Luật công pháp quốc tế: Khái niệm, thành phần, cơ cấu tổ chức, thẩm quyền, trình tự thủ tục và giá trị phán quyết của toàn án công lý quốc tế
I. Khái quát chung về Tòa án quốc tế (The International Court of Justice – ICJ)
Tiền thân của Tòa án Công lý Quốc tế (The International Court of Justice – ICJ) là Tòa án Thường trực Công lý Quốc tế (The Permanent Court of International Justice – PCIJ) – vốn là tòa án của Hội Quốc Liên ra đời vào năm 1922. Tòa PCIJ tồn tại cùng với sự tồn tại của Hội Quốc Liên cho tới khi UN được thành lập và ICJ ra đời thay thế cho PCIJ vào năm 1946.
Tòa án Công lý quốc tế được thành lập và hoạt động trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và Quy chế Tòa án Công lý quốc tế. Hiến chương Liên hợp quốc dành toàn bộ Chương XIV từ Điều 92 đến Điều 96 để quy định những vấn đề cơ bản về tổ chức, thẩm quyền và hoạt động của Tòa. Quy chế Tòa án Công lý quóc tế gồm 70 điều được coi là một phần phụ lục gắn bó hữu cơ với Hiến chương Liên hợp quốc. Trụ sở của ICJ đặt tại La Hay, Hà Lan.
1. Thành phần, cơ cấu tổ chức của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ)
Tòa án Công lý quốc tế gồm 15 thẩm phán có các quốc tịch khác nhau. Thẩm phán Tòa án Công lý quốc tế được Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bầu với nhiệm kỳ 9 năm và cứ mỗi năm bầu lại 1/3 số thẩm phán. Tiêu chuẩn để bầu thẩm phán Tòa án Công lý quốc tế căn cứ vào năng lực cá nhân, tương quan vị trí địa lý và đại diện cho các hệ thống pháp luật trên thế giới. Thẩm phán của tòa không được đảm nhiệm chức vụ chính trị, hành chính hoặc nghề nghiệp nào trong thời gian đương nhiệm. Bên cạnh các thẩm phán, khi phiên tòa mở ra, các bên tranh chấp có thể lựa chọn các thẩm phán ad hoc. Thẩm phán ad hoc là thẩm phán do một hoặc các bên tranh chấp không có thẩm phán mang quốc tịch nước mình trong thành phần của tòa đề cử tham gia Hội đồng xét xử.
Các phụ thẩm có thể được tòa lựa chọn hoặc theo yêu cầu của các bên tranh chấp tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp nhằm mục đích tranh thủ thêm sự đóng góp của các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động của tòa, nhất là trong các lĩnh vực kỹ thuật. Ban thư ký đảm trách các dịch vụ tư pháp và là bên lien lạc giữa tòa và các bên tranh chấp.
2. Chức năng của Tòa án Công lý quốc tế ( ICJ).
Tòa án Công lý quốc tế có 2 chức năng chính:
– Chức năng giải quyết tranh chấp: ICJ là cơ quan có chức năng giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các quốc gia thành viên Liên hợp quốc và các quốc gia không phải thành viên Liên Hợp quốc (thỏa mãn những điều kiện do Đại hội đồng quyết định ). Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của tòa được xác định theo 3 phương thức: Chấp nhận thẩm quyền của tòa theo từng vụ việc, Chấp nhận trước quyền của Tòa trong các điều ước quốc tế, Tuyên bố đơn phương chấp nhận trước thẩm quyền của tòa.
– Chức năng đưa ra kết luận tư vấn: ICJ thực hiện chức năng đưa ra kết luật tư vấn khi Đại hội đồng hay Hội đồng bảo an Liên hợp quốc yêu cầu, liên quan đến những vấn đề pháp lý phát sinh trong thực tiễn hoạt động của các cơ quan này. Các quốc gia không có quyền yêu cầu tòa đưa ra kết luận tư vấn về tranh chấp của mình. Các ý kiến tư vấn chỉ mang tính chất khuyến nghị.
3. Thủ tục tố tụng tại phiên tòa.
ICJ tiến hành giải quyết tranh chấp quốc tế theo trình tự đầy đủ hoặc rút gọn. Thành phần của một phiên tòa là tối thiểu 9 thẩm phán. Trình tự đầy đủ gồm 2 giai đoạn: giai đoạn tiến hành các thủ tục bổ trợ và giai đoạn xét xử nội dung vụ việc. Trong phạm vi chức năng của mình, tòa có thể lập ra ba loại tòa đặc thù: tòa rút gọn trình tự tố tụng, tòa đặc biệt, tòa ad hoc. Được quy định rất rõ trong chương III Quy chế Tòa Công lý quốc tế.
Thủ tục xét xử một vụ tranh chấp trước tòa được quy định cụ thể trong quy chế của Tòa án Công lý quốc tế. Quá trình thụ lý gồm hai giai đoạn: 1, Thủ tục viết trong đó các quốc gia hoàn thành và trao đổi bị vong lục về lập luận của từng bên và các lý lẽ luận tội hay bào chữa; 2, Thủ tục nói ( Tranh tụng trước tòa ) trong đó tòa sẽ nghe ý kiến các bên, các luật sư và cố vấn trong phiên tòa xét xử công khai.
Ngoài thủ tục chung gòm hai giai đoạn này cho bất kỳ một vụ tranh chấp nào đưa ra trước tòa, thủ tục xét xử của tòa theo từng trường hợp sẽ được tiến hành theo những bước sau:
– Các bên nộp đơn kiện lên Tòa và cử đại diện liên lạc của mình.
– Tòa tiến hành các thủ tục bổ trợ cho thủ tục chính về xét xử nội dung : Tòa sẽ xem xét xác định thẩm quyền của mình trong từng vụ việc cụ thể được nêu. Trong từng trường hợp cần thiết, tòa có thể ra những biện pháp bảo đảm tạm thời cần thiết để bảo vệ quyền lợi cho mỗi bên. Hợp các các vụ án có mục tiêu tranh chấp chung. Khả năng xử án vắng mặt. Tòa xem xét khả năng can dự vào vụ việc từ bên thứ ba.
– Tòa xét xử về mặt nội dung của vụ việc
– Ra quyết định cuối cùng phân giải tranh chấp.
4. Phán quyết của Tòa án Công lý quốc tế.
a. Phán quyết của tòa được tuyên bố công khai
Phán quyết của tòa được trình bày dưới dạng song ngữ, mỗi trang đối nhau dành cho một ngôn ngữ. Các phán quyết thường có độ dài trung bình là 50 trang cho 1 thứ tiếng (tối thiểu là 10, tối đa 271 trang) Toàn văn của phán quyết được chia thành các mục nhỏ và được đánh số. Khác với thực tiễn trọng tài quốc tế, phán quyết của tòa án công lý quốc tế được tuyên bố công khai tại gian chính của Cung điện hòa bình.
b. Phán quyết của tòa mang tính bắt buộc đối với các bên.
Các phán quyết của tòa có giá trị chung thẩm và bắt buộc với các bên. Nguyên tắc này được áp dụng cho tất cả các phán quyết của Tòa toàn thể cũng như Tòa rút gọn, Cho tất cả các phán quyết chỉ rõ giải pháp cho tranh chấp hay các nuyên tắc có thể áp dụng cho tất cả các phán quyết có hay không các quy định về tài chính.
c. Phán quyết của tòa không có giá trị ràng buộc với bên thứ 3.
Quyết định của tòa chỉ có giá trị bắt buộc đối với các bên tranh chấp và chỉ trong vụ án đó ( điều 59 quy chế của tòa ) Tuy nhiên có thể nhận thấy rằng mặc dù phán quyết của tòa không ràng buộc các bên đứng ngoài tranh chấp nhưng nó có tác động gián tiếp tới các nước này.
Để lại một phản hồi