người có quyền định đoạt chiếc xe mô tô trên. Việc xác định là tài sản của K’ Ma Thia sẽ đảm bảo khả năng thi hành án, bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại. Bởi vì nếu xác định là tài sản của anh Pêu thì chiếc xe phải được trả lại cho anh Pêu (khoản 2 Điều 41 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009)) và nếu áp dụng như vậy thì khả năng được bồi thường thiệt hại của người bị thiệt hại sẽ không được đảm bảo và có lẽ “Chúng ta nên xác định chủ sở hữu theo thực tế quyền đinh đoạt”[15].

Qua những phân tích của tác giả về thực trạng pháp luật cũng như thực tiễn xét xử đối với vấn đề giải quyết trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tai nạn giao thông đường bộ gây ra, chúng ta nhận thấy pháp luật quy định về vấn đề này cũng còn tồn tại một số bất cập nhất định và thực tiễn xét xử không phải lúc nào cũng sự thống nhất với nhau. Vì vậy việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tai nạn giao thông đường bộ là một nhu cầu cấp thiết.


[1] Nguyễn Xuân Quang (2011), Một số vấn đề pháp lý về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguy hiểm cao độ gây ra,Tạp chí Khoa học pháp lý số 3/2011, tr.37

[2] Đỗ Văn Đại (2010), Luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam-Bản án và bình luận bản án, Nxb.Chính trị Quốc gia, tr.601

[3] Nguyễn Xuân Quang, Một số vấn đề pháp lý về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, Tạp chí khoa học pháp lý số 3/2011, tr.36

2.2. Một số kiến nghị góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật về trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại trong tai nạn giao thông

Sau khi đã tìm hiểu những hạn chế của pháp luật thực định cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tai nạn giao thông đường bộ, bên cạnh những ưu điểm thì bản thân nó cũng tồn tại những hạn chế nhất định. Có thể là thiếu một quy định nào đó hoặc có những quy định chưa rõ ràng, chặt chẽ thậm chí có sự nhầm lẫn trong việc xác định thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao ra hay do hành vi trái pháp luật của con người gây ra. Những hạn chế đó sẽ dẫn đến khó khăn trong cách hiểu và áp dụng pháp luật và dẫn đến trường hợp trong những trường hợp có sự giống nhau về mặt tình tiết nhưng mỗi Tòa khác nhau có cách giải quyết khác nhau. Chính vì vậy, việc tìm ra giải pháp để hoàn thiện quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại do tai nạn giao thông đường bộ là một việc làm cần thiết. Tác giả xin đưa ra một số kiến nghị sau:

  • Thứ nhất, tại khoản 1 BLDS 2005 cần bổ sung khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ.

Quy định tại khoản 1 Điều 623 BLDS 2005 như tác giả đã phân tích đây là quy định thiếu tính khái quát và gây khó khăn trong việc xác định nguồn nguy hiểm cao độ còn có thể bao gồm những gì ngoài những nguồn nguy hiểm cao độ mà điều luật đã liệt kê. Như vậy, chúng ta nên quy định khái niệm về nguồn nguy hiểm cao độ một cách khái quát dựa trên tính chất chung của chúng là tiềm tàng khả năng gây ra thiệt hại bất cứ lúc nào và vượt khỏi khả năng kiểm soát của con người kèm theo việc liệt kê một số nguồn nguy hiểm cao độ tiêu biểu để tạo thuận lợi trong việc áp dụng quy định này.

  • Thứ hai, cần sửa lại khoản 2 Điều 623 BLDS 2005

Khoản 2 Điều 623 BLDS 2005 quy định: “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Như tác giả đã phân tích đây là một quy định không rõ ràng và dễ tạo ra những sự nhầm lẫn trong việc áp dụng pháp luật khi xác định nguồn nguy hiểm cao độ là đã giao hay chưa giao. Do đó khoản này nên thiết kế lại theo hướng “…Nếu chủ sở hữu đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác thông qua giao dịch dân sự (như thông qua hợp đồng cho mượn, cho thuê) thì những người được giao này phải bồi thường…”.

  • Thứ ba, cần sửa lại quy định tại đoạn hai khoản 4 Điều 623 BLDS 2005

Như đã phân tích, điều luật này “bỏ sót”  chủ thể là người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không từ chủ sở hữu. Trong thực tiễn trường hợp giao lại và giao lại nhiều lần nguồn nguy hiểm cao độ là phổ biến, việc làm này thúc đẩy giao lưu dân sự phát triển và những loại giao dịch như trên pháp luật không cấm. Tuy nhiên quy định chủ thể phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại lại không bao gồm những người này là một sự thiếu sót của pháp luật, sự thiếu sót này vô tình làm hạn chế đi các giao dịch dân sự hợp pháp (các chủ thể sẽ do dự trong việc giao lại nguồn nguy hiểm cao độ vì khi thiệt hại xảy ra người được giao lại không phải chịu trách nhiệm bồi thường) và tạo ra sự bất công bằng. Do đó tác giả kiến nghị nên sửa đổi lại như sau: “Khi chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường”. Quy định như vậy chủ thể bồi thường thiệt hại sẽ không chỉ còn giới hạn ở chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ mà còn bao gồm cả những chủ thể được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không từ chủ sở hữu. Một quy định như vậy sẽ là hợp lý và công bằng hơn, góp phần thúc đẩy giao lưu dân sự phát triển.

  • Thứ tư, cần sửa đổi quy định tại điểm a khoản 3 Điều 623 BLDS 2005 được hướng dẫn tại điểm c mục 2 phần III NQ 03/2006

Quy định này buộc chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường ngay cả khi thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi vô ý của người bị thiệt hại. Đây là một quy định thiếu hợp lý vì dù là hoàn toàn do lỗi vô ý hay cố ý thì người bị thiệt hại cũng phải tự chịu trách nhiệm về hậu quả do lỗi của mình gây ra, hơn nữa sẽ khó có cách giải thích thuyết phục là tại sao thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại thì chủ thể được miễn trách nhiệm bồi thường còn hoàn toàn do lỗi vô ý của người bị thiệt hại thì chủ thể không được miễn trách nhiệm bồi thường? Do vậy, chúng ta cần nên tham khảo giá trị của các quy định trước đây về vấn đề này mà tác giả đã có dịp đề cập đến. Do vậy tác giả kiến nghị quy định trên cần được sử đổi như sau: “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây: Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại…” mà không cần phải phân biệt là thiệt hại xảy ra là lỗi cố ý hay vô ý vì dù là lỗi cố ý hay vô ý thì cũng nguyên nhân gây ra thiệt hại cũng là lỗi của người bị thiệt hại. Quy định như trên sẽ thuyết phục hơn.

  • Thứ năm, cần phải sửa đổi ví dụ tại điểm b  mục 2 phần III NQ 03/2006

Ví dụ này cụ thể như sau: “Chủ sở hữu biết người đó không có bằng lái xe ô tô, nhưng vẫn giao quyền chiếm hữu, sử dụng cho họ mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại”.  Như tác giả đã phân tích tại phần thực trạng pháp luật, quy định này là một quy định không hợp lý vì đã có sự “đánh đồng giữa việc giao dịch với việc sử dụng” mà hạn chế lớn nhất của quy định này là làm cản trở sự phát triển giao lưu dân sự. Việc bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại một cách quá mức cần thiết sẽ không đảm bảo được sự hài hòa giữa các lợi ích chung trong xã hội. Bởi lẽ quyền chiếm hữu, sử dụng đã được chuyển giao hợp pháp nhưng chủ sở hữu cũng không được giải phóng khỏi trách nhiệm. Nếu có thể thì quy định trên sẽ thay đổi theo hướng giải phóng trách nhiệm của chủ sở hữu trong trường hợp quyền chiếm hữu, sử dụng được chuyển giao hợp pháp và người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã xảy ra là người được chuyển giao, có như vậy mới tạo nên sự công bằng và hợp lý.

  • Thứ sáu, cần sửa đổi hướng dẫn tại điểm c mục 2 phần III NQ 03/2006

Điểm này hướng dẫn về trường hợp chủ thể không phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra khi thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại. Như tác giả đã phân tích, ví dụ được nêu ra tại hướng dẫn này “Xe ô tô đang tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật, thì bất ngờ có người lao vào xe để tự tử và hậu quả là người này bị thương nặng hoặc bị chết. Trong trường hợp này chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó không phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ (xe ô tô) gây ra” là ví dụ không hợp lý, ở đây NQ 03/2006 xác định thiệt hại thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ (xe ô tô) gây ra tuy nhiên theo tác giả thì thiệt hại đã xảy ra không phải do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra mà là do chính hành vi của người bị thiệt hại. Do vậy hướng dẫn tại điểm này cần được sửa đổi để có sự thống nhất trong cách hiểu và xác định khi nào là thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, khi nào là thiệt hại do hành vi của con người gây ra.

  • Thứ bảy, cần có một điều luật riêng quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong tai nạn giao thông do hành vi trái pháp luật của con người gây ra.

Như phần thực tiễn xét xử mà tác giả đã đề cập đến, việc thiếu một quy định riêng về bồi thường thiệt hại trong tai nạn giao thông do hành vi trái pháp luật của con người gây ra nhiều khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. Việc mỗi Tòa có một cách giải quyết khác nhau trong những vụ án có sự tương tự về mặt tình tiết, có sự áp dụng “nhầm” điều luật bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thay cho điều luật bồi thường thiệt hại do hành vi của con người gây ra hay thái độ “né tránh” việc nêu cơ sở pháp lý giải quyết, thậm chí có cả việc áp dụng kết hợp cả hai điều luật này với nhau. Cách giải quyết như vậy là linh hoạt nhằm bảo vệ được lợi ích của người bị thiệt hại một cách tối đa nhưng đó không là một cách giải quyết hoàn hảo, mang lại một kết quả thống nhất mà sẽ tùy thuộc vào từng Tòa cụ thể. Do vậy việc xây dựng một điều luật riêng trong trường hợp này là điều cần thiết trong bối cảnh tai nạn giao thông đường bộ xảy ra do hành vi của con người ngày càng phổ biến và đáng báo động như hiện nay.

KẾT LUẬN CHƯƠNG II

Nếu như Chương I tác giả tập trung phân tích những vấn đề về mặt lý luận và một số quy định của pháp luật có liên quan, thì Chương II tác giả đi sâu vào phân tích thực trạng pháp luật, tác giả chỉ ra một số bất cập của pháp luật gây ra những khó khăn cho việc áp dụng pháp luật. Chương II tác giả cũng đưa ra một số vụ án xét xử về vấn đề bồi thường thiệt hại do tai nạn giao thông và phân tích cách giải quyết của các Tòa, qua đó giúp chúng ta có một cái nhìn về mối quan hệ giữa thực tế quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng các quy định đó trong xét xử và dường như không phải lúc nào cũng có sự thống nhất giữa quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng các quy định đó. Từ việc tìm hiểu và phân tích những hạn chế về thực trạng pháp luật, thực tiễn xét xử, tác giả đưa ra một số kiến nghị góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tai nạn giao thông. Qua đó, mong rằng sẽ góp một phần rất nhỏ trong việc hoàn thiện chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng và Bộ luật Dân sự nói chung.

Nguồn: Uselaw.vn

Bài viết gốc:

  • http://uselaw.vn/tin-bai-phap-luat/trach-nhiem-lien-doi-boi-thuong-thiet-hai-trong-tngt-ky-1-167.html
  • http://uselaw.vn/tin-bai-phap-luat/trach-nhiem-lien-doi-boi-thuong-thiet-hai-trong-tngt-ky-2-168.html
  • http://uselaw.vn/tin-bai-phap-luat/trach-nhiem-lien-doi-boi-thuong-thiet-hai-trong-tngt-ky-3-169.html
  • http://uselaw.vn/tin-bai-phap-luat/trach-nhiem-lien-doi-boi-thuong-thiet-hai-trong-tngt-ky-4-170.html
  • http://uselaw.vn/tin-bai-phap-luat/trach-nhiem-lien-doi-boi-thuong-thiet-hai-trong-tngt-ky-cuoi-171.html
5/5 - (1 bình chọn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Lưu ý: Vui lòng không cung cấp SĐT ở Nội dung phản hồi để tránh bị người lạ làm phiền